Với những điều kiện không mấy khả quan cho sự phục hồi, cùng với đó là sự suy thoái đã kéo dài quá lâu, liệu tâm lý giảm giá của thị trường đã đến lúc kết thúc hay chưa?
Liệu các nhà giao dịch có bỏ qua nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh để lạc quan hơn vào sự hồi phục của nền kinh tế, giống như cách mà những quốc gia và khu vực khác đang thực hiện?
Chúng ta sẽ cùng điểm qua tình hình hiện tại của khu vực đồng tiền chung châu Âu để tìm câu trả lời.
1. EU đứng cuối cùng trong cuộc đua “bình thường mới”
Trên thực tế, nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu trong năm 2021 đã và đang có những tiến bộ vững chắc trong việc hồi phục sau đại dịch. Thế nhưng, đồng Euro đã liên tục giảm giá so với hầu hết các đồng tiền chính khác trong khu vực và đồng đô la Mỹ.
Lời giải thích cho sự hồi phục kém của đồng Euro rất đơn giản.
Các nền kinh tế lớn khác hầu hết cũng đang trong quá trình phục hồi, các ngân hàng Trung ương của họ đang lên kế hoạch, hoặc đã hoàn thành kế hoạch bình thường hóa chính sách tiền tệ sau một thời kỳ chịu tác động bất thường chưa từng có.
Cục Dự trữ Liên Bang (Hoa Kỳ) gần đây đã cùng với Ngân hàng Canada và Ngân hàng dự trữ Úc giảm bớt việc mua tài sản hàng tháng. Ngân hàng Trung ương Anh có thể tăng lãi suất vào tháng 12 tới. Ngân hàng Dự trữ New Zealand cũng vừa mới tăng lãi suất lần thứ hai kể từ đại dịch.
Trong khi đó, mặc dù đúng là Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng đã giảm bớt việc mua trái phiếu và quyết định sẽ kết thúc QE (gói kích thích kinh tế – nới lỏng định lượng) vào tháng 3 năm 2022, nhưng ngân hàng này vẫn có chương trình mua tài sản thường xuyên (APP) được triển khai trong suốt cuộc khủng hoảng dịch bệnh.
Nhiều người kỳ vọng rằng ECB sẽ không chỉ giữ cho APP tiếp tục hoạt động trong tương lai gần, mà còn tăng cường thêm một chút để bù đắp một phần cho việc kết thúc các giao dịch mua khẩn cấp. Điều đó có nghĩa là các chương trình hỗ trợ nền kinh tế vẫn tiếp tục cần được duy trì.
Quan trọng hơn, ECB không thể nâng lãi suất cho vay của mình, và đã bị cả Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vượt qua khi việc nâng lãi suất bị trì hoãn.
Những thực trạng như vậy, cùng với những sự kỳ vọng không được đáp lại trong nhiều năm qua đã kéo đồng Euro xuống thấp hơn, và những quan điểm về sự giảm giá gần đây càng có thêm nhiều ý kiến ủng hộ.
2. Tác động kép tới đồng Euro
Hiện tại, đồng Euro đang chịu ảnh hưởng xấu từ không chỉ một mà là hai nhân tố lớn, khiến cho sự phục hồi không thể diễn ra một cách bình thường.
Đầu tiên, Giám đốc ECB, Christine Lagarde đã tăng gấp đôi lập trường ôn hòa của Ngân hàng khi quyết định rằng chính sách thắt chặt ở thời điểm hiện tại vẫn còn quá sớm. Lagarde đang trở thành người kỳ quặc nhất trong số những người đứng đầu các Ngân hàng Trung ương, khi cho rằng lạm phát tăng đột biến hiện nay chỉ là tạm thời trong khi hầu hết đồng nghiệp của bà đang áp dụng các biện pháp đề phòng hơn.
Tác động thứ hai đến từ sự gia tăng trở lại một cách nhanh chóng của dịch Covid-19 tại nhiều nơi trên khắp châu Âu. Một số quốc gia gần đây đã thông báo áp dụng lại những biện pháp hạn chế đối với những người chưa được tiêm chủng. Một số quốc gia khác thậm chí đã đi vào trạng thái đóng cửa một phần hoặc toàn bộ.
Hiện tại mùa đông chỉ mới bắt đầu, trong thời gian tới tình hình dịch bệnh còn có thể tồi tệ hơn trước khi có những diễn biến tích cực trở lại.
Mặc dù các doanh nghiệp và người tiêu dùng đã dần thích nghi từ những lần đóng cửa trước đó, và học cách điều chỉnh để thích ứng với dịch bệnh. Thế nhưng, những biện pháp mới nhất ở khu vực này được cho là sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế trong thời gian tới.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu hơn đồng nghĩa với việc ECB càng không cần phải tăng lãi suất trong năm tới. Ngay cả khi ECB có tăng lãi suất, thì có lẽ cũng chỉ là một mức tăng nhẹ so với mức thắt chặt như dự đoán của các Ngân hàng Trung ương khác đưa ra.
3. Sự đóng cửa trở lại của nền kinh tế
Cho đến nay, việc đóng cửa nền kinh tế trong điều kiện hậu tiêm chủng vẫn chưa được các nhà đầu tư tính đến, có thể đó chính là lý do giải thích tại sao đợt bán tháo gần đây nhất của đồng Euro lại rất kịch tính.
Rốt cuộc, các quốc gia như Anh đã chứng minh rằng có thể giữ cho tỷ lệ tử vong do Covid ở mức rất thấp, trong khi các quy tắc thắt chặt ảnh hưởng đến xã hội đã được dỡ bỏ hầu hết. Vậy tại sao một số quốc gia khác ở châu Âu có giới hạn nghiêm ngặt hơn so với Anh lại vẫn ở trong tình trạng gia tăng các ca nhập viện?
Có một số bằng chứng cho thấy rằng vaccin AstraZeneca, loại vaccin chiếm hầu hết tỷ lệ tiêm chủng ở Anh đã bảo vệ tốt hơn cho người dân ở đây, đặc biệt là người cao tuổi.
Ngoài ra, một khả năng khác là khả năng miễn dịch cộng đồng ở Anh đã cao hơn, do trước đó nước này đã chịu những đợt dịch bùng phát mạnh hơn và sớm hơn, đặc biệt là từ biến thể Delta.
Nhìn chung, tình hình dịch bệnh ở các nước châu Âu sẽ là chìa khóa quyết định xem việc đóng cửa trở lại có cần thiết, và từ đó các nhà lãnh đạo mới có thể đưa ra những chính sách phù hợp.
4. Tương lai của Hoa Kỳ và đồng USD
Liệu Hoa Kỳ có thể là nước tiếp theo chứng kiến sự gia tăng trở lại của viruss?
Các trường hợp mắc mới hàng ngày và tỷ lệ nhập viện ở quốc gia này cũng đang bắt đầu tăng lên trong thời gian gần đây. Mặc dù các chương trình tiêm chủng của Mỹ có khởi đầu tốt, nhưng nó lại được triển khai chậm hơn ở Anh. Bên cạnh đó là sự chủ quan của thị trường trước mối đe dọa của viruss kể từ khi vaccin xuất hiện.
Không có nhiều khả năng cho các đợt đóng cửa trở lại ở Hoa Kỳ, và một số biện pháp cứng rắn hơn cũng khó có thể được đưa ra trong những tháng mùa đông.
Một phần nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm của đồng Euro là sự lạc quan của nền kinh tế Mỹ gần đây, khi các chỉ số mới nhất cho thấy sự tăng trưởng đã được cải thiện vào đầu quý IV. Tuy nhiên, nếu sự lạc quan này gặp trở ngại từ dịch bệnh, đồng USD có thể mất đi một phần giá trị và từ đó thúc đẩy các đồng tiền đang gặp khó khăn như đồng Euro.
Xem thêm: Tổng quan thị trường chứng khoán Mỹ và đầu tư chứng khoán Mỹ hiệu quả tại Việt Nam như thế nào ?
5. Thị trường có quá bi quan với đồng Euro?
Trên thực tế, sự bi quan của thị trường dường như là quá lớn đối với đồng Euro. Có nhiều khả năng các nền kinh tế châu Âu sẽ vượt qua cơn bão này theo cách tốt hơn nhiều so với những gì thị trường mong đợi.
Cũng cần chỉ ra rằng, các nhà đầu tư và nhà giao dịch lớn không quá bị quan với khả năng suy thoái của đồng Euro như tình trạng chung của thị trường. Theo dữ liệu của CFTC (Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai), các nhà giao dịch dù đã cắt giảm đáng kể vị thế mua đối với đồng Euro trong năm nay, tuy nhiên tình trạng bán ròng chỉ xảy ra kể từ ngày 19 tháng 11.
Mặt khác, các chỉ báo kỹ thuật cho thấy đồng Euro đang ở trạng thái quá bán, ít nhất là so với đô la Mỹ.
Nếu phe mua tham gia thị trường lúc này, thì mức Fibonacci 61,8% của xu hướng tăng từ tháng 3 năm 2020 đến tháng 1 năm 2021 sẽ là vùng kháng cự quan trọng đầu tiên cần lưu ý, ở mức 1,129 0 USD. Mức tiếp theo là Fibo 50% – 1,1492. Vượt qua được các ngưỡng này sẽ giúp tỷ giá EUR/USD lấy lại được vị thế khi tiếp cận được đường trung bình động 50 phiên, loại bỏ phần nào áp lực bán ra.
Tuy nhiên, nếu như tâm lý thị trường không sớm thay đổi, và cặp tiền này phá vỡ dưới mức hỗ trợ 1,1160 thì có thể giá sẽ còn giảm thêm về mức Fibo 78,6%, là 1,1002. Nếu như giá giảm xuống dưới mức 1,10 USD sẽ là tín hiệu cho thấy giá đang quay trở lại mức đáy 1,0635 vào tháng 3 năm 2020.
6. Kết luận
Tóm lại, đồng Euro vẫn phải đối mặt với những thông tin từ dữ liệu kinh tế cũng như dịch bệnh trong ngắn hạn, và những thông tin này khả năng cao sẽ mang đến nhiều biến động ở phía trước.
Khi dịch bệnh ổn định trở lại, các nhà giao dịch có thể loại bỏ các rủi ro lớn khiến cho giá giảm. Tuy nhiên, xu hướng trong dài hạn của đồng Euro vẫn phụ thuộc vào hành động của ECB cũng với các ngân hàng Trung ương khác, để đưa ra các quyết định về lãi suất, và xác nhận xem liệu sự gia tăng lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu có thực sự chỉ là tạm thời.
Theo actionforex.com