Nếu bạn từng nghe ca khúc “The man who sold the world” nổi tiếng của ban nhạc Nirvana thì trong giới tài chính cũng có một “The man who solved the market” và người “đàn ông đánh bại mọi thị trường” đó chính là James Simons (Jim Simons).
Giáo sư toán học, “tỷ phú đầu cơ thông thái nhất thế giới”, “ông vua định lượng”, nhà sáng lập sáng lập và điều hành cỗ máy kiếm tiền vĩ đại – quỹ đầu tư Renaissance Technologies’ Medallion với tỷ suất sinh lời vô tiền khoáng hậu… là những gì mà người ta nói về Jame Simons.
#Câu_chuyện_NGHỀ_Trading
1. James Simons – Giáo sư toán học và cỗ máy kiếm tiền không ngừng nghỉ đầy bí ẩn có tên Renaissance Technologies’ Medallion
Có lẽ trong giới tài chính không có ai có 1 profile thuộc hàng khủng như Jame Simons. Sinh năm 1938 trong một gia đình gốc Do Thái tại Brookline, Massachusetts, Mỹ, Jame Simons chỉ mất 3 năm để tốt nghiệp MIT, lấy bằng tiến sĩ ở tuổi 23 của Đại học Berkeley, California, trở thành giáo sư toán học tại MIT và Harvard, 26 tuổi làm việc tại Viện Phân tích Quốc phòng (Institute for Defense Analyses), năm 30 tuổi làm trưởng khoa toán tại SUNY Stonybrook, thắng Oswald Veblen Prize, giải thưởng danh giá nhất về lĩnh vực hình học của Hiệp hội Toán học Mỹ ở tuổi 37.
Những có lẽ bước ngoặt nổi bật nhất trong cuộc đời của vị tỷ phú thiên tài toán học này chính là từ bỏ giảng đường đại học để theo đuổi sự nghiệp tài chính vào năm 1978 sau 1 lần đầu tư chứng khoán cùng đồng nghiệp và kiếm được 6 triệu USD tiền lời.
Bắt đầu sự nghiệp tài chính ở độ tuổi 40 và đến năm 44 tuổi tức vào năm 1982 Jame Simons thành lập quỹ Renaissance Technologies, một quỹ đầu tư có trụ sở tại New York và quản lý nguồn vốn khổng lồ vào thời điểm đó, trên 20 tỷ USD và là một trong những quỹ đầu cơ thành công nhất thế giới.
Mô hình giao dịch của “Ông vua định lượng”
Theo lẽ thường, sự thành công của các quỹ đầu cơ sẽ đến từ những bộ óc siêu phàm của những chuyên gia tài chính lão luyện với khả năng phân tích và dự báo có độ chính xác cao. Tuy nhiên, quỹ đầu tư của Jame Simons hoàn toàn “khác người” khi hội tụ những bộ óc với tư duy mạnh mẽ về toán học và khoa học. Thay vì tuyển những chuyên gia tài chính lừng lẫy phố Wall, thì James Simons lại chiêu mộ nhân tài là những tiến sĩ Toán học và Vật lý – những bộ óc thiên tài trong phân tích lượng tử và mô hình hoá số liệu thống kê.
Chiến lược cốt lõi mà James Simons và cộng sự theo đuổi hoàn toàn đi ngược lại trực giác và chỉ tập trung vào dữ liệu thuần tuý.
Nhà đầu tư định lượng thành công nhất giới trading không đặt cảm xúc hay cái nhìn chủ quan vào phân tích dữ liệu mà luôn tin tưởng tuyệt đối vào mô hình máy tính dựa trên nền tảng toán học và big data mà ông tin rằng có thể xác định và thu được lợi nhuận từ thị trường.
Lợi nhuận siêu khủng của cỗ máy kiếm tiền “siêu đẳng”
Trong cuốn “The man who solved the market”, tác gia Zuckerman ước tính Renaissance đã tạo ra hơn 100 tỷ đô la lợi nhuận giao dịch kể từ năm 1988 – nhiều hơn bất kỳ quỹ đầu cơ nào khác trong lịch sử – và tạo nên nhiều triệu phú và tỷ phú. Tổng lợi nhuận mà quỹ này mang lại khiến các quỹ của những ông trùm đầu cơ nổi tiếng Ray Dalio, George Soros và Stephen Schwarzman phải hít khói dù quản lý khối tài sản ít hơn và thời gian đầu tư cũng ngắn hơn.
Trong suốt gần 30 năm hoạt động của quỹ từ 1982 đến 2010, chỉ có 2 năm Renaissance hoạt động chệch choạc vì mô hình dựa trên những nguyên tắc cơ bản cung cầu để đầu tư mà Simons áp dụng không hiệu quả. Sau những bài học xương máu, vị vua định lượng – Quant King đã nghiên cứu và phát triển mô hình giải mã và thuật toán để xây dựng hệ thống phân tích hoàn hảo và hiệu quả hoạt động của quỹ cải thiện đến kinh ngạc.
Nếu quỹ đầu tư Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett nổi tiếng với khả năng tạo ra mức sinh lời ổn định khoảng 20%/năm thì mức sinh lời “sàn” của Renaissance đã là 21.2%, thậm chí có những năm mức sinh lời mà quỹ đạt được là 100%.
Đáng kinh ngạc hơn, trong 2 năm 2007-2008 nền kinh tế toàn cầu bết bát vì khủng hoảng, trong khi nhiều quỹ thua lỗ đến hơn 50% thì quỹ Renaissance của nhà toán học thiên tài này lại đạt mức lợi nhuận khủng khiếp lần lượt là 85.9% và 98.2%.
Cũng theo các chuyên gia, trong vòng 20 năm từ 1994 đến 2014, quỹ Renaissance của James Simons đạt được lợi nhuận hàng năm ở một mức không thể tin được là 72%.
Giới chuyên gia đã ước tính rằng, nếu năm 1998 bạn đầu tư 1,000 USD vào quỹ thì đến giữa năm 2016, số tiền này sẽ lên tới 13,830,598 USD – tức là tăng gấp 13,830 lần tương đương tỷ suất lợi nhuận trung bình hàng năm khoảng 40%.
Bí quyết thành công của Quỹ Renaissance Technologies’ Medallion khiến rất nhiều nhà đầu tư tò mò và thực thế đã có rất nhiều chuyên gia nghiên cứu thuật toán của Simons, nhưng họ vẫn chưa tìm ra cách ứng dụng của thuật toán này vào mô hình phân tích đầu tư như cách Simons đã làm.
Thông tin về hoạt động của quỹ được bảo mật rất tốt như chính Simons đã ví “Bí mật hoạt động trong quỹ của tôi thậm chí còn lớn hơn bí mật hoạt động ở nơi mà tôi từng làm việc”, tức là Bộ quốc phòng”.
Tỷ suất sinh lời khủng như vậy thông thường sẽ đi cùng với rủi ro cao nhưng trải qua nhiều chu kỳ kinh tế và đặc biệt với xác suất thua lỗ theo chu kỳ 5 năm của quỹ chỉ là 0,5% nên dù có mức phí AUM là 5% và 44% so với mức thông thường 2% và 20%, quỹ đầu tư của James Simons vẫn thu hút rất nhiều nhà đầu tư và theo số liệu năm 2021 quỹ đang quản lý 130 tỷ USD tài sản.
Cho dù mãi đến năm 2015, James Simons đã hé lộ đôi chút về hoạt động của mình rằng “Chúng tôi chạy nhanh hơn bất kỳ ai” và quỹ sử dụng một số chỉ báo và mô hình để dự báo sớm xu hướng của thị trường.
Nhiều chuyên gia cũng lờ mờ đoán được quỹ sử dụng chiến lược chiếc hộp đen (Black Box Trading) dựa trên Lý thuyết Chern – Simons mà Simons và tiến sĩ Chern cộng sự của ông tại đại học Berkeley nghiên cứu. Nhưng có lẽ bí quyết đầu tư và thuật toán thực sự đã làm lên cỗ máy kiếm tiền hoạt động trơn tru và bền bỉ của Simons vẫn sẽ là một bí ẩn trong thời gian dài.
Xem thêm: Ed Seykota – Bậc thầy giao dịch và triết lý giao dịch ấn tượng với bài hát “whipsaw song”
2. Những danh ngôn nổi tiếng về trading của James Simons – nhà đầu tư định lượng thành công nhất
#1 “Thông qua dữ liệu lịch sử, chúng tôi tìm kiếm các mô hình giá bất thường mà chúng tôi không kỳ vọng diễn ra một cách ngẫu nhiên.”
Điều James Simons muốn nhấn mạnh ở đây là việc định lượng lợi thế của nhà đầu tư thông qua backtest – phân tích dữ liệu và thị trường để kiểm tra ý nghĩa thống kê và tính nhất quán theo thời gian, bởi việc backtest dữ liệu giá trong lịch sử sẽ giúp ích bạn rất nhiều khi giao dịch hành động giá (Price Action).
#2 “Chúng tôi có 3 tiêu chí khi quyết định giao dịch một loại tài sản nào đó: Được giao dịch công khai, có tính thanh khoản và có thể xây dựng mô hình”.
Có lẽ điều mà James Simons quan tâm hàng đầu khi lựa chọn tài sản để giao dịch chính là thanh khoản. Ông luôn bỏ qua những cổ phiếu, hợp đồng tương lai...thanh khoản kém bởi theo ông chúng gây ra nguy cơ mất tiền bởi chênh lệch giá mua/giá bán quá lớn, khó khăn trong việc giao dịch với khối lượng lớn hay thậm chí việc vào lệnh cũng không dễ dàng theo ý muốn.
#3 “Không có chuyện con ngỗng đẻ trứng vàng mãi mãi”.
Thay đổi là bản tính của thị trường. Theo thời gian, thị trường sẽ thay đổi; các ngành công nghiệp sẽ thay đổi; các quy định sẽ thay đổi, v.v. Và câu chuyện “con ngỗng đẻ trứng vàng” cũng vậy. Điều cần thiết là phải tìm được chiến lược giao dịch phù hợp với bạn, và điều quan trọng không kém là phải luôn linh hoạt và có khả năng thay đổi khi thời cơ đến.
#4 “Chúng tôi không phá vỡ mô hình”
Việc trader dễ dàng từ bỏ các mô hình giao dịch của mình khi thấy bất ổn không phải chuyện hiếm. Nhưng hãy nhớ rằng, bạn đã dành nhiều năm để phát triển một hệ thống hay mô hình giao dịch có ý nghĩa thống kê thì đừng vội “ném đi” khi có lần nó khiến bạn thua lỗ. Không có hệ thống hay mô hình giao dịch nào hoạt động hoàn hảo nếu không được tuân thủ tuyệt đối. Để có lợi nhuận lâu dài, bạn buộc phải giao dịch có kỷ luật, hãy cải thiện các mô hình và bám sát chúng.
#5 “Đó là cung và cầu. Một khi vàng được phát hiện, việc kiếm tiền từ khai thác vàng sẽ ngày càng khó khăn hơn bởi mọi người đều đang cạnh tranh với bạn.”
Việc khai thác các cạnh thị trường mang lại khả năng kiếm lời hấp dẫn nhưng khả năng ngày càng giảm dần cạnh tranh gia tăng. Đó là lý do, chúng ta luôn phải tiếp tục nghiên cứu và phân tích thị trường để tìm ra các khía cạnh thị trường và phương pháp tiếp cận giao dịch mới.
3. Lời kết
Jame Simons luôn khiêm tốn cho rằng sự thành công to lớn và được mệnh danh như một “thiên tài” của mình là do may mắn: “Luck, is largely responsible for my reputation for genius.”
Ngoài con đường học thuật đáng ngưỡng mộ và sự nghiệp tài chính đồ sộ với tài sản ròng lên tới $24.4 tỷ, James Simons còn có một sự nghiệp từ thiện bền bỉ với những đóng góp vô cùng to lớn.
Bên cạnh di sản vĩ đại, những bài học đắt giá từ thiên tài đầu cơ, một trong những trader thành công nhất thời đại này luôn có giá trị với hầu hết trader ngày nay.
VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ