Này có thể là 1 bài hơi khô vì nó mang tính học thuật hơn chút. Chủ yếu ai đã từng vào được khối lệnh vài lots trở lên chưa đòn bẩy thì sẽ hiểu cực rõ trải nghiệm này. Mà thôi nó cũng là 1 chủ đề khá hay (và khó) trong series này nên mình cũng trình bày luôn. Ngắn thôi để đỡ ngao ngán nhau.
Đã bao giờ bạn nhìn thấy 1 ai gồng lỗ dài hạn chưa? Làm thế nào họ có thể bác bỏ được việc các thông tin không phù hợp liên tục chống lại họ mà vẫn tin rằng mình đúng? Thế sao họ không nhận thấy sắp âm tài khoản đến nơi rồi mà vẫn tin về 1 điều gì tốt đẹp sau đấy à?
Nếu biết lỗ thế – tại sao họ không cắt lỗ đi?
Có 1 lý thuyết về tâm lý học hành vi, mình thấy là lý giải được trong hoàn cảnh này, mang tên là mâu thuẫn nhận thức (Cognitive Dissonance). Nhiều người cho rằng việc thị trường vận động bị chi phối bởi 2 yếu tố chính là “Lòng tham” và “Nỗi sợ” – đi kèm phụ với nó là “kỳ vọng” và “tiếc nuối”, loanh quanh còn có thêm niềm tin và thất vọng hay gì nữa đấy thì mình sẽ bàn sau. 4 yếu tố này phần nhiều giải thích được sự vận động của thị trường mang tính khá là cảm tính. Cảm tính hơn mọi người nghĩ nhiều, ai trade thuần tuý stock sẽ hiểu.
Kinh tế học cổ điển xưa nay dựa trên 1 giả định khá đơn giản – con người luôn hành xử một cách lý trí và nhất quán. Nên nhìn chung khi học theo lý thuyết về kinh tế học cổ điển này bạn sẽ dễ nghĩ rằng học kinh tế dễ hay vậy thì ra làm trader chắc cũng dễ và ngon ăn lắm.
Nhưng thực ra không phải vậy, càng nghiên cứu nhiều, càng trải nghiệm qua nhiều – chính mình cũng không thừa nhận mình là trader theo lý trí. Con người vốn dĩ bản chất là phức tạp, quy tụ thành đám đông thì càng phức tạp hơn. Phần nhiều mọi trader đều bị chi phối bởi bản năng và cảm tính khá lớn. Hầu hết ai cũng vậy, không phủ nhận được đâu.
Mâu thuẫn nhận thức, ý tưởng cơ bản ở đây là khi trong đầu nảy sinh ra sự xung đột giữa 2 quan điểm đối nghịch nhau hoặc giữa tư tưởng và hành động, thì được gọi là mâu thuẫn nhận thức (tức cảm nhận và ý thức được sự xung đột đó).
Ví dụ, bạn lên lệnh mua, chốt xong rồi nhưng đầu óc cứ luôn quay trong suy nghĩ tại sao không short nó đi. Bạn nghĩ đến lệnh bán, nhưng trong lòng vẫn nao nao muốn mua vào vì thấy “hời thế”. Đó là biểu hiện của mâu thuẫn nhận thức.
Đầu óc nặng nề, bụng dạ sôi lên, tim đập nhanh và dồn dập nhưng vẫn không nỡ cắt lệnh hay làm gì khác đi là đặc trưng khi đối diện với những mẫu thuẫn đó. Tức sau khi quyết định xuống tiền với 1 khối lượng lệnh lớn, người ra quyết định phải chịu sức ép tâm lý vô cùng dữ dội, mất ăn mất ngủ vài ngày nếu chưa quen kiểm soát được nó. Sức ép đó phần lớn gây ra bởi sự mâu thuẫn. Khó chịu lắm chứ không đùa, ai vào lệnh nhỏ nhỏ đã chưa quen thì lên lớn vậy là gãy chắc.
Trong lý thuyết về mâu thuẫn nhận thức đó, hệ quả của nó mang tên là “mâu thuẫn sau quyết định”, hay còn gọi là hội chứng “sáng hôm sau”. Mọi người sẽ cố gắng giữ niềm tin rằng “mình đúng” bằng cách liên tục tìm kiếm những thông tin củng cố vị thế giao dịch của mình, hay gặp ai, tìm thông tin chia sẻ phân tích gì – cũng đều có xu hướng tiếp cận với những người bảo rằng mình đúng.
Tuy nhiên khi mọi thứ đảo chiều, cái khó nhất – là đưa ra quyết định đảo ngược quyết định đầu tư. Vì sự thật ai cũng sợ mất mát và thua lỗ (bài cuối sẽ có), đôi khi nó phải trả cái giá rất đắt nếu hành xử quá chủ quan và cảm tính như vậy.
Sự khó khăn này được lý giải theo lý thuyết mâu thuẫn nhận thức, khi mâu thuẫn giữa quyết định mua tiếp hay bán ra, giữa mua/bán ban đầu, hay luồng thông tin cứ liên tục đập vào màn hình rằng BẠN ĐÃ SAI.
Trong tình huống đấy, người được huấn luyện kỹ và tỉnh táo, họ sẽ đánh giá tình huống thực tế, xử lý rất nhanh và chấp nhận cắt lệnh ngay lập tức nhằm bảo toàn được nó. Tuy nhiên hầu hết là sẽ không làm vậy, mà thay vào đó nghĩ rằng mọi thứ gây ảnh hưởng kia chỉ là tạm thời hoặc không quá nghiêm trọng.
Cho đến khi nó quá muộn.
Đây là một tình huống rất thường gặp, và sự thật trader chưa đủ kinh nghiệm sẽ chết vì yếu tố này trước tiên cả.
Điều cần làm, là suy xét xem có yếu tố hoặc phương pháp nào giúp mình vẫn giữ được hướng đi đúng đắn trên thị trường, không chạy trốn sự thật khi gặp biến cố nhằm cố bao biện và hợp lý hoá hành vi của bản thân rồi dẫn đến những quyết định sai lầm.
Cái này, khó.