Theo báo cáo được ngân hàng JPMorgan Chase công bố ngày 20/05, việc nới lỏng định lượng (QE) của các ngân hàng trung ương toàn cầu dự kiến sẽ chỉ đủ để bù đắp sự gia tăng mạnh mẽ của nguồn cung trái phiếu trong năm nay
Các chiến lược gia của Goldman Sachs tuần trước cho biết việc tăng phát hành trái phiếu sẽ củng cố cho kịch bản lãi suất tăng lên và đường cong lợi suất trở nên dốc hơn, điều này đồng nghĩa với các ngân hàng trung ương có thể cần phải mở rộng quy mô của QE để ngăn chặn lợi suất trái phiếu tăng cao.
Các nhà hoạch định chính sách đã nỗ lực để giảm lợi suất trái phiếu tại các thị trường lớn khi các chính phủ chi hàng nghìn tỷ để giúp làm dịu cú shock từ đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế gần như hoàn toàn đóng cửa.
Một cuộc tranh luận về sự phục hồi tiếp theo và bất kỳ sự giảm bớt nào trong các nỗ lực giúp đỡ từ phía các ngân hàng trung ương đang khiến nhiều người kết luận rằng lợi suất trái phiếu đã chạm đáy.
“Quy mô nới lỏng định lượng có thể cần được tăng thêm để ngăn chặn đà tăng của lợi suất trái phiếu, đặc biệt là nếu tiếp tục có sự kích thích tài khóa hoặc nếu dự đoán của chúng tôi về nhu cầu trái phiếu của khu vực tư nhân tỏ ra lạc quan” – theo nhóm nghiên cứu của JPMorgan, bao gồm chiến lược gia Nikolaos Panigirtzoglou, đã viết trong một báo cáo ngày 19 tháng 5.
Mặc dù nhu cầu trái phiếu từ các ngân hàng trung ương tăng mạnh, JPMorgan kỳ vọng rằng xu hướng này sẽ suy yếu trong năm nay đối với các ngân hàng thương mại, quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm và các nhà quản lý quỹ dự trữ ngoại hối.
Hành động của FED và Châu Âu?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED, Ngân hàng Trung ương Châu Âu ECB, Ngân hàng Nhật Bản BOJ và Ngân hàng trung ương Anh BOE sẽ đảm bảo nhu cầu tăng thêm tương đương 4.2 nghìn tỷ USD trong năm 2020, mặc dù các tổ chức cho vay thương mại sẽ thấy nhu cầu giảm khoảng 1 nghìn tỷ USD, theo báo cáo này.
Báo cáo chỉ ra rằng so với kỳ vọng của ngân hàng này vào cuối năm ngoái, sự thay đổi lớn nhất về nhu cầu trái phiếu của thị trường trong năm nay đến từ các ngân hàng trung ương. Mặc dù JPMorgan dự đoán tỷ lệ mua nợ của Fed sẽ giảm dần so với hiện tại và ổn định trong mức khoảng 5 tỷ USD mỗi ngày, nhưng tốc độ này vẫn nhanh hơn nhiều so với trước đây.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trước đó đã tuyên bố sẽ mua 1,1 nghìn tỷ euro nợ vào cuối năm 2020 và Ngân hàng Anh (BoE) tuyên bố sẽ mua 200 tỷ bảng trái phiếu chính phủ (các nhà kinh tế và chiến lược gia của JPMorgan dự đoán BoE sẽ thông báo mua thêm 100 tỷ bảng trái phiếu vào tháng 6 tới đây), Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) cũng tăng mua trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, nhu cầu trái phiếu của bốn ngân hàng trung ương này đã tăng thêm 4.2 nghìn tỷ đô la Mỹ trong năm nay, nhiều hơn 4 nghìn tỷ đô la Mỹ so với năm 2019.
Tuy nhiên, nhu cầu trái phiếu từ các quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm và nhà đầu tư cá nhân đã giảm trong năm nay.
Những dự báo trong tương lai ngắn hạn
Về nguồn cung trái phiếu, báo cáo cho rằng những cú sốc kinh tế toàn cầu và phản ứng thị trường sẽ có tác động rất lớn đến nguồn cung trái phiếu năm 2020. Do doanh thu tài chính và thuế giảm, thâm hụt tài khóa của nhiều chính phủ đã tăng mạnh, điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng đáng kể về nguồn cung trái phiếu chính phủ ở các nước phát triển, và các công ty cũng sẽ tăng phát hành nợ để đảm bảo khả năng thanh khoản nhằm chống chọi với suy thoái kinh tế.
JPMorgan Chase ước tính rằng nhu cầu thị trường đối với trái phiếu sẽ tăng thêm 1,9 nghìn tỷ đô la Mỹ trong năm 2020 và nguồn cung trái phiếu sẽ tăng thêm 2,1 nghìn tỷ đô la Mỹ. Sự cân bằng cung cầu trái phiếu sẽ chứng kiến sự suy giảm mạnh vào năm 2020.
Trong bối cảnh tốc độ thu mua trái phiếu của các NHTW chậm lại và nguồn cung trái phiếu tăng lên, lợi suất trái phiếu sẽ phải chịu áp lực tăng trong thời gian còn lại của năm.
Báo cáo phân tích của JPMorgan cho thấy dù chính sách QE đủ để bù đắp cho sự gia tăng nguồn cung trái phiếu trong năm nay, các ngân hàng trung ương có thể cần mở rộng hơn nữa quy mô của QE nếu muốn ngăn chặn sự gia tăng lợi suất.
Tổng hợp bởi wp.vnrebates.io