1. Tổng quan về Lightning network
1.1 Lightning network là gì?
Lightning Network đóng vai trò là một giao thức nhằm mở rộng quy mô và tăng tốc blockchain, được thiết kế để giải quyết một số hạn chế kỹ thuật của Bitcoin. Tuy nhiên bất kỳ blockchain nào khác cũng có thể áp dụng Lightning Network.
Nói một cách đơn giản là Lightning network sẽ tạo một layer trên mạng Bitcoin. Sau đó cho phép người dùng tạo một kênh để giao dịch giữa 2 người dùng bất kì nào trên layer đó. Lúc này 2 người tự do giao dịch với nhau và không bị giới hạn bởi số lần giao dịch.
Kênh giao dịch này sẽ tồn tại cho đến khi nào được yêu cầu hủy, vì nó chỉ tồn tại giữa 2 người dùng. Hơn nữa, phí giao dịch cho các kênh này khá thấp, đồng thời tốc độ giao dịch diễn ra cũng khá nhanh.
Vậy nên, khi có Lightning network thì bạn không cần phải ghi lại các giao dịch trên mạng blockchain. Điều này có thể tạo một mạng lưới các kênh thanh toán ít khi được yêu cầu giao dịch trên Blockchain.
Thông thường Visa có thể xử lý lên đến 50.000 giao dịch, và thường xuyên xử lý 2.000 giao dịch mỗi giây. Trong khi đó mạng lưới Bitcoin chỉ có thể xử lý tối đa 7 giao dịch mỗi giây.
Mặc dù Bitcoin hiện tại có tính bảo mật khá cao, nhưng vẫn không đủ để đáp ứng cho một mạng lưới giao dịch toàn cầu. Vậy nên sự ra đời của Lightning Network được xem như là một giải pháp tiềm năng để mở rộng quy mô Bitcoin. Từ đó đặt mục tiêu là Bitcoin có thể thực hiện với hàng triệu giao dịch mỗi giây và chi phí cho mỗi giao dịch sẽ được tối ưu hóa.
1.2 Lịch sử hình thành và phát triển Lightning Network
Lightning Network xuất hiện lần đầu tiên trong white paper của Joseph Poon and Thaddeus vào năm 2015. Các đặc tả về hệ thống này được phát triển bởi nhiều bên, bao gồm dự án Elements (c-lightning, phụ thuộc vào Bitcoin Core/bitcoind), Lightning Labs (lnd, phụ thuộc vào btcsuite/btcd hoặc Bitcoin Core/bitcoind), và ACINQ (eclair).
Sau đó khái niệm Lightning Network đã được xác nhận bởi doanh nhân Jack Dorsey vào tháng 3/ 2018.
Từ tháng 4/ 2018 đến tháng 8/ 2018, mạng lưới Bitcoin Lightning có tốc độ tăng trưởng hàng tháng khoảng 15%. Ngoài ra, số lượng nút tăng từ 1.500 đến 3.000 và số lượng kênh tăng từ 4.000 lên 11.000.
Hiện tại có ba nhóm phát triển chính của Lightning Network là Blockstream, Lightning Labs và ACINQ. Mỗi nhóm phát triển này sẽ sử dụng một ngôn ngữ lập trình khác nhau.
1.3 Phương thức hoạt động của Lightning Network
Phương thức hoạt động chính của Lightning Network là di chuyển quyền sở hữu của Bitcoin.
Như đã nhắc đến ở trên, tuy nhiên sau đây chúng tôi sẽ phân tích rõ hơn về phương thức hoạt động của Lightning Network thông qua một ví dụ về việc di chuyển quyền sở hữu này như sau:
Alice và Bob có nhu cầu gửi tiền cho nhau khá thường xuyên, nhanh chóng với mức giá tối thiểu. Vậy nên họ tạo một channel trên Lightning Network.
Đầu tiên họ cần tạo một multisignature wallet. Đây chính là ví mà cả 2 đều có thể truy cập bằng private key của họ. Sau đó cả 2 gửi một lượng Bitcoin nhất định vào ví đó. Tiếp theo họ có thể thực hiện các giao dịch một cách vô hạn.
Về bản chất các giao dịch giữa Alice và Bob chỉ đang phân phối lại quyền sở hữu tiền được lưu trên ví này. Sau đó cả 2 người sử dụng private key của mình để update balance vào 1 bảng thống kê trong ví đó.
Nếu như bạn muốn đóng channel này, thì thông tin về số dư đầu tiên và cuối cùng sẽ được gửi đến Bitcoin network. Vậy nên, cách thức hoạt động của Lightning Network là cho phép người dùng thực hiện nhiều giao dịch bên ngoài blockchain và ghi lại chúng dưới dạng một giao dịch duy nhất.
Một điểm mạnh của giải pháp này là bạn sẽ không cần thiết lập một kênh để gửi tiền cho một người nào đó. Thay vào đó bạn có thể gửi tiền thông qua các kênh mà có tồn tại kết nối giữa 2 người.
Tuy nhiên, Lightning Network lại chưa chứng minh được tính bảo mật của mình mặc dù nó được hoạt động trên blockchain. Vậy nên, có nhiều khả năng rằng giải pháp này dùng để giải quyết các giao dịch có giá trị nhỏ. Còn đối với việc thực hiện các giao dịch lớn hơn, yêu cầu tính bảo mật cao thì có lẽ tốt hơn hết bạn nên sử dụng mạng Bitcoin nguyên bản.
Ngoài ra, Lightning Network còn có một tính năng khác đang được thử nghiệm. Đó chính là cross-chain atomic swaps, hay được hiểu một cách nôm na là chuyển token giữa các blockchain khác nhau.
Hay nói cách khác đây chính là một cách hoán đổi bất kì loại tiền điện tử cụ thể nào sang một loại tiền điện tử khác. Được biết thử nghiệm đầu tiên về trao đổi token giữa Bitcoin và Litecoin đã diễn ra thành công.
2. Phân tích ưu điểm và nhược điểm của Lightning Network
2.1 Ưu điểm
Khi nhắc đến Lightning Network, chúng ta có thể nhắc đến một số tiềm năng như sau:
2.1.1 Tốc độ giao dịch
Tốc độ giao dịch thông qua Lightning Network có thể xem là khá nhanh. Khi mạng hoạt động, bạn sẽ không tốn quá nhiều thời gian cho việc chờ đợi việc thực hiện giao dịch. Các giao dịch sẽ được thực hiện gần như ngay lập tức.
Nếu Lightning Network có thể duy trì và phát triển điều này thì thị trường tiền điện tử sẽ có những bước tiến lớn trong tương lai. Thậm chí nó có thể cạnh tranh với các hệ thống thanh toán truyền thống như Visa, MasterCard và PayPal.
2.1.2 Phí giao dịch
Khi thực hiện các giao dịch thông qua kênh Lightning Network, bạn sẽ chỉ cần trả các khoản phí nhỏ nhất, nếu có. Đây cũng là một trong những điểm mạnh của Lightning Network. Bởi lẽ nếu duy trì mức chi phí như thế này thì Bitcoin có thể sẽ được sử dụng như một hình thức thanh toán tại các cửa hàng, quán cà phê, quán bar, ….
2.1.3 Scalability (Khả năng mở rộng)
Lightning Network được đánh giá là có khả năng cải thiện số lượng các giao dịch mỗi giây của Bitcoin và các loại tiền điện tử khác. Nó có thể đạt mức khoảng 1 triệu giao dịch mỗi giây.
2.1.4 Cross-chain atomic swaps
Hiện nay, các thử nghiệm đầu tiên về cross-blockchain transactions đã được đưa vào hoạt động. Chỉ cần hai blockchains chia sẻ cùng một công thức băm crypto, thì lúc này người dùng sẽ có thể gửi tiền từ blockchain này sang blockchain khác mà không cần phải thông qua bên trung gian.
2.1.5 Ẩn danh
Hiện nay, đa phần các loại giao dịch tiền điện tử sẽ không hoàn toàn ẩn danh. Vậy nên, việc chuyển đổi vẫn có thể được truy tìm từ ví này sang ví khác.
Tuy nhiên, với Lightning Network thì hầu hết các giao dịch đều xảy ra bên ngoài blockchain chính. Vì thế cho nên tất cả các khoản thanh toán vi mô được thực hiện thông qua các kênh Lightning thì gần như đều không bị theo dõi.
2.2 Nhược điểm
Tuy nhiên, hệ thống giao dịch nào cũng đều tồn tại những nhược điểm song song với ưu điểm. Sau đây chúng tôi sẽ phân tích rõ hơn về những nhược điểm của Lightning Network:
2.2.1 Độ phức tạp của các kênh
Mạng Lightning được xây dựng như một mạng lưới các kênh. Vậy nên về mặt lý thuyết thì một khi đã được thiết lập thì các giao dịch sẽ được thực hiện một cách liền mạch.
Tuy nhiên, lúc này không thể chắc chắn điều gì nếu việc thanh toán phải mất quá nhiều route. Vì việc mở và đóng các kênh thanh toán sẽ liên quan đến việc tương tác với các giao dịch on-chain, do vậy các giao dịch này đòi hỏi phải thực hiện nhiều bước thủ công hơn, đồng thời chi phí giao dịch cũng tăng lên.
2.2.2 Channel caps
Một nhược điểm khác nữa là các kênh bị giới hạn. Nói một cách khác thì số Bitcoin được lưu trữ trong ví của hai người dùng khi thiết lập kênh là số tiền tối đa trong kênh đó.
Thiết lập này khiến cho người dùng có thể cần phải chọn giữa việc giao dịch trên các kênh Lightning Network và giao dịch trên blockchain chính. Vậy nên, điều này là khá hạn chế, đặc biệt là đối với những người không có nguồn lực lớn.
2.2.3 Thực hiện giao dịch Online
Không giống như các giao dịch on-chain khác, các khoản thanh toán được thực hiện thông qua Lightning Network không thể thực hiện được khi người nhận đang ở trạng thái offline.
3. Tầm quan trọng của Lightning Network đối với Bitcoin
Hiện tại, Lightning Network được xem là một trong những giải pháp để mở rộng quy mô blockchain Bitcoin, đặc biệt là nó không yêu cầu thay đổi giao thức cơ bản. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn còn khá sớm để khẳng định rằng Lightning Network có thể cho phép mở rộng quy mô trên mạng Bitcoin.
Ngày nay, mạng lưới Blockchain đang ngày càng trở nên phổ biến, điều đó chứng tỏ ngày càng có nhiều người dùng hệ thống này. Vậy nên, tốc độ giao dịch trở nên dần chậm chạp cùng với chi phí tăng cao.
Đây được xem như là một điều bất lợi cho Blockchain bởi vì nếu nhu cầu và yêu cầu của người sử dụng ngày một tăng cao. Những nhà đầu tư này luôn tìm kiếm những kênh có khả năng giao dịch nhanh chóng cùng chi phí hợp lý.
Lúc này Lightning Network được xem như là một trong số các giải pháp tiềm năng cho vấn đề này. Khi Bitcoin sử dụng cộng nghệ Lightning Network thì có thể đạt được tốc độ xử lý 3.5 triệu giao dịch/giây, đồng thời phí giao dịch gần như bằng 0.
Nếu Lightning Network thực sự thành công như những gì mà nó đặt ra thì bản chất nó sẽ giải quyết được những bất cập về bài toán quy mô Bitcoin. Ngoài ra, sự thành công đó còn có thể thay đổi các trường hợp sử dụng tiềm năng cho Bitcoin. Bởi lẽ lúc này các giao dịch nhanh chóng, chi phí thấp và tăng tiềm năng cho việc thực hiện hàng loạt lệnh.
Thế nhưng thật khó để có thể khẳng định rằng Lightning Network có thể mang đến sự thành công như mong đợi hay không. Bởi lẽ những điều mà Lightning Network hướng đến chỉ đang nằm ở mức lý thuyết chứ chưa được chứng minh trong thực tiễn.
4. Lời kết
Trong bài viết này, chúng tôi đã chia sẻ cùng bạn về Lightning Network là gì? Và những điều cần biết về tầm quan trọng của Lightning Network đối với mạng lưới Bitcoin. Nhìn chung Lightning Network hướng đến mục tiêu xây dựng một hệ thống giao dịch tối ưu cho các nhà đầu tư và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng của Bitcoin.
Tuy nhiên, bài toán Lightning network chỉ mới được đưa vào áp dụng thực tế trong thời gian gần đây và chưa ổn định. Ngoài ra cũng chưa có gì khẳng định được rằng liệu Lightning network có thực sự mang lại hiệu quả như nó cam kết hay không? Vậy nên, bạn hãy bình tĩnh xem xét cân nhắc và đưa ra những quyết định đúng đắn nhất nhé!
Theo Vnrebates