Xem thêm:
- Quê hương của Messi cân nhắc dùng bitcoin làm tiền tệ hợp pháp
- USD giảm tháng đầu tiên trong năm, vàng tăng 4 tháng liên tiếp
Tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao dịch
Mặc dù Bắc Kinh quyết tâm tăng cường việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao dịch quốc tế, một khảo sát mới chỉ ra rằng nhiều đối tác thương mại chưa sẵn lòng chấp nhận việc sử dụng đồng tiền này khi thực hiện các thỏa thuận với Trung Quốc. Theo báo cáo từ Cross-Border Yuan Insight, khoảng 47.7% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đối tác của họ không quan tâm đến việc sử dụng đồng nhân dân tệ cho việc thanh toán. Điều này được xem là một trong những rào cản chính đối mặt với tham vọng của Bắc Kinh.
Trong số người được hỏi, 1/3 cho biết tình hình vẫn không có sự thay đổi so với một năm trước, trong khi 11% cảm thấy rằng tình hình hiện nay thậm chí còn khó khăn hơn. Tổng cộng có 1,657 công ty tham gia khảo sát, trong đó có 71% doanh nghiệp tư nhân, 13% doanh nghiệp nhà nước, và 15% là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc.
Kết quả khảo sát cũng phần nào thể hiện những thách thức mà Bắc Kinh đang phải đối mặt trong việc biến đồng nhân dân tệ trở thành một phương thức thanh toán quốc tế, mục tiêu vượt qua đồng USD. Sự phổ biến của đồng USD như một phương thức thanh toán quốc tế đã giúp Mỹ có quyền lực đáng kể, đặc biệt trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt có thể làm suy yếu nền kinh tế và thực hiện chiến tranh tài chính với các quốc gia khác.
Công cuộc soán ngôi đồng USD của nhân dân tệ vẫn còn nhiều thách thức
Chỉ số quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ, do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đo lường, đã trải qua cải thiện từ năm 2009, nhưng vẫn thua xa so với Euro và USD trong giao dịch thương mại quốc tế, thị trường ngoại hối và dự trữ của các ngân hàng trung ương.
Khảo sát mới cho thấy một số vấn đề khác với đồng tệ bao gồm rủi ro từ việc biến động tỷ giá, sự chênh lệch về lãi suất giữa đồng tệ và ngoại tệ, cùng với các rào cản đối với dòng vốn đầu tư xuyên biên. Hơn 63.84% người tham gia khảo sát cho rằng “tính phức tạp của chính sách” là trở ngại lớn nhất, trong khi 40% nói rằng khó khăn nằm ở “điều chỉnh pháp lý” cũng như “rào cản về vốn đầu tư”.
George Lu, người đứng đầu một công ty thiết bị y tế châu Âu ở Đồng bằng sông Dương Tử, Trung Quốc, cho biết: “Đa số nhà sản xuất phụ tùng gốc sẽ chấp nhận thanh toán bằng USD từ các trụ sở nước ngoài sau khi khấu trừ một phần để bù chi phí sản xuất và vận hành bằng đồng nhân dân tệ. Số dư sẽ được giữ trong ngân hàng và đổi sang USD khi tỷ giá vận hành thuận lợi”.
Kent Liu, một nhà sản xuất máy in số có trụ sở tại Quảng Châu với các nhà máy ở châu Mỹ và Đông Nam Á, cho biết khách hàng ở Đông Nam Á thường thanh toán bằng đồng nhân dân tệ nhiều hơn, nhưng phần lớn họ là người Trung Quốc gốc. Khách hàng từ các thị trường nước ngoài thích thanh toán bằng USD hơn vì họ cảm thấy đồng nhân dân tệ chưa thực sự hữu ích cho việc đầu tư vào quốc gia của họ.
Trong quý 2 này, gần 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát không có kế hoạch tăng cường thanh toán bằng đồng tệ.
Những điều này cho thấy công cuộc soán ngôi đồng USD của nhân dân tệ vẫn còn nhiều thách thức.
Nguồn: cafef.vn