ic-markets
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
dupoin
Mở TK và hoàn phí 5 $/lot
san-trive
Mở TK và hoàn phí 9$/lot
tmgm
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
san-fxgt-dich-vu-forex-rebates
Mở TK và hoàn phí 1 $/lot
san-acy
Mở TK và hoàn phí 0.05$/lot
VNREBATES

TOP 9 mã cổ phiếu ngành dệt may có tiềm năng tăng trưởng cao nhất năm 2023

04.01.2023, 22:46 25 phút đọc

Dệt may là một trong những ngành nghề trọng điểm của nền kinh tế Việt Nam với năng lực sản xuất cao và tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn. Trong bài viết hôm nay, VnRebates sẽ phân tích tiềm năng của cổ phiếu ngành dệt may trong năm 2023 và một số lưu ý khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu này.

Xem thêm:

Cổ phiếu ngành dệt may là gì?

Cổ phiếu ngành dệt may là các mã cổ phiếu đại diện cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các mặt hàng may mặc và dệt may được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam. 

Dệt may là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, nên các mã cổ phiếu của nhóm ngành này luôn nằm trong danh mục đầu tư ưa thích của nhiều nhà đầu tư. Những mã cổ phiếu dệt may tiêu biểu phải kể đến là VGT, TCM, TNG, MSH, GIL, HNI,…

Tham khảo: 7 mã cổ phiếu ngành lương thực – thực phẩm đáng quan tâm

Cổ phiếu ngành dệt may

Cổ phiếu ngành dệt may (Nguồn: Internet)

Nhận định cổ phiếu ngành dệt may: Có triển vọng hay không?

Năm vừa qua, nhóm cổ phiếu ngành dệt may bị ảnh hưởng khá nhiều do những nguyên nhân như tình hình lạm phát tăng cao ở các nước, dẫn đến nhu cầu may mặc truyền thống suy giảm. Dưới đây, VnRebates sẽ phân tích những cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam cũng như tiềm năng tăng trưởng của nhóm cổ phiếu ngành dệt may trong năm 2023.

Tình hình xuất khẩu dệt may sẽ cải thiện hơn vào nửa sau năm 2023: VITAS đã đưa 2 kịch bản tăng trưởng năm 2023 với kịch bản tích cực là đạt kim ngạch 47- 48 tỷ USD và kịch bản kém tích cực hơn đạt khoảng 45 – 46 tỷ USD. 2 kịch bản này đều cao hơn con số 44.5 tỷ USD trong năm 2022 cho thấy ngành dệt may đang được kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm tới. [1]

Xu hướng nguyên vật liệu đầu vào tích cực: Giá bông đã đạt đỉnh từ hồi tháng 8/2022 và đang tiếp tục xu hướng giảm. Giá bông giảm sẽ tác động tích cực đến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất. Việc Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero-Covid không chỉ làm tăng giá trị xuất khẩu mà còn đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp. Lý do vì Trung Quốc đang là nước xuất khẩu bông lớn nhất thế giới.

Cơ hội từ các Hiệp định thương mại mới: Các hiệp định thương mại mà Việt Nam mới ký kết, đặc biệt là EVFTA sẽ có tác động tích cực đến ngành dệt may trong dài hạn, đặc biệt là mở ra nhiều cơ hội từ thị trường EU tiềm năng. Các doanh nghiệp dệt may sẽ cần thời gian để phát triển các chuỗi sản xuất phù hợp nhằm đáp ứng các quy tắc của các hiệp định. Điều này là cơ sở để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững cũng như tăng sức cạnh tranh cho hàng dệt may của Việt Nam. 

Có thể bạn quan tâm:

Tương quan sức mạnh của cổ phiếu ngành dệt may sơ với chỉ số VNINDEX trong 20 phiên gần nhất

Tương quan sức mạnh của cổ phiếu ngành dệt may so với chỉ số VNINDEX trong 20 phiên gần nhất (Nguồn: Internet)

Danh sách các mã cổ phiếu ngành dệt may trên sàn chứng khoán Việt Nam

Nhà đầu tư có thể tham khảo các mã cổ phiếu ngành dệt may được niêm yết trên 3 sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam trong bảng sau: 

STT Mã CK Tên doanh nghiệp Sàn niêm yết
1 ADS CTCP Damsan HOSE
2 TCM CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công HOSE
3 TVT Tổng Công ty Việt Thắng – CTCP HOSE
4 GMC CTCP Garmex Sài Gòn HOSE
5 EVE CTCP Everpia HOSE
6 MSH CTCP May Sông Hồng HOSE
7 GIL CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh  HOSE
8 KMR CTCP Mirae HOSE
9 STK CTCP Sợi Thế Kỷ HOSE
10 SVD CTCP Đầu tư & Thương mại Vũ Đăng  HOSE
11 TNG CTCP Đầu tư và Thương mại TNG  HNX
12 TDT CTCP Đầu tư và Phát triển TDT HNX
13 TET CTCP Vải sợi May mặc Miền Bắc HNX
14 VGT Tập đoàn Dệt may Việt Nam UPCoM
15 M10 Tổng Công ty May 10 – CTCP UPCoM
16 VGG Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến UPCoM
17 NDT Tổng Công ty cổ phần Dệt May Nam Định UPCoM
18 HCB CTCP Dệt may 29/3 UPCoM
19 HNI CTCP May Hữu Nghị UPCoM
20 HSM Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hà Nội UPCoM
21 HTG Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ UPCoM
22 DM7 CTCP Dệt May 7 UPCoM
23 HDM CTCP Dệt may Huế UPCoM
24 FTM CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân UPCoM
25 BDG CTCP May mặc Bình Dương UPCoM
26 BMG CTCP May Bình Minh UPCoM
27 BVN CTCP Bông Việt Nam UPCoM

Top 9 mã cổ phiếu ngành dệt may mà các nhà đầu tư nên quan tâm nhất 2023

Số lượng cổ phiếu dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam khá nhiều, khiến cho việc lựa chọn cổ phiếu tốt và có tiềm năng trong tương lai trở nên khó khăn với nhiều chứng sĩ mới. Dưới đây, VnRebates sẽ gợi ý bạn Top 9 mã cổ phiếu ngành dệt may được đánh giá tốt và có tiềm năng đầu tư trong năm tới để bạn tham khảo.  

M10 – Tổng công ty May 10 – CTCP

Tổng Công ty May 10 – CTCP hay GARCO 10 tiền thân là Xưởng May 10, được thành lập vào năm 1946 tại chiến khu Việt Bắc. Hiện tại, May 10 là doanh nghiệp đa ngành, hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may thời trang, kinh doanh thời trang bán lẻ, dịch vụ khách sạn, nhà hàng. May 10 được cổ phần hóa vào năm 2005 và là thương hiệu dệt may hàng đầu Việt Nam.

Thông tin niêm yết chi tiết về cổ phiếu M10 như sau:

  • Mã chứng khoán: M10 (UPCOM)
  • Vốn hóa thị trường: 544.32 tỷ đồng
  • Thành lập: 1946
  • Ngày giao dịch đầu tiên: 10/01/2018
  • KLCP đang lưu hành: 30,239,756
  • Giá cổ phiếu tham khảo: 17,000 – 18,000 VND

Diễn biến cổ phiếu M10 trong năm 2022

Diễn biến cổ phiếu M10 trong năm 2022 (Nguồn: CafeF)

Đánh giá cổ phiếu: Năm 2022, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn như chi phí sản xuất tăng cao và đơn hàng giảm 10-15%, May 10 vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, tổng doanh thu của May 10 đạt 4,500 tỷ đồng, tăng 27.93% so với năm 2021, lợi nhuận tăng 41.97% so với năm 2021. 

Trong năm 2022, May 10 đã khánh thành nhiều dự án mở rộng năng lực sản xuất với tổng diện tích gần 50 nghìn m2, mở rộng và phát triển các dòng hàng chủ lực. May 10 còn cho ra mắt 2 dòng sản phẩm mới, hướng đến chinh phục khách hàng trong nước cũng như sản xuất ra thị trường quốc tế. May 10 đang hướng đến mục tiêu doanh thu đạt 4,500 tỷ đồng trong năm 2023. Như vậy, M10 có thể là mã chứng khoán đáng đầu tư của giới đầu tư Việt Nam. 

VGT – Tập đoàn dệt may Việt Nam

Tập đoàn dệt may Việt Nam – Vinatex tiền thân là Tổng công ty Dệt may Việt Nam, được thành lập năm 1995. Vinatex là một tổ hợp gồm công ty mẹ Tập đoàn Dệt – May Việt Nam, gần 120 công ty con, công ty liên kết cùng nhiều đơn vị nghiên cứu đào tạo. Vinatex hoạt động kinh doanh đa lĩnh vực từ sản xuất – kinh doanh hàng dệt may đến hoạt động thương mại dịch vụ với hệ thống phân phối rộng khắp cả nước. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, Vinatex luôn giữ vai trò nòng cốt cho sự phát triển của ngành Dệt may Việt Nam. 

Thông tin niêm yết chi tiết về cổ phiếu VGT như sau:

  • Mã chứng khoán: VGT (UPCoM)
  • Vốn hóa thị trường: 5,250.00 tỷ đồng
  • Thành lập: 1996
  • Ngày giao dịch đầu tiên: 03/01/2017
  • KLCP đang lưu hành: 500,000,000
  • Giá cổ phiếu tham khảo: 10,000 – 15,000 VND

Diễn biến cổ phiếu VGT trong năm 2022 (Nguồn: CafeF)

Đánh giá cổ phiếu: Trải qua năm 2022 kinh doanh đầy biến động, Vinatex vẫn kết thúc năm với doanh thu và lợi nhuận hợp nhất đều vượt kế hoạch. Cụ thể, doanh thu hợp nhất đạt 19,535 tỷ đồng, tăng 15% và lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.090 tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm 2021. 

Trước những dấu hiệu không mấy khả quan về thị trường dệt may nói chung, Vinatex thận trọng đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất là 19,550 tỷ đồng, bằng 100.1% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 935 tỷ đồng bằng 85.8% so với 2022. Với tình hình tài chính vững chắc và đa dạng nguồn lực của Vinatex, nhà đầu tư có thể an tâm giải ngân vào mã cổ phiếu này trong năm tới.  

TCM – CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công

CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) được thành lập từ năm 1967 và được cổ phần hóa vào tháng 2/2006. TCM hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sợi, dệt, đan kim, nhuộm, may mặc, thời trang bán lẻ và bất động sản. TCM là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam. 

Thông tin niêm yết chi tiết về cổ phiếu TCM như sau:

  • Mã chứng khoán: TCM (HOSE)
  • Vốn hóa thị trường: 4,507.07 tỷ đồng
  • Thành lập: 1967
  • Ngày giao dịch đầu tiên: 15/10/2007
  • KLCP đang lưu hành: 81,946,677
  • Giá cổ phiếu tham khảo: 50,000 – 55,000 VND

Diễn biến cổ phiếu TCM trong năm 2022

Diễn biến cổ phiếu TCM trong năm 2022 (Nguồn: CafeF)

Đánh giá cổ phiếu: Theo Báo cáo tài chính quý 3/2022, mặc dù chi phí tài chính tăng cao do chênh lệch tỷ giá, TCM vẫn báo lãi tăng đột biến. Cụ thể, doanh thu thuần của TCM đạt gần 1,230 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2021 và lợi nhuận gộp tăng 183% lên gần 215 tỷ đồng. 

TCM cũng cho biết, tính đến tháng 10/2022, công ty đã nhận khoảng 80% đơn hàng cho kế hoạch doanh thu quý 4/2022 và hiện đang nhận đơn hàng cho quý 1/2023. Điều này cho thấy mã cổ phiếu TCM của doanh nghiệp này có tiềm năng tăng trưởng trong năm tới. 

TNG – CTCP Đầu tư và Thương mại TNG

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG được thành lập vào năm 1979 có tiền thân là Xí nghiệp May Bắc Thái. TNG hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh hàng may mặc, sản xuất bao bì giấy, phụ liệu hàng may mặc, mua bán máy móc thiết bị công nghiệp,… TNG được đánh giá là một trong những doanh nghiệp dệt may xuất khẩu lớn nhất Việt Nam. 

Thông tin niêm yết chi tiết về cổ phiếu TNG như sau:

  • Mã chứng khoán: TNG (HNX)
  • Vốn hóa thị trường: 1,513.70 tỷ đồng
  • Thành lập: 22/11/1979
  • Ngày giao dịch đầu tiên: 22/11/2007
  • KLCP đang lưu hành: 105,117,758
  • Giá cổ phiếu tham khảo: 10,000 – 15,000 VND

Diễn biến cổ phiếu TNG trong năm 2022

Diễn biến cổ phiếu TNG trong năm 2022 (Nguồn: CafeF)

Đánh giá cổ phiếu: Theo báo cáo tài chính quý 3/2022, TNG ghi nhận lũy kế 9 tháng đầu năm với 5,262 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 29% so với cùng kỳ; lãi sau thuế hơn 231.4 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, tính đến cuối tháng 9/2022, tổng tài sản của TNG tăng gần 16% so với đầu năm và nợ phải trả cuối kỳ giảm nhẹ 4% xuống còn khoảng 3,285 tỷ đồng. 

Với kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2022, có thể thấy rằng TNG là mã cổ phiếu đáng đầu tư trong năm tới.

MSH – CTCP May Sông Hồng

Công ty Cổ phần May Sông Hồng được thành lập vào năm 1988 và là một trong những doanh nghiệp dệt may hàng đầu Việt Nam. Hoạt động kinh doanh chủ yếu của May Sông Hồng gồm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm may mặc, các sản phẩm chăn, ga, gối, đệm với thương hiệu nổi tiếng Sông Hồng. Ngoài ra, MSH còn là đối tác tin cậy trong việc gia công sản phẩm cho nhiều thương hiệu quốc tế nổi tiếng như GAP, NYCO,…

Thông tin niêm yết chi tiết về cổ phiếu MSH như sau:

  • Mã chứng khoán: MSH (HOSE)
  • Vốn hóa thị trường: 2,437.96 tỷ đồng
  • Thành lập: 1988
  • Ngày giao dịch đầu tiên: 28/11/2018
  • KLCP đang lưu hành: 75,014,100
  • Giá cổ phiếu tham khảo: 30,000 – 35,000 VND

Diễn biến cổ phiếu MSH trong năm 2022

Diễn biến cổ phiếu MSH trong năm 2022 (Nguồn: CafeF)

Đánh giá cổ phiếu: Về kết quả kinh doanh lũy kế 9 tháng đầu năm, MSH ghi nhận doanh thu đạt gần 4,380 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 280 tỷ đồng, lần lượt tăng 27% và giảm 16.4% so với cùng kỳ năm 2021. 

Tháng 12 vừa qua, May Sông Hồng cũng vừa thực hiện chi 187.5 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%. Điều này cho thấy tiềm lực tài chính của doanh nghiệp khá tốt. Trong bối cảnh khó khăn từ quý 4/2022, MSH có nhiều biện pháp hiệu quả trong việc tiết kiệm chi phí hoạt động cũng như quản lý chất lượng tốt hơn để ứng phó và tăng trưởng.

GIL – CTCP Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh

CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất Nhập khẩu Bình Thạnh – GILIMEX được thành lập năm 1982 và cổ phần hóa vào năm 2000. GIL là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu hàng may gia dụng. Ngoài ra, GIL đã và đang đầu tư vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp và khách sạn phục vụ cho các khu công nghiệp. Đặc biệt, từ năm 2014 khi trở thành đối tác chính của gã khổng lồ Amazon, GIL đã có những bước phát triển vượt bậc. 

Thông tin niêm yết chi tiết về cổ phiếu GIL như sau:

  • Mã chứng khoán: GIL (HOSE)
  • Vốn hóa thị trường: 1,342.02 tỷ đồng
  • Thành lập: 1982
  • Ngày giao dịch đầu tiên: 02/01/2002
  • KLCP đang lưu hành: 68,998,572
  • Giá cổ phiếu tham khảo: 18,000 – 25,000 VND

Diễn biến cổ phiếu GIL trong năm 2022

Diễn biến cổ phiếu GIL trong năm 2022 (Nguồn: CafeF)

Đánh giá cổ phiếu: Mặc dù theo báo cáo tài chính quý 3/2022, doanh thu và lợi nhuận gộp của GIL giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nhưng nhờ doanh thu tài chính tăng vọt, GIL báo lãi ròng 129 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ. Tính đến hết quý 3/2022, tổng tài sản của GIL được ghi nhận là 4,268 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm.  

Hồi tháng 4/2022, giá cổ phiếu GIL đạt 82,000 đồng/cổ phiếu, tăng 60% sau hơn 1 năm và tăng gấp 8 lần sau 2 năm. Hiện tại, thị giá GIL giảm mạnh nhưng với các chỉ số tài chính ấn tượng thì đây có thể là cơ hội mua vào cho nhà đầu tư quan tâm đến mã cổ phiếu này.

EVE – Công ty cổ phần Everpia

Công ty cổ phần Everpia được thành lập vào năm 1993, với tiền thân là chi nhánh Công ty TNHH Viko Moolsan của Hàn Quốc. Everpia hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh chăn, ga, gối, đệm, bông tấm, khăn lau, đồ gỗ nội thất,… Everpia chính là chủ sở hữu của thương hiệu chăn ga gối đệm Everon nổi tiếng. 

Thông tin niêm yết chi tiết về cổ phiếu EVE như sau:

  • Mã chứng khoán: EVE (HOSE)
  • Vốn hóa thị trường: 581.42 tỷ đồng
  • Thành lập: 1993
  • Ngày giao dịch đầu tiên: 17/12/2010
  • KLCP đang lưu hành: 41,979,773
  • Giá cổ phiếu tham khảo: 12,000 – 14,000 VND

Diễn biến cổ phiếu EVE trong năm 2022

Diễn biến cổ phiếu EVE trong năm 2022 (Nguồn: CafeF)

Đánh giá cổ phiếu: Theo báo cáo tài chính quý 3/2022, EVE ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ấn tượng. Cụ thể, tổng lợi nhuận trước thuế của EVE đạt 52.6 tỷ đồng, tăng gần 566%, lợi nhuận sau thuế đạt 42.1 tỷ đồng, tăng 563%. Như vậy, chỉ trong vòng 9 tháng, EVE đã hoàn thành hơn 98% mục tiêu lợi nhuận cả năm. 2 mục tiêu chiến lược chính cho năm 2023 của EVE là tái định vị lại thương hiệu Everon và mở rộng danh mục sản phẩm. 

HNI – CTCP May Hữu Nghị

CTCP May Hữu Nghị – Hugamex được thành lập năm 1993, có tiền thân là Công ty May và In Hữu Nghị thuộc Tổng Công ty Dệt – May Việt Nam. HNI hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh hàng may mặc. Hiện tại, HNI là một trong những đơn vị uy tín trong lĩnh vực gia công hàng may mặc xuất khẩu cho nhiều đối tác lớn trên thế giới như Mỹ và Nhật Bản. 

Thông tin niêm yết chi tiết về cổ phiếu HNI như sau:

  • Mã chứng khoán: HNI (UPCom)
  • Vốn hóa thị trường: 611.09 tỷ đồng
  • Thành lập: 1993
  • Ngày giao dịch đầu tiên: 12/12/2017
  • KLCP đang lưu hành: 23,777,800
  • Giá cổ phiếu tham khảo: 24,000 – 28,000 VND

Diễn biến giá cổ phiếu HNI năm 2022

Diễn biến giá cổ phiếu HNI năm 2022 (Nguồn: CafeF)

Đánh giá cổ phiếu: Lũy kế đến hết quý 3/2022, HNI ghi nhận doanh thu thuần là hơn 783 tỷ đồng và lợi nhuận gộp là hơn 95 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) cũng tăng từ 1,768 lên 2,984 đồng/cổ phiếu. Tháng 9/2022, May Hữu Nghị đã phát hành thêm 11.89 triệu cổ phiếu thưởng tỷ lệ 100% nhằm mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 238 tỷ đồng. 

VGG – Công ty cổ phần May Việt Tiến

Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến tiền thân là Xí nghiệp may Việt Tiến, được thành lập năm 1976. May Việt Tiến hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hàng may mặc, gia công các sản phẩm may. May Việt Tiến là một thương hiệu hàng may mặc nổi tiếng trên thị trường Việt Nam.

Thông tin niêm yết chi tiết về cổ phiếu VGG như sau:

  • Mã chứng khoán: VGG (UPCom)
  • Vốn hóa thị trường: 1,642.20 tỷ đồng
  • Thành lập: 1976
  • Ngày giao dịch đầu tiên: 10/03/2016
  • KLCP đang lưu hành: 42,000,000
  • Giá cổ phiếu tham khảo: 30,000 – 38,000 VND

Diễn biến giá cổ phiếu VGG năm 2022

Diễn biến giá cổ phiếu VGG năm 2022 (Nguồn: CafeF)

Đánh giá cổ phiếu: Tính đến hết quý 2/2022, VGG ghi nhận tăng trưởng 13% từ doanh thu thuần, tương ứng với 2,373 tỷ đồng. Dù lãi ròng giảm 21% so với cùng kỳ do chi phí bán hàng tăng mạnh, VGG vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng đầu năm là 92.3 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021. 

Xem thêm:

Nên hay không nên đầu tư vào cổ phiếu ngành dệt may?

SSI Research của Chứng khoán SSI nhận định ngành dệt may Việt Nam có thể gặp nhiều trở ngại do những lo ngại về lạm phát và suy thoái cho đến nửa đầu năm 2023. SSI kỳ vọng tình hình sẽ sáng sủa hơn vào cuối quý 2 hoặc quý 3/2023 nếu lạm phát được kiểm soát. [2] 

Vậy để xem nhà đầu tư có nên giải ngân vào nhóm cổ phiếu ngành dệt may này không, cùng VnRebates phân tích các lợi ích và khó khăn như sau:

Lợi ích khi đầu tư cổ phiếu ngành dệt may

  • Cổ phiếu ngành dệt may được đánh giá là phù hợp đối với nhóm nhà đầu tư trung và dài hạn, do ngành có triển vọng tương đối tốt trên thị trường.
  • Dệt may là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam và hàng may mặc là tiêu dùng thiết yếu ở nhiều quốc gia. Như vậy, để đảm bảo nhu cầu xuất khẩu, các doanh nghiệp dệt may cần phải hoạt động liên tục để đáp ứng nhu cầu. Đây là cơ sở và động lực đẩy mạnh tăng trưởng ở các mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành này.
  • Hiện tại cổ phiếu ngành dệt may khi giao dịch ở mức P/E (hệ số giá/lợi nhuận) khá hấp dẫn (trung bình dưới 8) so với năm 2021. Đây có thể là cơ hội đối với các nhà đầu tư.
  • Những mã cổ phiếu mà VnRebates vừa gợi ý ở trên đều là những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản, có câu chuyện tăng trưởng và là cơ hội tốt để giải ngân trong giai đoạn thị giá đang ở vùng giá hấp dẫn. 

Những khó khăn và thách thức gặp phải 

Với diễn biến thị trường đang không thuận lợi, kéo dài từ cuối quý 3/2022 tới nay, 2023 được dự báo là năm kinh doanh đầy khó khăn với ngành xuất khẩu dệt may.

Những diễn biến xấu của tình hình vĩ mô gây áp lực lên sức tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu dệt may chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ. Lạm phát cao tác động tiêu cực lên nhu cầu tiêu dùng của nhóm hàng không thiết yếu, trong đó có sản phẩm may mặc.

Bên cạnh nhu cầu sợi và giá bán vẫn ở mức thấp, sợi tồn kho lại làm tăng chi phí lưu kho, làm tắc nghẽn dòng vốn lưu động. Các chuyên gia cũng dự báo ngành may vẫn chịu áp lực giảm đơn hàng trung bình từ 25% – 27% do sức mua toàn cầu giảm. [3]

Như vậy, nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu sụt giảm cộng với hàng tồn kho các sản phẩm may mặc của các doanh nghiệp bán lẻ duy trì ở mức cao sẽ làm xấu đi triển vọng đơn hàng dệt may của Việt Nam trong nửa đầu năm tới. Tỷ lệ tăng trưởng năm 2023 phụ thuộc vào kịch bản tăng trưởng của kinh tế thế giới. Tình trạng này được sự báo có thể kết thúc sớm nhất tại thời điểm hết quý 1/2023.

Xem thêm: 

Những lưu ý quan trọng mà nhà đầu tư cần ghi nhớ

Dưới đây là một số lưu ý giúp bạn đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngành dệt may hiệu quả hơn:

  • Nhà đầu tư có thể quản lý rủi ro tốt hơn khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu này nếu sử dụng chiến lược đầu tư trung và dài hạn. 
  • Bạn chỉ nên lựa chọn đầu tư vào những doanh nghiệp có tình hình sản xuất kinh doanh tốt, tình hình tài chính ổn định và có tiềm năng tăng trưởng. 
  • Cần có sự so sánh giữa các doanh nghiệp cùng ngành để có quyết định lựa chọn mã cổ phiếu đầu tư sáng suốt nhất.
  • Hoàn thiện kỹ năng phân tích thị trường, phân tích báo cáo tài chính, đặc biệt là các chỉ số tài chính của từng mã cổ phiếu
  • Xây dựng chiến lược cắt lỗ và chốt lời phù hợp để hạn chế rủi ro từ biến động thị trường. 
  • Cuối cùng, nhà đầu tư nên chờ đợi các tín hiệu về triển vọng tiêu thụ phục hồi trở lại rõ ràng rồi hãy giải ngân.

Xem thêm: Cách đầu tư chứng khoán dài hạn hiệu quả

Lời kết

Cổ phiếu ngành dệt may luôn nằm trong nhóm cổ phiếu được giới đầu tư ưa thích do vai trò quan trọng của ngành dệt may trong nền kinh tế. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư cần xây dựng chiến lược đầu tư và kỹ năng phân tích thị trường hiệu quả. Theo dõi VnRebates để cập nhật thêm những kiến thức Forex, Tiền điện tử, Chứng khoán mới nhất. 

VnRebates – Hoàn phí mọi giao dịch tài chính

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.