Dù bạn là chuyên gia kinh tế hay bạn mới chập chững tham gia đầu tư tài chính thì bạn hẳn đều quen thuộc với thuật ngữ Cán cân thương mại (Trade balance). Là một mục trong tài khoản vãng lai (current account) của cán cân thanh toán quốc tế (Balance of Payment), Trade Balance đóng vai trò vô cùng quan trọng như một bức tranh tổng thể về tình hình xuất nhập khẩu của bất kỳ quốc gia nào.
Với mục đích giúp các bạn mới bắt đầu tiếp cận với những kiến thức chuyên ngành kinh tế tài chính, trong bài viết này Vnrebates sẽ tổng hợp một cách hệ thống và dễ hiểu nhất những khái niệm và vấn đề liên quan đến Cán cân thương mại (Trade balance). Mời các bạn cùng tham khảo nhé!
Những nội dung chính trong bài viết này bao gồm:
- Cán cân thương mại (trade balance) là gì?
- Vai trò của cán cân thương mại (trade balance) đối với nền kinh tế
- Những yếu tố ảnh hưởng đến trade balance
- Thâm hụt thương mại (trade deficit) và nguyên nhân dẫn đến thâm hụt thương mại
Cán cân thương mại (trade balance) là gì?
Cán cân thương mại (trade balance) là bảng quyết toán về chênh lệch giữa giá trị về mặt tiền tệ của nhập khẩu và xuất khẩu trong một nền kinh tế trong một giai đoạn nhất định (quý hoặc năm). Như vậy, dữ liệu thống kê được sử dụng để tính toán cán cân thương mại là giá trị tính bằng tiền tệ của tất cả các sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu và nhập khẩu của một quốc gia. Cán cân thương mại còn được gọi là xuất khẩu ròng (Net Exports).
Nhìn chung, cán cân thương mại của một quốc gia có thể rơi vào một trong ba tình huống: thặng dư, thâm hụt và cân bằng. Để tính toán cán cân thương mại âm hay dương, bạn dựa trên công thức tính:
Cán cân thương mại = Giá trị xuất khẩu – Giá trị nhập khẩu
Trong đó:
Giá trị xuất khẩu: là giá trị của hàng hóa và dịch vụ được bán cho người mua ở các quốc gia khác.
Giá trị nhập khẩu: là giá trị của hàng hóa và dịch vụ được mua từ người bán ở các quốc gia khác.
Như vậy, nếu xuất khẩu vượt quá nhập khẩu hay mức chênh lệch có giá trị dương thì quốc gia đó có sự thặng dư thương mại (trade surplus), và bản báo cáo trade balance đó được coi là tốt. Ngược lại nếu nhập khẩu vượt trội so với xuất khẩu hay mức chênh lệch có giá trị âm thì quốc gia đó có sự thâm hụt thương mại (trade deficit) và báo cáo trade balance trong trường hợp ấy thường bị coi là xấu.
Tuy nhiên, cần lưu ý là các khái niệm xuất khẩu, nhập khẩu, xuất khẩu ròng, thặng dư/thâm hụt thương mại trong lý luận thương mại quốc tế mang ý nghĩa rộng hơn trong cách xây dựng bảng biểu cán cân thanh toán quốc tế bởi lẽ chúng bao gồm cả hàng hóa lẫn dịch vụ.
Trade balance bao gồm sự giao dịch của những loại sản phẩm như các loại mặt hàng công nghiệp, nguyên liệu thô và những sản phẩm nông nghiệp, cũng như du lịch và vận chuyển. Trade balance cũng tương tự như sự chênh lệch giữa đầu ra của một quốc gia và nhu cầu địa phương (tức là sự chênh lệch giữa những mặt hàng mà quốc gia đó sản xuất và số mặt hàng mà nước đó mua từ nước ngoài về.
Tuy nhiên Trade balance không bao gồm số tiền được tiêu lại vào thị trường cổ phiếu trong nước, và cũng không bao gồm việc nhập khẩu các mặt hàng để sản xuất cho thị trường địa phương. Trên quy mô toàn cầu, tổng giá trị tài khoản vãng lai của tất cả các quốc gia cộng lại sẽ bằng không, bởi thặng dư của quốc gia này sẽ được bù trừ bởi thâm hụt của quốc gia khác.
Cục Thống kê dân số thuộc Bộ thương mại Mỹ chịu trách nhiệm công bố số liệu về cán cân thương mại của nước này vào ngày thứ Năm thứ ba của mỗi tháng. Trong khi đó, tại Việt Nam Tổng cục Hải quan là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này.
Vai trò của cán cân thương mại (trade balance) đối với nền kinh tế
Đối với bất kỳ quốc gia nào, tình hình xuất nhập khẩu luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu vì đôi khi nó là nguồn thu chính của một địa phương, một quốc gia nào đó và phần nào thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế – xã hội. Vì vậy Trade Balance được xem là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong hoạt động xuất – nhập khẩu của một quốc gia trong khoảng thời gian xác định cũng như sự chênh lệch giữa chúng.
Thứ nhất, cán cân thương mại cung cấp những thông tin liên quan đến cung cầu tiền tệ của một quốc gia
Cụ thể Trade Balance thể hiện sự thay đổi tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ so với đồng ngoại tệ. Khi một quốc gia đang có thặng dư thương mại thì tổng giá trị các dòng ngoại tệ chảy vào quốc gia đó cao hơn tổng giá trị các dòng ngoại tệ chảy ra. Ngoại tệ khi vượt qua biên giới sẽ được chuyển đổi thành đồng nội tệ và như vậy, nguồn cung ngoại tệ sẽ tăng lên. Kết quả là tỷ giá hối đoái của các đồng ngoại tệ sẽ giảm còn tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ sẽ tăng.
Ngược lại, trong trường hợp một quốc gia đang bị thâm hụt thương mại, đồng nội tệ cần được chuyển đổi thành đồng ngoại tệ để thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế. Kết quả là, nguồn cung đồng nội tệ tăng lên và tỷ giá hối đoái sẽ giảm, còn tỷ giá của đồng tiền của quốc gia đang có thặng dư với quốc gia này sẽ tăng.
Thứ hai, cán cân thương mại phản ánh khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế của một quốc gia
Bời vì tình trạng của cán cân thương mại phản ánh tình trạng của cán cân vãng lai, do đó ảnh hưởng đến sự ổn định nền kinh tế vĩ mô. Đây được xem là ảnh hưởng quan trọng nhất của cán cân thương mại tới nền kinh tế và dựa vào đó nhà nước có thể đưa ra các chính sách để có thể điều chỉnh cán cân thương mại đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Trade Balance được tất cả các quốc gia quan tâm đến sự ảnh hưởng của nó tới sản lượng trong nước (Net Exports hay NX là thành tố của GDP), việc làm và cán cân đối ngoại.
Ví dụ, các nền kinh tế đang phát triển cần thu hút nhiều nguồn lực nước ngoài để thúc đẩy quá trình phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế trong nước, đặc biệt đầu tư trực tiếp nước ngoài, có thể chấp nhận thâm hụt cán cân thương mại trong một thời gian. Nhưng vì không thể chấp nhận tình trạng nhập siêu hoặc xuất siêu trong thời gian dài hạn, nên chính phủ thường vận dụng các chính sách điều chỉnh thích hợp để loại trừ những hiện tượng này.
Trong khí đó các nước phát triển thường nhập khẩu rất nhiều nguyên vật liệu thô từ những nước đang phát triển với giá cả rẻ mạt. Sau đó những nguyên vật liệu này đều được chuyển những mặt hàng dùng sẵn, và giá trị của nó thì đã tăng lên đáng kể.
Mặc dù, rất nhiều những nước phát triển khác (ví dụ như khối cộng đồng chung châu Âu) đều có trade balance cân bằng về mặt tiền tệ, thì phần thể chất của trade balance ấy cũng rất kém (đặc biệt với những nước đang phát triển, nghĩa là nếu xét về mặt vật liệu thì nhập khẩu chiếm ưu thế hơn là xuất khẩu.
Thứ ba, cán cân thương mại thể hiện mức tiết kiệm, đầu tư và thu nhập thực tế
Nếu cán cân thương mại bị thâm hụt thì điều đó thể hiện quốc gia chi nhiều hơn thu nhập của mình cũng như tiết kiệm sẽ ít hơn đầu tư và ngược lại.
Vì những tác động to lớn của cán cân thương mại tới nền kinh tế nên các nhà kinh tế và quản lý luôn tìm ra phương pháp để dự báo những cơ hội cũng như các thách thức từ đó đề ra những giải pháp kịp thời và hiệu quả nhất cho hoạt động xuất – nhập khẩu trong tương lai, từ đó giúp điều tiết vĩ mô một cách tốt hơn.
Tuy nhiên vẫn tồn tại những quan điểm khác nhau về ảnh hưởng của cán cân thương mại đến nền kinh tế của một quốc gia:
Khác với quan niệm sai lầm của nhiều người, cán cân thương mại tích cực hay tiêu cực không nhất thiết chỉ ra sức khỏe của một nền kinh tế là khỏe hay yếu. Việc Trade Balance tích cực hay tiêu cực có lợi cho nền kinh tế hay không phụ thuộc vào các quốc gia liên quan, các quyết định chính sách thương mại, thời gian của Trade Balance tích cực hay tiêu cực và quy mô của sự mất cân bằng thương mại, và một số vấn đề liên quan khác.
Ngoài ra, những nhà kinh tế học đương đại không thống nhất ý kiến về ảnh hưởng của sự thâm hụt thương mại trong kinh tế với những ý kiến nhận định đó sẽ là một sự trì trệ của GDP và tình trạng việc làm trong suốt một khoảng thời gian dài với chi phí xã hội cao trong khi đó có những người lại cho rằng đó là dấu hiệu của một sự tăng trưởng kinh tế. Một vài chuyên gia kinh tế tin GDP và tình trạng việc làm có thể bị trì trệ kéo dài nếu thâm hụt quá lớn và trong một khoảng thời gian quá dài.
Như vậy, riêng bản thân Trade Balance không cung cấp nhiều dấu hiệu liên quan đến việc một nền kinh tế đang hoạt động tốt như thế nào. Các nhà kinh tế thường đồng ý rằng thặng dư thương mại hay thâm hụt thương mại không phải luôn là không tốt, hay là tốt cho nền kinh tế.
Những yếu tố ảnh hưởng đến trade balance
Cán cân thương mại chịu tác động của nhiều yếu tố như: tỷ giá hối đoái, tình trạng lạm phát, giá cả hàng hóa, thu nhập, chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia. Vì được xác định trên cơ sở các giá trị nên trạng thái của cán cân thương mại phụ thuộc rất lớn vào tỷ giá hối đoái cũng như độ tin cậy số liệu và phương pháp thu thập số liệu. Độ tin cậy và chính xác của số liệu đưa ra có thể ảnh hưởng đến việc nhận dạng bản chất và mức độ nghiêm trọng của tình trạng thâm hụt cán cân thương mại.
Tỷ giá hối đoái
Tỷ giá hối đoái được xem là nhân tố rất quan trọng đối với các quốc gia vì nó ảnh hưởng đến giá tương đối giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa trên thị trường quốc tế. Nếu đồng tiền của một quốc gia mạnh lên, hàng hóa xuất khẩu của quốc gia này ra nước ngoài sẽ đắt đỏ hơn và hàng hóa nhập khẩu sẽ rẻ hơn. Ngược lại, một đồng tiền yếu sẽ làm cho hàng hóa xuất khẩu của một quốc gia rẻ hơn và nhập khẩu đắt hơn ở thị trường nước ngoài.
Vì thế việc tỷ giá đồng nội tệ tăng lên sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu và thuận lợi cho nhập khẩu dẫn đến kết quả là xuất khẩu ròng (Net Exports) giảm. Ngược lại, khi tỷ giá đồng nội tệ giảm xuống, xuất khẩu sẽ có lợi thế trong khi nhập khẩu gặp bất lợi và xuất khẩu ròng tăng lên. Khi tỷ giá hối đoái tăng cao, cán cân thương mại của một nước thường giảm đi và khi tỷ giá hối đoái thấp hơn, cán cân thương mại sẽ tăng.
Tác động tỷ giá hối đoái đến cán cân thương mại Việt Nam hiện nay như thế nào ? Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, việc nhận diện những tác động của tỷ giá hối đoái đến cán cân thương mại Việt Nam là cần thiết trong bối cảnh các rào cản thuế quan và hạn ngạch hàng hóa nhằm bảo hộ thương mại buộc phải dỡ bỏ dần dần.
Nhập khẩu
Dựa vào công thức tính cán cân thương mại ở trên, bạn thấy được nhập khẩu chính là yếu tố có tính chất ảnh hưởng quyết định đến cán cân thương mại. Sự gia tăng của nhập khẩu khi GDP tăng phụ thuộc vào xu hướng nhập khẩu biên. Thực tế khi GDP tăng hay tăng nhanh thì từ đó nhập khẩu cũng vì thế mà tăng lên theo.
Ngoài ra, nhập khẩu còn phụ thuộc giá cả tương đối giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa sản xuất tại nước ngoài. Nếu giá cả trong nước tăng tương đối so với giá thị trường quốc tế thì nhập khẩu sẽ tăng lên và ngược lại.
Ví dụ: nếu giá xe đạp sản xuất tại Việt Nam tăng tương đối so với giá xe đạp Trung Quốc thì người dân có xu hướng tiêu thụ nhiều xe đạp Trung Quốc hơn dẫn đến nhập khẩu mặt hàng này cũng tăng theo.
Xuất khẩu
Cũng giống như Nhập khẩu, xuất khẩu cũng đóng vai trò quan trọng đối với cán cân thương mại của một quốc gia. Tuy vậy, xuất khẩu lại phụ thuộc vào những gì đang diễn ra tại các quốc gia khác vì đơn giản xuất khẩu của nước này chính là nhập khẩu của nước khác. Do vậy nó chủ yếu phụ thuộc vào sản lượng và thu nhập của các quốc gia đối tác. Chính vì lý do đó mà trong các mô hình kinh tế người ta thường coi xuất khẩu là yếu tố tự định.
Chính sách tài chính
Đối với những quốc gia có nền kinh tế kém phát triển thì chính sách tài chính của quốc gia đó không mấy ảnh hưởng đến tình hình tài chính quốc tế, nhưng đối với các quốc gia có tỷ trọng cao đối với nền kinh tế toàn cầu như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản thì nó lại tác động không hề nhỏ đối với cán cân thương mại quốc tế.
Thâm hụt thương mại (trade deficit) và nguyên nhân dẫn đến thâm hụt thương mại
Thâm hụt thương mại (Trade Deficit) là một thước đo trong thương mại quốc tế thể hiện việc một quốc gia đang nhập khẩu nhiều hơn so với xuất khẩu (nhập siêu). Thâm hụt thương mại cho thấy dòng tiền nội địa đang chảy ra thị trường nước ngoài – hay còn được gọi là cán cân thương mại âm.
Thâm hụt thương mại xảy ra khi một quốc gia không sản xuất đủ hàng hóa cho người dân trong nước. Tuy nhiên, đôi khi thâm hụt thương mại lại là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng của quốc gia đó đủ giàu có để có thể mua nhiều hàng hóa hơn khả năng sản xuất của quốc gia đó. Thâm hụt thương mại như vậy có thể không phải là mối lo trực tiếp, nếu nó được bù lại bằng phần thặng dư được tạo ra ở phần nào đó trong cán cân thanh toán.
Vậy đâu là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt cán cân thương mại: Hiện đang tồn tại hai cách lý giải về nguyên nhân gây thâm hụt thương mại trong suốt một thời gian dài. Một là hậu quả của đầu tư tăng trưởng nhanh chóng, vượt xa tiết kiệm trong nước. Hai là do sự biến dạng cấu trúc nền kinh tế. Điều này cản trở việc đổi mới chính sách thương mại.
Chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư
Mức tiết kiệm thấp: Bên cạnh việc người dân có mức tiết kiệm thấp thì việc tăng trưởng ấm lên của thị trường chứng khoán và bất động sản làm cho người dân có cảm giác giàu hơn từ đó cũng làm tăng tiêu dùng và giảm tiết kiệm.
Đầu tư tăng cao: Khi chính sách tiền tề được nới lỏng thì lãi suất trong nước sẽ phần nào giảm và làm tăng đầu tư trong nước.
Tình trạng lạm phát tăng cao
Như đã nói ở trên, tình trạng lạm phát cũng phần nào tác động đến cán cân thương mại, do đó việc lạm phát tăng cao cũng sẽ làm nâng cao chỉ số cạnh tranh của hàng hóa/dịch vụ trong nước tăng và ngược lại.
Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu
Đây là vấn đề phổ biến tại Việt Nam khi tình trạng tăng tỉ lệ xuất khẩu, đồng thời tỷ lệ nhập khẩu cũng tăng lên, đến 2/3 giá trị xuất khẩu là nguyên liệu nhập khẩu. Ngoài ra, năng lực cạnh tranh hàng hóa trong nước còn quá thấp.
Mặt khác, Việt Nam chưa gia nhập hoàn toàn vào chuỗi giá trị trong khu vực và chỉ đóng vai trò là nơi lắp ráp sản phẩm. Hay đây còn gọi là vấn đề thương mại tạo thương mại tại Việt Nam.
Chính sách giảm thuế nhập khẩu
Việt Nam thực hiện chỉ tiêu giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết có trong thỏa thuận WTO và thương mại khu vực. Điều này trở thành nguyên nhân là thâm hụt thương mại xảy ra ở các nước, đặc biệt là với Việt Nam.
Thâm hụt ngân sách
Thâm hụt ngân sách thường đi kèm với thâm hụt cán cân vãng lai. Ở Việt Nam, tình trạng thâm hụt cán cân thương mại là do:
- Việt Nam theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong những năm qua, đồng thời suy thoái kinh tế cũng buộc chính phủ tăng chi ngân sách.
- Nguyên nhân dẫn đến thâm hụt ngân sách là do đầu tư tràn lan – thể hiện sự đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả thể hiện qua hệ số ICOR (Hệ số hiệu quả sử dụng vốn).
Đối với nước Mỹ, thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ đã lên tới 7% GDP vào năm 2007 (trên 800 tỷ đô-la). Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do tổng giá trị nhập khẩu đã vượt xa tổng giá trị xuất khẩu.
Tuy nhiên, thâm hụt tài khoản vãng lai của nước Mỹ được tài trợ bởi các khoản vay từ nước ngoài và từ các định chế tài chính quốc tế. Nó tạo ra các nguồn tài chính khổng lồ chảy vào quốc gia này mỗi năm. Sự giảm giá của đồng đô-la là một trong những yếu tố chính dẫn đến tính trạng thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ. Việc tăng nguồn thu bằng đồng đô-la từ các hoạt động đầu tư tại nước ngoài đã khuyến khích Mỹ thúc đẩy các hoạt động này.
Kết luận
Trong các tin tức kinh tế tài chính của một quốc gia, Trade Balance thường không có những biến chuyển đột phá như các chỉ số như NFP, CPI, PPI nhưng về lâu về dài nó giúp chúng ta có một cái nhìn tổng thể về thương mại của quốc gia đấy. Như vậy, thông qua bài viết này các bạn đã tìm cho mình lời giải đáp về Trade Balance là gì cũng như tầm quan trọng của nó đối với nền kinh tế của một quốc gia cũng như nền kinh tế toàn cầu.
Theo corporatefinanceinstitute, investopedia