VNREBATES

Báo cáo COT là gì? Cách sử dụng báo cáo COT trong giao dịch

25.05.2022, 08:00 14 phút đọc

Báo cáo cam kết của nhà giao dịch – hay còn gọi là báo cáo COT, là một công cụ quan trọng trong việc phân tích tâm lý thị trường. Báo cáo này cung cấp cho anh em số lượng các lệnh mua bán các loại tài sản khác nhau, từ các thành phần khác nhau trên thị trường, qua đó trở thanh cơ sở quan trọng giúp chúng ta xác định tâm lý thị trường và đưa ra quyết định giao dịch.

Nếu áp dụng phương pháp phân tích tâm lý thị trường trong quá trình giao dịch, thì anh em không thể bỏ qua một công cụ vô cùng hữu ích là báo cáo COT. Trong bài viết hôm nay, mình sẽ cùng anh em tìm hiểu về vai trò, cách sử dụng cũng như ứng dụng thực tế của công cụ này, giúp anh em có thể sử dụng nó một cách dễ dàng và thuận tiện hơn.

#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading

1. Kiến thức chung về báo cáo COT

1.1. Báo cáo COT là gì?

Báo cáo cam kết của nhà giao dịch, viết tắt là COT, là một ấn phẩm hàng tuần cung cấp dữ liệu về tổng số tài sản nắm giữ, tổng số lệnh mua lệnh bán của các thành phần tham gia khác nhau trên thị trường kỳ hạn của Hoa Kỳ.

Báo cáo COT được xuất bản thứ 6 hàng tuần, bởi Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC), vào khoảng 9h – 9h30 tối theo giờ Việt Nam. Báo cáo này cung cấp cho các nhà đầu tư thông tin cập nhật về hoạt động của thị trường kỳ hạn, qua đó góp phần tăng tính minh bạch của các sàn giao dịch phức tạp này, đặc biệt là thị trường Forex.

báo cáo COT

Trang chủ CFTC

Để hiểu hơn về ý nghĩa của báo cáo COT, chúng ta nói qua một chút về thị trường kỳ hạn.

Thị trường kỳ hạn, hay còn gọi là thị trường giao chậm hoặc thị trường tương lai, là thị trường mà các nhà giao dịch thực hiện một thỏa thuận mua bán ở một thời điểm trong tương lai, với giá ấn định ở thời điểm hiện tại.

Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta phải theo dõi dữ liệu từ thị trường tương lai mà không theo dõi số liệu của thị trường giao ngay? Đó là bởi vì thị trường giao ngay (giống như thị trường forex mà chúng ta giao dịch) không phải thị trường tập trung, và không lưu lại “hóa đơn” cho các giao dịch, do đó dữ liệu tổng hợp không được thống kê.

Chính vì vậy, theo dõi thị trường kỳ hạn chính là cách để chúng ta theo dõi được hoạt động của thị trường, theo dõi các thành phần tham gia, đặc biệt là các Bigboys đang làm gì và dòng tiền của họ đang luân chuyển tới đâu.

Xem thêm: Hợp đồng tương lai là gì ? Đầu cơ hợp đồng tương lai ra sao ?

1.2. Các thành phần tham gia thị trường kỳ hạn

Dữ liệu trong báo cáo COT được đo lường cụ thể của từng nhóm nhà giao dịch khác nhau, và mỗi nhóm trong đó lại có những tác động khác nhau tới thị trường. Do đó, trước hết chúng ta cần biết họ là ai, họ đóng vai trò gì trong thị trường kỳ hạn.

Nhóm 1: Hedgers – Các nhà giao dịch thương mại

Nhà giao dịch thương mại trong thị trường kỳ hạn là những người muốn tự bảo vệ mình trước những biến động giá bất ngờ.

Các nhà sản xuất nông nghiệp muốn giảm thiểu rủi ro từ sự thay đổi giá hàng hóa là một phần của nhóm này. Bên cạnh đó, các ngân hàng, doanh nghiệp muốn bảo vệ mình trước sự thay đổi đột ngột của giá cũng là các Hedgers.

Ví dụ, công ty A ở Mỹ muốn mua một lượng lớn hàng hóa từ Úc, họ sẽ nhận hàng sau 3 tháng nữa và phải trả bằng đồng AUD tại thời điểm nhận hàng – tức là 3 tháng sau.

Trong trường hợp này, nếu như giá trị đồng AUD sau 3 tháng nữa tăng lên, công ty A sẽ phải trả nhiều USD hơn cho số hàng đó. Vì vậy họ đã mua hợp đồng tương lai AUD, tức là mua đồng AUD vào 3 tháng sau với giá hiện tại. Điều này tương đương với việc lượng AUD công ty A phải trả cho hàng hóa vào 3 tháng sau đã được thanh toán bằng USD ở thời điểm hiện tại, loại bỏ được rủi ro tỷ giá tăng.

Công ty A lúc này chính là một Hedger. Đặc điểm của các Hedgers là họ thường mua đáy – bán đỉnh, nhưng điều họ quan tâm không phải lợi nhuận, mà là đảm bảo an toàn cho tài sản của mình.

Nhóm 2: Nhà đầu cơ lớn

Nhà đầu cơ lớn còn được gọi là nhà giao dịch phi thương mại. Trái ngược với các nhà giao dịch thương mại, mục tiêu của nhóm này là kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá chứ không quan tâm đến việc sở hữu tài sản.

Các nhà giao dịch phi thương mại thường nắm giữ các tài khoản khổng lồ, và cũng được coi là những big players trên thị trường. Hoạt động giao dịch của nhóm này có thể khiến cho thị trường biến động mạnh.

Nguyên tắc của các nhà giao dịch phi thương mại thông thường là thuận theo xu hướng. Họ mua trong xu hướng tăng và bán trong xu hướng giảm, đồng thời sẽ bổ sung vị thế (hay có thể hiểu là nhồi lệnh) cho đến khi giá có dấu hiệu đảo chiều.

Nhóm 3: Nhà đầu cơ nhỏ – Retail Traders

Đây có thể nói là nhóm đông nhất trên thị trường, nhưng thực tế tầm ảnh hưởng lại nhỏ nhất vì lượng tài sản của họ khá ít ỏi. Hành vi giao dịch của nhóm này thường được biết đến là chống lại xu hướng, với tâm lý cố gắng bắt đỉnh để bán ra trong xu hướng tăng, hoặc bắt đáy – mua vào trong khi giá vẫn trong xu hướng giảm.

Tất nhiên, cũng có những lúc họ bắt đỉnh – đáy thành công. Tuy nhiên, về tổng thể nhóm này có sức ảnh hưởng rất nhỏ đến thị trường.

Xem thêm: Đầu cơ là gì? Đâu là sự khác biệt giữa nhà đầu cơ và nhà giao dịch

#Thực_chiến_NGHỀ_Trading

2. Cách đọc báo cáo COT

Chúng ta sẽ cùng đến với các bước chi tiết để đọc hiểu báo cáo COT.

2.1. Mở báo cáo COT

COT được xuất bản bởi CFTC, do đó anh em có thể tìm thấy báo cáo này ở trang chủ của tổ chức này.

Anh em truy cập liên kết sau:  https://www.cftc.gov/MarketReports/CommitmentsofTraders/index.htm

Đây chính là địa chỉ truy cập báo cáo COT theo thời gian thực, tức là anh em sẽ thấy được báo cáo cập nhật mới nhất tại thời điểm truy cập. Hãy kéo xuống dưới một đoạn, anh em sẽ thấy 3 bảng dữ liệu khác nhau, trong đó:

  • Current Disaggregated Reports: là báo cáo cho từng nhóm hàng hóa riêng biệt, bao gồm hàng hóa nông nghiệp, năng lượng, kim loại…
  • Financial Futures Reports: là báo cáo cho tổng thể thị trường tài chính tương lai
  • Current Legacy Reports: đây là báo cáo phổ biến nhất đối với các trader, với thông tin về các thị trường khác nhau, trong đó bao gồm cả thị trường ngoại hối.

Để dễ dàng tiếp cận, và cũng tránh gây rối thông tin cho anh em, mình sẽ chỉ phân tích về báo cáo của thị trường CME – Chicago Mercantile Exchange. Đây là thị trường phái sinh toàn cầu lớn nhất thế giới, do đó dữ liệu của nó có thể nói là quan trọng nhất phục vụ việc phân tích tâm lý thị trường của anh em.

Để mở báo cáo này, anh em cần tìm đến hàng Chicago Mercantile Exchange trong bảng Current Legacy Reports. 

báo cáo COT

Mở COT của thị trường CME

Anh em sẽ thấy hai cột lớn là Futures Only (chỉ hợp đồng tương lai) và Futures and Options Combined (cả hợp đồng tương lai và quyền chọn). Ở đây chúng ta sẽ chỉ sử dụng hợp đồng tương lai.

Trong cột lớn này, chúng ta lại có hai cột nhỏ là Long Format và Short Format, có thể hiểu lần lượt là định dạng báo cáo đầy đủ và rút gọn. Chúng ta chỉ cần sử dụng báo cáo rút gọn nên anh em sẽ mở Short Format nhé.

Sau khi mở ra, anh em sẽ thấy một khối văn bản khổng lồ, nhưng đừng lo lắng vì anh em sẽ dễ dàng tìm thấy những thứ mình cần, và mình cũng sẽ giải thích những gì mà anh em thấy một cách chi tiết.

Giả sử bây giờ anh em muốn nghiên cứu về đồng GBP, chỉ cần mở công cụ tìm kiếm trên trình duyệt (thường là Ctrl + F), sau đó gõ từ khóa GBP, hoặc british pound, ngay lập tức anh em sẽ được đưa đến vị trí chứa thông tin về đồng tiền này.

Anh em cần tập trung vào các thông tin trong khu vực của đồng tiền này, như mình cắt ra trong hình dưới đây:

báo cáo COT

Báo cáo COT của đồng bảng Anh

Các thông tin chúng ta cần tiếp nhận bao gồm:

  • Commercial: là dữ liệu cam kết của nhóm các nhà giao dịch thương mại (nhóm 1)
  • Non-Commercial: dữ liệu từ nhóm các nhà đầu cơ (cả nhóm 2 và nhóm 3)
  • Long: lượng hợp đồng được mở với vị thế mua
  • Short: lượng hợp đồng của vị thế bán
  • Open interest: thể hiện số hợp đồng chưa được thực hiện
  • Number of traders: tổng số nhà giao dịch thực hiện báo cáo này 
  • Non-reportable positions: số lượng các vị thế không đáp ứng yêu cầu có thể đưa vào báo cáo (thường là của các trader nhỏ lẻ)

Trong các dãy số bên dưới, anh em có thể đọc được số liệu tương ứng đối với từng mục nêu ra phía trên, ví dụ như số lượng hợp đồng mua của các nhà giao dịch thương mại có giá trị là 24.469 GBP, với 18 nhà giao dịch thực hiện báo cáo.

Trong một bản báo cáo COT như thế này có rất nhiều thông tin khác nhau, nhưng anh em không nhất thiết phải chú ý đến tất cả. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cách ứng dụng những dữ liệu này trong phần tiếp theo.

Note: Nếu anh em muốn theo dõi thông tin về tài sản khác, hãy tìm kiếm theo tên hoặc mã giao dịch của nó. Những thông tin được cung cấp đều giống hệt như ví dụ về GBP.

Xem thêm: Những điều cần lưu ý để giao dịch đồng GBP hiệu quả nhất

3. Cách áp dụng COT trong giao dịch

3.1. Chỉ báo COT trên biểu đồ

Sau khi hiểu được các thông tin trong báo cáo COT, thì câu hỏi đặt ra là làm sao chúng ta biến những dãy số hoa mắt đó thành cơ hội giao dịch?

Có một điều khá may mắn dành cho chúng ta, dù COT là báo cáo bằng văn bản, tuy nhiên nó đã được phát triển thành một chỉ báo kỹ thuật tích hợp sẵn trên tradingview, rất thuận tiện cho chúng ta sử dụng để phân tích thị trường.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng COT là một công cụ phân tích tâm lý giao dịch, và dữ liệu này được công bố hàng tuần, nên việc sử dụng báo cáo COT sẽ phù hợp khi anh em giao dịch dài hạn với các biểu đồ khung thời gian lớn – từ khung tuần trở lên.

Anh em có thể mở chỉ báo COT trên tradingview với tên đầy đủ như trong biểu đồ mình ví dụ dưới đây, trong đó:

  • Đường màu đỏ thể hiện vị thế của các nhà giao dịch thương mại (nhóm 1)
  • Đường màu xanh lục là vị thế của các nhà đầu cơ lớn (nhóm 2)
  • Đường màu xanh lam là vị thế của các nhà đầu cơ nhỏ lẻ (nhóm 3)
  • Trên mức 0 là giá trị của vị thế mua, dưới mức 0 là giá trị của vị thế bán

báo cáo COT

Chỉ báo COT tích hợp trên tradingview

Trên thực tế, chúng ta chỉ cần dồn sự tập trung vào nhóm các nhà đầu cơ lớn (nhóm 2 – màu xanh lá), bởi vì nhóm 1 thực chất chỉ có mục đích bảo hiểm rủi ro, còn nhóm 3 gây ra tác động không đủ lớn để chúng ta cần quan tâm (trên biểu đồ, anh em cũng có thể ẩn đi 2 đường đỏ và xanh lam nếu muốn)

3.2. Tìm kiếm cơ hội giao dịch với báo cáo COT

Bây giờ chúng ta sẽ đi vào trọng tâm – cách tìm kiếm cơ hội giao dịch với báo cáo COT: đó là xác định nơi mà các vị thế mua ròng hoặc bán ròng có giá trị cực lớn, và tìm kiếm cơ hội giao dịch đảo chiều.

Anh em có thể hiểu nguyên lý của phương pháp này như sau: khi vị thế mua đạt đến cực đại (là nơi đường màu xanh lá tạo đỉnh), đó chính là lúc tâm lý thị trường tăng giá đạt đến đỉnh điểm – hay nói dễ hiểu là tất cả mọi người đều mua vào. Đó chính là lúc chúng ta tìm cơ hội bán ra.

Tại sao lại có vẻ “ngược đời” như vậy – mọi người đều mua còn chúng ta lại bán? Câu trả lời thật ra rất đơn giản: khi tất cả mọi người đã mua vào, có nghĩa là không còn có thêm ai mua vào nữa, đồng nghĩa với việc giá không thể tăng thêm mà chỉ có thể đảo chiều giảm xuống. Đó chính là lý do chúng ta tìm kiếm cơ hội bán ra.

Ngược lại, khi vị thế bán đạt cực đại (đường màu xanh lá tạo đáy) chính là lúc tâm lý giảm giá cao nhất, và chúng ta sẽ tìm kiếm cơ hội để mua vào.

Chúng ta đến với một ví dụ dưới đây:

báo cáo COT

Cách thị trường tương tác với báo cáo COT

Trong biểu đồ EUR/USD khung tuần, rollback lại khoảng thời gian 2008-2010:

  • Đầu tiên anh em có thể thấy khi tâm lý thị trường là giảm giá (đường màu xanh lá giảm) thì thị tỷ giá EUR/USD cũng giảm theo.
  • Tháng 9 năm 2008, cuối cùng COT đã tạo đáy, thể hiện tâm lý thị trường giảm giá đã đạt mức cao nhất. Khi đó các nhà đầu tư sẽ mua vào hợp đồng tương lai của EUR, góp phần khiến cho tỷ giá EUR/USD quay đầu chuyển sang xu hướng tăng, và bước vào một xu hướng tăng rất mạnh sau đó.
  • Đến tháng 10 năm 2009, tâm lý tăng giá đạt cực đại (đường xanh lá tạo đỉnh), và ngay sau đó tỷ giá EUR/USD quay đầu giảm xuống.

Như vậy, với chỉ số COT, anh em có thể nắm bắt được hai động thái thị trường rất mạnh trong khoảng thời gian đang xét, với mức chuyển động lên đến hàng nghìn pips.

Tuy nhiên, để giao dịch thì chỉ có COT là chưa đủ. Sau khi xác nhận được sự hình thành đỉnh, đáy của COT trong khung tuần, anh em cần xuống các khung thời gian nhỏ hơn, sử dụng các phương pháp phân tích kỹ thuật khác như Price Action để tìm kiếm điểm vào hợp lý, sau đó tự tin giữ lệnh trong dài hạn để không bỏ lỡ khoản lợi nhuận rất lớn từ thị trường.

Note: Có một điều khá thú vị mà anh em có thể thấy trên chỉ số COT, đó là đường màu đỏ và đường xanh lá luôn luôn chuyển động ngược chiều nhau, cho thấy hành vi của các nhà giao dịch thương mại so với các nhà đầu cơ lớn khá ngược nhau. Trong khi đó, đường xanh lam thường xuyên biến động không quá lớn xung quanh vạch 0, nó khẳng định một lần nữa với chúng ta rằng vai trò của bộ phận nhà đầu cơ nhỏ lẻ là không quá lớn đối với tâm lý chung của thị trường cũng như sự chuyển động của giá.

4. Kết luận

Thay cho lời kết, mình muốn gửi đến anh em một lưu ý, cũng là quy tắc khi phân tích tâm lý thị trường, đó là mọi đỉnh và đáy của giá có thể đều gắn liền với trạng thái tâm lý đặc biệt của thị trường (hưng phấn hoặc cực đoan), tuy nhiên các tâm lý đặc biệt đó chưa chắc đã hình thành lên đỉnh và đáy.

Áp dụng điều đó với báo cáo COT, chúng ta có thể hiểu là khi chỉ báo tâm lý này tạo đỉnh hoặc đáy thì chưa chắc giá đã đảo chiều như trong ví dụ trên. Do đó, anh em không thể sử dụng COT như một công cụ phân tích độc lập, mà cần kết hợp nó cùng với các công cụ, chỉ báo kỹ thuật khác hoặc kết hợp cùng phân tích cơ bản. Và cuối cùng, đừng quên quản lý vốn thật kỷ luật, vì rủi ro luôn luôn hiện hữu trên thị trường.

Chúc anh em giao dịch an toàn và hiệu quả.

Xem thêm: Đọc hiểu các chỉ số kinh tế vĩ mô để kiếm lợi nhuận

VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.