Đọc thêm:
- Fibonacci là gì? Cách vẽ Fibo và ứng dụng dãy số fibonacci trong Forex hiệu quả
- Mô hình Wyckoff là gì? Cách giao dịch với mô hình Wyckoff chi tiết
- Sóng Elliott là gì? Cách sử dụng sóng Elliott trong đầu tư Forex
Indicator là gì?
Indicator, hay chỉ báo kỹ thuật, là các mẫu toán học được xây dựng dựa trên những dữ liệu lịch sử, được các nhà giao dịch và nhà đầu tư sử dụng để dự đoán xu hướng, diễn biến của giá cả trong tương lai và đưa ra quyết định giao dịch.
Các chỉ báo kỹ thuật được nghiên cứu và xây dựng dựa trên kinh nghiệm hoặc dữ liệu lịch sử của giá cả, khối lượng của chứng khoán, tiền tệ hay các tài sản tài chính khác. Việc phát triển các chỉ báo này có thể thực hiện bởi bất cứ ai có kiến thức và kinh nghiệm, chỉ cần có hiệu quả thì sẽ được đón nhận và sử dụng bởi các nhà giao dịch, chủ yếu là các nhà phân tích kỹ thuật.
Cách hoạt động của các Indicator trên thị trường Forex
Các chỉ báo forex, hay còn gọi là chỉ số kỹ thuật, tập trung vào những dữ liệu của thị trường trong lịch sử, như giá, khối lượng, để tìm ra các quy luật và áp dụng những quy luật đó dự đoán diễn biến của thị trường trong tương lai.
Indicator được sử dụng chủ yếu trong phân tích kỹ thuật, trong đó các nhà giao dịch sử dụng indicator để đánh giá sức mạnh, điểm yếu của thị trường, đồng thời tìm kiếm những tín hiệu đặc biệt của giá, từ đó xác định được vị trí vào lệnh tốt nhất.
Bằng cách sử dụng tín hiệu từ các indicator để phân tích biểu đồ, các nhà giao dịch có thể dự đoán được những biến động của giá trong tương lai ngắn hạn hoặc dài hạn, từ đó đưa ra những quyết định giao dịch của riêng mình.
Việc sử dụng các chỉ báo kỹ thuật forex luôn đi song hành cùng với phân tích kỹ thuật, và có thể sử dụng trong bất cứ thị trường tài chính nào như chứng khoán, chỉ số, hợp đồng tương lai… Tuy nhiên, thị trường Forex có lẽ là nơi các chỉ báo được sử dụng nhiều nhất, vì đây chính là thị trường mà các hoạt động giao dịch cũng như hoạt động phân tích kỹ thuật diễn ra sôi động nhất.
Xem thêm: Cách vẽ Fibonacci trên Tradingview, Fireant và trong chứng khoán
Các loại chỉ báo indicator trong thị trường Forex
Mặc dù số lượng các indicator là vô cùng lớn, và các chỉ báo mới vẫn liên tục được phát triển thêm, tuy nhiên đa số tất cả các indicator đều được xếp vào một số loại nhất định, tùy theo đặc điểm hay chức năng của chúng.
Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu một số cách phân loại phổ biến nhất của indicator, để anh em có được cái nhìn tổng quát hơn về tất cả các chỉ báo, từ đó dễ dàng nắm bắt và biết được nguyên lý sử dụng của bất cứ chỉ báo nào.
Chỉ báo lớp phủ và các bộ dao động
Đây có thể nói là cách phân loại tổng quát nhất của indicator, theo đó, hầu hết các chỉ báo kỹ thuật được chia làm hai nhóm, bộ dao động (oscillator) và lớp phủ (overlays).
Lớp phủ: là các chỉ báo được vẽ ở phía trên, “phủ” lên đường giá hoặc biểu đồ nến, do đó chúng được gọi là lớp phủ.
Các chỉ báo loại này đa số được sử dụng để đo lường sự biến động, đưa ra phạm vi di chuyển ước tính của giá hoặc cũng có thể dùng để xác nhận xu hướng.
Một số chỉ báo lớp phủ phổ biến có thể kể đến như đường trung bình động MA, Bollinger Bands, Parabolic SAR
Bộ tạo dao động: nhóm này bao gồm các chỉ báo dao động giữa một mức tối thiểu và mức tối đa, thể hiện động lượng của thị trường.
Các ứng dụng quan trọng nhất của nhóm chỉ báo này là cung cấp tín hiệu về quá mua quá bán, hay sự phân kỳ… từ đó giúp các nhà giao dịch xác định những điểm đảo chiều tiềm năng.
Những chỉ báo này hầu hết được vẽ ở dưới biểu đồ giá, và thường được hiển thị trong mộ khu vực riêng trong các nền tảng biểu đồ.
Những chỉ báo tiêu biểu thuộc nhóm này bao gồm đường MACD, chỉ báo RSI, Stochastic…
Đọc thêm:
- Chỉ số MACD là gì? Hướng dẫn sử dụng MACD để giao dịch hiệu quả
- Chỉ báo ADX là gì?
Chỉ báo nhanh và chỉ báo chậm
Đây là cách phân loại chỉ báo theo độ nhạy của tín hiệu mà chúng mang lại, bao gồm chỉ báo nhanh (leading indicator) và chỉ báo chậm (lagging indicator).
Chỉ báo nhanh
Một số chỉ báo được gọi là nhanh, bởi chúng cung cấp tín hiệu đi trước biến động của giá, có nghĩa là đưa ra các dự đoán trước về giá.
Ưu điểm của loại chỉ báo này là giúp các nhà giao dịch nắm bắt thị trường rất nhanh chóng, tuy nhiên do chúng chỉ đưa ra dự đoán nên đôi khi các tín hiệu là không chính xác, do đó việc sử dụng các chỉ báo này cần hết sức thận trọng.
Điều kiện tối ưu nhất để sử dụng indicator loại này là trong thị trường có xu hướng, khi đó độ tin cậy của các tín hiệu mà chỉ báo mang lại sẽ cao hơn, và an toàn hơn cho chúng ta.
Một số chỉ báo nhanh tiêu biểu mà chúng ta có thể kế đến là Parabolic SAR, RSI, mây Ichimoku… Các chỉ báo này thường có những đường biên trên và dưới để dự báo khoảng biến động của giá.
Chỉ báo chậm
Ngược lại với chỉ báo nhanh, một chỉ báo được coi là chậm khi chúng cung cấp các tín hiệu đi sau tín hiệu thực tế của giá, tức là sau khi giá đóng cửa một phiên thì chỉ báo này mới được hình thành tại phiên đó.
Với tính chất như vậy, chỉ báo chậm thường được sử dụng để xác nhận tín hiệu, ví dụ như xác nhận xu hướng. Mặc dù trễ hơn giá nhưng do được tính toán trên những dữ liệu thực tế nên chúng có độ tin cậy cao hơn nhiều so với chỉ báo nhanh.
Những chỉ báo trong MT4 thuộc nhóm này được sử dụng thường xuyên nhất là đường trung bình MA, MACD, một số chỉ báo động lượng… những chỉ báo này giúp anh em xác nhận xu hướng, xác định các mức hỗ trợ kháng cự…
Có thể bạn quan tâm:
Các nhóm chỉ báo theo mục đích sử dụng
Xem thêm: 5 chỉ báo kỹ thuật phân tích biểu đồ giá vàng cụ thể
Việc phân loại theo hai cách phía trên đều khá tổng quát, và mỗi nhóm sẽ bao gồm rất nhiều các loại chỉ báo khác nhau. Do đó, để hiểu rõ hơn về ứng dụng của từng loại chỉ báo nhất định, chúng ta sẽ phân loại chúng theo mục đích sử dụng cũng như ứng dụng thực tế, cụ thể gồm các nhóm sau:
- Chỉ báo xu hướng
- Chỉ báo động lượng (xung lượng)
- Chỉ báo độ biến động
- Chỉ báo khối lượng
Chúng ta sẽ cùng nhau phân tích chi tiết về từng nhóm chỉ báo này để có thể nhận biết cũng như áp dụng chúng trong giao dịch.
Chỉ báo xu hướng
Chỉ báo xu hướng (Trend Indicators) có thể nói là những indicator đơn giản nhất và dễ áp dụng nhất trong giao dịch.
Các chỉ báo xu hướng có vai trò xác định xu hướng và hỗ trợ tìm kiếm những điểm đảo chiều, cùng với đó chúng cũng thiết lập các mức hỗ trợ và kháng cự.
Để hiểu rõ hơn, chúng ta sẽ lấy ví dụ về một số chỉ báo xu hướng phổ biến nhất mà các nhà giao dịch thường xuyên sử dụng, bao gồm:
- Đường trung bình động MA: các đường trung bình động được sử dụng để xác định xu hướng, khi giá nằm trên các đường này thể hiện thị trường đang có xu hướng tăng, còn nếu giá nằm dưới đường MA thì thị trường đang trong xu hướng giảm.
- Parabolic SAR: Cũng tương tự MA, khi các chấm tròn SAR nằm trên đường giá thì thị trường đang có xu hướng giảm, còn SAR nằm dưới đường giá là thị trường trong xu hướng tăng. Chỉ báo này cũng giúp xác định đảo chiều khi các chấm tròn di chuyển từ trên xuống dưới đường giá hoặc ngược lại.
- Đường MACD: Ngoài việc xác định xu hướng dựa vào các đường signal và đường MACD, chỉ báo này còn thể hiện sức mạnh cũng như động lượng của một xu hướng.
Chỉ báo động lượng
Nhóm chỉ báo thứ 2 là Momentum Indicators, tức chỉ báo động lượng hay chỉ báo xung lượng.
Các chỉ báo kỹ thuật dạng này có thể xác định tốc độ, phạm vi di chuyển của giá, động lượng của thị trường, sức mạnh của phe mua phe bán…
Nguyên lý để xác định được các tín hiệu này chủ yếu là dựa vào giá đóng cửa của các phiên so với phiên trước, cùng với độ biến động của giá trong phiên, từ đó tính toán xem thị trường còn có khả năng tăng tiếp hay giảm tiếp hay không.
Những chỉ báo động lượng phổ biến nhất được sử dụng bao gồm:
- Stochastic: được sử dụng để xác định mức quá mua quá bán bằng cách so sánh giá đóng cửa với phạm vi giá trong phiên, qua đó dự đoán được các điểm quay đầu tiềm năng.
- Chỉ số sức mạnh tương đối RSI: đây là chỉ báo rất quen thuộc với các Trader, giúp đo lường sức mạnh của thị trường, cũng như dự báo tốc độ hoặc lực di chuyển của giá theo một hướng có mạnh hay không.
- Chỉ số kênh hàng hóa CCI: chỉ báo này là một bộ dao động giúp xác định những điểm đảo chiều, các cực trị của giá, và cũng thể hiện sức mạnh xu hướng.
Chỉ báo độ biến động
Chỉ báo độ biến động (Volatility Indicators) là những kỹ thuật đo lường phạm vi di chuyển của giá theo cả hướng tăng và giảm.
Các chỉ báo này thường có những đường biên trên và dưới, giá có xu hướng chỉ di chuyển trong phạm vi giữa hai đường này. Từ đó, các nhà giao dịch có thể nắm bắt tín hiệu khi giá quay đầu, hoặc ước tính mục tiêu theo sự biến động trung bình của giá trong thời gian gần đây.
Một số chỉ báo thuộc nhóm này bao gồm:
- Dải Bollinger Bands: chỉ ra ranh giới mức cao nhất và mức thấp nhất mà giá có thể đạt được so với các phiên trước đó, nếu giá phá vỡ khỏi phạm vi dải bollinger bands là một tín hiệu cho thấy sự thay đổi lớn về động lượng thị trường.
- Chỉ báo ATR: là chỉ báo cho biết mức độ biến động giá
- Kênh Keltner: tương tự các chỉ báo độ biến động khác, kênh Keltner cũng cho biết mức độ biến động của giá trong một phạm vi.
Chỉ báo khối lượng
Volume Indicators, hay các chỉ báo khối lượng, là những công cụ cung cấp cho chúng ta thông tin về khối lượng giao dịch, được tính toán và hiển thị theo những cách khác nhau.
Các chỉ báo khối lượng có thể đo lường sức mạnh xu hướng dựa trên khối lượng giao dịch hiện tại và quá khứ, từ đó hỗ trợ anh em hiểu được trạng thái hiện tại của thị trường.
Một số chỉ báo khối lượng phổ biến nhất trên thị trường:
- Chỉ số dòng tiền Chaikin: theo dõi dòng tiền ra vào thị trường, có thể giúp các nhà giao dịch xác định đỉnh hoặc đáy.
- Chỉ báo OBV: đo lường khối lượng và so sánh với giá để tính toán trạng thái tích lũy hay phân phối của thị trường.
Nhìn chung, các chỉ báo chung một nhóm nguyên lý và cách sử dụng khá tương đồng với nhau. Tuy nhiên, mỗi chỉ báo vẫn có những thuật toán tính toán riêng, do đó có những lợi thế cũng như khuyết điểm riêng.
Việc phân loại được từng nhóm chỉ báo sẽ giúp anh em dễ “khoanh vùng”, và biết mình cần tìm những chỉ báo như thế nào. Tuy nhiên, để quyết định lựa chọn và sử dụng một chỉ báo, anh em cần tìm hiểu kỹ về nó để biết được nó sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất trong những điều kiện nào.
Xem thêm: Volumes là gì? Phân biệt khối lượng giao dịch trong forex và chứng khoán
Cách tải và cài đặt chỉ báo kỹ thuật trên MT4 (MT5 tương tự)
MetaTrader 4 hay MT4 là nền tảng giao dịch miễn phí được nhiều trader sử dụng, cho phép trader cập nhật tin tức theo thời gian thực, phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản, mở và đóng lệnh giao dịch với bộ chỉ báo kỹ thuật tiên tiến nhất. Trader thậm chí còn có thể giao dịch tự động trên nền tảng MetaTrader 4.
Có 1 vài sàn Forex cung cấp cho khách hàng platform giao dịch riêng của mình, nhưng hầu hết đều cung cấp quyền truy cập thông qua một phần mềm kết nối hệ thống giao dịch của sàn Forex với phần mềm MT4. Phần mềm giao dịch Metatrader 4 rất nổi tiếng và chắc chắn sẽ được xem là tiêu chuẩn của ngành.
Các chỉ báo phổ biến nhất trên nền tảng MT4 được các trader tin tưởng nhất để nâng cao kinh nghiệm và kỹ năng phân tích kỹ thuật, bao gồm: đường MACD, chỉ báo Stochastic, chỉ báo RSI, chỉ số dòng tiền và dải Bollinger.
Thêm các Indicator vào MT4 khi đã có sẵn trên phần mềm
Đối với các chỉ báo được cài đặt sẵn trên phần mềm này, có 2 cách để thêm indicator vào MT4. Đó là:
- Click vào biểu tượng “Add Indicatiors” trên thanh công cụ ở trên cùng để xem danh sách các chỉ báo có sẵn.
- Hoặc chọn các chỉ báo này khi click vào “Insert” và chọn “Indicators”.
Các chỉ báo này được phân thành những loại khác nhau, chẳng hạn như Trend, Oscillators và Volume. Khi một chỉ báo được chọn, trader có thể tùy chọn để thay đổi các biến đầu vào (Input), hoặc sử dụng các thiết lập mặc định. Các chỉ báo sau đó sẽ xuất hiện trên biểu đồ giá.
Thêm Indicator chưa được thiết lập sẵn vào MT4
Cách 1: Cách thêm indicator vào MT4 nếu Indicator đó chưa có sẵn và nền tảng giao dịch MT4 của bạn đã mở
- Bước 1: Tải chỉ báo indicator xuống máy tính của bạn
Lưu ý, đa phần, khi bạn nhấp vào để tải xuống một chỉ báo mt4 tùy chỉnh, theo mặc định, nó sẽ tự động tải xuống thư mục “Downloads” trong máy tính của bạn.
Nhưng nếu bạn nhấp vào để tải xuống và một màn hình pop-up nhỏ bật lên yêu cầu bạn lưu file ở đâu, thì hãy lưu nó vào màn hình Desktop.
- Bước 2: Truy cập Nền tảng giao dịch Mt4 của bạn và nhấp vào “Open Data Folder” để mở thư mục dữ liệu MT4
- Bước 3: Nhấp vào mở thư mục “MQL4” trên Mt4
- Bước 4: Nhấp vào Mở thư mục “indicators” trên Mt4
- Bước 5: Dán Chỉ báo MT4 Tùy chỉnh cần thêm vào Thư mục “Indicators”
- Bước 6: Đóng nền tảng giao dịch MT4 và sau đó khởi động lại nó
Sau khi lưu Chỉ Báo mt4 tùy chỉnh cần thêm của mình trong thư mục “indicators” thích hợp, bạn cần đóng nền tảng giao dịch MT4 đang mở và khởi động lại nó.
Nếu bạn chưa từng sử dụng nền tảng giao dịch MT4 trước đây và không biết phải làm gì, thì điều đầu tiên là bạn cần mở biểu đồ Metatrader 4 của mình.
Theo mặc định, khi bạn tải xuống nền tảng giao dịch metatrader4 của mình từ trang web nhà môi giới ngoại hối, hệ thống sẽ tạo một biểu tượng trên màn hình máy tính của bạn.
Bạn tìm kiếm biểu tượng MT4 đó và nhấp vào và sau đó biểu đồ MT4 của bạn sẽ mở ra. Khi biểu đồ của bạn mở, bạn làm theo những gì được hiển thị trên biểu đồ bên dưới:
Vậy là bạn đã hoàn thành xong cách cài đặt các chỉ báo tùy chỉnh với biểu đồ MT4 đã được mở.
Hướng dẫn tiếp theo này về hơi khác 1 tí về cách tải xuống và thêm indicator vào MT4 để hiển thị trên biểu đồ của bạn.
Cách 2: Các bước cài đặt một chỉ báo tùy chỉnh cho nền tảng giao dịch MetaTrader 4 (MT4) vào thẳng thư mục “indicators” phù hợp
Đối với điều này, bạn không cần phải mở biểu đồ MT4.
Nói chung, khi bạn tải xuống nền tảng giao dịch mt4 lần đầu tiên, nó tạo một thư mục trong ổ đĩa c: drive trên máy tính của bạn và đường dẫn tệp có xu hướng như sau: C: \ Program Files (x86) \ MetaTrader – Pepperstone \ MQL4 \ Indicators (Pepperstone là sàn tôi lựa chọn mở tài khoản giao dịch MT4, tên đường dẫn sẽ được điều chỉnh khớp với tên sàn bạn mở tài khoản MT4)
Tất cả những gì bạn cần làm chỉ đơn giản là làm theo đường dẫn tệp, tìm thư mục “forex brokers” trong ổ C, sau đó tìm thư mục chỉ báo và lưu hoặc dán chỉ báo MT4 tùy chỉnh của bạn vào đó.
Và sau đó mở biểu đồ MT4 của bạn và làm theo bước cuối cùng (bước 6) trong cách 1 ở trên để hiển thị chỉ báo trên biểu đồ mt4 của bạn.
Xem thêm: Fibonacci Time Zones là gì? Cách sử dụng Fibonacci Vùng Thời Gian
Cách sử dụng Indicator hiệu quả
Hiểu được một indicator là điều quan trọng nhất, tuy nhiên để sử dụng indicator đó hiệu quả thì hiểu là chưa đủ, mà anh em cần biết những mẹo như cách kết hợp với chỉ báo, công cụ khác, cách lựa chọn khung thời gian… để nó phát huy được tối đa sức mạnh của mình.
Sử dụng kết hợp các chỉ báo
Việc kết hợp hai hoặc nhiều chỉ báo với nhau đôi khi là cần thiết, và tốt hơn nhiều so với sử dụng một chỉ báo đơn lẻ. Tuy nhiên, khi sử dụng indocator kết hợp với nhau cần có một số yêu cầu nhất định nếu không muốn chúng bị “phản tác dụng”, tạo ra các tín hiệu quả hoặc gây quá tải thông tin.
Những lưu ý quan trọng nhất mà anh em cần nắm được bao gồm:
- Tránh dư thừa: trên thực tế, có rất nhiều chỉ báo có cách hoạt động tương tự nhau, do đó chúng cung cấp những tín hiệu giống nhau. Vì vậy, nếu sử dụng hai chỉ báo như vậy cùng lúc, anh em có thể nhận được rất nhiều các tín hiệu dư thừa, gây hiểu nhầm chứ không hề tăng thêm sức mạnh cho tín hiệu.
- Tránh xung đột: bên cạnh các chỉ báo tương đồng, đôi khi cũng có những chỉ báo xung đột với nhau. Trong khi chỉ báo này chỉ ra rằng giá đang trong xu hướng tăng, nhưng chỉ báo kia lại nói rằng thị trường đang giảm giá. Đó là lúc anh em cần loại bỏ một trong hai chỉ báo đó để hệ thống của mình hoạt động tốt nhất.
- Sử dụng các chỉ báo bổ sung cho nhau: để tránh được hai vấn đề ở phía trên, giải pháp cho anh em là sử dụng những chỉ báo có thể bổ sung cho nhau, không xung đột nhau và cũng không mang lại các tín hiệu trùng lặp, dư thừa.
Thực tế, cách thực hiện điều này khá đơn giản, đó là sử dụng những chỉ báo không cùng nhóm với nhau.
Ví dụ như anh em có thể sử dụng một chỉ báo xu hướng như đường MA, kết hợp với một bộ dao động như RSI, nếu cần thêm chỉ báo thứ 3 thì hãy chọn một chỉ báo độ biến động, ví dụ như Bollinger Bands…
Mỗi nhóm chỉ báo có những cách giải thích khác nhau về điều kiện thị trường, nên chúng có thể sử dụng bổ sung cho nhau, cái này xác nhận cái kia chứ không xảy ra sự trùng lặp. Còn nếu trong trường hợp anh em thấy xuất hiện sự xung đột, hãy thử với một chỉ báo khác tốt hơn.
Đọc thêm: Cách kết hợp Ichimoku và RSI trong Forex đơn giản & hiệu quả
Phù hợp với khung thời gian
Tất cả các chỉ báo mà chúng ta sử dụng đều có một thông số về chu kỳ, tức là số phiên trong quá khứ được sử dụng để tính toán ra chỉ báo. Ví dụ, đường MA200 (chu kỳ 200) được tính toán dựa theo 200 phiên trước đó trong quá khứ. Và việc điều chỉnh chu kỳ này cần phù hợp với khung thời gian mà chúng ta đang sử dụng.
Có một số mẹo sau đây giúp anh em lựa chọn chu kỳ hợp lý nhất đối với từng loại chỉ báo cụ thể:
Chỉ báo xu hướng: phân tích với khung thời gian càng lớn và càng dài hạn thì sử dụng những chu kỳ lớn hơn:
Ví dụ, đường trung bình động có thể được sử dụng theo những quy tắc sau đây:
- MA200 được sử dụng để theo dõi những chu kỳ dài nhiều tháng, trong những khung thời gian lớn.
- MA20 đến MA65 có thể rất hữu ích với những chu kỳ trung hạn (khoảng 1 đến 4 tháng), và sử dụng những khung thời gian trung hạn như H4, D1.
- Đường MA5 đến MA20 thích hợp để sử dụng trong chu kỳ ngắn ngày và các khung thời gian nhỏ hơn.
Chỉ báo dao động (độ biến động) có thể sẽ hiệu quả hơn với các chu kỳ ngắn, và các khung thời gian nhỏ.
Chỉ báo động lượng và chỉ báo khối lượng có thể sử dụng linh hoạt trong các khung thời gian khác nhau, nhưng cũng nên điều chỉnh chu kỳ theo khung thời gian mà anh em đang phân tích:
- Nếu phân tích xu hướng chính trong dài hạn, anh em cần sử dụng khung thời gian lớn, và điều chỉnh chu kỳ của chỉ báo lớn hơn.
- Các xu hướng trung gian (trong khoảng vài tháng), nên điều chỉnh các chỉ báo theo chu kỳ trung gian
- Các xu hướng ngắn hạn: sử dụng chu kỳ nhỏ hơn, và các biểu đồ ở khung thời gian thấp hơn.
Lưu ý về hình thức khi sử dụng indicator các trader nên biết
Ngoài các yếu tố về kỹ thuật như trên, khi sử dụng indicator anh em cũng cần lưu ý về mặt hình thức, để việc phân tích biểu đồ được diễn ra một cách dễ chịu nhất.
Một số vấn đề cần lưu ý bao gồm:
- Giữ biểu đồ sạch và gọn gàng: anh em cần điều chỉnh kích thước, vị trí của các chỉ báo sao cho biểu đồ gọn gàng và dễ nhìn nhất. Các đường vẽ như đường xu hướng, hỗ trợ kháng cự cũng cần được lưu ý để tránh gây cản trở cho việc quan sát biểu đồ.
- Không sử dụng quá nhiều chỉ báo: mặc dù có nhiều indicator có thể kết hợp để hỗ trợ nhau, nhưng việc sử dụng indicator với số lượng quá nhiều cũng chỉ làm cho anh em bị rối và không thể quan sát biểu đồ một cách chính xác.
- Sắp xếp những chỉ báo theo mức độ quan trọng: có những lúc anh em sẽ sử dụng một chỉ báo này nhiều hơn chỉ báo khác, khi đó hãy sắp xếp sao cho nó ở vị trí dễ nhìn nhất, và không để các chỉ báo khác ảnh hưởng đến việc quan sát nó.
- Sử dụng màu sắc khác nhau: màu sắc có thể giúp các chỉ báo dễ nhận biết hơn, qua đó phân tích dễ dàng hơn, Tuy nhiên, khi sử dụng màu sắc anh em cũng cần lưu ý dùng các màu có tính tương phản cao, cũng như nổi bật so với màu nền.
Có thể bạn quan tâm:
- Chỉ báo biến động và điểm ra vào vị thế
- Top 6 chỉ báo khối lượng giao dịch trong Forex phổ biến và hiệu quả
- Chỉ báo nhanh và chỉ báo chậm trong Forex
Tổng kết
Với những thông tin mà chúng ta vừa cùng nhau thảo luận, hy vọng anh em đã hiểu được cách phân loại, cũng như cách nhận biết từng nhóm indicator khác nhau. Việc phân biệt rõ từng nhóm sẽ giúp anh em tiếp cận được các chỉ báo mới một cách dễ dàng hơn, và hình dung được cách sử dụng chúng.
Tuy nhiên, để áp dụng được một chỉ báo vào giao dịch, anh em cần tìm hiểu thật kỹ về nó, hiểu được nguyên lý hình thành cũng như cách sử dụng trong thực tế.
Cách tốt nhất để vừa nắm bắt được cách sử dụng của chỉ báo mà vừa xác nhận được hiệu quả của nó, đó là anh em hãy thực hiện backtest thật kỹ lưỡng. Và đừng quên một số lưu ý khi sử dụng indicator mà chúng ta đã thảo luận cùng nhau.
Theo dõi VnRebates để cập nhật tin tức Forex, Chứng khoán, Tiền điện tử mới nhất.
VnRebates – Hoàn tiền mọi giao dịch tài chính