Xem thêm:
- Sự suy yếu của JPY và nỗi lo về cuộc chiến tiền tệ ở châu Á
- BRICS sẽ thúc đẩy siêu lạm phát, Vàng, Bạc và Bitcoin sẽ tăng vọt?
Sức ép từ đồng USD
Các nhà hoạch định chính sách tại châu Á đang phản ứng với sức mạnh của đồng USD bằng nhiều cách khác nhau, từ cảnh báo cho đến tăng lãi suất, và thậm chí có quốc gia đã can thiệp bằng cách mua vào đồng nội tệ.
Các nhà phân tích tiền tệ đang theo dõi sát sao chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 4, dự kiến công bố vào ngày 15/5, sau khi dữ liệu tháng trước đã khiến đồng JPY giảm mạnh.
Theo bà Fiona Lim, chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại Maybank ở Singapore, cho biết các đồng tiền châu Á đã có “khoảng nghỉ” khi số liệu việc làm của Mỹ trong tháng 4 yếu hơn dự kiến, nhưng điều này sẽ không khiến đồng USD giảm xuống. “Dữ liệu lạm phát sắp tới của Mỹ sẽ quyết định diễn biến tiếp theo của các đồng tiền châu Á so với đồng USD”, bà lưu ý.
Nhiều đồng tiền châu Á bị ảnh hưởng nặng nề
Đồng JPY là một trong những đồng tiền châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Giới phân tích cho rằng Chính phủ Nhật Bản gần đây có khả năng đã can thiệp hai lần để hỗ trợ đồng JPY, mặc dù dữ liệu chính thức chưa được công bố. Trước đó, đồng JPY đã giảm mạnh xuống dưới 160 JPY/USD, mức thấp nhất trong 34 năm, do sự chênh lệch khoảng 5 điểm phần trăm giữa lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ và Nhật Bản.
Shoki Omori, chiến lược gia tại Mizuho Securities, nhận định xu hướng bán đồng JPY sẽ tiếp tục cho đến khi các yếu tố căn bản thay đổi, vì không có giải pháp nhanh chóng nào có thể đảo ngược sự suy yếu của đồng JPY.
“Trừ khi BoJ tăng lãi suất nhanh và mạnh, chẳng hạn như 0,5 điểm phần trăm một lần, đồng thời giảm mua trái phiếu ngắn hạn, hoạt động mua bán chênh lệch lãi suất vẫn sẽ diễn ra”, ông Omori nói. Theo Mizuho Securities, khả năng BoJ tăng lãi suất vào tháng Bảy là 17,5% và vào tháng Mười là 25%.
Tại Hàn Quốc, dự trữ ngoại hối trong tháng Tư đã giảm gần 6 tỷ USD so với tháng Ba, theo dữ liệu của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK), một phần do những nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn chặn sự suy giảm của đồng won. Khi đồng won chạm mức 1.400 won đổi 1 USD lần đầu tiên trong khoảng một năm rưỡi, Bộ Tài chính Hàn Quốc đã can thiệp vào thị trường. Kể từ đó, đồng won đã tăng giá, gần đây được giao dịch ở mức 1.366,50 won đổi 1 USD, theo Refinitiv. Bà Moon Da Woon, chuyên gia kinh tế tại Korea Investment & Securities ở Seoul, dự đoán đồng won sẽ mạnh lên mức 1.200 won đổi 1 USD vào cuối năm nay.
Đồng rupee của Ấn Độ, một trong những đồng tiền ổn định nhất tại châu Á, đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay so với đồng USD là 83,739 rupee/USD vào tháng trước. Theo ông Rob Carnell, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của ING ở Singapore, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã quản lý chặt chẽ đồng rupee từ tháng Mười năm ngoái, giúp đồng tiền này biến động trong một biên độ hẹp. “Hiện tại, nhiều ngân hàng trung ương ở châu Á có dự trữ ngoại hối đủ để trang trải hơn sáu tháng nhập khẩu, đây là ngưỡng dự trữ đủ mạnh để can thiệp tỷ giá khi cần thiết”, ông Carnell cho biết.
Tại Indonesia, ngân hàng trung ương đã vào cuộc để hỗ trợ đồng nội tệ sau khi đồng tiền này suy yếu xuống còn 16.200 đổi 1 USD, mức thấp nhất trong 4 năm, do lạm phát cao hơn dự kiến trong tháng 3.
Rick Cheung, nhà quản lý danh mục đầu tư tại BNP Paribas Asset Management ở Singapore, cho biết: “Đồng tiền của Indonesia đang chịu ảnh hưởng từ sự suy yếu trên diện rộng của các đồng tiền châu Á. Ngân hàng trung ương nước này đang nỗ lực giữ tiền tệ ổn định để thu hút đầu tư nước ngoài”.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn