Xem thêm:
- Công nghệ Blockchain là gì? 10 ứng dụng của Blockchain trong thực tiễn
- Lật tẩy những chiêu trò và thủ đoạn của những sàn Forex lừa đảo
- Danh sách các sàn Forex lừa đảo và bị bắt tại Việt Nam
Tìm hiểu CSE là gì?
Nền tảng CSE là gì?
CSE hay CSE30 được quảng cáo là một dự án blockchain và tiền kỹ thuật số dựa trên nền tảng Công nghệ Blockchain 3.0 – bước đột phá mới trong công nghệ và Smart Contract 2.0 được xây dựng bởi đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ Singapore. Nền tảng này còn có tên là O-Chain, là hệ sinh thái đa ngành nghề được đầu tư và phát triển bởi CSE Singapore, tập đoàn kinh doanh Vàng bạc đá quý Bangkok Assay Thái Lan và Công ty quản lý quỹ đầu tư SRI Singapore.
Theo giới thiệu từ công ty, CSE là một hệ sinh thái ứng dụng đa ngành nghề, với tốc độ giao dịch siêu nhanh chỉ 06 giây, giao dịch không cần Internet! Những ứng dụng chính trên nền tảng CSE bao gồm:
- Sàn giao dịch CSE
- Nền tảng OWIFI
- CSE Stake
- Cổng thanh toán điện tử
- Thương mại điện tử.
Công ty này giới thiệu rằng đối với nền tảng CSE 30, bạn chỉ mất khoản 10 – 20 phút cho việc khởi tạo hợp đồng thông minh cho riêng bạn. Ứng dụng CSE 3.0 được kết nối trực tiếp qua cổng thông tin API. Tại đây, bạn có thể tạo ra tiền điện tử, chứng thực blockchain, truy xuất nguồn gốc,…
CSE Token của nền tảng CSE
CSE token đã từng là đồng tiền kỹ thuật số của nền tảng CSE được mở bán ICO vào tháng 8/2018, giá ICO được niêm yết là 0.3$/CSE. CSE có tổng cung là 900.000.000 CSE và nhà đầu tư có thể dùng BTC, ETH, BCH… để mua CSE.
Nhưng hiện tại, trên coinmarketcap, đồng token này đã không thuộc danh sách tiền điện tử được theo dõi, có nghĩa là nó không còn được giao dịch nữa.
Dự án OWIFI 5G của CSE một thời “khuấy đảo” truyền thông Việt Nam trong 2 năm 2019-2020
Dự án Owifi 5G được quảng cáo như thế nào?
Dự án Owifi 5G được xem là dự án nổi bật nhất trong nền tảng CSE này khi từ cuối năm 2019 đến 2020 dự án đã khuấy đảo khắp truyền thông đại chúng lẫn các diễn đàn mạng xã hội tại Việt Nam. Vậy, dự án Owifi là gì?
Owifi được quảng cáo là dự án phủ sóng wifi miễn phí, góp phần trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, sử dụng công nghệ hiện đại nhất trên thế giới với ưu việt là tính cơ động (không dây), sóng khỏe và ổn định (30-70 Mbps) và bảo mật bằng công nghệ Blockchain 3.0 và Big Data.
Cũng theo đại diện của CSE, dự án Owifi trực thuộc hệ sinh thái O-Chain trong kế hoạch phát triển nhiều quốc gia tại khu vực Đông Nam Á như: Singapore, Thái Lan, Cambodia, Lào, Malaysia, Việt Nam, Myanma…
Theo giới thiệu, dự án Owifi được quảng cáo là của Công ty CSE Singapore, phối hợp với Công ty Golden Net có trụ sở tại TP.HCM, triển khai miễn phí ra cộng đồng. Trong thời kỳ đầu xuất hiện tại Việt Nam, đội ngũ CSE đã đi đến nhiều địa phương trên toàn quốc như Bắc Ninh và Thái Nguyên làm việc với các Sở Thông tin và Truyền thông để quảng cáo và phối hợp triển khai dự án Owifi 5G này.
Trong bối cảnh cơ sở vật chất thiếu thốn và nền tảng phủ sóng tại Việt Nam còn hạn chế như hiện nay thì dự án Owifi 5G ra đời sẽ có nhiều hứa hẹn mang đến sự đột phá về công nghệ và phát triển cơ sở hạ tầng truyền tải dữ liệu của ngành công nghiệp truyền thông tại nước nhà. Quả thực trong những ngày đầu đó, dự án OWIFI của công ty CSE30 đã được rất nhiều báo giới trong nước đăng tin và đánh giá cao.
…nhưng CSE quảng cáo về dự án này như thế nào mới là điều đáng quan tâm:
Bên cạnh những lời quảng cáo như OWIFI đem lại hiệu quả sử dụng và kinh tế cao, không tốn thời gian lắp đặt và kéo dây, và đặc biệt tiết kiệm tài chính hơn 30% so với phương pháp thông thường thì việc Owifi còn được CSE quảng cáo là “cỗ máy khai thác tiền tự động” cho các nhà đầu tư mới là điều đáng chú ý.
CSE cho biết họ mở ra chương trình góp vốn đầu tư kinh doanh và tạo cho nhà đầu tư có cơ hội cùng đồng hành với công ty CSE30 với nhiều gói đầu tư linh hoạt và lãi suất linh hoạt, lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với việc gửi tiền nhàn rỗi ở ngân hàng. Trong hàng trăm các buổi hội thảo của tổ chức này, người đại diện Công ty CSE Singapore đã giới thiệu:
“Người tiêu dùng chỉ cần sở hữu 1 bộ Owifi 5G của công ty này thì không cần làm gì cũng có tiền”.
Các gói đầu tư Owifi 5g
Dự án này đưa ra các gói đầu tư thấp nhất là 500 USD và tối đa là 25.000 USD, trong đó lợi nhuận được trả hàng ngày và có thể rút về VND ngay trong ngày.
Thành viên đươc nâng cấp thời gian và số tiền trước khi hết hạn gói đầu tư và nhà đầu tư sẽ được thăng chức lên danh hiệu Director nếu đầu tư các gói > 25.000 USD.
Quyền lợi đầu tư sẽ khác nhau theo thời gian đầu tư từ 3 tháng – 6 tháng – 12, đầu tư lâu thì quyền lợi càng cao và thành viên được hưởng thêm 0.025% lãi tính trên hệ thống đồng cấp F1.
- Gói 3 tháng: 4%
- Gói 6 tháng: 5%
- Gói 12 tháng: 6%
Vậy, 1 bộ Owifi 5G để đầu tư CSE giá trị bao nhiêu?
1 bộ Owifi 5G có giá trị bằng gói đầu tư 10.000 USD tức là tầm gần 240 triệu VND. Như vậy, cứ đầu tư mỗi gói 10.000 USD, nhà đầu tư sẽ được tặng một cục Owifi 5G. Còn số tiền đầu tư sẽ được quy ra tiền điện tử của CSE, với trị giá quy đổi ở thời điểm năm 2020 là 1 CSE bằng 3 USD.
Ví dụ: Trong 3 tháng rút gốc về: Với lãi suất 4% tháng nhà đầu tư nhận được 400$ tháng X3 = 1200$ và được chia lợi nhuận từ cục phát wifi 5G khoảng 10 triệu tháng x3 tháng => tổng tiền nhận về của gói này cố định là 11.200$ và khoảng 30 triệu tiền quảng cáo từ cục phát wifi 5g!
Để mua CSE token, nhà đầu sẽ cần mua Bitcoin, sau đó lấy Bitcoin để mua tiền tiền kỹ thuật số CSE. Tuy nhiên, theo hướng dẫn từ đội ngũ CSE, nhà đầu tư thường chọn cách đơn giản, chính là đưa tiền thật cho người môi giới (nhà đầu tư trước) để họ bán lại tiền ảo có ở trong ví điện tử của CSE. Nhà đầu tư mới sẽ được cấp tên và mật khẩu để truy cập vào một website trên mạng.
Xem thêm: Bitcoin: Bong bóng đang vỡ hay một loại tiền tệ sắp đáo hạn?
Sự thật về hình thức đầu tư qua nền tảng CSE là gì? – Hình thức Ponzi quen thuộc?
Nhìn qua hình thức đầu tư của CSE thì rõ ràng đây là hình thức Ponzi quen thuộc. Ponzi (Mô hình kim tự tháp & đa cấp) – lấy tiền của người sau để trả cho người tham gia trước, chưa bao giờ hết hot trên tại Việt Nam, chỉ là hình thức ngày càng biến tướng và tinh vi hơn.
Tổ chức huy động vốn sẽ đưa ra cam kết trả lợi tức cao cho người cho vay và quảng cáo với họ về những tấm gương đã từng nhận được lợi tức cao trước đây để lôi kéo người tham gia rồi họ lại giới thiệu những người tiếp theo…
Công ty CSE Singapore phối hợp với CSE Việt Nam hoạt động vô cùng rầm rộ và công khai khi liên tục tổ chức các hội nghị, hội thảo quy mô với hàng chục, thậm chí hàng trăm cá nhân tham dự, để giới thiệu về dự án Owifi và thuyết phục và dùng nhiều chiêu trò để lôi kéo các nhà đầu tư xuống tiền.
Ngoài lãi 72%/năm, tổ chức này này còn quảng cáo, khi sở hữu bộ Owifi 5G, nhà đầu tư còn có cơ hội nhận được khoản tiền “kếch xù” thứ hai đến từ việc người dùng truy cập vào bộ Wifi của mình với mỗi một lượt người truy cập, nhà đầu tư sẽ có 1.000 đồng.
Điều đáng chú ý là, trong khi CSE Singapore không hề thành lập chi nhánh, hay văn phòng nào đại diện nào tại Việt Nam thì tổ chức quảng cáo là CSE Việt nam với giấy phép đăng ký kinh doanh 100% vốn tư nhân của người Việt Nam.
Ngoài ra, đội ngũ lãnh đạo của CSE từ đại diện của CSE Singapore cho đến giám đốc của Công ty TNHH Goldennet – là đơn vị đầu tư, lắp đặt phục vụ phủ sóng wifi đều cho thấy dấu hiệu cùng 1 đường dây.
Xem thêm: DRK Coin là gì? Có phải hình thức Ponzi như lời đồn?
CSE lừa đảo? Dự án Owifi chính thức bị các kênh truyền thông chính thống cảnh báo
Hoạt động theo hình thức đa cấp nhưng thực chất, theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (trực thuộc Bộ Công thương) thì CSE chưa được cấp phép hoạt động và cơ quan chức năng đã lên tiếng khuyến cáo người dân không tham gia đầu tư hay phát triển hệ thống kinh doanh của tổ chức này.
Tuy nhiên, tổ chức CSE này đã tự ý quảng cáo lên mạng xã hội và đăng tải trên báo chí về việc đã ký kết triển khai dự án Owifi 5G ở nhiều địa phương, trong đó có Bắc Ninh.
Sự việc bị phát giác khi Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh chính thức lên tiếng rằng “Bắc Ninh không ký kết với Công ty CSE Singapore (CSE) bất kỳ văn bản nào liên quan đến việc triển khai dự án Owifi 5G – phủ sóng wifi miễn phí trên địa bàn tỉnh” sau khi đã thẩm định sản phẩm này và cho thấy bản chất thật của nó hoàn toàn không giống như lời đồn thổi.
Trên thị trường, một cục Wifi phát ở băng tần 5GHz có giá chỉ trên dưới 1,5 triệu đồng. Vậy nhưng bộ Owifi “quyền năng” lại đang được thổi giá và rao bán với cái giá khủng là 10.000 USD.
Do đánh trúng vào tâm lý thị trường, sử dụng truyền thông để quảng bá hoành tráng, lợi dụng lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều người, tổ chức này vẫn lôi kéo được đông đảo người tham gia.
Không những các cơ quan chức năng mà truyền thông chính thống trong nước cũng đã lên tiếng cảnh báo về hoạt động đa cấp không giấy phép của tổ chức CSE này:
Cũng như việc tiền điện tử CSE của nền tảng này không còn hoạt động trên coinmarketcap cũng cho thấy việc CSE lừa đảo nhà đầu tư là hoàn toàn có lý do.
Xem thêm: Sập sàn Busstrade – Cái kết đắng cho những nhà đầu tư thiếu kiến thức bị lòng tham lấn át
Kết luận
Hy vọng những chia sẻ vừa rồi về nền tảng CSE và dự án nổi bật Owifi từng rầm rộ trong 2 năm trước đã giúp các bạn hiểu thêm về một hình thức đa cấp núp bóng công nghệ tiên tiến, và đánh bóng bằng những quảng cáo truyền thông hoành tráng. Theo dõi VnRebates để cập nhật tin tức Forex, Chứng khoán, Tiền điện tử mới nhất.
VnRebates – Hoàn tiền mọi giao dịch tài chính
Theo vtv