Xem thêm:
- Nhiều trader đặt cược Bitcoin sẽ đạt 100.000 USD vào tháng 9
- Nếu không muốn bị thị trường “nắm thóp”, hãy phá vỡ thói quen giao dịch của bạn!
Nhiều vụ lừa đảo liên tiếp diễn ra
Theo thông tin từ Công an tỉnh Đồng Nai vào ngày 26/4, đơn trình báo của một nạn nhân đã bị chiếm đoạt hơn 9 tỷ đồng khi tham gia đầu tư tài chính đang được cơ quan chức năng tỉnh này xử lý.
Vào giữa tháng 12/2023, ông P.Đ.H, cư dân của TP Biên Hòa, Đồng Nai, đã kết bạn với một người trên mạng xã hội qua ứng dụng Zalo. Người này tự xưng là bạn học cũ ở Đại học Nông Lâm TP.HCM.
Sau khi thảo luận về công việc và gia đình, kẻ lừa đảo đã hướng dẫn ông H. cách đầu tư tài chính. Thấy cơ hội này mang lại lợi nhuận cao và đơn giản, ông H. đã đồng ý và bắt đầu đăng ký tài khoản trên ứng dụng “DREAM” theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo.
Sau khi đăng ký thành công, kẻ lừa đảo tiếp tục hướng dẫn ông H. cách nạp tiền vào tài khoản. Mỗi lần trước khi chuyển khoản để thực hiện giao dịch, đối tượng lại liên hệ để hướng dẫn ông H. về thời điểm và loại chứng khoán nên mua để có lợi nhuận lớn.
Từ ngày 12/12/2023 đến ngày 16/1, ông H. đã chuyển tổng cộng hơn 9 tỷ đồng để thực hiện giao dịch đầu tư tài chính. Nhưng khi ông H. muốn rút tiền từ ứng dụng “DREAM”, thì ứng dụng này thông báo không thể rút tiền và yêu cầu ông phải nộp thuế vì lợi nhuận cao. Sau khi nhận ra mình đã bị lừa, ông H. đã đến cơ quan công an trình báo.
Tương tự, một người dân ở Hà Nội cũng vừa trình báo công an về việc bị chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng khi tham gia đầu tư tiền ảo. Người này, được giới thiệu qua người bạn cũ, chỉ trong vòng 2 ngày, đã nạp tiền vào hệ thống ACO dold và nhận được 226.000 USD.
Khi muốn rút tiền, các kẻ lừa đảo yêu cầu nạn nhân nạp thêm tiền với các lý do như “nộp tiền xác thực”, “nâng cấp tài khoản VIP”, “tiền rủi ro an toàn”… Tổng cộng, nạn nhân đã thực hiện 15 giao dịch và bị chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng.
“Bánh vẽ” trên mạng
Luật sư Trương Ngọc Liêu từ Công ty luật TAT Law Firm đã phân tích, các kẻ lừa đảo thường lôi kéo và dụ dỗ nạn nhân tham gia đầu tư tài chính trực tuyến (bao gồm tiền ảo và chứng khoán quốc tế) bằng cách vẽ ra những cơ hội giàu có và nhanh chóng nhất.
Chúng thường tạo ra các tin tức giả mạo trên mạng xã hội, tổ chức các sự kiện, hội thảo, gặp gỡ offline và tự xưng là các chuyên gia đầu tư, những người truyền cảm hứng, người dẫn dắt để thu hút sự đầu tư vào hệ thống mà chúng thiết lập.
Khi đã huy động được số tiền đủ lớn, các kẻ lừa đảo sẽ can thiệp vào các giao dịch, thay đổi kết quả hoặc báo cáo lỗi, hoặc ngừng hoạt động (sập sàn) để chiếm đoạt tiền của những người tham gia.
Ngoài ra, còn có các chiêu trò giả mạo và chiếm quyền điều khiển các loại tài khoản số (như Facebook, Zalo…) để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản. Khi chiếm quyền, các kẻ lừa đảo này nhắm vào người thân của chủ sở hữu Zalo, Facebook… để gửi tin nhắn và hướng dẫn đầu tư tiền ảo, tài chính nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đặc biệt, gần đây, các kẻ lừa đảo còn lợi dụng công nghệ AI có tên DeepFake (giả mạo khuôn mặt, giọng nói của người quen nạn nhân) để thực hiện cuộc gọi video call, làm cho nhiều người tin rằng đó là người thật.
Nguồn: vietnamnet.vn