VNREBATES
ic-markets
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
dupoin
Mở TK và hoàn phí 5 $/lot
san-fxtm
Mở TK và hoàn phí 0
tmgm
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
san-fxgt-dich-vu-forex-rebates
Mở TK và hoàn phí 9 $/lot
justmarkets
Mở TK và hoàn phí 1.2 $/lot

Điều gì đằng sau cơn sốt mua vàng của Trung Quốc?

11.04.2024, 11:04 7 phút đọc

Trong hơn một năm gần đây, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã thể hiện sự tích cực trong việc mua vàng, đưa ra một số động thái quyết liệt. Hành động này, cùng với các cuộc xung đột ở Ukraine, Gaza và sự thắt chặt chu kỳ tiền tệ toàn cầu, đã dẫn đến việc giá vàng liên tục tăng cao, thiết lập những kỷ lục mới.

Xem thêm:

con-sot-mua-vang-cua-trung-quoc

Trung Quốc dẫn đầu các ngân hàng dự trữ khác trong trào lưu mua vàng 2 năm qua.

Vàng đã trở thành điểm đến an toàn cho nhà đầu tư trong thời kỳ bất ổn và là một cách để bảo vệ khỏi sự suy giảm giá trị của tiền tệ. Do đó, các cuộc xung đột ở Trung Đông và Ukraine đã làm tăng giá vàng, đặc biệt trong bối cảnh tăng lạm phát sau đại dịch Covid-19.

Trong tuần vừa qua, giá vàng đã lần đầu tiên vượt qua mức 2.300 USD, chủ yếu do các vấn đề địa chính trị, kỳ vọng về việc Mỹ cắt giảm lãi suất và Trung Quốc tiếp tục mua vàng. Những yếu tố này đã kích thích sự quan tâm của các nhà đầu tư vào vàng.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) đã liên tục mua vàng trong 17 tháng liên tiếp. Mới đây, vào tháng 3/2024, PBoC đã mua thêm 160.000 troy ounce vàng, bất chấp việc giá vàng tăng mạnh 9,3% trong tháng đó, đây là mức tăng cao nhất từ tháng 7/2020. Mặc dù USD mạnh và lãi suất thực của Mỹ đang cao, nhưng đà tăng giá vàng vẫn chưa dừng lại.

Dữ liệu mới nhất cho thấy Trung Quốc nắm giữ 72,74 triệu ounce (tương đương 2.257 tấn) vàng tính đến cuối tháng 3/2024, tăng so với mức 72,58 triệu ounce một tháng trước đó. Giá trị dự trữ vàng của Trung Quốc đã tăng lên 161,07 tỷ USD từ mức 148,64 tỷ USD.

con-sot-mua-vang-cua-trung-quoc

Hành động của ngân hàng trung ương Trung Quốc, cũng như của nhiều ngân hàng trung ương khác trên các thị trường mới nổi, cho thấy một xu hướng tăng lượng vàng nắm giữ.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính, người tiêu dùng Trung Quốc lại chú ý đến vàng như một phương tiện lưu trữ giá trị đáng chú ý.

Chính xác thì Trung Quốc đã và đang làm gì?

Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), năm 2023 đã chứng kiến Trung Quốc thực hiện việc bổ sung lượng vàng cao nhất từ ít nhất là năm 1977. Theo đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) đã mua nhiều vàng hơn bất kỳ ngân hàng trung ương nào khác, với lượng mua ròng là 7,23 triệu ounce, tương đương 224,9 tấn, gần bằng 1/4 tổng số 1.037 tấn mà tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua.

Ngoài PBoC, người tiêu dùng Trung Quốc cũng đã tăng cường việc mua vàng, bao gồm cả tiền vàng, thỏi và trang sức, sau khi chứng kiến giảm giá trị của bất động sản, đồng nhân dân tệ và thị trường chứng khoán trong nước do những khó khăn kinh tế gần đây trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

John Reade, chiến lược gia trưởng phụ trách thị trường của WGC cho biết: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã chứng kiến lượng mua bán lẻ vàng khổng lồ ở Trung Quốc… số lượng mua kỷ lục trên Sàn giao dịch vàng Thượng Hải của nước này”.

con-sot-mua-vang-cua-trung-quoc

Vàng được bày bán tại các cửa hàng trang sức như Luk Fook Holdings International Ltd. ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ngay cả giới trẻ Trung Quốc cũng đang tích trữ vàng trong thời kỳ kinh tế bất ổn, từ những mảnh vàng bé như những hạt đậu cho đến các loại trang sức vàng khác nhau.

Vì lý do gì mà Trung Quốc đã mua vàng một cách đáng chú ý như vậy?

Trung Quốc đặt phụ thuộc rất cao vào việc sử dụng đồng đô la Mỹ trong giao dịch với thế giới. Đồng đô la là đồng tiền dự trữ của thế giới, vì vậy hầu hết các sản phẩm đều được định giá bằng đô la, và hơn một nửa các giao dịch trên toàn cầu được thực hiện bằng đồng tiền này.

Trong suốt quá trình phát triển trong 30 năm qua, nhằm thách thức vị thế làm nền kinh tế hàng đầu của Mỹ, Trung Quốc đã tích lũy một lượng lớn dự trữ ngoại hối, chủ yếu là bằng đồng đô la.

Tuy nhiên, Bắc Kinh hiện đang lo ngại về mức độ quá phụ thuộc vào đồng đô la và muốn đa dạng hóa nguồn dự trữ của PBoC.

Theo dữ liệu từ Mỹ, Trung Quốc đang dần giảm lượng nắm giữ USD, từ mức đã giảm 1/3 kể từ năm 2011 xuống còn khoảng 800 tỷ USD. Sự giảm này đã tăng tốc đáng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Mục tiêu đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại hối này phù hợp với mục tiêu của các quốc gia khác trong nhóm sáng lập BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), nhóm các quốc gia được dự đoán sẽ trở thành các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới vào năm 2050.

BRICS thậm chí đã đưa ra ý tưởng về một loại tiền tệ chung trong tương lai, điều này có thể đe dọa đồng đô la với vai trò là đồng tiền dự trữ của thế giới.

Trung Quốc muốn đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ khỏi đồng USD

Trong số các quốc gia BRICS, Trung Quốc cũng gồng mình để đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại hối, do lo ngại rằng Hoa Kỳ đã và đang sử dụng đồng đô la như một công cụ quan trọng để duy trì ưu thế kinh tế và chính trị toàn cầu của mình.

Vị thế của đồng đô la cho phép Mỹ vay tiền với chi phí thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Washington cũng sử dụng đồng tiền này như một phương tiện ngoại giao, như việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Iran và CHDCND Triều Tiên.

Sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Mỹ và Liên minh châu Âu đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với Moscow, bao gồm cả việc đóng băng dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga. Dưới áp lực của Mỹ, hầu hết các ngân hàng Nga cũng bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, hệ thống tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển tiền quốc tế.

Nhà phân tích John Reade của WGC mới đây cho biết: “Tôi nghĩ [các lệnh trừng phạt] đã khiến nhiều ngân hàng trung ương suy nghĩ cẩn thận về lượng dự trữ USD mà họ nắm giữ”.

Trung Quốc lo ngại rằng nước này có thể phải đối mặt với những biện pháp kiềm chế tương tự như Mỹ đã áp dụng với một số nước khác, nếu nước này quyết định phô trương sức mạnh quân sự hơn nữa hoặc nếu cuộc xung đột thương mại với Washington trở nên tồi tệ hơn.

Nhà phân tích John Reade dự đoán Ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục mua vàng trong vài năm nữa, một tín hiệu cho thấy sự đa dạng hóa còn lâu mới kết thúc.

Ngay cả sau gần 18 tháng mua vào, dự trữ vàng của Trung Quốc vẫn chỉ chiếm khoảng 4% tổng dự trữ của PBoC. Con số đó thấp hơn nhiều so với ngưỡng dự trữ của ngân hàng trung ương các nước phát triển.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích vàng cho rằng giá đã bị các nhà đầu cơ thổi phồng quá mức và nhu cầu tiếp tục của các ngân hàng trung ương như Trung Quốc có thể không thúc đẩy giá tăng cao hơn nhiều.

Mặc dù vậy, không giống như tiền giấy, vàng có giá trị nội tại vì đây là mặt hàng hiếm, khó khai thác. Vàng cũng có nhiều ứng dụng kinh tế, trong điện tử, nha khoa, công cụ y tế và các lĩnh vực quốc phòng, hàng không vũ trụ và ô tô.

Nguồn: markettimes.vn

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.