Việc Tổng giám đốc công ty Sky Mining – Lê Minh Tâm biến mất cùng với hơn 1.000 tỷ đồng đã gây kinh động giới đào tiền ảo khi hàng trăm nhà đầu tư mất trắng tiền tỷ đến trăm tỷ. Vậy Sky Mining là gì? Tại sao Sky Mining lại thu hút được tiền đầu tư dễ dàng như vậy dù trước đó đã có bài học của iFan?
1. Sky Mining là gì?
Sky Mining là gì có thể là câu hỏi được nhiều crypto trader ở Việt Nam quan tâm và tìm kiếm khi nghe được kỳ tích huy động 1.000 tỷ từ bao nhiêu “nhà đầu tư” Việt và sau đó “bốc hơi” cùng với giám đốc, để lại 1 tâm thư thua lỗ.
Sky Mining được thành lập cuối năm 2017 tại huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh với hình thức kinh doanh kêu gọi đầu tư mua máy đào tiền ảo và ăn chia lợi nhuận theo tỷ lệ đóng góp. Có thể nói đây là hình thức cloud mining, nhưng thay vì qua 1 công ty uy tín toàn cầu thì qua 1 công ty local tại Việt Nam.
Đến ngày 28/3/2018, Sky Mining chuyển địa điểm đăng ký kinh doanh sang quận Phú Nhuận, TP. HCM và thay đổi tên thành Hợp tác xã Bầu Trời Công Nghệ do ông Lê Minh Tâm đại diện pháp luật và là chủ nhiệm hợp tác xã, quy tụ hơn 5.000 nhà đầu tư lớn nhỏ với số tiền huy động được ước tính hơn 800 tỷ đồng vào thời điểm đó.
Theo báo Thanh Niên, công ty Sky Mining hoạt động từ Tháng 3 đến Tháng 7/2018, huy động được 7.000 gói tương đương với 7.000 máy với số tiền lên tới 35 triệu USD của 5.000 người.
2. Làm cách nào Sky Mining kêu gọi được tiền của trader?
2.1 Cơ sở lợi nhuận
Trên trang web của Sky Mining, đơn vị này tự quảng cáo là công ty về tiền ảo “lớn nhất Việt Nam”, “đào coin tốt nhất Việt Nam”, “lợi nhuận khủng”… với kế hoạch kinh doanh năm 2019 dự tính sẽ phủ sóng toàn quốc và tạo ra thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng cho nhà đầu tư.
Mức lợi nhuận KHỦNG 300%
Hệ thống của Sky Mining hoạt động bằng cách huy động vốn từ người đầu tư để mua máy khai thác tiền số, với giá trị mỗi gói là 5.000 USD, tương ứng cho một máy đào coin và ủy quyền lại cho Sky Mining thực hiện việc khai thác và lo tất cả phần kỹ thuật, nhập máy, điều hành.
Việc của nhà đầu tư chỉ cần kêu gọi thêm nhiều người vào để ăn hoa hồng giới thiệu, hoặc chỉ đầu tư và chờ 3-4 tháng để nhận lại 300% tiền đầu tư.
2.2 Mô hình kinh doanh
Sky Mining gây dựng lòng tin với nhà đầu tư với mô hình kinh doanh rõ ràng, nhà đầu tư góp tiền và vốn, Sky mining sẽ mua máy, vận hành, và quản lý các chi phí mining. Sky Mining còn tăng thêm mức độ tin cậy bằng những bản hợp đồng mua máy, nhà xưởng lớn. Nhà đầu tư có thể đến nhận lại máy có dán bảng tên của mình bất cứ khi nào Sky Mining gặp sự cố.
Tại một buổi họp mặt với nhà đầu tư đầu năm 2018, ông Lê Minh Tâm chia sẻ, với 26 xưởng cùng với gần 2.000 máy đào thì tiền điện mỗi tháng lên đến 26 tỷ đồng. “Với đà giảm của Bitcoin hiện nay, nếu tự đào, miner phải liên tục bán để trả tiền điện chứ không đủ tiềm lực trữ coin chờ giá cao”, ông Tâm nói thêm.
Với số lượng nhà đầu tư mới tham gia cao và tỷ lệ tái đầu tư lớn, hợp tác xã Sky Mining đủ khả năng để trữ coin đầu cơ chờ giá tăng, giải quyết được yếu điểm lớn nhất của những thợ đào với máy đào cá nhân là không đủ vốn “ôm coin” chờ tăng giá.
Sky Mining còn cam kết đứng ra xoay vốn từ các nguồn tín dụng để trả tiền điện thay cho nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào, giải quyết được khả năng đầu cơ trong lúc giá Bitcoin thấp và chờ đến lúc tăng giá của đầu tư cá nhân.
“Những rủi ro, khó khăn trong khai thác tiền số gồm kỹ thuật khai thác, công suất máy, giá tiền số đều được Sky Mining hứa hẹn giải quyết triệt để cho người đầu tư. Vì vậy dù được cảnh báo từ tháng 4/2018, Nhiều người vẫn một mực tin tưởng vào hệ thống mà không biết chúng có thực sự hoạt động hay không“, 1 nhà đầu tư cho biết (theo Zing).
Tuy nhiên vào hôm 23/7, khi Lê Minh Tâm biến mất, thì toàn bộ máy đào tại xưởng ở Biên Hòa, Đồng Nai đã được tẩu tán trong đêm, xưởng ở Củ Chi đã đóng cửa. Nhà đầu tư rơi vào thế mất “cả chì lẫn chài”, đồng thời vẫn còn nợ công ty Điện Lực Biên Hòa khoảng tiền điện hơn 700 triệu .
2.3 Cập nhật máy mới liên tục
Khi tham gia đào coin thì điều lo lắng nhất đối với miner đó chính là tỷ lệ hashrate / băm và công suất máy đào của họ liệu có cạnh tranh được với các máy mới khác có công suất cao hơn liên tục được đưa ra thị trường hay không.
Sự tinh vi của Sky Mining ở chỗ họ đã khôn khéo giải quyết được bài toán này bằng cách lấy tiền nhà đầu tư sau mua máy mới công suất cao đưa vào hệ thống. Số tiền đào được cam kết sẽ chia đều cho các nhà đầu tư cả cũ và mới.
Tại các buổi trao đổi với nhà đầu tư, Sky Mining quảng bá rằng mình là đối tác lớn nhất của Bitmain – nhà sản xuất máy đào lớn nhất thị trường Trung Quốc và thế giới, nhập máy sỉ từ hãng này với giá tốt và model mới nhất: “Chúng ta khai thác đầu tiên, thu lợi gần xong người ta mới vào được nên tối ưu lợi nhuận hơn”.
Điều này khiến các nhà đầu tư tin chắc rằng lợi nhuận của mình luôn được ăn chắc vì có tiền đầu tư mua máy mới từ những người sau cùng chia sẻ rủi ro với họ. Sự thật là gì: Công ty Sky Mining chỉ nhập 3 dòng máy chính là D3, L3, S9, những model quá cũ từ Bitmain nhưng lại tính bằng giá 5.000 USD với máy mới cho nhà đầu tư.
2.4 Chơi bài ngửa “Sky mining không giống như iFan”
Khi sự việc vỡ lỡ, dư luận đặt ra câu hỏi: “Tại sao đã có quá nhiều cảnh báo về mô hình kinh doanh liên quan đến tiền ảo đến từ vụ đổ vỡ của chuỗi đa cấp tiền số iFan, nhiều người vẫn tham gia Sky Mining?”
Nhắc lại câu chuyện iFan, vào cuối tháng 5/2018, Cục cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03, Bộ Công an) phối hợp với Phòng CSĐT PC03 thuộc công an TP.HCM điều tra vụ việc đường dây “tiền ảo” lừa 32.000 nhà đầu tư chiếm hơn 15.000 tỷ đồng.
Liên quan đến sự việc là Công ty CP Modern Tech (viết tắt Modern Tech, lầu 9 1 tòa nhà trên đường Nguyễn Huệ, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM), nhằm làm rõ hành vi lừa đảo của các đối tượng kêu gọi đầu tư iFan, Pincoin.
Thay vì nhà đầu tư trực tiếp mua đồng tiền ảo iFan bằng Việt Nam đồng, nhóm đối tượng này đề nghị họ mua iFan bằng đồng Bitcoin và đồng Ethereum (2 đồng tiền kỹ thuật số có giá trị cao và được phép giao dịch trên các sàn quốc tế). Nhà đầu tư muốn mua iFan phải tự chuyển tiền VND để mua 2 đồng này trên các sàn quốc tế.
Sau đó, NĐT chuyển BTC và/ hoặc ETH vào các ví điện tử trên sàn giao dịch iFan myifan.io của các cá nhân thuộc nhóm lãnh đạo iFan để mua đồng coin iFan. Tháng 10.2017, nhóm đối tượng này tiếp tục tổ chức bán đấu giá đồng coin iFan tại 1 khách sạn lớn tại Vũng Tàu với giá rất thấp chỉ từ 0,1 đến 0,2 USD/iFan, vì vậy các NĐT đổ xô vào đồng tiền ảo với kỳ vọng sinh lời khủng trong thời gian tới.
Với bài học về iFan đang diễn ra trước mắt, tại các buổi gặp mặt nhà đầu tư, Ông Tâm rất khôn ngoan, mở bài ngửa, nhiều lần khẳng định Sky Mining là mô hình kinh doanh khai thác và sản xuất truyền thống, không phải đa cấp bán coin ảo.
“Nếu Sky Mining không may dừng hoạt động thì tôi không thể nào mang 10.000 máy đào bỏ trốn được. Mọi người vẫn có thể lấy lại máy tiếp tục đào hoặc bán”, ông Tâm lập luận thuận tai rằng máy đào là tài sản hữu hình chứ không “ảo” như những con số của hình thức kinh doanh đa cấp iFan, “Công ty muốn bỏ trốn như iFan cũng không được, xưởng vẫn nằm đó và không phải của tổng công ty mà do các hội trưởng nắm”.
Điều quan trọng các nhà đầu tư nhìn nhận rằng “Mô hình này cố biến hóa để nhà đầu tư không phát hiện bản chất đa cấp bằng cách tạo ra quy định 300%. Điều này có nghĩa thu nhập và hoa hồng tối đa của nhà đầu tư không thể vượt quá 300%. Tuy nhiên hệ thống này lại cho phép tái đầu tư nên việc kéo thêm người vào để rút ngắn thời gian tạo ra gói mới“.
2.5 Những lời nói đạo lý của bộ máy nòng cốt
Trước đây Tổng Giám Đốc của Sky Mining – Lê Minh Tâm đã từng tham gia nhiều hệ thống đa cấp. Trong đó có Onecoin, dự án ICO lừa đảo có quy mô toàn cầu với quy mô tỷ đô. Vì vậy ông Tâm có kiến thức vững chắc về lĩnh vực tiền số và mô hình đa cấp, tạo khả năng phân tích, bóc tách, và lái câu chuyện lọt tai người nghe.
Tại những buổi gặp gỡ trao đổi với nhà đầu tư định kỳ, Lê Minh Tâm rất hay chia sẻ về “đạo lý kinh doanh”, “kiến thức tiền số”… với những lời lẽ thuyết phục được hàng nghìn người đi theo Sky Mining.
Sau khi mọi chuyện vỡ lỡ, mọi người đều nhận ra Sky Mining là mô hình đa cấp. Nhưng tại thời điểm bỏ tiền ra, họ đã bị những lời nói của ông Tâm làm lu mờ.
Ông Lê Minh Tâm nhiều lần khẳng định Sky Mining không phải đa cấp, hoa hồng giới thiệu chỉ là một khoản tiền nhỏ đưa lại cho người giới thiệu: “Sky Mining không phải là đa cấp. Chúng ta là loại hình kinh doanh khai thác và sản xuất truyền thống mà thôi. Tôi chỉ muốn tạo ra thu nhập 100.000 USD cho anh em”
“Người ta có 10 tỷ mất 1 tỷ không thành vấn đề. Nhưng có những người 50 triệu là mồ hôi, nước mắt của họ. Nếu lừa gạt đa cấp họ thì rất là thất đức. Không thể giàu lên từ những việc đó được. Đừng vì quyền lợi cá nhân mà hại người khác”, ông Tâm từng khẳng định với những lời lẽ có đạo đức như vậy trong một buổi gặp mặt nhà đầu tư.
Ngoài ra, ông Tâm cho rằng hoạt động của Sky Mining sẽ được Nhà nước khuyến khích vì khai thác tiền số sẽ làm giàu cho quê hương, cụ thể là ngành điện lực vì điện năng tiêu thụ khi mining là rất lớn. “Sky Mining hiện đóng 15 tỷ đồng tiền điện mỗi tháng. Dù sao tôi cũng mong muốn làm giàu cho quê hương, cho điện lực Củ Chi, Biên Hòa…”
Hơn nữa, ông Lê Minh Tâm còn đánh vào tâm lý “yêu nước” và tinh thần dân tộc, việc khai thác tiền số trong nước của Sky Mining sẽ ngăn chặn tình trạng “chảy máu ngoại tệ” ra nước ngoài, “Chúng ta sản xuất ra coin, mang đi bán cho nước ngoài, thu về đồng USD là đang làm giàu cho đất nước”. “Trong lịch sử làm việc của mình tôi chưa từng thấy công ty Việt Nam nào phát triển mạnh trên thị trường Nhật Bản, Mỹ, châu Âu như Sky Mining”, ông Tâm nói với nhà đầu tư.
3. Vậy hơn 1.000 tỷ bốc hơn, vì đâu?
Có rất nhiều lời lẽ chỉ trích nhà đầu tư tại sao lại bỏ tiền vào 1 hình thức đa cấp, và chung quy lại họ cho rằng Sky Mining huy động dễ dàng hơn 1.000 tỷ đồng là do LÒNG THAM của nhà đầu tư. Điều này là đúng.
Nhưng nếu nhìn lại bối cảnh năm 2017-2018 khi giá Bitcoin bốc khói thì có thể bạn sẽ có suy nghĩ khác.
Pháp luật Việt Nam chưa chấp nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán, nhưng lại không nghiêm cấm việc trao đổi Bitcoin như 1 loại hàng hóa và kinh doanh hàng hóa. Vì thế, ở Việt Nam, nếu bạn có điều kiện, thì việc khai thác Bitcoin và kiếm lợi không bị cấm cản.
Nhìn lại giá Bitcoin, thời điểm bùng nổ vào giữa cuối năm 2017 và đầu năm 2018, Bitcoin đã đạt mức đỉnh hơn 20.000 USD. Lúc này làn sóng FOMO từ cộng đồng nổi lên khi thấy nhiều nhà đầu tư BTC hưởng lợi, nên từ đó, thị trường đào BTC Việt Nam nở rộ cùng với thị trường giao dịch tiền điện tử cũng như các trang kinh doanh máy đào Coin sôi động hơn, khi nhiều người có nhu cầu mua máy đào.
Theo cục hải quan TP.HCM, trong 3 tuần đầu tiên của T1/2018, tính riêng tại thành phố HCM đã nhập gần 8.000 máy đào BTC. Một con số đáng kinh ngạc về mức độ quan tâm của thị trường Việt Nam.
Như vậy có thể thấy, nhà nhà người người rần rần bàn tán về Bitcoin, những câu chuyện phất lên nhờ giá Bitcoin, và sự tiếc nuối khi mình bỏ lỡ cơ hội ăn bằng trăm lần như thế.
Điều quan trọng là Sky Mining đã nắm bắt được tâm lý lúc đó, và trước sự hào nhoáng, minh bạch, cam kết của Sky Mining, nhiều nhà đầu tư đã dính bẫy. Khách quan mà nói, với những gì được trình bày ở phần 2, rất khó cho những nhà đầu tư không chuyên nhận biết được đây là mô hình đa cấp.
Tuy nhiên, cần phải nói mức cam kết tỷ lệ lợi nhuận 300% nghe thì rất khủng nhưng đặt trong bối cảnh bong bóng Bitcoin thời điểm đó thì có lẽ mức tỷ suất lợi nhuận này đủ để làm cho nhà đầu tư bỏ qua khái niệm “đa cấp” cho Sky Mining.
Ngày 22/07, sau khi đưa ra “tâm thư” kể khổ, ông Lê Minh Tâm đã xuất cảnh, thì nhiều nhà đầu tư mới vỡ mộng, nhận ra sự thật là sắp mất trắng tài sản vào Sky Mining. Theo ước tính, số tiền ông Tâm huy động được lên đến gần 1,000 tỷ đồng.
Hẳn là tâm thư rất có tâm, nhưng thực tế, khi nhà đầu tư đến trụ sở cũng như các xưởng đặt máy đào, thì chả còn chiếc máy nào cả, tiền hoàn vốn không thấy đâu, và đồng thời tiền điện vẫn còn nợ nhà nước.
Tổng hợp bởi wp.vnrebates.io
Nguồn Vietnamfinance, Zing