Xem thêm:
- Chọn cổ phiếu nào để “lấy lộc” đầu năm?
- Lướt sóng cổ phiếu trong giai đoạn gần Tết – Nên hay không nên?
Định giá thị trường rẻ do nhóm ngân hàng, VN-Index năm 2024 hướng lên 1.300 điểm
Trong báo cáo nhìn lại năm 2023 mới đây, Chứng khoán DSC cho rằng chỉ số VN-Index dù tăng khoảng 10%, nhưng nếu loại trừ nhịp tăng của tháng 1, gần như chúng ta có một năm đi ngang của thị trường. Thị trường năm 2023 không còn khốc liệt như năm 2022 nhưng cũng là một năm không hề dễ dàng.
Câu chuyện về định giá thấp của VN-Index được các nhà đầu tư nhắc đến khá nhiều trong năm 2023. Tính tới đầu tháng 1 năm 2024, P/E VN-Index đã đạt trở lại mốc 13,9, là mức tương đồng với trung bình 13 năm trở lại (~14,5). Tuy vậy, dòng tiền đầu tư có vẻ vẫn còn khá dè chừng với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Để lý giải hiện tượng trên, đầu tiên, xét về mặt định giá VN-Index tuy có định giá thấp so với lịch sử nhưng cũng đã cao hơn định giá của các thị trường mới nổi Châu Á (PE 12,9). Tiếp đó, lợi nhuận doanh nghiệp sản xuất Việt Nam hồi phục thấp, hoặc suy yếu mạnh trong năm 2023. Nhóm ngân hàng có lợi nhuận ổn định thì hầu hết đều đã kín room ngoại (vốn đầu tư từ nước ngoài).
Thêm vào đó, không phải cổ phiếu nào cũng có mức định giá phù hợp. Nếu chỉ tính riêng các nhóm ngành phi tài chính, định giá của thị trường đang ở mức rất cao so với lịch sử. Định giá của các cổ phiếu trên thị trường phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư. Nhóm ngân hàng có định giá rất rẻ do những e ngại của nhà đầu tư về rủi ro nợ xấu và lợi nhuận suy yếu. Trong khi đó, dòng tiền lại đổ về nhóm Phi tài chính với kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ phục hồi tốt ngay trong nửa cuối năm 2023 – đầu năm 2024.
Trên thực tế, định giá P/E cao của nhóm Phi tài chính không hẳn là một vấn đề. DSC đánh giá năm 2023 đã là đáy của lợi nhuận doanh nghiệp. Khi kết quả kinh doanh phục hồi, định giá P/E của các doanh nghiệp sẽ tự điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ có tốc độ phục hồi khác nhau.
Do đó, DSC đánh giá câu chuyện đầu tư năm 2024 sẽ tập trung vào kết quả kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp chứ không chỉ còn là những câu chuyện của kỳ vọng. Với bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục chậm và mức nền lợi nhuận thấp của năm 2023, DSC đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận thấp trong năm 2024, sẽ khó bùng nổ lợi nhuận.
Nếu nhìn ở góc nhìn chu kỳ, Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi kinh tế. Về mặt lý thuyết, với chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng như hiện tại, nền kinh tế được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn trong năm 2024. Một nguyên tắc được biết đến phổ biến là thị trường chứng khoán thường đi trước nền kinh tế, do đó về mặt kỳ vọng lý thuyết, năm 2024 được kỳ vọng là năm khởi sắc của TTCK sau khi 2023 có thể xem là năm chuyển tiếp từ đà rơi của 2022 sang xu hướng đi ngang.
Với kỳ vọng (1) rủi ro xu hướng thị trường thấp hơn một phần, (2) nội tại doanh nghiệp cải thiện và (3) kỳ vọng về hệ thống KRX đi vào hoạt động, thúc đẩy trong tiến trình nâng hạng sẽ là nền tảng hỗ trợ đưa thị trường lên một mức nền mới cao hơn năm cũ, DSC kỳ vọng chỉ số VN-Index năm 2024 sẽ giữ vững vùng 1.100 điểm, và tiến tới mức mục tiêu 1.300 điểm.
Chiến lược trong Sideway-market
Với bối cảnh vĩ mô hiện tại, đội ngũ phân tích đang nghiêng về khả năng năm 2024 sẽ là năm của trạng thái Sideway-market, tức độ biến động giữa đáy và đỉnh sẽ dao động trong biên độ +/- 20%. Trải qua những thị trường Sideway điển hình như giai đoạn 2014-2016 và 2018-2019, DSC nhận thấy chiến lược Đầu tư giá trị sẽ giúp nhà đầu tư có xác suất thành công cao hơn các chiến lược khác, cũng như phát huy được hiệu suất đầu tư tốt nhất.
Về mặt kỹ thuật, DSC lựa chọn cách mua khi cổ phiếu giá trị về gần sát vùng hỗ trợ mạnh (vùng đáy lớn gần nhất) và bán khi cổ phiếu tiếp cận kháng cự (vùng đỉnh lớn gần nhất), thay vì áp dụng mua cổ phiếu giá trị một cách máy móc qua các chỉ số tài chính – cách tiếp cận này rất dễ dính phải Value-Trap (Bẫy giá trị) của một thị trường Sideway, và chỉ đúng trong thị trường giảm giá (Bear-market).
Các đặc điểm nhận diện vùng đáy thị trường Sideway là (1) Chỉ số giảm 10% – 15% từ đỉnh. Tuy nhiên cần lưu ý các nhịp giảm lớn hơn 20% là nhịp giảm bất thường, NĐT phải hết sức cẩn trọng. (2) Chỉ số cách không quá +/- 5% so với vùng đáy lớn gần nhất. (3) Vùng đáy thường xuất hiện bên dưới đường TB 200 ngày (MA200).
Đây thường là nhịp washout-out mạnh với những NĐT dài hạn. Đặc biệt, nếu nhịp giảm có chứng chỉ chỉ số giảm hơn 7% so với MA200 thì đó là cơ hội rất tuyệt vời để mua vào. 4) Thanh khoản ghi nhận ở mức rất thấp trong quá trình tạo đáy (< 1⁄2 so với vùng đỉnh).
Nguồn: CafeF