Kết quả cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với Thủ tướng Anh Boris Johnson được nghị sĩ Graham Brady, chủ tịch Ủy ban 1922 của đảng Tory (Đảng Bảo thủ), công bố vào lúc 21h tối 6/6 (giờ địa phương) với 211 phiếu ủng hộ (chiếm 59%) và 148 phiếu chống (41%).
Vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện với kết quả sít sao này được xem như “tạm thời” cứu vãn sự nghiệp chính trị của Boris Johnson, để ông “tại vị” trên chiếc ghế Thủ tướng Anh cũng như tiếp tục lãnh đạo đảng Bảo thủ.
Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm được xem là thách thức chưa từng có trong sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Boris Johnson, bắt nguồn từ những bê bối tiệc tùng (partygate) hồi tháng 5/2020. Theo điều tra, vị Thủ tướng cùng một số quan chức cấp cao đã tụ tập và mở nhiều bữa tiệc tại số 10 phố Downing trong thời điểm nước Anh áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.
Mặc dù đã lên tiếng xin lỗi trong phiên chất vấn trước Nghị Viện hồi đầu năm, nhưng sự biện minh của đương kim Thủ tướng Vương quốc Anh không thuyết phục được các nghị sĩ Anh cả ở Công đảng đối lập lẫn ở Đảng Bảo thủ nơi ông đứng đầu. Thậm chí, trong các kết quả thăm dò dư luận, 2/3 số người Anh (66%) được hỏi bày tỏ mong muốn ông Johnson từ chức vị trí Thủ tướng.
Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra vào tối 6/6 là cơ hội chấm dứt những đồn đoán, cáo buộc kéo dài sau khi số nghị sĩ đảng Bảo thủ không còn ủng hộ Thủ tướng Johnson đã vượt quá ngưỡng 15%, trong tổng số 359 nghị sĩ.
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, với giọng điệu lạc quan Boris Johnson mô tả chiến thắng của mình là “một chiến thắng thuyết phục, một kết quả mang tính quyết định”, bất chấp 41% nghị sỹ của đảng Bảo thủ bỏ phiếu chống lại ông.
Tuy nhiên, dù đã “sống sót” trong gang tấc nhưng sự bất mãn về khả năng lãnh đạo của ông dự kiến sẽ tiếp tục bùng phát khi giới phân tích cho rằng thời gian tại vị của vị Thủ tướng đang được “tính từng ngày.”
Phe chỉ trích ông Boris Johnson cho rằng số phiếu chống lại ông lên tới 41% – bất chấp những nỗ lực của ông để giành được sự ủng hộ của họ, cho thấy quyền lực của vị TT này đã bị suy yếu. Nghị sĩ Julian Sturdy, một trong số những người không ủng hộ, tuyên bố rằng kết quả này là “bằng chứng cho thấy ông ấy không còn nhận được sự tín nhiệm toàn diện và nên xem xét vị trí của mình”.
Các trang báo lớn cũng không thương tiếc mà “mỉa mai” về kết quả của cuộc bỏ phiếu hôm qua với những tiêu đề gây sốc “Hollow victory tears Tories apart – Chiến thắng vô nghĩa xé toạc đảng Bảo thủ” hay “quyền lực của Johnson đã bị “nghiền nát” khi quân nổi dậy vây quanh để kết liễu ông ta”, theo The Daily Telegraph.
Thậm chí, Boris Johnson còn bị so sánh với người tiền nhiệm Theresa May khi bà được ủng hộ nhiều hơn (63%) trong cuộc bỏ phiếu tương tự cuối năm 2018, 6 tháng trước khi bà từ chức sau thất bại với Brexit, mở đường cho một cuộc bầu cử mới và ông Johnson trở thành Thủ tướng.
Dù vị trí của Boris Johnson sẽ được bảo toàn trong 12 tháng và ông cũng không có dấu hiệu sẵn sàng từ chức, nhưng điều này cũng không đồng nghĩa với việc chính phủ do ông lãnh đạo sẽ hoạt động trở lại như bình thường.
Thách thức phía trước đối với vai trò lãnh đạo của Thủ tướng vẫn còn khá chông gai, trừ khi ông đạt được cải thiện đáng kể ở các cuộc thăm dò trong những tháng tới đây.
Nhiều nghị sĩ trong đảng Tory bày tỏ lo ngại về hiệu quả lãnh đạo nước Anh khi quốc gia này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như nguy cơ suy thoái, giá hàng hóa leo thang hay phản ứng của chính phủ đối với các hoạch định chính sách.
VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ
Theo Financial Times