Sự sụt giảm của giá dầu, trong đó đáng chú ý là việc giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) lần đầu tiên rơi xuống mức âm trong lịch sử, có thể lại là điểm tích cực đối với nền kinh tế thế giới và cũng là khởi điểm thúc đẩy cho sự phục hồi sau dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tại sao nền kinh tế có thể phục hồi nhờ giá dầu âm?
Giá dầu thấp sẽ làm giảm chi phí vận tải và sản xuất, đồng thời giúp người tiêu dùng có nhiều tiền hơn để chi tiêu, từ đó giúp xoa dịu tình hình tài chính. Tuy nhiên, giá dầu lao dốc cũng có thể “tàn phá” các thị trường chứng khoán và ngân sách của các nước sản xuất dầu, đồng thời làm gia tăng nguy cơ giảm phát.
Theo chỉ số về mức độ thanh khoản của công ty tư vấn CrossBorder Capital, sự suy giảm của giá dầu cùng với các biện pháp kích thích từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và ngân hàng trung ương nhiều nước khác, đã xoa dịu đáng kể tình hình tài chính.
CrossBorder Capital ước tính chính sách kích thích của Fed đã khiến chỉ số trên tăng thêm 10 điểm trong tháng trước. Nhưng tác động của dầu còn mạnh mẽ hơn, khi giá dầu kỳ hạn cứ giảm 10% thì chỉ số này sẽ tăng 3-4 điểm, có nghĩa là việc giá dầu sụt giảm 60%-70% trong năm nay đã khiến chỉ số về độ thanh khoản nói trên tăng gấp đôi trong tháng B.
Các nước đang phát triển như Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ có thể sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ sự sụt giảm của giá dầu, khi chi phí nhập khẩu giảm và áp lực làm phát cũng dịu xuống. Nhưng đối với Mỹ, quốc gia giờ đây đã là nước xuất khẩu ròng dầu thô lớn với hoạt động sản xuất dầu khí chỉ chiếm 0,5% GDP hàng năm, giá dầu rẻ không còn là một yếu tố tích cực.
Dù vậy, sự sụt giảm của giá dầu vẫn có những mặt tốt của nó. Theo công ty tài chính Morgan Stanley, giá xăng bán lẻ chỉ cần giảm 40% cũng sẽ giúp người Mỹ tiết kiệm được một khoản thu nhập khả dụng lên đến 125 tỷ USD/năm, tương đương 0,6% GDP. Vì vậy, xét về tổng thể, giá dầu giảm có thể tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ trong ngắn hạn, nhưng khoản tiết kiệm chi tiêu nói trên của người tiêu dùng có thể giúp thúc đẩy sự phục hồi trở lại
Một mối lo khác là giá dầu giảm sẽ cản trở cuộc chiến chống giảm phát ở nhiều nước phát triển. Tuy nhiên, công ty dịch vụ tài chính UniCredit cho biết lạm phát của Mỹ và Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) chỉ giảm lần lượt 10 điểm cơ bản và 5 điểm cơ bản trong hai tuần vừa qua, dù giá dầu đã giảm rất mạnh. UniCredit giải thích điều này là nhờ tác động ngược từ biện pháp kích thích mạnh mẽ của ngân hàng trung ương các nước.
Theo Investing
Tổng hợp bởi Vnrebates