Phân tích tâm lý thị trường là một khía cạnh rất quan trọng trong đầu tư tài chính, nó giúp cho các nhà đầu tư nắm bắt được cảm xúc và dự đoán hành vi của thị trường. Tuy nhiên, để phân tích tâm lý thị trường một cách hiệu quả, chúng ta cần có sự hỗ trợ của các chỉ báo tâm lý, và chỉ số VIX chính là một trong những trợ thủ đắc lực nhất mà anh em có thể sử dụng trong phân tích tâm lý thị trường.
#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading
1. VIX – chỉ số biến động đo lường tâm lý thị trường
Chỉ số VIX thực chất là một chỉ số được xây dựng bởi sàn giao dịch quyền chọn CBOE, với mục đích tính toán và hiển thị mức độ dao động giá dự kiến trong các quyền chọn của chỉ số S&P500.
Tên chính thức của chỉ số này là Chỉ số biến động BOE, và VIX là mã ký hiệu. Tuy nhiên, chúng ta có thể gọi tắt là chỉ số VIX cho ngắn gọn và dễ sử dụng. Do sự biến động của giá cả thường được coi là một cách tốt để đánh giá tâm lý thị trường, nên VIX cũng theo đó mà được coi là một chỉ số phân tích tâm lý.
VIX được phát hành vào năm 1993, khi đó chỉ số này xem xét và dự báo độ biến động của 8 loại quyền chọn mua và bán của S&P100. Sau năm 2002, CBOE đã quyết định mở rộng chỉ số VIX, thông qua đo lường độ biến động của S&P500, với mục đích nắm bắt tâm lý thị trường tốt hơn.
Các nhà đầu tư thường sử dụng chỉ số VIX như một cách để đo lường mức độ căng thẳng thị trường khi phân tích và hỗ trợ đưa ra quyết định giao dịch, do đó đôi khi VIX còn được gọi với cái tên không chính thức là chỉ số sợ hãi.
2. Chỉ số VIX hoạt động như thế nào
Chỉ số VIX dự báo sự biến động của chỉ số chứng khoán Mỹ S&P500, do đó hiển nhiên là nó được xây dựng dựa trên dữ liệu về S&P500. Chúng ta sẽ không nghiên cứu về công thức hình thành nên chỉ số này, vì nó tương đối phức tạp và cũng không quá cần thiết. Thay vào đó, điều chúng ta cần quan tâm về VIX là nguyên lý hoạt động của nó.
VIX có vai trò đo lường độ biến động giá của S&P500, chỉ số này có giá trị càng lớn thì mức độ biến động càng cao và ngược lại. Nhưng không chỉ có vậy, khi VIX tăng còn thể hiện tâm lý sợ hãi trong thị trường tăng và giá trị của S&P500 thì giảm điểm. Ngược lại, khi thị trường tăng giá thì giá trị của chỉ số VIX giảm, sự biến động và tâm lý sợ hãi trong thị trường cũng giảm.
Theo quy luật chung, bất cứ khi nào giá trị VIX lớn hơn 30 thường gắn liền với sự biến động lớn của thị trường chứng khoán, bởi tâm lý không chắc chắn và tâm lý sợ hãi rủi ro của các nhà giao dịch tăng cao. Mặt khác, giá trị VIX dưới mức 20 thường tương ứng với thời kỳ ổn định, không có căng thẳng và những diễn biến bất thường trên thị trường.
Nhìn chung, chỉ số VIX có mối tương quan nghịch với chỉ số S&P500 cũng như các loại chứng khoán trong giỏ chỉ số này. Khi VIX tăng thì S&P và giá chứng khoán giảm, và ngược lại, khi S&P cùng giá chứng khoán tăng thì chỉ số VIX giảm xuống mức thấp hơn.
Về nguyên nhân tại sao VIX lại tương quan nghịch với S&P500, thì theo một số cách giải thích đơn giản, chúng ta có thể hiểu là chỉ số biến động này đại diện cho số lượng quyền chọn bán của các nhà đầu tư, với mục đích bảo về tài sản của họ trước những nguy cơ sụt giảm của giá.
Với nguyên lý đó, khi VIX tăng cao có nghĩa là có rất nhiều nhà đầu tư đang lo ngại về nguy cơ giảm giá của thị trường, do đó đẩy giá giảm xuống. Và cũng chính vì vậy nên VIX được gọi là chỉ số sợ hãi, như chúng ta đã tìm hiểu phía trên.
Xem thêm: Các chỉ số chứng khoán quan trọng nhất mọi trader phải biết
#Thực_chiến_NGHỀ_Trading
3. Ứng dụng của chỉ số VIX
Chúng ta đã biết rằng chỉ số VIX được xây dựng dựa trên S&P500, và có tương quan nghịch với chỉ số chứng khoán này. Do đó, ứng dụng quan trọng nhất của VIX chính là dùng cho các nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường Mỹ. Khi VIX tăng cao, điều đó thể hiện cho tâm lý giảm giá của thị trường, và tất nhiên các nhà đầu tư sẽ hạn chế mua cổ phiếu. Chỉ đến khi dấu hiệu giảm bắt đầu xuất hiện, thì cũng chính là lúc thị trường tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Chỉ số VIX được thể hiện dưới dạng biểu đồ giống như các loại chỉ số hay các mã chứng khoán và mã tiền tệ thông thường. Để sử dụng chỉ số này, anh em có thể mở trên các nền tảng biểu đồ như Tradingview với mã VIX, anh em cũng có thể tùy chỉnh dưới dạng biểu đồ nến, biểu đồ đường hoặc bất cứ dạng biểu đồ nào tùy ý để phục vụ cho việc phân tích.
Anh em có thể thấy rất rõ mối tương quan nghịch của VIX và S&P500 qua biểu đồ dưới đây.
Với VIX, anh em cũng có thể áp dụng các phương pháp phân tích kỹ thuật cho biểu đồ để phát hiện xu hướng, dự đoán các điểm đảo chiều, và từ đó dựa vào sự tương quan nghịch để phán đoán diễn biến của S&P500, cuối cùng là đưa ra quyết định đầu tư vào các mã cổ phiếu của Mỹ.
Trong biểu đồ đường của VIX dưới đây, mình đã sử dụng đường MA100 và vẽ đường xu hướng, để anh em thấy được rằng các chỉ báo kỹ thuật hoạt động rất hiệu quả trên chỉ báo này giống như bất cứ mã chứng khoán hay tài sản nào khác.
Ngoài việc dựa vào mối tương quan nghịch để đánh giá chỉ số S&P500, thì VIX cũng có thể được giao dịch độc lập giống như rất nhiều loại chỉ số nào khác trên thị trường tài chính. Nếu như anh em có thể mua – bán chỉ số S&P500, thì anh em cũng có thể làm điều tương tự đối với VIX.
Tuy nhiên, vì đây cũng là một loại chỉ số chứ không phải tài sản, nên chúng ta chỉ có thể giao dịch thông qua hợp đồng chênh lệch, hoặc một số hợp đồng tương lai và quyền chọn. Chỉ số này có thể trở thành một tài sản để đa dạng hóa danh mục của các nhà đầu tư.
4. Cách sử dụng chỉ số VIX trong thị trường Forex
Mặc dù là đại diện cho chỉ số chứng khoán, thế nhưng do S&P500 lại là chỉ số chứng khoán quan trọng bậc nhất của Hoa Kỳ, thậm chí nó còn thể hiện sức khỏe nền kinh tế số 1 thế giới này. Do đó, S&P500 có ảnh hưởng tương đối đáng kể đối với đồng USD và một số đồng tiền khác, và chính vì thể VIX vẫn có thể được áp dụng trong thị trường Forex.
Trên thực tế, dù không phải tất cả nhưng có một số cặp tiền có mối tương quan khá chặt chẽ đối với VIX, đặc biệt là cặp EUR/USD. Trên thực tế thì EUR/USD cũng là cặp tiền phù hợp nhất, tối ưu nhất để anh em sử dụng VIX. Nếu muốn thử với các cặp tiền khác thì anh em nên cân nhắc kỹ lưỡng cũng như backtest tính hiệu quả theo các nguyên tắc mà chúng ta sẽ tìm hiểu sau đây.
Trước hết, chúng ta cần lưu ý lại nguyên lý hoạt động của VIX:
- Khi chỉ số này tăng thể hiện tâm lý thị trường hoảng loạn – giá có xu hướng giảm. Tuy nhiên, khi VIX tăng đến đỉnh điểm, đặc biệt là trên mốc 30, có nghĩa là tâm lý giảm giá cũng đã lên cao nhất, hay nói cách khác là giá không thể giảm được thêm => sẽ có sự hồi phục.
- Ngược lại, khi VIX giảm sâu tạo đáy, thể hiện thị trường có thể đang quá lạc quan => đà tăng giá có thể sớm kết thúc để nhường chỗ cho một đợt giảm.
Vậy, để áp dụng chỉ số VIX khi phân tích EUR/USD, anh em có thể mở song song hai biểu đồ này, thậm chí có thể kết hợp thêm biểu đồ S&P500. Và nguyên tắc đánh giá cặp tiền EUR/USD dựa trên VIX như sau:
- Nếu cả EUR/USD và S&P500 đều đang có xu hướng giảm, trong khi VIX lại tăng cao, điều đó cho thấy dấu hiệu cả hai thị trường này đang có dấu hiệu tạo đáy, có thể bước vào một đợt điều chỉnh tăng hoặc thậm chí là xu hướng tăng mạnh bất cứ lúc nào.
- Ngược lại, khi EUR/USD đang trong xu hướng tăng, còn VIX giảm xuống mức thấp thì rất có thể tỷ giá EU đang đạt đến đỉnh, và khả năng cao sẽ sớm quay đầu giảm giá.
Anh em có thể theo dõi ví dụ dưới đây để thấy hiệu quả của chỉ số VIX trong thực tế:
Như vậy, có thể thấy rằng chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng chỉ số biến động VIX để phân tích thị trường Forex. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan nhất thì ứng dụng của chỉ số này đối với các cặp tiền tệ là không cao, mà nó chỉ thực sự phù hợp đối với thị trường chứng khoán. Nếu sử dụng VIX thì anh em chỉ nên xem đó là một tín hiệu bổ sung để xác nhận thêm, ngoài ra vẫn cần có tín hiệu chính xác hơn từ các hệ thống phân tích khác.
Thế nhưng, ở chiều ngược lại thì chúng ta cũng không thể phủ nhận được vai trò của VIX. Đây thực chất là một chỉ số tâm lý thị trường, vì vậy nó không dùng để tìm kiếm những cơ hội ra vào lệnh chính xác, mà chỉ cho chúng ta biết thị trường đang trong tâm lý tăng giá hay giảm giá. Với vai trò này thì chỉ số VIX vẫn thể hiện rất tốt, và ở góc độ nào đó nó vẫn cho chúng ta cái nhìn tổng thể sức khỏe của thị trường tài chính.
Xem thêm: Chứng khoán quốc tế – miền đất hứa mới cho nhà đầu tư Việt?
5. Kết luận
Mặc dù ở Việt Nam chỉ số VIX không quá phổ biến, tuy nhiên nếu biết cách sử dụng thì nó vẫn đem lại những hiệu quả nhất định, đặc biệt là trong phân tích tâm lý và đánh giá tình hình tổng thể của thị trường. Hy vọng qua bài viết này, anh em đã hiểu hơn về chỉ số biến động VIX, cũng như biết cách ứng dụng nó trong một số hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, đừng quên backtest thật kỹ trước khi đưa VIX hay bất cứ một công cụ nào khác vào trong chiến lược giao dịch của mình nhé. Hãy luôn đảm bảo an toàn cho tài khoản của mình trước khi nghĩ đến việc kiếm lợi nhuận.
Chúc anh em giao dịch an toàn và hiệu quả.
VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ