Pi network là một trong những dự án tiền điện tử mới nổi, hưởng lợi từ làn sóng ủng hộ bitcoin gần đây. Khác với những dự án tiền ảo khác vốn chỉ được biết tới trong cộng đồng, cái tên Pi bỗng nổi lên như cồn kể cả với những người xưa nay không quan tâm tới tiền ảo. Điểm nổi bật ở đây chính là cách phát tán của đồng Pi coin, nó vô cùng giống với cách thức các dự án “đa cấp” vốn tràn lan ở Việt Nam quảng bá về mình, sử dụng chính mạng lưới mối quan hệ của người tham gia để phát triển tên tuổi và độ phủ của hệ thống. Vậy Pi có phải là một dự án sinh ra nhằm lừa đảo người dùng? Hãy cùng Vnrebates tìm câu trả lời cho câu hỏi này.
Thông tin về Pi network
Đây là một dự án tiền ảo được tạo ra từ năm 2019 bởi một nhóm nghiên cứu sinh tại đại học danh tiếng Stanford. Những nhà sáng lập này sớm nhìn ra được các hạn chế của Bitcoin về mặt thời gian giao dịch, và mong muốn tạo ra một đồng tiền để mọi người có thể sử dụng trong những mua bán hàng ngày.
Ba nhà sáng lập của Pi network Vincent McPhillip,Chengdiao và FanNicolas Kokkalis(nguồn: Thanhnien.vn)
Hiểu được sự tốn kém và rủi ro của một dự án tầm cỡ như vậy, nhóm sáng lập quyết định sẽ “test” ý tưởng của mình một cách khôn ngoan hơn. Họ xây dựng một app rất gọn nhẹ nhằm phát tán sự phổ biến của đồng pi, trước khi thực sự xây dựng lên một blockchain để đồng tiền này thực sự có giá trị. Và đây chính là mấu chốt của việc Pi bị lên án như một dự án lừa đảo.
Cơ chế phát tán gây nhiều tranh cãi của Pi, đó là sử dụng mối quan hệ của những người tham gia hệ thống để phát triển. Và ở Việt Nam, vốn đã rất quen thuộc với cách thức lan truyền này của các doanh nghiệp “đa cấp”, Pi network ngay lập tức bị nghi ngờ là mang tính “lừa đảo”. Một buổi sáng thức dậy và bạn bỗng nhận được tin nhắn của người quen về việc tham gia vào một mạng lưới nào đó, với những hứa hẹn về tiền bạc sau này, trong khi gần như không phải bỏ công sức gì ra, càng mời thêm nhiều người bạn lại càng nhận được thêm nhiều tiền (ảo). Câu chuyện này hẳn đã trở nên rất quen thuộc với nhiều người.
Kèm theo đó những tin đồn về việc app Pi network đơn thuần là một App được tạo ra để thu thập dữ liệu cá nhân. Và với trải nghiệm thực tế của người viết, quả thực Pi network yêu cầu cung cấp những thông tin về số điện thoại hoặc mạng xã hội khi login. Ngoài ra người dùng sẽ phải quay lại app mỗi 24 tiếng để “check in” để có thể tiếp tục “đào” đồng Pi.
Hiểu thế nào về việc “đào” tiền điện tử?
Để hiểu sâu hơn, hãy cùng nói một chút về việc “đào” các đồng tiền điện tử.
Mỗi khi chúng ta thực hiện một dịch vụ chuyển tiền qua ngân hàng, một loạt hệ thống máy móc và con người ở phía ngân hàng sẽ làm việc để khiến giao dịch đó thành công. Tất cả những con người và máy móc này đều phát sinh chi phí – từ đó chúng ta có “phí giao dịch”.
Bitcoin và các đồng tiền điện tử khác sử dụng một hệ thống “phi tập trung” (decentralised), tức là không có một bên trung gian đứng ra xử lý giao dịch. Việc “đào” ở đây là một người sử dụng hệ thống máy tính của mình (và đương nhiên, điện!) để hỗ trợ xử lý các giao dịch trong mạng lưới phi tập trung đó. Chính vì việc bỏ chi phí điện và phần cứng để hỗ trợ hệ thống, anh ấy sẽ được tưởng thưởng bằng Bitcoin (proof of work) – anh ta “đào” được bitcoin.
Xem thêm: A-Z Cách đào Bitcoin
Pi coin chưa hề có blockchain, chưa thể giao dịch và giá Pi network là một con số 0 tròn trĩnh. Vậy “đào Pi” hiện tại hoàn toàn không phải việc xử lý các giao dịch, nó chỉ đơn thuần là sự tưởng thưởng của hệ thống cho việc bạn đã biết đến nó, và nếu bạn giới thiệu hệ thống cho những người khác, bạn sẽ được tưởng thưởng nhiều hơn. Đào pi hiện tại không tốn pin, bởi chiếc smartphone nhỏ bé của bạn không phải làm gì nhiều hơn là chạy một cái đồng hồ trên app “pi network” để tính toán lượng coin bạn nhận được. Không hề diễn ra việc “đào” như cái cách một hệ thống máy tính đào bitcoin.
Vậy, Pi network lừa đảo hay không?
Cơ chế phát tán của Pi, tuy gây nhiều tranh cãi nhưng thực sự mang lại hiệu quả. Với mong muốn tạo ra một đồng tiền của “toàn dân”, một trong những yếu tố quan trọng là phổ cập dự án tới với những người nằm ngoài giới tiền điện tử. Và chiến thuật marketing của Pi đã vượt qua trở ngại này một cách xuất sắc khi phần lớn những bàn tán về Pi đều đang tới từ giới không chuyên.
Việc đào như không đào của Pi cũng gây ra nhiều tranh cãi, bởi không có blockchain thì “lấy gì mà đào”? Tuy nhiên điều này đã được giải thích trong tài liệu xây dựng dự án (white paper), rằng app hiện tại chỉ đang “mô phỏng” những gì diễn ra sau này khi hệ thống có blockchain của riêng mình. Pi coin người dùng đang nhận được thực chất là sự “xí chỗ” cho những coin thực sự đang được đào trên hệ thống, và số coin này sẽ được trả về cho người dùng khi blockchain đi vào hoạt động.
Tiếp theo, những thông tin cá nhân thu thập từ app Pi network không có gì là nổi bật so với các ứng dụng khác. Các ứng dụng đều cần những thông tin cơ bản để xác nhận người dùng của mình, hơn nữa, những thông tin quan trọng và giá trị như ảnh, định vị, bluetooth, mic… đều không được chia sẻ với app (nền tảng IOS).
Và cuối cùng, chưa hề có một thiệt hại nào được gây ra cho người dùng sau gần 2 năm hoạt động của dự án.
Một cách khách quan, với những thông tin và diễn biến hiện tại, chưa thể kết luận Pi network là một dự án mang tính chất lừa đảo.
Và nếu xem xét Pi như một dự án tiền điện tử nghiêm túc, điểm mạnh và điểm yếu của nó là gì?
Xem thêm : Công nghệ Blockchain là gì? Blockchain và Bitcoin có giống nhau?
Pi network đang là chủ đề sôi nổi trên khắp các trang báo và mạng xã hội (nguồn: vnexpress)
Ưu và nhược điểm của dự án:
Ưu điểm:
- Pi thực sự có một sứ mệnh đáng thu hút: tạo ra một đồng tiền chung phi biên giới, dễ tiếp cận cho bất kỳ người nào sử dụng smartphone. Với chi phí giao dịch rẻ và tốc độ cao.
- Chiến lược marketing hơi “đa cấp” của Pi đã giúp hệ thống này cán mốc 13 triệu người sử dụng. Đây là một con số tương đối ấn tượng cho một hệ thống chưa tới 2 năm tuổi. Và hiệu quả của chiến dịch này sẽ còn được nhân rộng ra nhanh hơn khi mạng lưới đông đúc hơn.
- Pi tuyên bố về việc tạo ra một đội ngũ phát triển để hỗ trợ định hướng cho mạng lưới từ mốc 5 triệu người dùng. Việc mời thêm những người ngoài vào để tư vấn phát triển phần nào cho thấy sự minh bạch của hệ thống.
Nhược điểm:
- Nhược điểm lớn nhất hiện tại của Pi là sự ì ạch trong việc tạo ra một blockchain để đồng Pi thực sự có thể trở thành “tiền điện tử”. Trải qua gần hai năm và hơn 10 triệu người dùng app nhưng blockchain của Pi vẫn trong giai đoạn “thử nghiệm”. Hơn nữa, mã nguồn của dự án tương đối ít được update, dẫn đến việc khó ai có thể biết được tiến độ hiện tại của là ở đâu. Nếu không có blockchain được tung ra, đồng nghĩa với việc giá của toàn bộ đồng Pi hiện tại là một con số 0 tròn trĩnh.
- Do sự lỏng lẻo trong quản lý người dùng, một lượng lớn người dùng “fake” được tạo ra chỉ nhằm mục đích nhân rộng mạng lưới. Những tài khoản fake này sẽ đào và tích tụ một lượng coin không nhỏ, làm thổi phồng tổng lượng cung tiền được tạo ra. Khi cung tiền tăng đồng nghĩa với giá trị mỗi đồng tiền sẽ nhỏ lại.
- Rủi ro về việc Pi sẽ sử dụng các dữ liệu cá nhân thu thập được từ người sử dụng cho những mục đích khác ngoài phát triển dự án.
Xem thêm : Blockchain sẽ thay đổi cục diện ngành ngân hàng như thế nào?
Kết luận:
Không ai có thể đoán được dự án này sẽ đi tới đâu, liệu có một blockchain đang được xây dựng hay không, liệu đội ngũ phát triển có thể hoàn thành những cam kết của mình đúng thời hạn hay không vẫn là những câu hỏi với câu trả lời bỏ ngỏ. Và trước khi mọi việc ngã ngũ, nếu bạn muốn tham gia vào “cuộc chơi”, lời khuyên của Vnrebates là hãy cài đặt ứng dụng lên một chiếc điện thoại riêng, không có thông tin cá nhân giá trị.