Đầu ngày, chứng khoán tăng nhẹ 0,5%, tuy nhiên đảo chiều đi xuống và giảm mạnh trong những giờ cuối phiên giao dịch. Chỉ số hợp đồng tương lai dầu thô WTI và dầu Brent tăng nhẹ trong phiên giao dịch hôm nay sau một ngày trượt giá. Ngược lại, phố Wall ghi nhận phản ứng không khả quan khi cả ba chỉ số chính đều giảm.
Thị trường chứng khoán vẫn “dè chừng”
Phố Wall đã chứng kiến một phiên giao dịch đầy biến động hôm qua khi nhà đầu tư e ngại về sức khoẻ của nền kinh tế. Chỉ số Dow Jones và S&P500 đã rớt 1,9% và 2% trong khi Nasdaq giảm 2,1%. Lý do phố Wall bán tháo được cho là sau khi chủ tịch Fed tuyên bố e ngại trước “những dấu hiệu bất ổn của nền kinh tế”
Dù vậy, S&P500 đã tăng 28% kể từ đợt rớt xuống đáy hồi cuối tháng 3. Dow Jones cũng tăng thêm 27%.
Chỉ số USD đo sức mạnh đồng bạc xanh vượt qua mốc 100 điểm sau mấy phiên liền dưới mức 100. Hai cặp tỷ giá giữa đồng bạc xanh với yên Nhật và đô-la Canada giảm, còn lại đều tăng theo đà tăng của đồng bạc xanh.
Đảng Dân chủ đã công bố về gói cứu trợ dịch bệnh tiếp theo trị giá 3.000 tỉ USD và sẽ tiến hành bỏ phiếu thông qua vào thứ Sáu tuần này. Gói cứu trợ mới bao gồm các khoản hỗ trợ cho các bang, thêm nhiều chi phiếu kích thích chi tiêu, các khoản chi trả rủi ro cho các lao động thiết yếu, thêm quỹ cho công tác xét nghiệm và bảo hiểm thất nghiệp.
Chứng khoán bắt đầu giảm sau khi Thượng nghị sĩ Lindsey Graham thúc đẩy việc ban hành đạo luật yêu cầu Trung Quốc hợp tác điều tra nguồn gốc vi-rút corona hoặc phải đối mặt với đòn trừng phạt.
Giá tiêu dùng Mỹ trong tháng Tư đã giảm 0,8%, mức thấp nhất kể từ năm 2008, theo Bộ Lao động. Chỉ số đo lường biến động thị trường CBOE (VIX) đã giảm nhiều so với thời kỳ thị trường lên xuống thất thường trong tháng Ba và Tư.
Những tuần qua chứng kiến chứng khoán gia tăng dù dịch bệnh vẫn đang tiếp tục hoành hành. Các nhà đầu tư phố Wall trở nên lạc quan trước viễn cảnh nền kinh tế lại mở cửa và các bang cho phép doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh.
“Việc tình trạng doanh nghiệp dường như đã chạm đáy đầu tháng Tư là một tín hiệu tích cực,” Adam Crisafulli, nhà sáng lập Vital Knowledge nhận định. Tuy vậy ông nhấn mạnh mức giảm so với năm ngoái vẫn “rất lớn và sẽ cần nhiều thời gian để các xu hướng quay trở lại như trước khủng hoảng.”
“Đây là một năm khó khăn với các ngân hàng,” theo công ty đầu tư Bespoke, “Dù bước vào khủng hoảng với nhiều vốn hơn là đợt khủng hoảng trước, nhóm ngành này vẫn không thể né đòn đau.” Cổ phiếu các ngân hàng đã mất gần 40% giá trị trong năm 2020, tồi tệ hơn bất cứ nhóm ngành công nghiệp nào trong rổ S&P 500, theo số liệu của doanh nghiệp.
Trong một cuộc phỏng vấn với NBC, CEO Boeing Dave Calhoun cho biết ông không kỳ vọng ngành hàng không sẽ trở lại bình thường trong năm 2020 và cảnh báo về việc các hãng hàng không lớn sẽ không thể hoạt động vào cuối năm nay.
Giá dầu tăng tích cực trở lại sau đợt khủng hoảng thừa kỷ lục
“Thật khó để kết luận là nguồn cầu đã ổn định hay chưa ở thời điểm nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn bất ổn và có thể đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn,” CNBC trích lời Edward Moya – chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại OANDA.