Giá dầu thô luôn là một chỉ số đáng quan tâm trong thời gian gần đây, phần là vì nó vẫn luôn là một cơ hội đầu tư tốt, phần nữa là vì giá dầu cũng là một chỉ số quan trọng để đánh giá khả năng hồi phục kinh tế toàn cầu. Đại dịch đã diễn ra được hơn một năm và kể từ quý thứ 2 của năm 2020, rất nhiều nguồn lực đã được tập trung để thúc đẩy phục hồi kinh tế. Các chính trị gia, các ngân hàng trung ương và hầu hết công dân toàn cầu đều mong muốn ảnh hưởng đại dịch kết thúc sớm nhất có thể và nền kinh tế toàn cầu sẽ được phục hồi. Tuy vậy, những biến thể của virus Covid-19 đã làm cho mọi nỗ lực dự đoán cái kết cho đại dịch trở nên bất khả thi. Vắc-xin được sản xuất cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực hơn nhưng đây vẫn là thời điểm đại dịch vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.
1. Dầu thô giai đoạn đầu đại dịch
Nhớ lại thời gian trước, Covid-19 làm gián đoạn hoạt động kinh tế toàn cầu khiến cho nhu cầu về dầu thô giảm đáng kể. Các nước khai thác dầu thô đã mất một thời gian dài mới nhận ra những rủi ro của tình cảnh trên và gạt bỏ đi những tranh chấp trên thị trường để cùng tồn tại. Dầu thô vẫn tiếp tục được khai thác; hàng tồn kho ngày càng tăng khi mà các lệnh cấm vận khắp nơi đã làm nhu cầu giảm sâu.
Các thùng dầu được bơm đầy, các kho chứa được lấp chật kín đến mức các công ty chế biến dầu thô phải trả một khoản phí không nhỏ để khuyến khích người dân mua dầu. Khi đó, giá dầu giảm xuống mức kỉ lục, $-37. Vâng, nếu bạn là một người mới bắt đầu theo dõi thị trường thế giới thì bạn không nhầm đâu, thời điểm gần một năm về trước người dân thậm chí còn được trả tiền để mua dầu.
Sau đó, cuộc chiến giữa Moscow và Saudi Arabia đã kết thúc dưới sự thúc đẩy từ phía cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. OPEC và các nước đứng đầu trong khai thác dầu thô (hay còn được gọi với cái tên OPEC+) quyết định giảm sản lượng khai thác trong nỗ lực cần bằng lại quan hệ cung – cầu. Tổ chức này vạch ra một kế hoạch đó là giảm mạnh sản lượng khai thác trong thời gian đầu và sẽ khai thác trở lại khi mà nền kinh tế dần được hồi phục. Hành động này của các bên cho thấy kết quả rất khả quan nhưng những mối lo ngại về các đợt sóng tiếp theo của đại dịch đã làm cho kế hoạch này phải được xem lại.
Câu hỏi được đặt ra bây giờ là: Giá dầu thô sẽ có xu hướng như thế nào trong tương lai?
2. Mỹ nổi lên như một quốc gia hàng đầu trong khai thác dầu thô
Với những phát hiện mới nhất về các mỏ dầu nội địa, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã vươn lên dẫn đầu trong cuộc đua khai thác dầu thô trên thế giới, vượt mặt Nga và Saudi Arabia. Thậm chí còn trở thành một nước xuất siêu dầu thô, lần đầu tiên kể từ năm 1949. Sau quá trình hồi phục giá dầu thô 12 tháng vừa qua, các nhà khai thác dầu thô tại Mỹ đã bắt đầu hoạt động trở lại, từng bước tranh giành những miếng bánh trên thị trường để bù đắp lại những mất mát sau năm đại dịch. Thời điểm hiện tại, sản lượng khai thác của Mỹ đạt mức 11 triệu thùng một ngày (theo US EIA). Tuy nhiên, nếu xét theo khía cạnh mùa vụ, trong 10 năm vừa qua thì sản lượng dầu thô của Mỹ thường tăng khi đi về cuối năm.
Các chính sách của Joe Biden và thỏa thuận hạt nhân có ảnh hưởng thế nào tới giá dầu thô?
Thỏa thuận hạt nhân giữa các cường quốc trên thế giới và Iran thu được sự quan tâm rất lớn tới từ các nhà sản xuất, cung cấp năng lượng. Tháng 5 năm 2018 đánh dấu một loạt các hành động của cựu tổng thống Donald Trump về hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân có từ trước đó của Barack Obama và tiến hành hàng loạt các biện pháp trừng phạt tới Iran. Hành động này dẫn tới căng thẳng ngoại giao chưa từng có giữa hai nước.
Tổng thống đương nhiệm Joe Biden lại có phần cởi mở hơn trong vấn đề này. Những hoạt động trao đổi gần đây được miêu tả là có tính xây dựng cao từ cả hai phía. Mặc dù những thỏa thuận cũ có thể không được hồi phục, cả hai bên hoàn toàn có thể tiến tới hoàn thành các thỏa thuận mới. Điều này sẽ là chất xúc tác giúp cho sản lượng dầu thô của Iran tăng trở lại.
III. Những thách thức mà dầu thô sẽ phải đối mặt
1. Tranh chấp trong nội bộ OPEC+
Những tháng đầu năm 2020 chứng kiến những màn đấu đá trong khối OPEC+, cụ thể là giữa Nga và Saudi Arabia, hai nước có sản lượng khai thác lớn nhất lúc bấy giờ. Hai nước cạnh tranh giá trong thời điểm nhu cầu dầu thô giảm mạnh do đại dịch khiến cho giá dầu thế giới giảm đột ngột. Các bên lúc này mới nhận thấy tính chất quan trọng của việc đoàn kết vượt qua tình cảnh khó khăn và họ đồng ý hướng tới một vài thỏa thuận.
Sau đó, thời gian qua, chúng ta có thể thấy những tầm nhìn khác nhau từ các bên. Một số muốn tiếp tục khai thác dầu thô, số khác lại muốn hỗ trợ một thị trường vốn đang rất dễ sụp đổ. Saudi Arabia tình nguyện cắt giảm sản lượng khai thác, giúp cho Nga và Kazakhstan nâng cao một chút sản lượng. Covid-19 khiến cho chính phủ các nước phải tính toán lại các hoạt động chi trả, kết quả là các khoản lỗ vẫn phình to hơn.
Trong dài hạn, tranh chấp thị phần dầu thô sẽ quay lại khi mà khả năng phục hồi sau đại dịch giữa các nước có phần khác nhau. Một số nước sẽ phục hồi nhanh hơn, dẫn đến việc giữ cho một số thỏa thuận tồn tại trở nên khó khăn. Các cuộc họp của khối OPEC+ chắc chắn sẽ mang nhiều thách thức hơn trong tương lai và một thất bại trong nỗ lực cân bằng nguồn cung trên thị trường sẽ đặt gánh nặng rất lớn lên giá dầu thô thế giới.
2. Thời đại của năng lượng xanh
Covid-19 cũng thôi thúc các nhà hoạt động chính sách tiến thêm nhiều bước để bảo vệ môi trường. Giảm thiểu khí thải công nghiệp là ưu tiên hàng đầu, và hướng đi này được sự ủng hộ rất lớn từ tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông cũng muốn thay thế nền công nghiệp năng lượng truyền thống bằng một hệ thống hạ tầng khuyến khích sử dụng năng lượng sạch.
Một trong những dấu hiệu rõ nhất cho tầm nhìn này đấy là sự gia tăng không ngừng của sản lượng xe điện. Những hãng xe lớn nhất trên thế giới sẽ phải đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt tới từ Tesla trong cuộc đua tìm ra giải pháp cho một viễn cảnh giao thông không khói. Nếu những bước tiến của xe điện đạt được kỳ vọng của nó về việc thay thế được năng lượng dầu thô, sẽ có thêm những chiếc tàu thủy điện, máy bay điện được sinh ra, góp phần làm giảm nhu cầu dầu thô trong dài hạn.
Các công nghệ chế tạo năng lượng thay thế khác cũng đang tiến bộ từng ngày. Những phương pháp này cho thấy tiềm năng trở nên rẻ hơn và hiệu quả hơn để dần thay thế dầu thô. Trung Quốc và Mỹ, hai nước chiếm tới gần 35% sản lượng khí thải trên thế giới, đang thay dần năng lượng truyền thống bằng những chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng xanh như đánh thuế bảo vệ môi trường.
3. Covid-19 vẫn đang hoành hành
Như đã đề cập ở đầu, Covid-19 đã làm gián đoạn toàn bộ nền kinh tế thế giới và giới đầu tư vẫn đang cố gắng để dự đoán xem lúc nào đại dịch sẽ kết thúc. Khi mồng mấm dịch mới bắt đầu nhen nhóm, nhiều chuyên gia đã dự đoán nền kinh tế sẽ hồi phục trong khoảng thời gian 6 tháng, nhưng thời gian đã chứng minh rằng nhận định trên đã sai hoàn toàn khi mà thế giới liên tục đón nhận các làn sóng đại dịch thứ nhất, thứ hai rồi thứ ba. Nhiều loại vắc-xin đã được phát triển và tiếp thêm cho chúng ta nhiều hy vọng nhưng rồi một số vắc-xin không đem lại cảm giác an toàn, số khác thì tốc độ phân phối chậm và nguồn cung chủ yếu nằm ở các nước phát triển.
Các nước khai thác đã nâng cao dự đoán của họ về nhu cầu dầu thô sau khi đại dịch kết thúc, nhưng kết quả hiện tại vẫn chưa đạt gần đến mức được đề ra. Mặt khác, hoàn cảnh đại dịch đặt ra nhiều thách thức cũng như tạo nên những thói quen mới cho các tổ chức và cá nhân, khiến cho việc phục hồi nền kinh tế nói chung và nền khai thác dầu thô nói riêng bị trì hoãn rất nhiều.
Nhìn chung, giá dầu thô đã có rất nhiều dấu hiệu cho thấy sự ổn định trở lại so với thời điểm này một năm trước. Tuy vậy, vẫn còn nhiều thách thức được đặt ra và ngành công nghiệp khai thác dầu thô có thể sẽ không bao giờ trở lại như cũ nữa. Câu hỏi liệu giá dầu thô có tăng cao trong tương lai hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm soát đại dịch cũng như sự đoàn kết giữa các nước trong khối OPEC.
Theo Forexlive