Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm thứ Năm này (tức ngày 16/04/2020) thông báo rằng ban điều hành của quỹ này đã phê duyệt gần 1,4 tỷ đô la viện trợ khẩn cấp cho Pakistan để giúp nước này vượt qua ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do vi-rút corona chủng mới gây ra.
“Khi các biến động vẫn diễn ra mạnh mẽ, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 được dự kiến sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế trong ngắn hạn, từ đó làm tăng nhu cầu về ngân sách và vốn huy động từ bên ngoài”, Tổ chức tín dụng quốc tế này cho biết trong một tuyên bố.
Pakistan mới chỉ ghi nhận hơn 100 người chết nhưng các chuyên gia đã lên tiếng quan ngại rằng dịch bệnh sẽ lây lan khốc liệt và con số tử vong do đại dịch corona ở đất nước 215 triệu dân này có thể gia tăng nhanh chóng do thiếu cơ sở hạ tầng y tế và dân cư tập trung đông đúc tại các thành phố.
Lo lắng về những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch corona đến nền kinh tế trong nước vốn đã yếu, Thủ tướng Pakistan – ông. Imran Khan đã trì hoãn lệnh phong tỏa trên toàn quốc trong khi nhiều tỉnh thành của nước này đã tiến hành đóng cửa các trường học và doanh nghiệp.
Geoffrey Okamoto, phó giám đốc điều hành đầu tiên của IMF cho biết: “Các biện pháp ngăn chặn trong nước cùng với suy thoái toàn cầu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng và gây áp lực đến nguồn vốn vay nước ngoài”.
“Điều này đã tạo ra một cuộc khủng hoảng về cán cân thanh toán,” Geoffrey Okamot nói.
Geoffrey Okamot cũng lên tiếng ủng hộ các hành động diễn ra ở Pakistan, bao gồm cả việc tăng chi tiêu cho sức khỏe cộng đồng và mạng lưới an toàn xã hội để chuẩn bị đối đầu với một cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn.
Geoffrey Okamot cũng công nhận các biện pháp do Ngân hàng trung ương Pakistan đưa ra nhằm đối phó với khủng hoảng bao gồm hạ thấp lãi suất benchmark và hỗ trợ thanh khoản.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tổ chức này đã cung cấp số tiền lên đến 1,386 tỷ đô la cho Pakistan dưới hình thức công cụ tài chính nhanh (RFI). RFI là công cụ tài chính nhằm giúp các quốc gia giải quyết các trường hợp khẩn cấp mà không đòi hỏi các quốc gia đó phải trải qua một chương trình cải cách toàn diện được giám sát kỹ càng.
Khoản viện trợ này giúp Pakistan đối phó với tình trạng khủng hoảng suy giảm dự trữ ngoại hối và giúp quốc gia này trang trải gánh nặng nợ nần trong thời điểm nền kinh tế chịu tác động mạnh mẽ từ dịch COVID-19.
Pakistan là quốc gia nhận trợ cấp dài hạn từ IMF và đã được phê duyệt tham gia vào chương trình gói cứu trợ 6 tỷ đô la vào tháng bảy năm ngoái.
Okamoto cũng cho biết thêm rằng Pakistan cần xem xét lại các mục tiêu của mình theo gói cứu trợ bao gồm khôi phục tài chính công và công tác quản lý khi cuộc khủng hoảng yếu đi.
Trước đó, theo thông báo phát đi ngày 13/04/2020. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho biết tổ chức này sẽ xóa nợ cho 25 quốc gia thành viên theo Cơ chế Ngăn chặn và Cứu trợ Thảm họa (CCRT) để các nước này tập trung nhiều nguồn lực tài chính hơn nữa cho công cuộc chống lại đại dịch vi-rút corona.
Theo [Indiatoday]
Tổng hợp bởi VnRebates