Xem thêm:
- Thua lỗ nặng tiền ảo – Vợ chồng Hàn Quốc thuê sát thủ “khử” chuyên gia tư vấn
- 4 giai đoạn tâm lý khi gặp phải thua lỗ trong giao dịch Forex
Mất trắng tiền tỷ chỉ sau một đêm
Trong những ngày gần đây, cộng đồng nhà đầu tư liên quan đến Easy Tour trên mạng xã hội Zalo đã đột ngột giải tán. Đồng thời, website có tên app-easytour-vietnam.com và ứng dụng “EASY TOUR VN” cũng bất ngờ trở nên không thể truy cập. Điều đáng nói, số tiền đầu tư của các nhà đầu tư vào Easy Tour giờ đây chỉ còn là con số 0 tròn trĩnh.
Anh Hải (Phú Thọ) đã chia sẻ về cuộc hành trình đau lòng của mình, khi mất hầu hết số tiền đầu tư vào bất động sản và chứng khoán. Anh đã dấn thân vào thế giới đầy hứa hẹn của app Easy Tour sau khi được giới thiệu bởi một người quen. Làm giàu nhanh chóng và lãi suất gấp mấy lần so với ngân hàng, Easy Tour trở thành lựa chọn táo bạo của anh Hải.
“Lãi suất cao gấp mấy lần so với lãi tiết kiệm ngân hàng, lại đúng lúc các kênh đầu tư khác chết đứng nên tôi quyết định bỏ tiền vào đầu tư với tâm lý “liều ăn nhiều”, anh nói.
Ban đầu chỉ là 200 triệu đồng, nhưng sau những tháng đầu nhận lãi khả quan, anh tăng cường đầu tư, thậm chí huy động thêm vốn từ bạn bè, gia đình, đưa tổng số tiền lên tới hơn 2 tỷ đồng.
Hàng nghìn nhà đầu tư sập bẫy vì ham lợi nhuận cao.
Như anh Hải, một nhà đầu tư ở Ninh Bình cũng đối mặt với khả năng mất trắng số tiền 300 triệu đồng.
“Phía công ty liên tục tổ chức các sự kiện, gặp gỡ, vẽ ra những kế hoạch đầu tư sinh lời cao khiến tôi cũng phần nào yên tâm. Dù có nhiều người cảnh báo nhưng nghĩ rằng công ty uy tín, lãi suất lại quá cao khiến tôi quyết định xuống tiền”, anh nói.
Theo một cuộc khảo sát nhanh trên các nhóm nhà đầu tư của Easy Tour, đã có hàng nghìn người tham gia vào các dự án của Easy Tour với tổng số tiền đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Easy Tour đã liên tục mời gọi nhà đầu tư tham gia các dự án với các mức đầu tư và đãi ngộ khác nhau. Các dự án này cam kết sinh lời cao, với một số dự án hứa hẹn lợi nhuận lên đến hơn 50%, và việc trả lãi được thực hiện theo chu kỳ ngày, tuần, và tháng tùy thuộc vào từng dự án.
Đơn cử như với dự án ERSEACEN-X-III, nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra số tiền ban đầu là 20 triệu đồng và nhận về 28 triệu đồng sau 1 tháng với lợi nhuận dự án 30%. Hay như ở dự án ERSEACEN – E, Easy Tour cam kết sẽ trả lợi nhuận 34,95%/tháng khi nhà đầu tư bỏ ra 300 triệu đồng.
Chưa kể, bên cạnh lợi nhuận dự án, nhà đầu tư còn được hứa hẹn được nhận thêm 24 tháng cổ tức, tối thiểu 15 triệu đồng/tháng; cộng thêm điểm tích lũy, tương đương 250.000 đồng/điểm; tham gia các sự kiện lớn; tích điểm đổi quà, …
Các điều khoản hợp đồng không rõ ràng.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là các điều khoản trong hợp đồng không rõ ràng. Phần lớn nhà đầu tư không ký hợp đồng trực tiếp, thay vào đó tham gia đầu tư thông qua việc tạo tài khoản và đăng nhập trên ứng dụng Easy Tour. Thậm chí nếu có ký, các điều khoản trong hợp đồng cũng được mô tả một cách sơ sài.
Sau khi app sập, các nhà đầu tư đã liên hệ với công ty nhưng không nhận được phản hồi. Công ty cũng không còn hoạt động tại địa chỉ trên đăng ký kinh doanh. Nhà đầu tư không biết đi đâu để đòi lại số tiền mà mình đã rót vào app Easy Tour. Hiện tại, các nhà đầu tư vào Easy Tour đã gõ cửa các cơ quan chức năng để kêu cứu. Mặc dù chưa có kết luận về vụ việc nhưng có lẽ hành trình đòi lại tiền của các nhà đầu tư chắc chắn không hề dễ dàng.
Chiêu trò cũ, nhưng vẫn hiệu quả
Chủ đề về việc đầu tư vào các dự án sinh lời cao không còn mới mẻ, và hầu hết đều đối mặt với nghi ngờ về sự lừa đảo. Nhiều dự án có tiềm năng sinh lời cao như dự án của công ty Nhật Nam, dự án trồng rau má, sâm Ngọc Linh, … đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, với số vốn huy động lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động, đa số các dự án siêu lợi nhuận đều bị cáo buộc là lừa đảo, khiến nhiều người trở thành nạn nhân chỉ sau một đêm.
Mặc dù các cuộc điều tra vẫn đang diễn ra, nhưng với số lượng nhà đầu tư đông đảo lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người, việc khắc phục hậu quả và khôi phục số vốn cho nhà đầu tư trở nên rất khó khăn. Những sự cố này nên là bài học đắng cho những nhà đầu tư hời hợt, chăm chỉ theo đuổi lợi suất lớn.
Ông Trần Mạnh Hoàng Việt, chuyên gia Hoạch định Tài chính cá nhân tại Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư & Quản lý tài sản FIDT, trong cuộc trò chuyện với VietnamFinance, lưu ý rằng: “Điểm chung của những vụ lừa đảo này là chúng thường sử dụng chiến lược “hứa hẹn lợi nhuận cao”, kích thích lòng tham và mong muốn kiếm lời nhanh chóng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường khó khăn, nhiều người đang tìm kiếm cơ hội để “lật ngược” tình hình tài chính của mình.”
Ông Trần Mạnh Hoàng Việt, chuyên gia Hoạch định Tài chính cá nhân tại FIDT.
Hơn nữa, những kẻ lừa đảo thường sử dụng các chiến thuật thuyết phục mạnh mẽ và tạo ra cảm giác FOMO (sợ bỏ lỡ), khiến nhiều người cảm thấy đây là cơ hội “không thể bỏ qua” và vội vàng xuống tiền đầu tư mà không suy nghĩ cẩn trọng, ông nói.
Ông Việt cũng chỉ ra những dấu hiệu của một dự án lừa đảo. Theo đó, nhà đầu tư nên cẩn trọng với những dự án có lợi nhuận siêu cao và khó tin, thiếu minh bạch và thông tin chi tiết về cách thức hoạt động của dự án và thiếu bằng chứng vững chắc về hiệu quả đầu tư trong quá khứ. Đôi khi, những dự án này cũng thiếu sự xác thực từ cơ quan quản lý tài chính uy tín.
Phía những người mời chào đầu tư liên tục áp dụng áp lực thời gian, chẳng hạn như yêu cầu đầu tư ngay lập tức để không bỏ lỡ cơ hội cũng là dấu hiệu đáng chú ý.
Để tỉnh táo trước các bẫy lừa đảo, các nhà đầu tư cần phải luôn nghiên cứu kỹ lưỡng và tìm hiểu thông tin về mọi khoản đầu tư, tránh đưa ra những quyết định vội vàng dựa trên cảm xúc hoặc áp lực từ người khác.
Đồng thời, các nhà đầu tư cũng nên tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia tài chính độc lập và không bao giờ đầu tư vào những thứ mình chưa thực sự hiểu rõ. Cuối cùng, cần phải học cách chấp nhận rằng không có khoản đầu tư nào mang lại lợi nhuận cao mà không có rủi ro tương ứng, ông Việt chia sẻ.
Nguồn: vietnamfinance.vn