Xem thêm:
- Top 10 cổ phiếu nên đầu tư dài hạn tại Việt Nam
- Cách đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu hiệu quả
Tổng quan về cổ phiếu ngành dầu khí
Cổ phiếu ngành dầu khí là gì?
Cổ phiếu ngành dầu khí là các các mã cổ phiếu đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dầu khí được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, những mã cổ phiếu này thuộc các doanh nghiệp lọc hóa dầu, cung cấp dịch vụ khoan, xây lắp giàn khoan, kho nổi hay vận tải và phân phối các sản phẩm dầu khí,… trên thị trường Việt Nam.
Những mã cổ phiếu ngành dầu khí tiêu biểu trên thị trường chứng khoán Việt Nam bao gồm: PVD, PLX, PVS, OIL, PVC, BSR,…
Có thể bạn quan tâm
- 7 mã cổ phiếu ngành du lịch, khách sạn tiềm năng
- 5 Mã cổ phiếu ngành bán lẻ mang lại lợi nhuận khủng cho nhà đầu tư
Tình hình thị trường dầu khí tại Việt Nam và trên thế giới?
Thị trường dầu thô thế giới đã trải qua nhiều biến động mạnh trong năm 2022 với dấu mốc quan trọng là từ lúc nổ ra chiến tranh Nga Nga – Ukraine cuối tháng 2. Giá dầu Brent có lúc tăng vọt qua mốc 130 USD/thùng hồi tháng 3/2022 rồi hạ xuống dưới 80 USD/thùng. Hiện tại, giá dầu Brent và WTI giao dịch lần lượt quanh ngưỡng trên 82 USD/thùng và 78 USD/thùng. [1]
Nhiều chuyên gia dự báo trong năm 2023, giá dầu tiếp tục duy trì ở mức cao, dao động trong khoảng từ 85 – 90 USD/thùng. Ngoài ra, một số ngân hàng hàng đầu thế giới như Bank of America hay Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) còn dự báo giá dầu có thể vượt mốc 100 USD/thùng trong năm 2023.
Nhận định giá dầu sẽ duy trì ở mức cao trong năm tới được lý giải bởi các nguyên nhân như: Lệnh cấm vận của EU khiến sản lượng dầu thô của Nga giảm, nhu cầu dầu thô có thể tăng do Trung Quốc mở cửa trở lại và khủng hoảng Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt. Những yếu tố trên gây ra thâm hụt nguồn cung dầu và lẹm vào lượng dầu dự trữ toàn cầu, vốn đã rơi xuống ngưỡng thấp nhất trong 5 năm.
Tình hình thị trường dầu mỏ thế giới đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí trong nước. Không chỉ các doanh nghiệp khai thác, sản xuất dầu khí bị ảnh hưởng mà 2022 cũng là một năm đầy thách thức với các doanh nghiệp phân phối xăng dầu. Trong năm 2022, giá xăng đã trải qua 31 lần điều chỉnh giá, trong đó có 17 lần tăng và 13 lần giảm, 1 lần giữ nguyên. [2]
Sau nhiều ngày bất ổn trong tháng 11, tình hình cung ứng xăng dầu đã ổn định trở lại nhờ các phương án điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường.
Xem thêm:
- 5 cổ phiếu ngành thép tiềm năng tại Việt Nam
- 9 mã cổ phiếu ngành điện lực có triển vọng
- 5 mã cổ phiếu ngành ngân hàng uy tín nên đầu tư nhất
Danh sách mã cổ phiếu ngành dầu khí trên sàn HOSE, HNX, UpCom
Các mã cổ phiếu dầu khí chủ yếu được niêm yết trên sàn UPCOM và số còn lại được niêm yết trên 2 sàn HOSE và HNX. Dưới đây là danh sách các mã cổ phiếu dầu khí hiện đang được giao dịch trên các sàn HOSE, HNX và UPCOM:
Các mã cổ phiếu ngành dầu khí niêm yết trên sàn HOSE
STT | Mã chứng khoán | Tên doanh nghiệp |
1 | PLX | Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam |
2 | PVD | Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí |
3 | PVT | Tổng công ty vận tải dầu khí |
Các mã cổ phiếu ngành dầu khí niêm yết trên sàn HNX
STT | Mã chứng khoán | Tên doanh nghiệp |
1 | PVB | CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam |
2 | PVC | Tổng công ty hóa chất và dịch vụ dầu khí |
3 | PVS | Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam |
4 | PCT | CTCP Vận tải Khí và Hoá chất Việt Nam |
5 | PLC | Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex |
Các mã cổ phiếu ngành dầu khí niêm yết trên sàn UPCOM
STT | Mã chứng khoán | Tên doanh nghiệp |
1 | BSR | Công ty cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn |
2 | OIL | Tổng công ty dầu Việt Nam |
3 | PVP | CTCP Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương |
4 | PVX | Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam |
5 | PDC | CTCP Du lịch Dầu khí Phương Đông |
6 | POS | CTCP Dịch vụ Lắp đặt, Vận hành và Bảo dưỡng Công trình Dầu khí Biển PTSC |
7 | PVO | CTCP Dầu nhờn PV Oil |
8 | PEQ | CTCP Thiết bị Xăng dầu Petrolimex |
Danh sách 7 mã cổ phiếu ngành dầu khí có triển vọng năm 2023
Sau đây, VnRebates sẽ giới thiệu đến các bạn các mã cổ phiếu ngành dầu khí có tiềm năng trong năm 2023.
BSR – Công ty cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn
Công ty Cổ phần Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (BSR) là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), hiện đang là đơn vị quản lý vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất. BSR được đánh giá là doanh nghiệp tiên phong và đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam.
Trong 10 tháng năm 2022, BSR đã xuất bán gần 6.6 triệu m3 xăng dầu và hiện cung cấp khoảng 35% nhu cầu xăng dầu của thị trường trong nước. [3]
Thông tin niêm yết chi tiết về cổ phiếu BSR như sau:
- Mã chứng khoán: BSR (UPCOM)
- Vốn hóa thị trường: 41,236.64 tỷ đồng
- Thành lập: 2008
- Ngày giao dịch đầu tiên: 01/03/2018
- KLCP đang lưu hành: 3,100,499,616
- Giá cổ phiếu tham khảo: 13,000 – 15,000 VND
Đánh giá tiềm năng cổ phiếu BSR trong năm 2023
BSR là một trong những mã cổ phiếu thuộc nhóm doanh nghiệp lọc hóa dầu được hưởng lợi từ giá dầu cao. Theo báo cáo tài chính quý 3-2022, BSR ghi nhận doanh thu lũy kế 126,720 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 12,899 tỉ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Việc tận dụng tốt các yếu tố thuận lợi của thị trường dầu mỏ thế giới trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát, BSR được đánh giá sẽ tiếp tục tăng trưởng và là mã cổ phiếu dầu khí có tiềm năng trong năm 2023. [4]
PVD – Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí
Công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí – PV Drilling (HOSE: PVD) được thành lập vào tháng 11/2001, trực thuộc Tổng Công ty dầu khí Việt Nam. Lĩnh vực hoạt động chính của PVD gồm cung cấp các dịch vụ khai khoáng cùng một số dịch vụ khác như hỗ trợ hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam và các nước trong khu vực.
Sau nhiều năm hoạt động, đến nay PVD đang chiếm lĩnh phần lớn thị phần cung cấp dịch vụ dầu khí cho các doanh nghiệp cùng ngành trong nước.
Thông tin niêm yết chi tiết về cổ phiếu PVD như sau:
- Mã chứng khoán: PVD (HOSE)
- Vốn hóa thị trường: 9,922.46 tỷ đồng
- Thành lập: 11/2001
- Ngày giao dịch đầu tiên: 05/12/2006
- KLCP đang lưu hành: 505,766,810
- Giá cổ phiếu tham khảo: 12,000 – 18,000 VND
Đánh giá tiềm năng cổ phiếu PVD trong năm 2023
Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất và kinh doanh cho biết trong năm 2022, PVD đã đảm bảo tất cả các giàn khoan sở hữu có việc làm liên tục với hiệu suất hoạt động trung bình trên 99%. Năm 2022, PVD tiếp tục khẳng định bản lĩnh vươn xa ngoài thị trường trong nước khi thâm nhập thành công thị trường Indonesia sau nhiều năm theo đuổi hay hoàn tất 2 giếng khoan cho khách hàng BSP tại Brunei.
Sang năm 2023, PVD tiếp tục cam kết đảm bảo việc làm liên tục cho các giàn khoan thuộc sở hữu của công ty trong cả năm với đơn giá dịch vụ tăng 40% so với năm 2022. Ngoài ra, theo dự báo giá dầu sẽ duy trì mức cao trong năm tới có thể khiến nhu cầu giàn khoan tăng dần. Các năm 2023-2025 cũng là giai đoạn các doanh nghiệp dầu khí đẩy mạnh đầu tư thăm dò và khoan để chuẩn bị đón dầu chu kỳ tăng trưởng nhu cầu năng lượng sắp tới. Đây cũng là cơ hội cho PVD để đáp ứng nhu cầu thị trường và là cơ sở để doanh nghiệp này tự tin và lạc quan với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm tới.
PVS – Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam
Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam – PTSC (HNX-PVS) được thành lập vào ngày 09/2/1993. Ngành nghề hoạt động chính của PVS bao gồm: Khai khoáng và hỗ trợ khai thác dầu và khí đốt cùng các dịch vụ quản lý khai thác kho nổi và xuất dầu thô,…
Tháng 9 vừa qua, PVS đã thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 8%/cổ phiếu, cho thấy tình hình kinh doanh và tài chính của PVS khá ổn định.
Thông tin niêm yết chi tiết về cổ phiếu PVS như sau:
- Mã chứng khoán: PVS (HNX)
- Vốn hóa thị trường: 10,228.48 tỷ đồng
- Thành lập: 2/1993
- Ngày giao dịch đầu tiên: 20/09/2007
- KLCP đang lưu hành: 1,293,878,081
- Giá cổ phiếu tham khảo: 20,000 – 25,000 VND
Đánh giá tiềm năng cổ phiếu PVS trong năm 2023
Trong bối cảnh thị trường biến động như hiện nay, giới chuyên gia nhận định các doanh nghiệp đầu ngành, có sức khỏe tài chính vững mạnh và có thể hưởng lợi từ môi trường giá dầu cao. Do vậy, cổ phiếu PVS được đánh giá có tiềm năng trong năm 2023. Với tình hình tài chính và vị thế vững mạnh, doanh nghiệp này sẽ ít chịu rủi ro trước việc đồng USD mạnh và còn có thể hưởng lợi từ môi trường lãi suất cao.
PLX – Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (HOSE)
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex (PLX), trước đó là công Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam được thành lập năm 1956, tiền thân là Tổng Công ty Xăng dầu mỡ. Năm 2011, PLX tiến hành cổ phần hóa và IPO thành công tại sàn HNX. Đến năm 2017, Petrolimex chính thức được niêm yết trên sàn HOSE với mã PLX.
PLX là tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam với 41 công ty thành viên 100% vốn nhà nước và 23 công ty cổ phần, 3 công ty Liên doanh nước ngoài và 1 Chi nhánh tại Singapore. Petrolimex phát triển hệ thống bán lẻ với hơn 2.550 cửa hàng xăng dầu rộng khắp các tỉnh thành phố trên cả nước. [5]
Thông tin niêm yết chi tiết về cổ phiếu PLX như sau:
- Mã chứng khoán: PLX (HOSE)
- Vốn hóa thị trường: 38,851.27 tỷ đồng
- Thành lập: 12/01/1956
- Ngày giao dịch đầu tiên: 21/04/2017
- KLCP đang lưu hành: 1,293,878,081
- Giá cổ phiếu tham khảo: 30,000 – 35,000 VND
Đánh giá tiềm năng cổ phiếu PLX trong năm 2023
PLX là doanh nghiệp phân phối xăng dầu hàng đầu Việt Nam và được giới chuyên gia đánh giá có khả năng phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023. Tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp phân phối xăng dầu đầu ngành này đến từ nguồn cung xăng dầu nội địa ổn định như việc BSR đảm bảo sản lượng sản xuất hay tình hình bất ổn của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã được PVN xử lý.
Hơn nữa, việc chi phí định mức cấu thành giá cơ sở xăng dầu mới được điều chỉnh sẽ góp phần giảm áp lực cho các doanh nghiệp phân phối như PLX. Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước được dự báo tăng cao trong thời gian tới cũng sẽ tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của PLX.
OIL – Tổng công ty dầu Việt Nam (UPCOM)
Tổng công ty Dầu Việt Nam – PVOil (Mã UPCOM: OIL), trực thuộc thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, được thành lập năm 2008. PVOil là doanh nghiệp phân phối xăng dầu có thị phần lớn thứ 2 chỉ sau Petrolimex tại thị trường trong nước. Ngoài ra, PVOil còn tham gia vào hoạt động xuất khẩu và cung cấp dầu thô; chế biến sản phẩm dầu mỏ và sản xuất và phân phối nhiên liệu sinh học.
Thông tin niêm yết chi tiết về cổ phiếu OIL như sau:
- Mã chứng khoán: OIL (UPCOM)
- Vốn hóa thị trường: 8,598.56 tỷ đồng
- Thành lập: 07/03/2018
- Ngày giao dịch đầu tiên: 07/03/2018
- KLCP đang lưu hành: 1,088,425,100
- Giá cổ phiếu tham khảo: 7,000 – 10,000 VND
Đánh giá tiềm năng cổ phiếu OIL trong năm 2023
Tương tự như PLX, OIL cũng là doanh nghiệp phân phối xăng dầu có tiềm năng tăng trưởng khi nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam trong giai đoạn 20220-2030 được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép 5.5%. Ngoài ra, cùng với PLX, OIL được đánh giá sẽ chiếm thị phần từ các doanh nghiệp nhỏ khác có nguy cơ bị đào thải khỏi thị trường.
PVT – Tổng công ty vận tải dầu khí (HOSE)
Tổng công ty vận tải dầu khí – PVTrans (mã HOSE: PVT) trực thuộc Tổng công ty dầu khí Việt Nam, được thành lập vào năm 2002. Từ lúc thành lập đến nay, PVT luôn khẳng định là doanh nghiệp vận tải hàng lỏng số 1 Việt Nam chiếm 100% thị phần vận chuyển dầu thô và khí LPG cùng 30% thị phần vận tải xăng dầu trong nước.
Thông tin niêm yết chi tiết về cổ phiếu PVT như sau:
- Mã chứng khoán: PVT (HOSE)
- Vốn hóa thị trường: 7,120.33 tỷ đồng
- Thành lập: 2002
- Ngày giao dịch đầu tiên: 10/12/2007
- KLCP đang lưu hành: 323,651,228
- Giá cổ phiếu tham khảo: 20,000 – 24,000 VND
Đánh giá tiềm năng cổ phiếu PVT trong năm 2023
Theo báo cáo phân tích của công ty chứng khoán BSC, năm 2023 PVT được dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt trên 11 nghìn tỷ và hơn 1 nghìn tỷ. Con số dự báo ấn tượng cộng với việc đầu tư thêm tàu và giá cước thuê tàu tăng đem đến tiềm năng trưởng mạnh mẽ cho mã cổ phiếu này.
Ngoài ra, nguồn tài chính dồi dào với tổng tài sản tính đến cuối tháng 6/2022 là 13,700 tỷ đồng và dòng tiền thuần hoạt động kinh doanh dương chính là cơ sở giúp PVT duy trì hoạt động ổn định và tiếp tục mở rộng đầu tư.
PVC – Tổng công ty hóa chất và dịch vụ dầu khí (HNX)
Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí – PVChem (PVC), tiền thân là Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí, được thành lập vào năm 1990. PVChem là đơn vị cung ứng hóa chất và dịch vụ khoan độc quyền cho các doanh nghiệp dầu khí ở Việt Nam.
Thông tin niêm yết chi tiết về cổ phiếu PCC như sau:
- Mã chứng khoán: PVC (HNX)
- Vốn hóa thị trường: 600 tỷ đồng
- Thành lập: 8/3/1990
- Ngày giao dịch đầu tiên: 15/11/2007
- KLCP đang lưu hành: 50,000,000
- Giá cổ phiếu tham khảo: 12,000 – 18,000 VND
Đánh giá tiềm năng cổ phiếu PVC trong năm 2023
PVChem là doanh nghiệp nhà nước có kênh phân phối lớn, đảm bảo doanh thu và lợi nhuận khá ổn định. Cổ phiếu PVC là mã có nhiều biến động, mang đến nhiều cơ hội sinh lời hấp dẫn cho nhà đầu tư. Tuy doanh nghiệp này hoạt động chưa thực sự hiệu quả (thể hiện ở các chỉ số ROE, EPS chưa tốt) nhưng có ưu điểm nổi bật là chi trả cổ tức đều đặn bằng tiền mặt. Việc nắm độc quyền về nghiên cứu phương pháp dịch vụ khoan trong nước chính là bước đệm giúp PVC duy trì lợi nhuận ổn định và tăng trưởng khi nền kinh tế phục hồi.
Nhận định cổ phiếu ngành dầu khí: Có đáng kỳ vọng hay không?
Nhiều chuyên gia tài chính và nhà đầu tư hàng đầu thế giới, trong đó huyền thoại Warren Buffett đang thể hiện sự lạc quan về giá dầu và ngành công nghiệp năng lượng nói chung. Cụ thể, công ty Berkshire Hathaway của ông liên tục đổ tiền vào cổ phiếu dầu khí trong thời gian gần đây.
Vậy, đối với thị trường Việt Nam, cổ phiếu nhóm ngành dầu khí có phải là sự lựa chọn tiềm năng hay không? Cùng VnRebates phân tích những lợi ích cũng như những khó khăn mà nhà đầu tư phải đối diện khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu này như sau.
Những lợi ích khi đầu tư cổ phiếu ngành dầu khí
Tiềm năng hồi phục mạnh mẽ từ năm 2023 của nhóm cổ phiếu ngành dầu khí đến từ những lý do sau:
- Động lực từ giá dầu neo cao: Giá dầu tăng vọt trong năm 2022 và được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2023 không những tác động tích cực đến giá cổ phiếu mà còn giúp nhiều doanh nghiệp dầu khí có kết quả kinh doanh ấn tượng.
- Nguồn cung nội địa trong năm tới được kỳ vọng sẽ tăng lên nhờ tình hình tài chính của công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSR) được PVN xử lý thành công. Điều này sẽ giảm áp lực chi phí nhập khẩu cho các doanh nghiệp phân phối xăng dầu như PLX hay OIL.
- Chi phí định mức cầu thành giá cơ sở xăng dầu vừa được cơ quan thẩm quyền điều chỉnh tăng sẽ làm giảm bớt áp lực cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
- Dự báo về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ở thị trường nội địa tăng cao trong giai đoạn 2022-2030 là cơ sở để các doanh nghiệp phân phối duy trì tăng trưởng trong những năm tới.
- Các doanh nghiệp đầu ngành về cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí như PVS hay PVC sẽ được hưởng lợi từ xu hướng đầu tư tiềm năng vào ngành năng lượng. Ngoài ra, tình hình tài chính dồi dào có thể giúp các doanh nghiệp này hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng.
Những khó khăn phải đối diện
Mặc dù các mã cổ phiếu dầu khí đang được đánh giá là tiềm năng nhưng nhà đầu tư vẫn có thể phải đối mặt với những rủi ro như sau:
- Giá dầu biến động khó lường trong năm tới
Mặc dù có nhiều con số dự báo khác nhau về giá dầu năm 2023, nhưng điểm chung trong các nhận định của các chuyên gia chính là sự khó lường của loại “vàng đen” này.
Biến động giá dầu sẽ phụ thuộc nhiều vào tình tình Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu và tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Việc nước này chấm dứt chính sách Zero-Covid có thể thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu, làm giá dầu leo dốc. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh khó lường ở quốc gia tỷ dân này vẫn có thể đẩy giá dầu quay đầu lao dốc.
- Tiến độ khai thác ở các mỏ nội địa còn chậm chạp
Mặc dù được hưởng điều kiện thuận lợi từ giá cầu tăng mạnh trong năm 2022 nhưng tiên độ khai thác tại các dự án mỏ khí lớn (ví dụ như dự án Lô B – Ô Môn) vẫn còn chậm ở nhiều giai đoạn khác nhau do các nguyên nhân như việc thu xếp vốn hay chưa hoàn tất các đàm phán thương mại.
Xem thêm:
Lời kết
Cổ phiếu ngành dầu khí luôn mang lại sức hút riêng biệt đối với không ít nhà đầu tư. Việc nhóm cổ phiếu này hưởng lợi từ diễn biến dầu thế giới hay các biến số vĩ mô là có cơ sở. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần theo dõi kỹ càng từng câu chuyện của mỗi mã và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi giải ngân. Để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư chỉ nên xem xét những mã có tình hình tài chính vững mạnh, có kết quả kinh doanh tốt và có tiềm năng mở rộng quy mô.
Chúc các bạn đầu tư thành công!
VnRebates – Hoàn phí mọi giao dịch tài chính
Nguồn tham khảo
- Ẩn số giá dầu năm 2023. https://vnexpress.net/an-so-gia-dau-nam-2023-4551400.html
- Giá xăng dầu hôm nay (1-12): Xăng trong nước liệu có giảm lần thứ 2 liên tiếp? https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/gia-xang-dau-hom-nay-1-12-xang-trong-nuoc-lieu-co-giam-lan-thu-2-lien-tiep-712654
- Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tăng công suất lên 112%. https://vnexpress.net/nha-may-loc-dau-dung-quat-tang-cong-suat-len-112-4532587.html
- Lọc hóa dầu Bình Sơn đã đạt doanh thu 87.052 tỉ đồng. https://tuoitre.vn/loc-hoa-dau-binh-son-da-dat-doanh-thu-87052-ti-dong-2022071022475699.htm
- Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). https://public.petrolimex.com.vn/gioi-thieu/gioithieu-petrolimex/qua_trinh_hinh_thanh_va_phat_trien.html