Cổ đông của Twitter vừa đâm đơn kiện CEO của Tesla và SpaceX và chính nền tảng mạng xã hội này vì thương vụ mua lại như một “mớ hỗn độn” khiến giá cổ phiếu “chim xanh” biến động mạnh.
Thương vụ mua lại “dramatic” này khởi nguồn từ sự vụ ngày 4/4 khi tỷ phú Elon Musk tiết lộ đang nắm giữ số lượng lớn cổ phần Twitter và đề xuất mua lại nền tảng này với giá 44 tỷ USD.
Nhưng sau gần một tháng sau khi Twitter đạt thỏa thuận bán công ty cho Elon Musk, số phận của thương vụ vẫn là dấu chấm hỏi khi Musk có lúc “ỡm ờ” rằng “tôi không chắc mình sẽ thực sự có thể mua được nó” hoặc quay ngoắt thái độ “tạm hoãn” kế hoạch mua lại này.
Kể từ thời điểm những thông tin đầu tiên về tham vọng mua lại Twitter của Elon Musk được công bố, những động thái gây tranh cãi của vị tỷ phú “thất thường” khiến cổ phiếu nền tảng mạng xã hội này giảm hơn 12%, trong khi cổ phiếu Tesla lao dốc hơn 40%.
Trong một vụ kiện tập thể được gửi lên toà an quận Bắc California hôm thứ 4 ngày 25/5, các cổ đông Twitter cáo buộc vị CEO Tesla đã vi phạm một số quy định về luật doanh nghiệp bang California và tìm cách thao túng thị trường.
Một trong những vi phạm được đưa ra trong đơn kiện là việc Musk đã thu lợi tài chính bằng cách trì hoãn công bố số cổ phần sở hữu tại Twitter theo quy định và cố tình che giấu kế hoạch trở thành thành viên hội đồng quản trị của nền tảng mạng xã hội này hồi đầu tháng 4.
Ngoài ra, có một lập luận trong đơn kiện cho rằng Elon Musk “thâu tóm” cổ phiếu của “chim xanh” nhờ việc nắm được các thông tin nội bộ trong các cuộc trò chuyện riêng với các thành viên hội đồng quản trị và giám đốc điều hành của Twitter, gồm cựu CEO Jack Dorsey – người bạn lâu năm của Musk và CEO Silver Lake, Egon Durban – thành viên hội đồng quản trị Twitter, người sở hữu công ty đầu tư vào Solar City trước khi Tesla mua lại.
Ngày 25/5, CEO Dorsey chính thức rút lui khỏi ban giám đốc Twitter và các cổ đông đã thống nhất không bổ nhiệm lại Egon Durban, đồng CEO của Silver Lake vào Ban quản trị công ty.
Các cổ đông Twitter cũng cáo buộc Musk đã vi phạm quy định của bang California khi gieo rắc tâm lý nghi ngờ về khả năng hoàn tất thương vụ.
Đầu tháng 5, Musk bất ngờ gây xôn xao dư luận khi cho biết sẽ “tạm dừng” thoả thuận trị giá 44 tỷ USD để xem xét lại tỷ lệ các tài khoản giả hoặc spam trên nền tảng. Bất chấp lời giải thích của CEO Twitter Parag Agrawal, Musk vẫn cho rằng số liệu đang không được xác thực.
Đơn khiếu nại nói rằng việc Musk cố tình xoáy sâu vào vấn đề tài khoản tự động (bot) là một phần trong kế hoạch thương lượng nhằm ép giá hoặc “âm mưu” rút khỏi thoả thuận.
“Musk liên tiếp đưa ra các tuyên bố, đăng tweet và không ngừng có những hành vi được cho là gieo rắc nghi ngờ về thoả thuận, khiến giá cổ phiếu Twitter lao dốc trầm trọng nhằm tạo ra lợi thế mà ông ta hi vọng có thể sử dụng để rút lui khỏi thương vụ hoặc thương lượng lại giá mua lại thấp hơn 25%”.
Các cổ đông tin rằng, vị tỷ phú này đang tìm mọi cách ép giá Twitter thấp hơn 11 tỷ USD so với giá chào mua ban đầu.
Theo luật doanh nghiệp tại California, các công ty tại tiểu bang phải loại trừ quyền bỏ phiếu của các thành viên hội đồng quản trị trong trường hợp họ có các hành vi sai trái liên quan, hoặc dính líu tới các đề xuất đó.
Các cổ đông đang mong chờ một phiên tòa xét xử của bồi thẩm đoàn trong khi Twitter và Musk đều không lên tiếng bình luận xung quanh sự việc trên.
Ngoài ra, có thông tin cho rằng tỷ phú người Nam Phi có kế hoạch nâng mức đóng góp cá nhân lên 33.5 tỷ USD cho thương vụ “thâu tóm” này và hiện đang liên hệ với người bạn lâu năm – cựu CEO “Chim xanh” Jack Dorsey để hỗ trợ tài chính hoặc chuyển nhượng lại cổ phần nhằm hoàn tất thương vụ này.
VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ
Theo cnbc