Fed tăng lãi suất tạo áp lực lên đồng Euro
Ngày hôm qua, ECB đã có một cuộc họp khẩn về vấn đề lợi suất trái phiếu, trong bối cảnh lợi suất của tài sản này tăng vọt và yêu cầu đặt ra là phải có biện pháp ngăn chặn nó tăng nhanh hơn lãi suất của ngân hàng trung ương. Và sau đó không lâu, quyết định tăng lãi suất “mạnh tay” của Fed đã khiến cho ECB chịu áp lực một lần nữa.
Việc Fed tăng lãi suất 0.75% vào ngày hôm qua đã tạo ra áp lực đối với không chỉ ECB mà còn cả các ngân hàng trung ương khác. Fed có động thái tăng lãi suất nhanh hơn, đồng nghĩa với việc ECB, BOE và nhiều ngân hàng trung ương khác cũng cần phải bắt kịp Fed, nếu như không muốn đồng tiền của họ yếu hơn quá nhiều so với đô la Mỹ và tiếp tục khiến lạm phát trong khu vực tăng cao.
Các quan chức ECB luôn dè dặt với việc tăng lãi suất một cách quá nhanh, bởi lạm phát ở châu Âu đến từ giá năng lượng cao chứ không phải do nhu cầu hàng hóa cao. Tuy nhiên, việc mua năng lượng của khu vực này lại diễn ra bằng đồng USD, do đó áp lực từ đồng USD đã khiến cho ECB buộc phải nghĩ về những kế hoạch thắt chặt hơn, trong khi vẫn phải đảm bảo các quốc gia mắc nợ nhiều có thể chịu đựng được sự thắt chặt đó.
Xem thêm: ECB là gì và có tác động như thế nào đến thị trường Forex
SNB tăng lãi suất bất ngờ – lại là áp lực dành cho ECB?
Theo sau Fed, chiều nay SNB cũng đã đưa ra quyết định lãi suất của mình. Và một ngân hàng trung ương nổi tiếng với chính sách ôn hòa này đã khiến thị trường bất ngờ, thậm chí là một cú shock khi đưa ra quyết định tăng 0,5%, đưa lãi suất từ -0,75% về -0,25%. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của họ kể từ năm 2007, và mức tăng 0,5% dường như là quá lớn so với 15 năm duy trì chính sách ôn hòa của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ.
Trước cuộc họp của SNB, đa số các trang tin tức forex hàng đầu như actionforex.com, www.forexlive.com đều nhận định rằng rất khó để có một bất ngờ nào từ ngân hàng trung ương này, vì họ có rất ít động lực để làm điều đó. SNB có kế hoạch loại bỏ lãi suất âm trong những quý tới, nhưng dường như họ không có gì phải vội vàng, bởi đồng CHF có thể duy trì ở mức thấp càng lâu thì sẽ càng tốt cho nền kinh tế Thụy Sĩ.
Thế nhưng, bất chấp tất cả các nhận định đó, SNB đã làm điều ngược lại. Mục tiêu của họ tất nhiên là để kiểm soát tình hình lạm phát, và có lẽ chịu ảnh hưởng một phần từ việc đẩy mạnh lãi suất của Fed. Và ngay sau khi quyết định này được đưa ra, chúng ta có thể thấy đồng CHF đã phản ứng một cách cực kỳ mạnh. Đồng CHF tăng đã khiến tỷ giá USD/CHF dựng lên một cây nến H1 khổng lồ nhưng theo hướng từ trên xuống, bất chấp việc giá vẫn đang nằm trong xu hướng tăng khá dài, và cũng bỏ qua hoàn toàn các mức hỗ trợ lớn nhỏ phía dưới.
Việc tăng lãi suất của SNB phần nào cho thấy được sự nghiêm trọng của lạm phát ở thời điểm hiện tại, và một lần nữa nó tạo ra áp lực đối với ECB. Mặc dù đồng CHF không tác động trực tiếp tới đồng EUR như USD, nhưng quyết định của SNB đã gây ra sự căng thẳng trên thị trường, và gián tiếp cản trở các chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương châu Âu.
Xem thêm: Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ có vai trò thế nào đối với sức mạnh của đồng CHF
BOE – không có thêm bất ngờ được tạo ra
Một ngân hàng trung ương khác cũng đưa ra quyết định lãi suất trong chiều nay, đó là BOE. Và mặc dù chịu áp lực từ Fed trước đó, cũng như cú shock từ SNB ngay trước cuộc họp vài giờ, nhưng không có thêm một bất ngờ nào khác được đưa ra từ ngân hàng này.
BOE quyết định mức tăng 0,25%, đúng như dự kiến, và cũng duy trì mức tăng đều đặn trong lần thứ 5 liên tiếp. Tất nhiên, BOE cũng đang “nghiêm túc” chống lạm phát, nhưng tại thời điểm này, khi lạm phát đã ở mức hai con số thì có lẽ các quan chức vương quốc Anh cho rằng việc tăng mạnh lãi suất cũng không thể cải thiện được tình hình ngay lập tức, thay vào đó, nó thậm chí có thể mang đến rủi ro suy thoái sâu hơn.
Trước các động thái của Fed và SNB thì rõ ràng là thị trường đang hy vọng vào một chính sách mạnh tay hơn của BOE. Do đó, mức tăng 0,25% đã gây thất vọng một chút, khiến cho đồng GBP phản ứng giảm. Tuy nhiên sau đó đồng tiền này đã rút râu hồi lên. Có lẽ thị trường vẫn phải chờ đợi những lần điều chỉnh lãi suất tiếp theo của ngân hàng trung ương này.
Vậy, ECB đã có động thái gì để tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát?
Trước những áp lực từ thị trường cũng như quyết định từ các ngân hàng trung ương khác, các nhà hoạch định chính sách của ECB cũng đã có những động thái mới ngay trong chiều nay.
Các quan chức ECB thể hiện sự lo lắng rằng căng thẳng thị trường có thể cản trở chính sách tiền tệ, khiến chúng hoạt động không hiệu quả. Đồng thời, ngân hàng trung ương này cũng bày tỏ rằng đang chuẩn bị những công cụ mới để đối phó với lạm phát, và sẽ sẵn sàng sử dụng trong cuộc họp tháng 7.
Sau khi quyết định kết thúc chương trình mua tài sản, thị trường trái phiếu đã trở lên hỗn loạn dẫn đến cuộc họp khẩn vào hôm qua, vì vậy ECB cũng lên kế hoạch kiểm soát tình trạng này với một công cụ mới.
Nhìn chung, trước những diễn biến đang rất khó lường của lạm phát, cộng với sự bất ổn của thị trường, ECB đang chịu áp lực khá lớn cho các quyết định chính sách tiền tệ tiếp theo. Chúng ta sẽ cùng chờ xem hành động của ECB cũng như các ngân hàng trung ương khác trong thời gian tới nhé.
VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ
VnRebates tổng hợp