Quản lý tài chính cá nhân không phải câu chuyện mới nhưng luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm từ nhiều người, đặc biệt là những người trẻ, bởi thực sự đó là một phạm trù nói thì dễ nhưng làm thì không dễ chút nào.
Đó cũng là lý do mà nhiều người đều phải công nhận rằng: “Kiếm tiền đã khó mà tiêu tiền còn khó hơn” hay “kiếm tiền nhờ cơ hội, tiêu tiền nhờ trí tuệ”.
Vậy, quản lý tài chính cá nhân là gì? Để tránh mắc sai lầm khi thực hiện quản lý tài chính cá nhân chúng ta cần tuân theo những nguyên tắc nào hay áp dụng những phương pháp hiệu quả nào? Cùng tìm lời giải đáp trong bài viết dưới đây nhé!
1. Hiểu về tài chính cá nhân và quản lý tài chính cá nhân
1.1 Tài chính cá nhân là gì?
Tài chính cá nhân là quá trình lập kế hoạch và quản lý các hoạt động tài chính cá nhân như tạo thu nhập, chi tiêu, đầu tư, tiết kiệm và phòng hộ. Quá trình quản lý tài chính cá nhân của mỗi người có thể tóm tắt trong bảng ngân sách hoặc kế hoạch tài chính.
Cụ thể, quản lý tài chính cá nhân bao gồm các hoạt động: lập ngân sách, lên kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm các nguồn tiền, mua bảo hiểm, lập kế hoạch bất động sản hay hưu trí và hướng đầu tư trong một khoảng thời gian nhất định, có tính đến các rủi ro tài chính và các sự kiện trong tương lai.
Hiểu một cách đơn giản nhất thì quản lý tài chính cá nhân có nghĩa là sử dụng đồng tiền sao cho hiệu quả nhất, bao gồm việc hiểu được tình hình tài chính của mình để tận dụng tối đa tàn sản của mình trong cuộc sống hàng ngày và trong việc lập kế hoạch cho tương lai.
Trong quá trình xây dựng kế hoạch quản lý tài chính cá nhân, mỗi người cần xem xét nhiều yếu tố như kế hoạch đó có phù hợp với khả năng thu nhập và nhu cầu của bản thân, có đáp ứng được mục tiêu tài chính hay mong muốn cá nhân hay không – để từ đó có kế sách toàn diện để đáp ứng những nhu cầu đó trong khả năng tài chính của mình.
Ngoài ra, trong kế hoạch quản lý tài chính cá nhân còn bao gồm cả việc liên tục học hỏi và nghiên cứu về lĩnh vực tài chính nói chung như tiền tệ, ngân hàng, tín dụng, các kênh đầu tư, các khoản nợ để xây dựng được cấu trúc tài chính vững chắc.
1.2 Tầm quan trọng của việc quản lý tài chính cá nhân
Nhiều người thường có suy nghĩ sai lầm rằng “tôi sẽ quản lý khi có nhiều tiền”. Hãy gạt bỏ ngay suy nghĩ đó nếu muốn một cuộc sống thoải mái về vật chất, tự chủ và tiến tới mục đích cuối cùng là tự do tài chính – có thể được xem là ngọn nguồn cho nhiều sự tự do khác.
Quản lý tài chính là một khía cạnh đặc biệt quan trọng trong cuộc sống của mỗi cá nhân, kể cả với người giàu có hay người thu nhập thấp. Nếu không có kế hoạch quản lý tài chính phù hợp, cuộc sống của chúng ta sẽ loay hoay trong vòng tròn của những khoản nợ tín dụng hay những hóa đơn cần thanh toán.
Sự thật thì tình trạng quản lý tài chính cá nhân chưa hiệu quả tồn tại trong những việc bất cập như: có người dành nhiều quan tâm cho đầu tư hay tiết kiệm nhưng lại chưa hình thành thói quen theo dõi chi tiêu, không có kế hoạch cụ thể dẫn đến chi tiêu quá đà, vượt định mức. Trong khi đó, không ít người lại tằn tiện quá mức trong chi tiêu thay vì tiết kiệm để quản lý tài chính cá nhân.
Như vậy, với kế hoạch và phương pháp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả như kiểm soát chi tiêu hợp lý, kiểm soát vốn và các kênh đầu tư thông minh, đồng thời hạn chế tối đa các rủi ro thì ta sẽ nhanh chóng rũ bỏ được những áp lực tài chính và đạt được mức tự do tài chính như mong muốn.
Quản lý tài chính cá nhân còn giúp chúng ta :
- Kiểm soát hoạt động của dòng tiền và nhận thức rõ về tình hình tài chính của mình hơn, để từ đó biết được mình cần cải thiện nguồn thu nhập như thế nào hoặc có cần phải giảm chi tiêu hay không, hoặc đầu tư vào kênh nào phù hợp.
- Khi am hiểu về quản lý tài chính cá nhân, ta có cơ hội thực hiện cũng như biết được khả năng đạt được các mục tiêu tài chính trong tương lại như mua sắm những tài sản có giá trị như nhà, mua xe, hay những kế hoạch đầu tư tài chính khác.
- Một kế hoạch quản lý tài chính cá nhân phù hợp sẽ giúp ta chủ động tài chính trong mọi trường hợp, quản lý tốt cũng như hạn chế các khoản nợ, từ đó gia tăng tài sản và các khoản tiết kiệm của mình.
Đặc biệt, trong một thế giới mà tài sản và các khoản đầu tư di chuyển nhanh chóng và mỗi người đều liên kết tài khoản ngân hàng của mình với vô số dịch vụ và mua hàng chỉ bằng một nút bấm, quản lý tài chính trở thành một hoạt động quan trọng hơn bao giờ hết.
Xem thêm: Chia sẻ cách quản lý rủi ro và quản lý vốn trong Forex
2. Các khía cạnh cụ thể của tài chính cá nhân là gì?
Những lĩnh vực quan trọng của tài chính cá nhân bao gồm:
#1 Thu nhập (Income)
Là nguồn tiền mặt mà cá nhân nhận được để sử dụng hỗ trợ bản thân và gia đình, cũng là điểm khởi đầu cho quá trình lập kế hoạch tài chính. Các nguồn thu nhập phổ biến là: Lương, tiền thưởng, tiền lương theo giờ, lương hưu, cổ tức.
#2 Chi tiêu (Spending)
Bao gồm các loại chi phí mà cá nhân cần chi liên quan đến việc mua hàng hóa và dịch vụ (không phải đầu tư), có thể trả bằng tiền mặt hoặc tín dụng.
Các khoản chi tiêu phổ biến là: Tiền thuê nhà, thanh toán thế chấp, thuế, tiền mua đồ ăn, giải trí, du lịch, thanh toán thẻ tín dụng.
Các khoản này làm giảm lượng tiền tiết kiệm và đầu tư. Quản lý chi phí cũng quan trọng như việc tạo ra thu nhập, và thói quen tiêu lành mạnh là rất quan trọng để quản lý tài chính cá nhân tốt.
#3 Tiết kiệm (Savings)
Là khoản tiền dư lại được giữ lại để đầu tư hoặc chi tiêu trong tương lai. Các hình thức tiết kiệm phổ biến bao gồm: Tiền mặt, Tài khoản tiết kiệm ngân hàng, Tài khoản ngân hàng vãng lai, Chứng khoán của thị trường tiền tệ. Quản lý tiết kiệm là một lĩnh vực quan trọng của tài chính cá nhân.
#4 Đầu tư (Investing)
Là hoạt động liên quan đến việc mua các tài sản được kỳ vọng sẽ tạo ra tỷ suất sinh lời, với hy vọng rằng theo thời gian cá nhân đó sẽ nhận lại được nhiều tiền hơn số tiền họ đã đầu tư ban đầu.
Đầu tư mang theo rủi ro, và không phải tất cả tài sản đều thực sự tạo ra tỷ suất sinh lợi dương.
Các hình thức đầu tư phổ biến bao gồm: Cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương hỗ, bất động sản, công ty tư nhân, hàng hóa và tác phẩm nghệ thuật…
Đầu tư là lĩnh vực phức tạp nhất của quản lý tài chính cá nhân và chúng ta cần nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ những chuyên gia để có những quyết định đầu tư đúng đắn.
#5 Phòng hộ rủi ro (Protection)
Phòng hộ rủi ro cá nhân bao gồm các sản phẩm có thể được sử dụng để bảo vệ chống lại các sự kiện bất lợi và không lường trước được. Các sản phẩm bảo vệ thông thường bao gồm: Bảo hiểm nhân thọ, Bảo hiểm y tế, Quy hoạch bất động sản.
Đây là một lĩnh vực tài chính cá nhân quan trọng và khá phức tạp khác mà chúng ta cần phân tích, đánh giá đúng về nhu cầu này.
Xem thêm: Quản trị rủi ro tài chính là gì? Kế sách quản trị rủi ro hiệu quả
3. Những nguyên tắc và bí quyết trong quản lý tài chính cá nhân
Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả không phải là công việc đơn giản, không thể thực hiện ngày một ngày hai mà thành công. Tuy nhiên, chúng ta có thể bắt đầu từ những bước nhỏ nhất, đơn giản nhất.
3.1 Liệt kê các mục tiêu tài chính càng chi tiết càng tốt
Hãy dành một chút thời gian để viết các mục tiêu tài chính dài hạn, như thực hiện một chuyến đi kéo dài một tháng đến châu Âu, mua một bất động sản đầu tư hoặc nghỉ hưu sớm. Việc viết ra các mục tiêu tài chính dài hạn cụ thể và theo thứ tự ưu tiên là vô cùng quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng tới cách lập kế hoạch quản lý tài chính sau này.
- Đặt các mục tiêu dài hạn như trả các khoản nợ, mua nhà hoặc nghỉ hưu sớm. Những mục tiêu này tách biệt với các mục tiêu ngắn hạn, chẳng hạn như tiết kiệm để có một chuyến du lịch.
- Đặt các mục tiêu ngắn hạn, chẳng hạn như tuân theo ngân sách, cắt giảm chi tiêu, giảm thanh toán sử dụng thẻ tín dụng.
- Ưu tiên các mục tiêu để giúp cho việc lập một kế hoạch tài chính rõ ràng và chi tiết hơn.
3.2 Xây dựng kế hoạch quản lý tài chính cá nhân phù hợp
Lập 1 kế hoạch là công việc thiết yếu để đạt được mục tiêu tài chính cho cá nhân và gia đình. Kế hoạch có thể bao gồm nhiều bước cùng nhiều mốc quan trọng và thông thường bao gồm: lập ngân sách hàng tháng, kế hoạch chi tiêu sau đó trả hết các khoản nợ nần.
Khi hoàn thành 3 việc trên và tiếp tục cho kế hoạch mới trong một vài tháng tiếp sẽ giúp giải phóng ta khỏi các khoản nợ và có thêm tiền mặt, là bước đệm để thực hiện các mục tiêu tiếp theo.
Ngoài ra, việc lập kế hoạch là chìa khóa để quyết định những thứ ưu tiên nào là quan trọng với bản thân: hướng tới các mục tiêu dài hạn song song với việc tập trung vào các mục tiêu quan trọng nhất trong ngắn hạn đã được vạch ra.
Khi lập kế hoạch tài chính, hãy nhớ những điều sau:
- Ngân sách là chìa khóa thành công, là công cụ giúp kiểm soát tốt nhất tương lai tài chính của mình, là chìa khóa để đạt được phần còn lại của kế hoạch.
- Luôn luôn tập trung cho các mục tiêu dài hạn, chẳng hạn như tiết kiệm để nghỉ hưu, bất kể giai đoạn kế hoạch tài chính của mình là gì.
- Xây dựng quỹ khẩn cấp là một yếu tố then chốt khác trong thành công về tài chính và giảm áp lực với tiền bạc.
3.3 Nghiêm túc bám sát ngân sách đã hoạch định
Ngân sách là một trong những công cụ quan trọng nhất giúp ta phân bổ tài chính hợp lý, từ đó đạt thành công về mặt tài chính. Ngân sách cũng sẽ giúp đưa ra các quyết định cách tiêu tiền trong những tháng và năm tới, do đó việc tuân theo nó là việc nên làm.
- Sử dụng phần mềm lập ngân sách với ứng dụng dành cho thiết bị di động để có thể nhập chi tiêu theo thời gian thực.
- Lập kế hoạch chi tiêu trước để tránh bất kỳ khoản bội chi nào.
3.4 Ưu tiên trả các khoản nợ trước, tránh tình trạng nợ xấu
Nợ nần là một trở ngại lớn đối với nhiều người khi muốn đạt được các mục tiêu tài chính. Do đó, trả nợ nên được ưu tiên thực hiện trước và sau khi hoàn toàn hết nợ, hãy cam kết không mắc nợ cũng như hạn chế tối đa sử dụng thẻ tín dụng.
3.5 Đừng ngại xin lời khuyên quản lý tài chính cá nhân từ các chuyên gia
Trong kế hoạch quản lý tài chính cá nhân có những khía cạnh phức tạp mà chúng ta không thể tự quyết định được, như việc lựa chọn các kênh đầu tư và đầu tư như thế nào. Khi đó hãy tham khảo ý kiến của một nhà hoạch định tài chính để đưa ra quyết định đầu tư khôn ngoan.
Một cố vấn tài chính tốt sẽ chỉ ra được những rủi ro liên quan đến mỗi khoản đầu tư, giúp tìm ra sản phẩm phù hợp với khả năng và nhu cầu hoàn vốn đầu tư của mình, đồng thời giúp ta đạt được mục tiêu của mình nhanh nhất có thể.
Xem thêm: Bật mí 11 cách đầu tư kiếm tiền hiệu quả bạn không nên bỏ lỡ
4. Những phương pháp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả được nhiều người thành công áp dụng
Có rất nhiều phương pháp quản lý tài chính cá nhân khác nhau và việc lựa chọn hình thức nào còn tùy thuộc vào với lối sống cũng như tình trạng tài chính của mỗi người.
Dưới đây là 3 phương pháp quản lý tài chính cá nhân vô cùng phổ biến, đơn giản và phù hợp rộng rãi với nhiều người.
4.1 Quản lý tài chính cá nhân với quy tắc 50/20/30
Quy tắc 50/20/30 là nguyên tắc quản lý tài chính đơn giản, dễ hiểu nhất được đề cập trong cuốn sách: “All your worth: The ultimate lifetime money plan” năm 2005 do thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, bang Massachusetts giới thiệu.
Trong quy tắc này, thu nhập sẽ được chia vào 3 nhóm chính với tỷ lệ phần trăm tương ứng: Nhóm nhu cầu thiết yếu – 50%, Nhóm dành cho tiết kiệm và đầu tư – 20% và Nhóm dành cho mong muốn và sở thích cá nhân – 30%.
Đây là quy tắc đơn giản nhất, dễ thực hiện và linh hoạt dựa trên mức thu nhập của mỗi người để ổn định mức sống, nhu cầu cá nhân, tích lũy. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, chúng ta nên tìm hiểu kỹ càng nhiều yếu tố và đặc biệt cần linh hoạt để điều chỉnh phù hợp với tình trạng tài chính hiện tại.
Quy tắc 50/20/30 này được đánh giá hiệu quả và với những người đi làm nhiều năm, không có khoản nợ tài chính, nhưng đối với người trẻ đang trong quá trình khởi nghiệp, hoặc đang có tình hình tài chính eo hẹp thì có thể tham khảo nguyên tắc 6 chiếc lọ dưới đây.
4.2 Quản lý tài chính cá nhân bằng 6 chiếc lọ
Phương pháp quản lý tài chính với nguyên tắc 6 chiếc lọ là một công thức quản lý tài chính cá nhân nổi tiếng được cả thế giới công nhận và áp dụng hiệu quả với rất nhiều cá nhân thành đạt.
So với quy tắc 50/20/30, nguyên tắc 6 chiếc lọ cụ thể hơn và được đánh giá cao về sự hiệu quả cũng như mức độ phù hợp với tất cả mọi cá nhân ở mọi mức độ tài chính.
Với nguyên tắc này, toàn bộ thu nhập trong tháng (bao gồm lương, thưởng, lợi nhuận đầu tư hay bất cứ nguồn thu nhập nào khác) sẽ được chia nhỏ thành 6 chiếc lọ được đánh dấu – tượng trưng cho 6 tài khoản khác nhau với số phần trăm tương ứng.
- Lọ 1 – Tài khoản cho nhu cầu thiết yếu (NEC) – 55% tổng thu nhập
- Lọ 2 – Tài khoản tiết kiệm dài hạn – 10% tổng thu nhập
- Lọ 3 – Tài khoản hưởng thụ (PLAY) – 10% tổng thu nhập
- Lọ 4 – Tài khoản cho giáo dục (EDU) – 10% tổng thu nhập
- Lọ 5 – Tài khoản tự do tài chính (Tài khoản đầu tư) (FFA) – 10% tổng thu nhập
- Lọ 6 – Tài khoản cho đi (GIVE) – 5% tổng thu nhập
Nguyên tắc 6 chiếc lọ này thường được ca ngợi như một chìa khóa vàng để thành công trong quản lý tài chính cá nhân nhưng khi áp dụng, cần lưu ý những vấn đề như: áp dụng nguyên tắc này như một thói quen hàng ngày, điều chỉnh các tỷ lệ phần trăm cho phù hợp nhất với mức sống cũng như mức độ tài chính của mình, tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc của từng lọ và đặc biệt tập trung phát triển tài khoản Tự do tài chính.
4.3 Sổ Kakeibo – Quản lý tài chính cá nhân theo phong cách của người Nhật
Sổ Kakeibo có nghĩa là “sổ ghi chép chi tiêu tài chính”. Hiểu đơn giản thì phương pháp này chính là “ghi lại tất cả những gì mình đã tiêu xài theo những phân loại cụ thể”.
Được ra mắt lần đầu tiên từ năm 1904 từ một nữ nhà báo Nhật Bản có tên là Motoko Hani, phương pháp Kakeibo đã nhanh chóng được người Nhật yêu tích và sử dụng như một công cụ quản lý tài chính cá nhân hiệu quả cho đến ngày nay. Điều đặc biệt là những chi chép được thực hiện trên giấy chứ không phải đánh máy.
Việc thực hiện phương pháp Kakeibo cũng khá đơn giản thông qua các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị một cuốn sổ tay bất kỳ hay download sổ tay Kakeibo được dựng sẵn trên mạng về.
Bước 2: Ghi lại các khoản thu nhập của bản thân
Bước 3: Ghi chi tiết các khoản chi theo những phân loại cụ thể:
- Mục nhu cầu thiết yếu: thực phẩm, thuốc men, tiền xăng xe, khóa học…
- Mục nhu cầu không thiết yếu có thể lựa chọn: cafe, nhà hàng, thời trang đồ xa xỉ,…
- Mục nhu cầu giải trí, tinh thần xem phim, mua sách báo, du lịch, ca nhạc…
- Mục phát sinh ngoài dự kiến: quà tặn, hiếu hỉ, sinh nhật, ốm đau,…
Bước 4: Xác định số tiền mình muốn tiết kiệm trong tháng, cất riêng khoản này đi, và cam kết không sử dụng khoản tiền này.
Bước 5: Xem xét và đánh giá lại khoản chi tiêu vào cuối tháng để có điều chỉnh cho phù hợp.
Phương pháp đơn giản này phần nào cho thấy triết lý và góc nhìn của người Nhật Bản về việc chi tiêu cũng như rèn luyện thói quen quản lý tài chính cá nhân: tập trung vào thực phẩm khoa học nhưng không lãng phí, xây dựng và duy trì thói quen tiết kiệm…
Lời kết
Quản lý tài chính cá nhân mà đặc biệt là việc tối ưu hóa việc chi tiêu luôn được xem là hoạt động quan trọng trong cuộc sống. Hai năm qua, dịch bệnh đã làm thay đổi nhiều mặt của đời sống, ảnh hưởng đến việc quản lý thu nhập, chi tiêu, đầu tư của hầu hết mọi người và cũng khiến quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, hỗ trợ đắc lực cho việc quản lý tài chính cá nhân.
Giờ đây, người trẻ có nhiều hình thức để quản lý tài chính cá nhân hơn, phải kể đến là các app quản lý và theo dõi ngân sách như Money Lover, Spendee, MISA Money Keeper (MISA)…
Việc lập kế hoạch quản lý tài chính cá nhân là càng sớm càng tốt, nhưng cũng không bao giờ là quá muộn để mang lại cho chúng ta và gia đình sự an toàn và tự do về tài chính.