ic-markets
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
dupoin
Mở TK và hoàn phí 5 $/lot
san-trive
Mở TK và hoàn phí 9$/lot
tmgm
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
san-fxgt-dich-vu-forex-rebates
Mở TK và hoàn phí 1 $/lot
san-acy
Mở TK và hoàn phí 0.05$/lot
VNREBATES

Hướng dẫn định giá cổ phiếu với chỉ số P/B – Đâu là cổ phiếu có P/B hấp dẫn nhất tháng 05/2022?

10.06.2022, 16:18 13 phút đọc

P/B là một chỉ số cực kỳ quan trọng trong đầu tư chứng khoán, đặc biệt hiệu quả trong việc phân tích cổ phiếu lĩnh vực tài chính có tính thanh khoản cao. Hạn chế của chỉ số P/B là không xét đến giá trị của tài sản vô định, vốn dĩ là yếu tố quan trọng của doanh nghiệp. Do đó, nhà đầu tư cần kết hợp P/B với các chỉ số tài chính khác để có góc nhìn khách quan nhất về doanh nghiệp.

Trong đầu tư chứng khoán, nhiều nhà đầu tư đã đôi lần nghe về chỉ số P/B nhưng ít ai hiểu đủ về chỉ số này. P/B là một chỉ số tài chính đánh giá mối liên hệ giữa giá trị thực tế và giá trị ghi sổ của một cổ phiếu, đặc biệt quan trọng trong phân tích và định giá các cổ phiếu dòng ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm,…Do đó, P/B là gì? Định giá cổ phiếu bằng chỉ số P/B như thế nào? Hãy cùng VnRebates tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!

#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading

1. Chỉ số P/B

1.1. Chỉ số P/B là gì? Cách tính chỉ số P/B trong đầu tư

Chỉ số P/B (Price-to-Book Value Ratio) là hệ số giá thị giá trên giá trị sổ sách. P/B được sử dụng như một công cụ tài chính quan trọng để so sánh giữa giá cổ phiếu và giá trị ghi sổ của cổ phiếu đó.

Chỉ số P/B được xác định theo công thức sau:

chỉ số p/b

 Trong đó:

  • Giá cổ phiếu: là giá đóng cửa của cổ phiếu hiện tại
  • Giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu (BVPS): là (Vốn chủ sở hữu – Tài sản vô hình)/Tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành

Chỉ số P/B dùng để so sánh giữa giá cổ phiếu và giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu (BVPS). Giá trị sổ sách của một doanh nghiệp được xác định bằng Vốn chủ sở hữu trên Bảng cân đối kế toán trừ đi phần giá trị tài sản vô hình và sau đó chia cho Số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Chỉ số P/B cho nhà đầu tư biết cổ phiếu đang mua được định giá gấp mấy lần so với giá trị thực trên sổ sách. Hay nói dễ hiểu, P/B cho biết nhà đầu tư phải bỏ ra bao nhiêu tiền để mua 1 đồng vốn chủ sở hữu.

Xét ví dụ cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (HoSE: MWG). Tại thời điểm ngày 30/04, MWG có thị giá 149.200 VNĐ/cổ phiếu và giá trị sổ sách là 27.820 VNĐ/cổ phiếu.

chỉ số p/b

Giá cổ phiếu MWG tại ngày 29/04. Nguồn: Cafef

Như vậy, chỉ số P/B của MWG = Giá cổ phiếu/Giá trị sổ sách = 149.2/27.82= 5.4 lần. Tức, để sở hữu cổ phiếu MWG, nhà đầu tư phải chấp nhận trả gấp 5.4 lần so với giá trị ghi sổ.

Chỉ số P/B, BVPS có thể biến động tùy theo từng thời kỳ, kết quả kinh doanh và sai số từ nguồn Website, do đó chỉ số P/B mang tính chất tương đối tại thời điểm nhà đầu tư tính toán.

 1.2. Ý nghĩa của chỉ số P/B

Khi so sánh giữa thị giá và giá trị ghi sổ, nhà đầu tư dễ dàng nhận thấy:

  • Nếu P/B > 1: tức cổ phiếu đang được trả giá cao hơn giá trị sổ sách. Điều này chứng minh rằng, doanh nghiệp được kỳ vọng với mức độ tăng trưởng khả quan hoặc giữ lợi thế cạnh trạnh vượt trội so với đối thủ. Chính vì thế, nhà đầu tư chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn hơn giá trị ghi sổ của doanh nghiệp để sở hữu nó.
  • Nếu P/B < 1: tức cổ phiếu thuộc hai trường hợp (1) Cổ phiếu bị định giá thấp và đáng để mua vào, tuy nhiên nhà đầu tư cần xem xét đến các chỉ số khác như P/E, ROE,…để có góc nhìn chi tiết nhất về doanh nghiệp; (2) Cổ phiếu không hấp dẫn, doanh nghiệp không có tiềm năng phát triển, tình hình kinh doanh đi xuống.

“Vậy P/B bao nhiêu thì tốt và hợp lý?”

Không có bất kỳ tiêu chuẩn nào khẳng định rằng P/B bao nhiêu thì hợp lý mà phụ thuộc vào ngành nghề, lĩnh vực, tiềm năng phát triển, dự án đầu tư đang thực hiện,…của doanh nghiệp mà bạn đầu tư để đưa ra kết luận chính xác nhất. Chẳng hạn:

  • Những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, ngân hàng, bất động sản,…thường P/B cao sẽ càng cao hơn nữa, chứng tỏ doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao, kinh doanh lĩnh vực tiềm năng.
  • Những doanh nghiệp ổn định, tăng trưởng thấp, ngành nghề ổn định như điện, nước,…đều có P/B xấp xỉ bằng hoặc dưới 1.

Nếu bạn là nhà đầu tư mới thì nên lựa chọn doanh nghiệp có P/B trong khoảng từ 1.5 trở lên là hợp lý. Như thế, mức độ rủi ro doanh nghiệp thấp, tăng trưởng ổn định phù hợp với các nhà đầu tư mới bắt đầu làm quen thị trường.

Ngược lại, những doanh nghiệp có tình hình kinh doanh thua lỗ, lợi nhuận đột biến tăng trong 1, 2 năm và P/B đang quá cao thì không nên đầu tư nhé.

1.3. Ưu và nhược điểm của chỉ số P/B

Ưu điểm:

  • Chỉ số P/B mang tính ổn định cao hơn so với P/E
  • Chỉ số P/B luôn dương, thậm chí doanh nghiệp thua lỗ. Vì thế P/B thường được sử dụng để so sánh các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, trong khi P/E không thể làm được điều này
  • Chỉ số P/B đặc biệt hiệu quả khi sử dụng để định giá các doanh nghiệp trong ngành tài chính như bảo hiểm, ngân hàng, công ty chứng khoán,…

Nhược điểm:

  • Chỉ số P/B bỏ qua giá trị tài sản hữu hình như bằng sáng chế, thương hiệu, lợi thế cạnh tranh,…mà đôi khi những yếu tố này cực kỳ quan trọng đối với một doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ, thương mại, B2C,…
  • Chỉ số P/B không phản ánh đầy đủ giá trị thị trường của tài sản của doanh nghiệp. Xét ví dụ, một mảnh đất doanh nghiệp mua từ 03 năm trước và hiện nay đã tăng giá chục lần nhưng không phản ánh vào tài sản doanh nghiệp, nên khi định giá bằng P/B vẫn không hoàn toàn chính xác.

Chính vì thế, chỉ số P/B thực sự hữu hiệu đối với các doanh nghiệp có nguồn tài sản dễ xác định, tính thanh khoản cao như ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm… Ngược lại, xét đến khía cạnh định giá của một công ty dịch vụ thì chỉ số P/E chưa phản ánh chính xác giá trị doanh nghiệp. Vì P/B bỏ qua các giá trị tài sản vô hình như lợi thế cạnh tranh, độ trung thành khách hàng, thương hiệu…điều rất khó định lượng ở công ty dịch vụ.

Do đó, nhà đầu tư cần phải sử dụng kết hợp nhiều yếu tố, công cụ định giá khác nhau để có cái nhìn tổng quát, khách quan nhất về doanh nghiệp.

Xem thêm: EPS – Lãi cơ bản trên cổ phiếu là gì? Cách sử dụng chuẩn nhất

2. Hướng dẫn chi tiết cách định giá cổ phiếu theo chỉ số P/B đơn giản

Để định giá cổ phiếu theo chỉ số P/B, wp.vnrebates.io lấy ví dụ cổ phiếu Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) tại thời điểm 31/12/2021 theo các bước như sau:

– Bước 1: Xác định giá trị Vốn chủ sở hữu trên mỗi cổ phiếu (BVPS)

Đầu tiên xác định Giá trị Vốn chủ sở hữu, Giá trị tài sản vô hình trên bảng cân đối kế toàn của PNJ như sau:

chỉ số p/b

PNJ trong năm 2021 có:

  • Tài sản cố định vô hình: 650.9 tỷ đồng
  • Tổng vốn chủ sở hữu: 6012.6 tỷ đồng

Khi đó, Giá trị ghi số của PNJ năm 2021 là: 6012.6-650.9= 5361.7 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu đang lưu hàng của PNJ là 242.366.563 cổ phiếu

Tức, BVPS = 5361.7/242.366.563= 22.122 VNĐ/cổ phiếu

– Bước 2: Xác định giá thị trường của cổ phiếu

Lịch sử giao dịch của PNJ tại ngày 29/04 là 108.000 VNĐ/cổ phiếu như hình sau:

chỉ số p/b

– Bước 3: Tính chỉ số P/B của PNJ năm 2021

Bước cuối cùng, nhà đầu tư chỉ cần lấy Giá thị trường (ở bước 2) chia cho Giá trị ghi sổ của từng cổ phiếu (ở bước 1), tức là:

P/B của PNJ năm 2021 = 108.000 / 22.122 = 4,88 lần

Hiện cổ phiếu PNJ đang được định giá cao gấp 4,88 lần so với giá trị sổ sách, hay nói cách khác nhà đầu tư cần bỏ ra 4,88 đồng để sở hữu 1 cổ phần của PNJ.

Xem thêm: Làm sao định giá cổ phiếu siêu chuẩn như nhà đầu tư chuyên nghiệp?

#Thực_chiến_NGHỀ_Trading

3. Các cổ phiếu định giá theo chỉ số P/B hấp dẫn nhất tháng 05/2022

Kết thúc tháng 04/2022 với mức giảm mạnh của VN-Index lên đến 8,4%, trở thành tháng giảm sâu nhất trong gần 02 năm vừa qua, thống kê trên sàn HoSE, đã có hơn 225 cổ phiếu điều chỉnh hơn 20% từ giá đỉnh. Ngoài tâm lý bị quan, thua lỗ thì ở mặt khác, thị trường chứng khoán Việt đã trở nên rẻ hơn với hàng loạt cổ phiếu quay về vùng định giá hấp dẫn.

Có thể nói tháng 05/2022 tạo ra rất nhiều cơ hội để “săn” cổ phiếu tốt cho các nhà đầu tư trung và dài hạn. Hãy cùng VnRebates điểm qua 3 cổ phiếu định giá hấp dẫn theo chỉ số P/B trong tháng này nhé.

1. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán TCB – sàn HOSE)

TCB vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với lợi nhuận sau thuế tăng mạnh lên đến 25,2% cùng kỳ, tín dụng tăng 7,9% YTD cao hơn mức tăng toàn ngành là 5%. Chất lượng tài sản, cơ cấu tài sản và khả năng thanh toán của TCB đều được duy trì ở mức ổn định, tốt.

chỉ số p/b

Cùng với sự điều chỉnh của thị trường chung, cổ phiếu TCB đã giảm gần 20% so với từ đỉnh đầu năm 2022. Do đó, mức P/B của TCB trượt giảm xuống chỉ còn 1,49 lần, đây là mức thấp nhất trong lịch sử P/B của TCB là 1,63 lần. Với định giá hấp dẫn hấp dẫn cho cổ phiếu đã duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ với vị thế dẫn đầu hoạt động trong nhiều năm và hiệu quả kinh doanh cao. VnRebates tin rằng đây là cổ phiếu đáng để xem xét đều tư dài hạn trong thời điểm điều chỉnh của thị trường như thế này.

2. Công ty Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND)

Trong năm 2021, VND đạt tổng doanh thu hợp nhất gấp 2,6 lần so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế gấp 3,4 lần nằm 2020. Sau đợt điều chỉnh mạnh tháng 04/2022 vừa rồi, giá VND đã giảm mạnh hơn 16% so với khi lập đỉnh giá 35 lúc đầu tháng. Đợt giảm điểm mạnh đã kéo P/B của VND xuống thấp hơn so với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực chứng khoán, như hình sau:

chỉ số p/b

P/B của VND đang được định giá thấp khoảng 1.37 thấp hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành như SSI, HCM, FTS hoặc MBS. Với một cổ phiếu tăng trưởng bền vững, tình hình tài chính lành mạnh và hoạt động kinh doanh hiệu quả thì VND vẫn rất đáng quan tâm đầu tư trong năm 2022.

3. Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB)

Ngân hàng ACB có điểm mạnh trong ngành như tăng trưởng tín dụng nhanh chóng sau dịch bệnh, tỷ lệ CASA luôn duy trì ở mức cao, thu nhập ngoài lãi phục hồi mạnh mẽ, và luôn đảm bảo chất lượng tài sản lành mạnh. Với giá cổ phiếu điều chỉnh mạnh hiện tại, thì ACB đang giao dịch ở mức P/B năm 2022 là 1,67x, rất xứng đáng để đầu tư với một doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế mạnh mẽ 2022 dự phóng tăng 34,8%, ROAE cao 23,9% và chất lượng tài sản duy trì lành mạnh.

chỉ số p/b

Kết luận 

Khi hiểu đúng về chỉ số P/B sẽ giúp nhà đầu tư phân tích, so sánh và đánh giá một cổ phiếu khách quan và từ đó có những quyết định đầu tư đúng đắn nhất. Với chỉ số P/B đặc biệt phù hợp để định giá những công ty trong lĩnh vực tài chính như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, nên các nhà đầu tư nên nhà đầu tư nên lưu tâm lựa chọn cổ phiếu P/B đủ tốt khi đưa ra quyết định đầu tư.

Hạn chế của P/B là không tính đến các giá trị tài sản vô hình như con người, thương hiệu, độ trung thành khách hàng… Do đó, nhà đầu tư vẫn cần phải kết hợp sử dụng các chỉ số phân tích khác như P/E, ROS, ROA, EPS,…để có góc nhìn chính xác nhất về doanh nghiệp.

VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ

 

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.