VNREBATES

Tỷ giá chéo là gì? 3 cách tính tỷ giá chéo siêu dễ

30.09.2020, 15:30 11 phút đọc

Tỷ giá chéo thường có tính thanh khoản yếu hơn và ít được giao dịch hơn các cặp truyền thống. Đây là điểm thú vị cũng đồng thời là mặt hạn chế của các cặp tỷ giá chéo. Có thể nói các cặp này mang lại cả lợi ích và hạn chế cho các nhà đầu tư. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu sau thêm về tỷ giá chéo qua bài viết dưới đây.

1. Tỷ giá chéo là gì?

Khái niệm tỷ giá chéo

Khái niệm tỷ giá chéo

Tỷ giá chéo, tiếng Anh là Cross Rate, là tỷ giá giữa hai đồng tiền được tính toán thông qua một đồng tiền thứ ba. Cách xác định tỷ giá chéo phụ thuộc vào 2 yếu tố chính sau:

  • Cách các đồng tiền được yết giá (commodity currency) là gián tiếp hay trực tiếp
  • Tỷ giá xác định là tỷ giá mua hay tỷ giá bán

Trong đó đồng tiền yết giá có đơn vị bằng 1; còn đồng tiền định giá (term currency) có số đơn vị thay đổi phụ thuộc vào quan hệ cung cầu trên thị trường.

1.1 Tỷ giá và yết giá

Thông thường, tỷ giá hối đoái, hay ngắn gọn là tỷ giá, thường được viết theo cách thức sau:

  • Đồng tiền đứng trước hoặc nằm ở trên là đồng tiền yết giá
  • Đồng tiền mà đứng sau hoặc nằm ở dưới gọi là đồng tiền định giá.

Hiện có hai cách yết giá là Yết giá trực tiếp (direct quotation) và Yết giá gián tiếp (indirect quotation). Cụ thể, với yết giá trực tiếp, đồng ngoại tệ là đồng yết giá còn nội tệ là đồng định giá. Ngược lại, yết giá gián tiếp có ngoại tệ là đồng định giá còn nội tệ là đồng yết giá.

Tuy nhiên, để đọc hiểu tỷ giá yết trực tiếp bạn cần ghi nhớ một số lưu ý sau:

  • 5 đồng tiền mạnh GBP, AUD, NZD, EUR, SDR (Special Drawing Rights – quyền rút vốn đặc biệt) luôn được yết giá trực tiếp
  • USD yết giá gián tiếp với mọi đồng tiền trừ 5 đồng tiền trên
  • Các đồng tiền khác đều được yết giá trực tiếp

Giữa hai loại tiền tệ khác nhau, bạn cần phải sử dụng tỷ giá chéo khi muốn biết về tỷ giá một đồng tiền có thể trao đổi cho một đồng tiền khác giữa các đồng tiền quốc tế trên một thị trường.

Hiện nay, 2 đồng tiền đô la Mỹ USD và Bảng Anh GBP được niêm yết chính thức trên hầu hết thị trường hối đoái tại các nước. Do vậy, khi muốn biết về tỷ giá hối đoái giữa các dòng tiền quốc tế lên thị trường nội địa thì các nhà giao dịch cần thông qua tỷ giá chéo quy đổi thông qua các đồng tiền này.

1.2 Đặc điểm của tỷ giá chéo

Tỷ giá chéo có một số đặc điểm dưới đây:

  • Tỷ giá chéo thường có tính thanh khoản yếu hơn và ít được giao dịch hơn các cặp truyền thống. Các nhà đầu tư có thể có cơ hội lớn hơn để khám phá những hiểu biết độc đáo về các biến động của thị trường bởi vì các cặp tiền tệ tỷ giá chéo ít được theo dõi hơn. Tuy nhiên, sự thiếu thanh khoản của tỷ giá chéo lại có thể dẫn đến biến động lớn hơn trong thời kỳ hỗn loạn. Có thể nói các cặp này mang lại cả lợi ích và hạn chế cho các nhà đầu tư.
  • Nếu bạn đang tìm cơ hội chênh lệch giá ở các cặp tiền tệ ít phổ biến, tỷ giá chéo là một lựa chọn không tồi. Nhà đầu tư có cơ hội tạo ra lợi nhuận lớn hơn khi thị trường có nhiều biến động. Tuy nhiên, đi kèm với đó là khả năng thua lỗ lớn tương ứng.
  • Khi quy đổi tỷ giá chéo, bạn không cần phải quan tâm đến các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế Mỹ như khi giao dịch nhiều cặp tiền khác.
  • Do tỷ giá chéo có thanh khoản thấp hơn nên có thể dẫn đến chênh lệch giá chào mua/bán (Bid – Ask Spread) rộng hơn – điều này chắc chắn không phải điều các nhà đầu tư mong muốn. Và trong nhiều tình huống, các nhà giao dịch thậm chí có thể gặp khó khăn trong việc vào hoặc ra khỏi vị trí lệnh của họ do không tìm được người mua / người bán.

1.3 Phân loại tỷ giá chéo

Tỷ giá chéo được xác định căn cứ theo việc bạn đứng ở địa vị người mua hoặc người bán. Nhìn chung, khi tham gia thị trường, bạn sẽ chỉ quan tâm đến một tỷ giá duy nhất mà giao dịch mua hoặc bán sẽ được diễn ra ở mức giá đó.

Có nghĩa là, người mua/người bán chỉ quan tâm đến tỷ giá mua/bán của họ. Bạn không cần quan tâm tới chênh lệch tỷ giá mua và tỷ giá bán. Tỷ giá chéo trong trường hợp này được gọi là tỷ giá chéo đơn.

Ví dụ về một tỷ giá chéo đơn: USD/VND = 22,655 và USD/EUR = 0.84 -> EUR/VND = 22,655/0.84 = 26,970.

Tuy nhiên, trên thị trường ngoại tệ luôn tồn tại chênh lệch tỷ giá mua và tỷ giá bán, đồng thời các giao dịch thực hiện thường thông qua hệ thống tài chính trung gian, như ngân hàng chẳng hạn.

Khi đó, ngân hàng có thể là người bán cho bạn nhưng lại là người mua ở giao dịch khác – tức là một người sẽ ở nhiều vị trí khác nhau. Do đó, việc xác định tỷ giá chéo giữa các ngoại tệ ở vị trí khác nhau là cần thiết.

Tỷ giá chéo trong trường hợp này được gọi là tỷ giá chéo phức. Nó được dùng để xác định cho các ngoại tệ ở vị trí khác nhau đối với những người mua, người bán khác nhau.

Thông thường, chỉ có những người đầu tư chứng khoán, những người mua – bán, giao dịch online mới quan tâm đến tỷ giá chéo. Nhìn chung, việc nắm bắt được cách sử dụng tỷ giá chéo sẽ giúp người dùng chủ động trong các giao dịch online và khi mua hàng nước ngoài.

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá chéo

Tỷ giá chéo thường được giao dịch chủ yếu với các đồng tiền như USD, EUR và JPY. Các yếu tố ảnh hưởng đến các mối quan hệ này bao gồm: Sự khác biệt tương đối về sức mạnh kinh tế của các quốc gia, tỷ lệ lạm phát và lãi suất.

Như đã nói ở trên, tỷ giá chéo không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự chỉ đạo của đồng USD và nền kinh tế Mỹ. Điều này khác với khi bạn giao dịch các cặp truyền thống như EUR/USD, USD/JPY hoặc GBP/USD. Nguyên do là khi đó, bạn có thể gặp khó khăn trong việc nhận định thị trường, bởi vì tất cả các mối quan hệ này đều phụ thuộc vào sức mạnh hoặc điểm yếu của đồng USD.

Nói chung, khi đồng USD bị suy yếu, có khả năng nó sẽ giảm nhiều hơn so với hầu hết các đồng tiền khác. Tương tự, trong một xu hướng tăng mạnh, có khả năng đồng USD sẽ tăng trước hầu hết các đồng tiền chính khác.

Bạn không thể hoàn toàn bỏ qua sức ảnh hưởng của đồng tiền này trong giao dịch các cặp tiền tệ tỷ giá chéo. Sự phát triển của đồng USD có thể gây ra hiệu ứng trên thị trường tiền tệ bởi nó là đồng tiền quan trọng nhất trên thế giới và có thể ảnh hưởng đến các cặp không liên quan trực tiếp đến đồng USD.

Tuy nhiên, chúng không phải là yếu tố quyết định chính trong mối quan hệ tỷ giá chéo.

Ví dụ về tỷ giá chéo của VND

Ví dụ về tỷ giá chéo của VND

3. Các quy tắc trong xác định tỷ giá chéo

Vậy khi nào bạn cần xác định tỷ giá chéo? Câu trả lời là khi bạn tiến hành giao dịch mua bán các đồng tiền trên thị trường hối đoái.

Có 3 trường hợp hay có khả năng xảy ra khi xác định tỷ giá chéo có 3 trường hợp có khả năng xảy ra. Cụ thể:

  • Tỷ giá chéo giữa hai đồng tiền cùng được niêm yết tỷ giá theo phương pháp trực tiếp. Ví dụ: CHF/ CAD; HKD/ JPY…
  • Tỷ giá chéo giữa hai đồng tiền cùng được niêm yết theo phương pháp gián tiếp. Ví dụ: GBP/ AUD; EUR/ GBP…
  • Tỷ giá chéo giữa một đồng tiền cùng được niêm yết theo phương pháp gián tiếp, còn một đồng tiền thì cùng được niêm yết theo phương pháp trực tiếp. Ví dụ: GBP/ CAD; AUD/ VND…

4. 3 cách tính tỷ giá chéo

3 cách tính tỷ giá chéo

3 cách tính tỷ giá chéo

Có 3 cách tính tỷ giá chéo như sau:

4.1 Xác định tỷ giá chéo giữa 2 đồng tiền định giá

Tỷ giá chéo giữa hai đồng tiền định giá được xác định bằng cách lấy tỷ giá của đồng tiền được sử dụng là đồng định giá chia cho tỷ giá của đồng tiền yết giá trong cặp tỷ giá chéo.

Cụ thể: Tỷ giá yết là VND/USD và CNY/USD, tỷ giá chéo VND/CNY trong hai trường hợp mua và bán được tính theo công thức sau:

Yết giá/định giá = (Yết giá/USD)/(Định giá/USD)

VND/USD = Tỷ giá mua/Tỷ giá bán VND

CNY/USD= Tỷ giá mua/Tỷ giá bán CNY

Ví dụ: USD/VND = 18,000/200; USD/SGD = 1.2420/30.

Tỷ giá mua SGD/VND của khách hàng = 18,200 VND/1.2420SGD = 14,653;

Tỷ giá bán SGD/VND của khách hàng = 18,000 VND/1.243SGD =14,481

-> Tỷ giá yết của ngân hàng: SGD/VND =14,481/14,653

4.2 Xác định tỷ giá giữa 2 đồng tiền yết giá

Bạn có thể tính Tỷ giá chéo giữa hai đồng tiền cùng được yết ở vị trí đồng tiền yết giá bằng cách lấy tỷ giá của đồng tiền yết giá chia cho tỷ giá của đồng tiền định giá.

Cụ thể: tỷ giá yết là USD/VND và USD/CNY, tỷ giá (TG) chéo VND/CNY trong hai trường hợp mua và bán được tính theo công thức sau:

Yết giá/định giá = (USD/định giá)/(USD/yết giá)

USD/VND = Tỷ giá mua/Tỷ giá bán VND

USD/CNY = Tỷ giá mua/Tỷ giá bán CNY

Ví dụ: GBP/VND = 29160/80; USD/VND = 18,000/200

  • Tỷ giá mua GBP/USD của khách hàng = 29,180 VND/18000 = 1.6211;
  • Tỷ giá bán GBP/USD của khách hàng = 29,160 VND/18200 VND = 1.6021

-> Tỷ giá yết của ngân hàng: GBP/USD = 1.6021/1.6211

4.3 Xác định tỷ giá giữa 2 đồng tiền yết giá và định giá

Tỷ giá chéo giữa hai đồng tiền mà một đồng được yết ở vị trí đồng yết giá và một đồng yết ở vị trí đồng định giá được xác định bằng cách lấy tỷ giá của đồng tiền yết giá nhân với tỷ giá của đồng tiền định giá.

Cụ thể: tỷ giá yết là VND/USD và USD/CNY, tỷ giá (TG) chéo VND/CNY trong hai trường hợp mua và bán được tính theo công thức sau:

Yết giá(trực tiếp)/định giá = (Yết giá/USD) x (USD/Định giá)

VND/USD = Tỷ giá mua/Tỷ giá bán VND

USD/CNY=Tỷ giá mua/Tỷ giá bán CNY

Nhìn chung, việc chênh lệch tỷ giá mua và tỷ giá bán là chuyện tất nhiên khi bạn giao dịch trên thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, tùy trên cương vị mà sẽ có thể xác định tỷ giá chéo ngoại tệ khác nhau. Việc nắm rõ công thức và cách tính tỷ giá hối đoái, tỷ giá chéo sẽ giúp bạn có thể tính toán và dự đoán sự lên xuống chênh lệch trong tiền tệ và đưa ra các quyết định đầu tư chính xác.

5. Lời kết

Trong bài viết này, chúng tôi đã chia sẻ cùng bạn tỷ giá chéo là gì và 3 cách tính tỷ giá chéo cực kỳ nhanh chóng. Hi vọng với những chia sẻ trên đây, bạn sẽ có thêm hành trang kiến thức để tự tin giao dịch trên thị trường ngoại hối và mang về thật nhiều lợi nhuận. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, vui lòng để lại bình luận dưới đây.

Tổng hợp bởi VnRebates

 

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.