Khi tìm hiểu về chỉ báo Ichimoku, có lẽ anh em đều biết rằng đây là một mẫu chỉ báo “all in one”, nhưng như vậy không có nghĩa là Ichimoku là một chỉ báo hoàn hảo và có thể sử dụng độc lập trong mọi trường hợp. Đôi khi chúng ta cần kết hợp nó với những chỉ báo khác để có một chiến lược phù hợp với phong cách của bản thân. Ichimoku và Fibonacci chính là một sự kết hợp mà anh em nên tham khảo nếu đang tìm kiếm phương án sử dụng các chỉ báo này.
#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading
1. Nguyên lý kết hợp Ichimoku và Fibonacci
Trong chỉ báo Ichimoku, chúng ta có đường chuyển đổi (tenkan) cung cấp thông tin về động lượng thị trường; đường cơ sở (kijun) xác nhận xu hướng; đám mây tạo bởi hai đường senkou A và B cũng cho biết xu hướng thị trường, đồng thời đóng vai trò là hỗ trợ kháng cự; bên cạnh đó là đường trễ (chikou) có thể cung cấp tín hiệu vào lệnh.
Với tất cả các yếu tố trên, Ichimoku có thể hoạt động một cách độc lập mà vẫn giúp chúng ta nắm bắt được đầy đủ thông tin về thị trường, thậm chí có thể trực tiếp đưa ra các quyết định vào lệnh theo tín hiệu. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là việc đọc và áp dụng tất cả các thành phần trên của Ichimoku đôi khi là quá phức tạp, và có thể không phù hợp với một số người.
Giải pháp cho vấn đề này khá đơn giản, chúng ta chỉ cần tách các thành phần trong Ichimoku ra, và lựa chọn thành phần phù hợp nhất để kết hợp với một chỉ báo quen thuộc hơn, từ đó xây dựng chiến lược theo phong cách của riêng mình.
Cụ thể, trong chiến lược kết hợp Ichimoku và Fibonacci, chúng ta sẽ sử dụng thành phần quan trọng nhất của Ichimoku, đó chính là đám mây. Đám mây komu vừa đóng vai trò là hỗ trợ kháng cự, vừa có thể coi là một chỉ báo xu hướng rất mạnh, từ đó chúng ta sẽ kết hợp Ichimoku và Fibonacci để giao dịch thuận theo xu hướng.
Vậy tại sao lại là Ichimoku và Fibonacci? Lý do đơn giản là vì đám mây komu sẽ cho chúng ta biết một xu hướng đang tiếp diễn, nhưng cơ hội vào lệnh chỉ xuất hiện sau khi xu hướng đã diễn ra chứ không phải nơi nó bắt đầu.
Chính vì vậy, chúng ta cần có một công cụ để xác định những vị trí pullback trong xu hướng, khi đó những lệnh mua và bán sẽ an toàn nhất, và tối ưu nhất về lợi nhuận cũng như rủi ro. Để làm được điều đó, chắc chắn không có một công cụ kỹ thuật nào tốt hơn so với các mức tỷ lệ vàng Fibonacci.
Mẹo: Anh em có thể mở cài đặt của chỉ báo Ichimoku, bỏ chọn các mục “đường chuyển đổi”, “đường cơ sở” và “đường trễ” để tắt các đường này trên biểu đồ. Chúng ta chỉ sử dụng đám mây, vì vậy tắt những đường còn lại sẽ thuận tiện hơn rất nhiều cho quá trình quan sát và phân tích biểu đồ.
Xem thêm: Cách sử dụng đám mây Ichimoku trong giao dịch Forex
#Thực_chiến_NGHỀ_Trading
2. Cách giao dịch kết hợp Ichimoku và Fibonacci
Chúng ta đã phân tích nguyên lý để sử dụng chiến lược kết hợp Ichimoku và Fibonacci là giao dịch pullback, tức là tận dụng những đợt hồi của giá để bám theo con sóng lớn của thị trường. Vậy, trước hết anh em cần xác định được chính xác một xu hướng mạnh đang diễn ra để tìm kiếm cơ hội.
2.1. Bước 1: Xác định xu hướng chính với đám mây Ichimoku
Nếu tuân thủ quy tắc một cách chặt chẽ nhất đối với đám mây Ichimoku, chúng ta cần xác định chính xác rằng giá phải ở trên đám mây màu xanh để khẳng định xu hướng tăng, vàgiá nằm dưới đám mây màu đỏ là xu hướng giảm. Tuy nhiên, nếu “dễ tính hơn”, anh em có thể bỏ qua màu của đám mây, tín hiệu thu được vẫn tương đối chính xác.
Việc có quan tâm đến màu mây hay không phụ thuộc vào phong cách của anh em, nên mình sẽ không “rập khuôn” vấn đề này. Vì vậy, nguyên tắc của chúng ta chỉ đơn giản là: nếu giá nằm trên đám mây xác nhận cho một xu hướng tăng, còn giá nằm dưới đám mây thể hiện giá đang trong xu hướng giảm.
Trong phương pháp giao dịch với Ichimoku và Fibonacci này, mục tiêu của chúng ta là bắt được con sóng càng sớm càng tốt. Chính vì vậy, thời điểm mà anh em cần theo dõi là ngay khi giá đâm xuyên qua đám mây, cũng chính là lúc một xu hướng mới được xác nhận.
Như vậy, công việc của chúng ta trong bước đầu tiên này là theo dõi thị trường khi một xu hướng mới xác nhận bởi đám mây kumo, cụ thể như sau:
- Khi giá đâm xuyên qua đám mây theo hướng từ dưới lên, là xác nhận cho một xu hướng tăng. Anh em sẽ chờ cơ hội thực hiện lệnh mua
- Khi giá đâm qua đám mây từ trên xuống, là tín hiệu xác nhận xu hướng giảm, cần tìm kiếm cơ hội để bán ra.
Một lưu ý mà anh em cần ghi nhớ, cũng chính là một trong những nguyên tắc khi sử dụng đám mây kumo, đó là đám mây càng dày thì khi bị phá vỡ, lực của xu hướng càng mạnh. Ngược lại, nếu một đám mây mỏng bị phá vỡ thì tín hiệu của xu hướng sẽ có độ tin cậy thấp hơn. Do đó, khi phân tích biểu đồ anh em chỉ nên chú ý vào những lần giá phá vỡ đám mây có độ dày đáng kể, và bỏ qua những đám mây quá mỏng.
2.2. Bước 2: Thực hiện giao dịch pullback dựa theo tỷ lệ vàng Fibonacci
Sau khi giá đã đâm xuyên qua đám mây và bắt đầu xu hướng mới, ví dụ như xu hướng tăng, thì một điều gần như chắc chắn là nó không thể cứ thế tăng một mạch cho đến khi đảo chiều giảm, mà sẽ có một số đợt pullback giảm để “lấy đà” tăng tiếp.
Chính vì thế, việc của chúng ta lúc này là nắm bắt được đợt pullback đầu tiên sau khi giá phá qua đám mây. Ngay khi giá có dấu hiệu quay đầu pullback, anh em cần dự đoán xem đợt pullback sẽ dừng lại ở đâu, đó chính là vị trí để thực hiện lệnh giao dịch.
Đây cũng chính là lúc chúng ta cần đến sức mạnh của Fibonacci, bởi trong các đợt pullback, giá thường có xu hướng tuân thủ các mức tỷ lệ vàng Fibo, dựa vào đó anh em sẽ có cơ sở chắc chắn hơn để dự đoán điểm kết thúc pullback thay vì “đoán mò”.
Quy tắc vào lệnh mua
Từ nguyên lý trên, chúng ta có quy trình thực hiện lệnh mua một cách cụ thể như sau:
- Chờ giá đâm xuyên qua đám mây từ dưới lên trên
- Theo dõi đến khi giá có dấu hiệu quay đầu vào đợt pullback đầu tiên, tạo ra một đỉnh mới
- Sử dụng Fibonacci thoái lui vẽ các mức tỷ lệ vàng với đường cơ sở nối từ đáy của con sóng tăng với đỉnh vừa hình thành (đáy tương ứng với mức 100%, đỉnh là mức 0%)
- Khi giá thoái lui về đến các mốc 38,2%; 50% và 61,8% và nằm trên đám mây, hãy theo dõi phản ứng của giá, vì đây chính là những ngưỡng hỗ trợ tiềm năng có thể khiến giá quay đầu tăng trở lại
Để đảm bảo an toàn nhất, anh em chỉ nên đợi giá pullback hẳn về mức 61,8% mới thực hiện lệnh mua. Tuy nhiên, một vài trường hợp giá chỉ giảm về đến mức 38,2% hoặc 50% là đã trở lại xu hướng tăng. Trong các tình huống này, nếu muốn mua vào thì anh em cần có xác nhận của một tín hiệu khác, ví dụ như một mẫu nến đảo chiều, hoặc động lượng thị trường dựa theo độ dài nến và khối lượng…
Xem thêm: Chỉ báo Momentum – top đầu chỉ báo xác định động lượng
Ví dụ trong biểu đồ dưới đây, chúng ta thấy các thiết lập ban đầu đã phù hợp với quy tắc mua. Khi giá pullback về tới mức fibo 38,2% thì xuất hiện một mẫu nến Inside bar tăng giá. Vì vậy ngay khi cây nến nhấn chìm tăng đóng lại, anh em có thể thực hiện lệnh mua thay vì chờ giá giảm tới mức 62,8%.
Hay như một ví dụ khác dưới đây, anh em có thể thấy giá cũng mới chỉ giảm về tới mức 50%, nhưng xuất hiện cây nến Pinbar làm tín hiệu để chúng ta mua ngay thay vì đợi tới mức 62,8%.
Nhìn chung, các mức 38,2%; 50% và 62,8% là các mức cần quan tâm, trong đó 62,8% là mức chắc chắn nhất, còn ở hai mức còn lại, anh em chỉ mua khi có thêm xác nhận từ nến đảo chiều hoặc một tín hiệu đáng tin cậy khác.
Bây giờ chúng ta đến với một lưu ý tiếp theo. Nếu anh em để ý sẽ thấy trong phần quy trình vào lệnh mua, mình có dùng một cụm từ “và nằm trên đám mây”.
Đây cũng chính là một điều kiện khá quan trọng để có thể thực hiện lệnh mua, vì nếu giá pullback đến các mức fibo nhưng lại nằm trong hoặc dưới đám mây, thì có nghĩa là lực mua không còn chiếm ưu thế, và giá có thể bước vào đợt đảo chiều chứ không còn là pullback, hoặc nếu có tăng trở lại thì lực tăng cũng khá yếu ớt.
Ví dụ bên dưới sẽ giúp anh em hình dung một cách cụ thể hơn. Anh em có thể thấy giá pullback về mức 38,2, có xuất hiện nến pinbar đảo chiều. Tưởng như đây là điều kiện mua hợp lệ, nhưng hãy để ý giá đang nằm trong đám mây, thậm chí là đám mây đỏ, cho thấy lực tăng không còn mạnh. Và thực tế là sau đó giá tăng không quá nhiều, rồi bước vào một đợt đảo chiều giảm xuống.
Quy tắc vào lệnh bán
Khi đã hiểu được quy tắc mua vào, thì anh em cũng hoàn toàn có thể hình dung được điều kiện để thực hiện lệnh bán với Ichimoku và Fibonacci. Chúng ta có các bước cụ thể sau đây:
- Chờ giá đâm xuyên qua đám mây từ trên xuống
- Theo dõi đến khi giá có dấu hiệu quay đầu tăng, bước vào đợt pullback đầu tiên, tạo ra một đáy mới
- Sử dụng Fibonacci thoái lui vẽ các mức tỷ lệ vàng với đường cơ sở nối từ đỉnh của con sóng giảm với đáy vừa hình thành (đỉnh tương ứng với mức 100%, đáy là mức 0%)
- Khi giá thoái lui về đến các mốc 38,2%; 50% và 61,8% và nằm dưới đám mây, hãy theo dõi phản ứng của giá và tìm kiếm cơ hội vào lệnh bán.
Trong ví dụ phía trên, anh em có thể thấy giá pullback về mức 38,2% và tạo ra mô hình hai đỉnh, cũng là tín hiệu cho thấy đợt pullback kết thúc. Trường hợp này anh em chỉ nên bán ra khi cả hai đỉnh đã được hình thành, vì ở đỉnh đầu tiên, không có một tín hiệu đảo chiều nào xuất hiện, tức là giá hoàn toàn có thể tăng tiếp tới các mức fibo tiếp theo.
Nhìn chung, việc giao dịch trong xu hướng giảm không khác biệt nhiều so với xu hướng tăng, anh em cũng chỉ cần lưu ý hai vấn đề sau:
- Các mức 38,2%; 50% và 62,8% là các mức cần quan tâm, trong đó 62,8% là mức chắc chắn nhất, còn ở hai mức còn lại, chỉ bán khi có thêm xác nhận từ một tín hiệu đảo chiều
- Chỉ bán khi giá nằm dưới đám mây
Xem thêm: Chiến lược độc đáo kết hợp Ichimoku và RSI trong forex
2.3. Bước 3: Stop loss và Take profit
Sau khi đã có được vị trí để thực hiện lệnh mua hoặc bán, việc tiếp theo anh em cần làm là đặt Stop loss thật an toàn, và cuối cùng là có điểm take profit hợp lý.
Trên thực tế, anh em hoàn toàn có thể đặt stop loss theo cách thông thường, bằng cách sử dụng những đỉnh hoặc đáy gần nhất. Bên cạnh đó là chốt lời theo mục tiêu, hoặc theo mức tỷ lệ RR nhất định.
Tuy nhiên, khi sử dụng chiến lược kết hợp Ichimoku và Fibonacci, anh em có thể tận dụng luôn các mức tỷ lệ vàng Fibonacci để đặt lệnh cắt lỗ cũng như chốt lời.
Chúng ta sẽ đến với ví dụ thực tế dưới đây để anh em hiểu được cách thực hiện.
Trong biểu đồ bên dưới, anh em vào một lệnh bán khi giá pullback về mức fibo 38,2%. Anh em có thể đặt stop loss dựa theo mức fibo phía trên mức thực hiện giao dịch, cụ thể là đặt SL ở trên mức fibo một chút trong trường hợp này. Nếu muốn an toàn hơn, anh em có thể đặt cách đó 2 mức fibo, tức là đặt ở phía trên mức 61,8%. Áp dụng tương tự nếu như vào lệnh ở vùng fibo khác.
Còn đối với điểm chốt lời, khi đã đặt SL thì anh em vẫn nên chốt lời dựa theo mức tỷ lệ RR 1:2 hoặc 1:3 là đơn giản nhất. Tuy nhiên, tùy vào tình hình thực tế anh em có thể gồng lệnh dựa theo các mức fibo. Như ví dụ bên dưới, anh em có thể chốt lời khi giá đạt đến mốc 0% là hoàn toàn hợp lý.
Trong một xu hướng tăng, việc đặt stop loss và take profit cũng có thể được thực hiện hoàn toàn tương tự nhưng theo hướng ngược lại. Khi đã quen với phương pháp này, anh em sẽ thấy các bước thực hiện rất đơn giản và hoàn toàn không có gì khó khăn cả. Vì vậy, nếu hứng thú với phương pháp này thì đừng quên thực hành nó thường xuyên nhé.
Xem thêm: Làm thế nào để đặt Stop Loss và Take Profit thật xuất sắc
3. Kết luận
Với các nguyên tắc và ví dụ trên đây, hy vọng anh em đã nắm được cách giao dịch với chiến lược kết hợp Ichimoku và Fibonacci, từ cách vào lệnh mua bán cho tới việc đặt stop loss và chốt lời.
Anh em có thể áp dụng nguyên lý cắt lỗ và chốt lời một cách linh hoạt trong các trường hợp khác nhau. Tuy nhiên, hãy đảm bảo chắc chắn rằng các vị trí stop loss và take profit của mình thật an toàn, hợp lý và không tham lam, cùng với đó là quản lý vốn thật kỷ luật để bảo toàn tài khoản trước khi nghĩ đến lợi nhuận nhé.
Chúc anh em giao dịch an toàn và hiệu quả.
VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ