Phân tích kỹ thuật là phương pháp quen thuộc với nhiều nhà giao dịch và ngày càng trở lên phổ biến vì sự đơn giản nhưng hiệu quả của nó. Trên thực tế, có nhiều nhà giao dịch đã thành công với phân tích kỹ thuật mà không cần biết nhiều về các kiến thức kinh tế của phân tích cơ bản.
Thế nhưng, ở khía cạnh còn lại thì cũng còn nhiều nhà giao dịch chưa thực sự hiểu hết và chưa tận dụng được hết sức mạnh của phân tích kỹ thuật nên chưa thể thành công với phương pháp này. Vậy hôm nay mình sẽ gửi đến anh em một vài điều cần lưu ý để thành công với phân tích kỹ thuật cũng như hiểu về phương pháp này một cách toàn diện nhất.
1. 8 lầm tưởng về phân tích kỹ thuật mà chúng ta cần làm rõ
Từ khi phân tích kỹ thuật ra đời, đã xuất hiện khá nhiều sự so sánh nó với các trường phái khác như phân tích cơ bản hay phân tích tâm lý. Những người không ủng hộ đã chỉ ra một số nhược điểm của phân tích kỹ thuật và khiến cho nhiều người tin tưởng vào điều đó, thậm chí có nhiều người cho rằng một nhà giao dịch không thể thành công với phân tích kỹ thuật.
Thế nhưng, trên thực tế có nhiều quan niệm trong số đó là sai lầm và đã được chứng minh qua thời gian. Dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu về 8 lầm tưởng quan trọng nhất để anh em hiểu rõ hơn về phân tích kỹ thuật.
1.1. Phân tích kỹ thuật chỉ dùng cho giao dịch ngắn hạn
Đây có lẽ là lầm tưởng phổ biến nhất mà nhiều người từng mắc phải. Các nhà giao dịch cho rằng phân tích kỹ thuật chỉ dùng cho giao dịch ngắn hạn trong ngày và giao dịch với tần suất cao, đồng thời phải dựa vào máy tính để phân tích với các chỉ báo phức tạp.
Tuy nhiên, trên thực tế phân tích kỹ thuật đã xuất hiện từ rất lâu đời, trước cả khi máy tính trở lên phổ biến. Vào thời gian đó, các nhà phân tích kỹ thuật tiên phong không sử dụng máy tính để giao dịch ngắn hạn trong ngày, mà họ sử dụng cho tất cả các khung thời gian từ biểu đồ theo phút tới biểu đồ hàng tuần hay thậm chí là hàng tháng.
Nếu tìm hiểu về các nhà giao dịch thành công trên toàn thế giới, anh em cũng có thể dễ dàng tìm được những nhà giao dịch chỉ đơn thuần sử dụng phân tích kỹ thuật và thực hiện các giao dịch trong dài hạn. Sự thành công của họ chính là minh chứng rõ nhất cho việc phân tích kỹ thuật không chỉ bị giới hạn để giao dịch trong ngày.
1.2. Phân tích kỹ thuật chỉ dành cho các nhà giao dịch cá nhân
Đây cũng là một lầm tưởng phổ biến nhưng đã được xác minh là không chính xác. Không chỉ các nhà giao dịch cá nhân, các quỹ đầu cơ và ngân hàng đầu tư cũng có đội ngũ giao dịch chuyên về phân tích kỹ thuật.
Việc giao dịch tần suất cao với phân tích kỹ thuật đang ngày càng phổ biến đối với các nhà giao dịch tổ chức. Họ giao dịch với khối lượng đáng kể trong các sàn chứng khoán, sàn forex và càng ngày càng sử dụng nhiều đến các khái niệm kỹ thuật. Đây có thể coi là câu trả lời thuyết phục rằng một nhà giao dịch cá nhân cũng hoàn toàn có thể thành công với phân tích kỹ thuật trên thị trường.
1.3. Phân tích kỹ thuật có tỷ lệ thành công thấp
Chúng ta không có con số thống kê chính xác để xác nhận được vấn đề này. Tuy nhiên, khi theo dõi danh sách những nhà giao dịch thành công trên thị trường không khó để chúng ta bắt gặp những nhà phân tích kỹ thuật có hàng chục năm kinh nghiệm.
Trên thực tế, người ta đã có nhiều cuộc phỏng vấn đối với các nhà giao dịch thành công và kết quả cũng tương tự khi có rất nhiều người nói rằng mình đã có kết quả giao dịch tốt và có được thành công với phân tích kỹ thuật.
Mặc dù các cuộc phỏng vấn chỉ xảy ra trong một phạm vi nhất định, tuy nhiên từ đó chúng ta cũng có thể hình dung ra thị trường tổng thể và hoàn toàn có thể khẳng định rằng phân tích kỹ thuật có tỷ lệ thành công không thua kém gì phân tích cơ bản.
1.4. Phân tích kỹ thuật nhanh chóng và dễ dàng
Ngoài các lầm tưởng tiêu cực đối với phân tích kỹ thuật, cũng có một số quan niệm khác sai lầm khi đã “thần thánh hóa” phương pháp phân tích kỹ thuật, khiến cho nhiều người hiểu sai và quá dựa dẫm vào phương pháp này. Anh em cần phải hiểu rõ những điều này để có thể thành công với phân tích kỹ thuật.
Đầu tiên phải kể đến là quan niệm cho rằng phân tích kỹ thuật nhanh chóng và dễ dàng. Cho đến tận thời điểm bây giờ, anh em cũng rất dễ dàng bắt gặp các khóa học được quảng cáo và hứa hẹn mang lại thành công một cách nhanh chóng mà không tốn nhiều công sức.
Mình có thể khẳng định rằng những khóa học như vậy là không đáng tin. Việc thành công nhanh hay chậm thì có thể phụ thuộc vào anh em, nhưng việc không tốn nhiều công sức thì rõ ràng là không thể. Càng muốn thành công nhanh chúng ta càng cần bỏ nhiều công sức, anh em cần học hỏi chuyên sâu, thực hành, rèn luyện kỷ luật…
Trên thực tế, dù bỏ rất nhiều công sức nhưng đa số các nhà giao dịch cũng không thể nào thành công một cách nhanh chóng. Giao dịch là công việc đòi hỏi thời gian, kiến thức và công sức rất nhiều, những ai muốn thành công nhanh mà không muốn bỏ thời gian công sức thì không thể tồn tại được lâu trên thị trường này.
1.5. Có các phần mềm phân tích kỹ thuật giúp các nhà giao dịch tự động kiếm tiền
Hiện nay, có nhiều phần mềm hay robot tự động hỗ trợ các Trader trong suốt quá trình thực hiện giao dịch. Tuy nhiên các phần mềm này chỉ có tác dụng hỗ trợ cho anh em thôi chứ không hề dịch hoàn toàn tự động như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Các nhà giao dịch mới đôi khi cũng nhầm lẫn rằng các công cụ phân tích kỹ thuật được cung cấp có thể giúp họ đảm bảo lợi nhuận. Trên thực tế các phần mềm này có thể hoạt động rất hiệu quả trong phạm vi nhiệm vụ của nó, cung cấp cho chúng ta các xu hướng, mô hình, tín hiệu rất chính xác. Tuy nhiên, điều đó là không đủ để đảm bảo lợi nhuận bởi các tín hiệu dù mạnh đến đâu vẫn tồn tại rủi ro nhất định.
1.6. Các chỉ báo kỹ thuật áp dụng được trên tất cả các thị trường
Các chỉ báo kỹ thuật có thể đúng trong một hoặc nhiều điều kiện thị trường khác nhau, nhưng chắc chắn nó không thể đúng trong mọi trường hợp. Mỗi loại tài sản, tiền tệ khác nhau có những đặc điểm và tính chất khác nhau.
Ví dụ, một chỉ báo nào đó có thể hoạt động rất tốt khi anh em phân tích biểu đồ của cặp tiền USD/JPY, nhưng nó không có nhiều giá trị trong biểu đồ giá vàng, bởi giá vàng biến động mạnh hơn nhiều so với cặp tiền USD/JPY và nó cần các chỉ báo mạnh hơn để phân tích.
Anh em nên chú ý điều này và đừng mắc sai lầm khi áp dụng các chỉ báo dành cho loại tài sản này sang loại tài sản khác. Đây cũng là một nguyên tắc giúp anh em thành công với phân tích kỹ thuật.
1.7. Phân tích kỹ thuật có thể đưa ra những dự đoán rất chính xác
Có nhiều người mong đợi rằng sự chính xác của các chỉ báo kỹ thuật là rất cao, thậm chí họ kỳ vọng vào sự chính xác tuyệt đối 100%. Ví dụ, một số người mong đợi chỉ báo sẽ cung cấp cho mình một tín hiệu cụ thể như giá của tài sản A sẽ là X vào thời điểm Y. Điều đó rõ ràng là không thể xảy ra, vì nếu như vậy thì ai cũng có thể thành công trên thị trường.
Thay vào đó, các nhà giao dịch thành công với phân tích kỹ thuật chỉ đưa ra những dự báo tương đối như: giá cổ phiếu A sẽ đạt khoảng 25 – 30 USD trong khoảng 2 đến 3 tháng tới. Dù nghe có vẻ nó khá mơ hồ, nhưng thực tế những người chuyên nghiệp chỉ cần biết như vậy. Họ sẽ đưa ra những dự đoán chi tiết hơn khi giá đến gần những mức đó, cứ thu hẹp phạm vi dự đoán lại cho đến khi có một tín hiệu cụ thể.
1.8. Cần phải có tỷ lệ chiến thắng cao khi dùng phân tích kỹ thuật
Nhiều nhà giao dịch luôn quan niệm rằng phải có một tỷ lệ chiến thắng cao để có lợi nhuận, tuy nhiên điều đó không phải luôn luôn cần thiết. Việc tạo ra lợi nhuận còn phù thuộc rất nhiều vào chiến lược đặt stop loss và take profit của chúng ta (tức là phụ thuộc vào tỷ lệ Rick Reward).
Có nhiều nhà giao dịch thường xuyên có tỷ lệ chiến thắng chỉ khoảng 50%, anh em có thể cho rằng họ chỉ có kết quả hòa nhưng trên thực tế họ vẫn đạt được mức lợi nhuận rất tốt. Lý do bởi chiến lược của họ có tỷ lệ lợi nhuận rủi ro cao, một lệnh thắng họ đạt được lợi nhuận gấp 2-3 lần so với khi lệnh thua, do đó tổng thể họ vẫn có lãi dù số lệnh thắng chỉ bằng số lệnh thua.
Do đó, để thành công với phân tích kỹ thuật, anh em không nhất thiết phải có một chiến lược với tỷ lệ thắng hoàn hảo, mà chúng ta cần biết quản lý vốn và cân đối tỷ lệ thắng với tỷ lệ lợi nhuận rủi ro.
Xem thêm: Phương pháp quản lý vốn hiệu quả nhất mà mọi trader phải biết
2. Những điều cần lưu ý để thành công với phân tích kỹ thuật
Với việc phân tích những lầm tưởng phổ biến về phân tích kỹ thuật, mục đích của chúng ta là tìm hiểu rõ hơn về bản chất của phân tích kỹ thuật. Bên cạnh đó, những nhận định trên cũng giúp chúng ta khẳng định rằng một nhà giao dịch hoàn toàn có thể thành công với phân tích kỹ thuật mà không cần đến những phương pháp khác.
Tuy nhiên, có thể không có nghĩa là nó áp dụng được với tất cả mọi người. Để thành công với phân tích kỹ thuật là cả một quá trình không hề dễ dàng. Mình sẽ gửi đến anh em một vài lưu ý quan trọng để hỗ trợ anh em trong quá trình này, chắc chắn sẽ giúp ích anh em rất nhiều trong quá trình học hỏi về phân tích kỹ thuật.
- Đừng để sự phức tạp của phân tích kỹ thuật khiến anh em sợ hãi: nhắc đến phân tích kỹ thuật, nhiều người thường nghĩ đến vô số những chỉ báo phức tạp. Thế nhưng, hãy nghĩ đơn giản một chút, các chỉ báo đơn giản chỉ là những phép toán và anh em hoàn toàn có thể nắm bắt được chúng một cách dễ dàng.
- Yếu tố cốt lõi của phân tích kỹ thuật là xu hướng: để giao dịch một cách an toàn và hiệu quả cao nhất với phân tích kỹ thuật, anh em hãy giao dịch thuận theo xu hướng thay vì làm ngược lại. Trong một xu hướng tăng anh em không nên bán ra, và trong một xu hướng giảm thì nên hạn chế tối đa vào lệnh mua.
- Mọi chỉ báo đều có vai trò của nó: trong phân tích kỹ thuật, số lượng các chỉ báo tồn tại là vô cùng lớn nên không ai có thể sử dụng tất cả chúng cùng một lúc. Tuy nhiên, mỗi chỉ báo được tạo ra đều có tác dụng của nó và đều có thể hoạt động tốt nếu sử dụng đúng cách. Anh em cần tìm cho mình những chỉ báo phù hợp nhất và vận dụng tối đa được chức năng của nó để thấy rằng mỗi chỉ báo đều có thể hoạt động tốt như thế nào.
- Tất cả các chỉ báo đều có khả năng thất bại: mặc dù chỉ báo nào cũng có tác dụng của riêng nó, nhưng kể cả những chỉ báo tốt nhất, được đánh giá cao nhất cũng không thể có tỷ lệ thành công 100%. Việc chỉ báo hoạt động tốt hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào những điều kiện khác của thị trường, do đó hãy chăm chỉ thực hành và tìm ra những điều kiện mà chỉ báo của anh em hoạt động tốt nhất.
- Đừng giao dịch nếu anh em sợ thua lỗ: thua lỗ là điều tất yếu trong thị trường Forex. Anh em cần biết cách kiểm soát thua lỗ trước khi tham gia thị trường này thay vì sợ hãi. Điều đơn giản nhất mà anh em có thể thực hiện là đừng quên đặt stop loss của mình.
- Sử dụng ít nhất hai chỉ báo kết hợp với nhau: việc kết hợp hai chỉ báo với nhau giúp anh em có những tín hiệu đáng tin cậy hơn, loại bỏ được những tín hiệu nhiễu. Tuy nhiên, hãy kết hợp một cách hợp lý, 2 chỉ báo cần phải bổ sung được cho nhau chứ không nên trùng nhau
- Không sử dụng quá nhiều chỉ báo: việc kết hợp các chỉ báo với nhau là điều tốt, tuy nhiên nó chỉ nên dừng lại ở một con số phù hợp. Nếu sử dụng quá nhiều chỉ báo cùng lúc, biểu đồ của anh em sẽ trở lên rối tung, và thậm chí có những chỉ báo còn đem lại các tín hiệu xung đột với nhau khiến cho chúng ta không thể tìm ra được nơi để vào lệnh.
- Thử nghiệm với tài khoản demo mỗi khi muốn sử dụng chỉ báo mới: khi muốn dùng một chỉ báo mới, anh em cần thực hành nó với tài khoản demo để tránh rủi ro, cho đến khi thành thạo nó thì hãy áo dụng nó vào tài khoản thật.
- Nên áp dụng việc phân tích đa khung thời gian: hãy phân tích ở khung thời gian lớn hơn để có cái nhìn tổng thể về thị trường, trước khi vào khung thời gian yêu thích của anh em để tìm kiếm tín hiệu. Lúc này hãy tìm các tín hiệu thuận theo các xu hướng chính mà chúng ta vừa xác định ở khung thời gian lớn để có hiệu quả tốt hơn.
- Lập kế hoạch giao dịch và tuân thủ nó với kỷ luật cao nhất: anh em cần lập kế hoạch để quản lý vốn, quyết định mức rủi ro mình có thể chịu là bao nhiêu, và cũng cần đặt mục tiêu lợi nhuận hợp lý, đừng quá tham lam. Điều quan trọng nhất là anh em cần kỷ luật bản thân ở mức cao nhất để có thể tuân thủ được kế hoạch mà mình đã đặt ra.
3. Tổng kết
Chúng ta sẽ khẳng định lại một lần nữa rằng một nhà giao dịch hoàn toàn có thể thành công với phân tích kỹ thuật, vì phương pháp này là đủ mạnh để giúp anh em giao dịch mà không cần những kiến thức về kinh tế, tài chính như phân tích cơ bản.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phân tích cơ bản không quan trọng và không cần thiết. Nếu có điều kiện và thời gian, anh em nên học thêm về phân tích cơ bản, vì sự kết hợp giữa phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật vẫn sẽ tối ưu hơn. Đồng thời, việc học về phân tích cơ bản cũng giúp anh em có cái nhìn sâu sắc hơn về thị trường, hiểu biết hơn về nền kinh tế cũng như cách thị trường tài chính vận hành.
Nhìn chung, điều quan trọng nhất trong thị trường Forex là kiến thức. Anh em cần học hỏi không ngừng để hoàn thiện kiến thức cũng như kỹ năng của mình, và kết quả nhận được chắc chắn sẽ xứng đáng với công sức anh em bỏ ra. Hãy cập nhật thêm kiến thức mỗi ngày cùng VnRebates nhé.
VnRebates tổng hợp
Theo investopedia.com; dummies.com