Khi đã có được lợi nhuận từ thị trường ngoại hối, nhiều Trader thường giữ lại trong tài khoản để tiếp tục giao dịch thay vì rút tiền về ví. Nhưng sau đó, họ lại đánh mất lợi nhuận mà mình kiếm được trong chính thị trường này. Tại sao lại như vậy? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!
1. Giữ lại lợi nhuận giao dịch có phải là một sai lầm?
Việc giữ lại lợi nhuận trong tài khoản giao dịch mà không có mục đích hay kế hoạch cụ thể nào, để rồi sau đó phải trả lại hết cho thị trường vì thua lỗ, có thể nói là một trải nghiệm khá đau đớn đối với các nhà giao dịch.
Tuy nhiên, xét một cách khách quan, mỗi lựa chọn luôn bao gồm cả mặt tích cực và mặt tiêu cực. Chúng ta cùng phân tích xem việc giữ lại lợi nhuận sẽ đem lại ưu điểm và nhược điểm như thế nào.
1.1. Những “lý do chính đáng”
Mặc dù việc đánh mất lợi nhuận mà mình đã vất vả giao dịch mới có được là điều không ai mong muốn, tuy nhiên, các nhà đầu tư khi đã tham gia vào thị trường này cần phải hiểu và chấp nhận rằng rủi ro thua lỗ là điều không thể tránh khỏi.
Bất kì giao dịch nào cũng có tỉ lệ thua lỗ cho dù bạn có tuân thủ kỷ luật tuyệt đối. Tương tự, bất kì nhà giao dịch nào cũng có khả năng thất bại dù có một hệ thống giao dịch tối ưu.
Có thể nói thua lỗ trong thị trường ngoại hối là một điều hết sức tự nhiên.
Trong hoàn cảnh đó, giữ lại lợi nhuận trong tài khoản có nghĩa là bạn có một khoản tiền để hứng chịu rủi ro, đảm bảo an toàn cho phần vốn sẵn có của mình nếu như sau đó có giao dịch thua lỗ. Bởi dù sao đi nữa, chưa mất tiền vốn có nghĩa là bạn chưa thua lỗ đúng không nào!
1.2. Vậy cảm giác an toàn đó có đáng để trải nghiệm.
Tại sao mình lại cho rằng sự an toàn đó là cảm giác?
Trên lý thuyết, có vẻ như việc giữ lại lợi nhuận sẽ giúp vốn của bạn được bảo vệ như chúng ta vừa phân tích. Tuy nhiên, đó là trong trường hợp các nhà giao dịch tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc quản lý vốn đã đặt ra.
Thế nhưng trong thực tế, mọi vấn đề thường không dễ chịu như lý thuyết mà chúng ta đưa ra. Sự an toàn mà phần lợi nhuận này đem đến cho các nhà đầu tư vô tình lại trở thành thách thức đối với họ trong việc làm chủ tâm lý giao dịch.
Với suy nghĩ rằng vốn của mình đang được bảo vệ, bạn sẽ mất cảnh giác và có thể đưa ra những quyết định giao dịch một cách thiếu cân nhắc – để rồi nhận lại là một giao dịch thua không đáng có, và đánh mất lợi nhuận của mình.
Bên cạnh đó, với sự tự tin khi đang chiến thắng thị trường, cùng số tiền trong tài khoản đã được gia tăng, có thể khiến cho các Trader quyết định vào lệnh với khối lượng lớn hơn mà không tính toán kỹ lưỡng. Hậu quả lúc này có thể còn tệ hơn – số tiền mất đi sẽ lớn hơn phần lợi nhuận mà trước đó bạn kiếm được. Khi đó bạn chính thức ở trong trạng thái thua lỗ.
Sau khi mọi sự xảy ra như vậy, bạn tự dằn vặt mình, bạn không hiểu tại sao mình lại có quyết định như thế. Thậm chí, trong một vài trường hợp, bạn đã lường trước được rằng mọi chuyện sẽ xảy ra như vậy, nhưng bạn vẫn hành động một cách vội vàng.
Bạn thắc mắc chuyện gì đã xảy ra? Chúng ta sẽ phân tích sâu hơn để cùng làm rõ và tìm cách khắc phục tình trạng này.
2. Tại sao chúng ta vẫn luôn đánh mất lợi nhuận của mình dù không muốn?
2.1. Tâm lý con người trong việc sử dụng tiền
Nếu để ý, bạn sẽ thấy những người không sử dụng thẻ tín dụng thường chi tiêu tiết kiệm hơn so với khi họ sử dụng chúng. Một ví dụ đơn giản để giải thích cho hành vi này:
Giả sử bạn đang muốn mua một chiếc tivi có giá 10 triệu đồng.
Nếu lúc này lượng tiền của bạn chỉ còn lại 10 triệu đồng và không có thẻ tín dụng, mình khá chắc là bạn sẽ không mua nó vì còn để tiền dùng cho những mục đích khác.
Tuy nhiên, trong trường hợp bạn chỉ còn 5 triệu đồng nhưng kèm với đó là một thẻ tín dụng với hạn mức 20 triệu đồng thì sao? Hẳn là bạn sẽ không chần chừ gì mà mua luôn chiếc tivi đó bằng thẻ tín dụng, dù thực tế bạn chỉ sở hữu 5 triệu đồng.
Rõ ràng khả năng tài chính của bạn lúc này là không đủ, nhưng tại sao bạn vẫn làm như vậy? Đó là vì tiền khi bạn dùng thẻ tín dụng không phải tiền có thật, không thuộc sở hữu của bạn nên bạn không có sự kết nối, sự gắn bó với số tiền đó. Khi đó, bạn có thể chi tiêu số tiền đó mà không cảm thấy đau đớn và mất mát giống như khi tiêu những đồng tiền đang ở trong túi của mình.
Nếu bạn đang thắc mắc chuyện này có liên quan gì đến giao dịch, thì chúng ta hãy cùng tiếp tục làm rõ.
Với tài khoản giao dịch của mình, loại tiền mà bạn sử dụng lúc này đơn giản là những con số trên màn hình. Cũng giống như những con số hạn mức của thẻ tín dụng, nó không có thật, không hữu hình. Con người sẽ cư xử khác khi họ sử dụng những đồng tiền hữu hình, những đồng tiền mà họ sẽ trực tiếp mất đi khi chi tiêu vào việc gì đó. Tiền nằm trong tài khoản giao dịch thì không có những đặc điểm như vậy.
Cụ thể hơn, khi bạn có một giao dịch thắng, bạn sẽ có cảm giác như thị trường đang “đưa” tiền cho bạn. Lúc này nó chỉ là những con số trong màn hình giao dịch và không hề có một sự trao đổi tiền hữu hình nào xảy ra. Kết quả là bạn sẽ sử dụng chúng mà không đắn đo tiếc nuối, cũng không hề cảm thấy mất mát nếu chẳng may chúng biến mất trong giao dịch tiếp theo.
Đến đây, khi đã biết vấn đề ở đâu, điều bạn cần làm là biến những con số lợi nhuận có được trở thành tiền của bạn. Để làm được điều đó, chúng ta có một cách thật đơn giản: rút khoản lợi nhuận của bạn về. Khi tiền đã nằm trong tay bạn, mình tin là bạn sẽ có trách nhiệm hơn rất nhiều so với khi nó còn nằm trong tài khoản giao dịch.
Nhưng thật không may, vấn đề không chỉ kết thúc ở việc biến khoản lợi nhuận trở thành tiền của bạn, bởi vì dù đã hiểu được điều này thì có lẽ đa phần các nhà giao dịch vẫn sẽ giữ lại lợi nhuận trong tài khoản để tiếp tục các giao dịch của mình. Để hiểu được tại sao các nhà giao dịch lại hành động như vậy để rồi tiếp tục đánh mất lợi nhuận của họ, chúng ta cần nghiên cứu về một vấn đề quan trọng hơn: Chứng nghiện giao dịch.
2.2. Chứng nghiện giao dịch
Nghiện giao dịch về bản chất cũng giống như nghiện chất kích thích, đặc biệt là nghiện cờ bạc. Các nhà giao dịch thường không biết mình bị nghiện hoặc phủ nhận khi người khác chỉ ra vấn đề của họ. Theo thời gian, họ trở nên thích thú và tận hưởng cảm giác hồi hộp trên thị trường, điều đó khiến họ không thể suy nghĩ sáng suốt và đưa ra được quyết định chính xác.
Khi một Trader nghiện giao dịch nghĩa là họ nghiện cảm giác rủi ro. Cảm giác hồi hộp khi gặp rủi ro về tiền bạc đã giải phóng Dopamine (chất gây cảm giác thích thú, hạnh phúc cho con người), tương tự như các hình thức nghiện khác.
Điều đáng nói ở đây là một khi đã nghiện, họ cần lượng chất gây nghiện tăng dần theo thời gian để có thể tiếp tục nhận được những cảm giác kích thích như ban đầu có được. Trong trường hợp này, nhà giao dịch cần tăng mức độ mạo hiểm bằng cách tăng khối lượng/ tần suất giao dịch lên dần theo thời gian.
Cần lưu ý rằng, khi các nhà giao dịch nghiện cảm giác rủi ro không có nghĩa là họ thích sự thua lỗ. Họ vẫn đau đớn với mỗi giao dịch thua, tuy nhiên chứng nghiện không cho phép họ dừng lại. Thậm chí càng thua lỗ họ càng bị kích động và vào lệnh một cách bất chấp, cứ lặp lại như vậy cho đến khi phá sản, chỉ để tìm kiếm cảm giác được tham gia thị trường, để não bộ sản sinh Dopamine thỏa mãn cơn nghiện.
Trở lại với vấn đề chúng ta thường hay đánh mất lợi nhuận của mình. Khi giao dịch, cảm giác lấy được tiền từ thị trường về tay mình (rút tiền về) thường không mạnh bằng cảm giác kích thích khi tiếp tục vào lệnh và tận hưởng rủi ro (do não bộ sản sinh Dopamine).
Vì vậy, cho dù là lợi nhuận hay thậm chí là vốn tự có cũng sẽ tiếp tục trở thành công cụ cho nhà giao dịch thỏa mãn cơn nghiện của mình. Đó sẽ là một vòng luẩn quẩn cho đến khi nhà giao dịch đánh mất lợi nhuận của mình, thậm chí là hoàn toàn phá sản và không còn cách nào có thể tham gia thị trường được nữa. Để tránh điều đó xảy ra, bạn buộc phải tìm cách đảm bảo rằng mình không bị nghiện.
3. Kết luận
Việc bạn thường xuyên đánh mất lợi nhuận trên thị trường có thể là dấu hiệu nguy hiểm cho thấy bạn có thể trở nên nghiện giao dịch. Điều đó hết sức nguy hiểm. Vì vậy, hãy luôn bình tĩnh và đảm bảo rằng bạn không rơi vào tình trạng đó. Bạn phải nhận thức được nó, phải có cho mình kế hoạch giao dịch – đồng thời nỗ lực thực hiện theo kế hoạch đã đặt ra để chống lại bất cứ nguy cơ nào từ nó. Bạn cũng cần có cho mình một tâm lý giao dịch thật vững vàng và các phương pháp quản lý vốn hiệu quả để có thể chiến thắng thị trường.
VnRebates chúc bạn giao dịch an toàn và hiệu quả!
Bài viết gốc của tác giả Nial Fuller
VnRebates lược dịch và bổ sung