Trong phân tích kỹ thuật, công cụ mà anh em thường xuyên sử dụng là các chỉ báo kỹ thuật và các mô hình nến. Các công cụ này có thể giúp chúng ta tìm kiếm được các tín hiệu vào lệnh tốt theo các thiết lập của nó. Thế nhưng, không phải lúc nào các công cụ này cũng đem lại tín hiệu đúng. Anh em có thể dễ dàng bắt gặp các mô hình giá thất bại hoặc các chỉ báo thất bại khi mà giá không thể đi đúng theo hướng mà chúng chỉ ra.
Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về các mô hình giá thất bại và các chỉ báo thất bại, cũng như cách tránh được rủi ro từ những “sự thất bại” này, đồng thời biến chúng thành những cơ hội tốt để giao dịch.
1. Mô hình giá thất bại và chỉ báo thất bại là gì?
Khi phân tích biểu đồ với phương pháp phân tích kỹ thuật, anh em sẽ tiếp xúc rất thường xuyên với các mẫu biểu đồ, hay còn gọi là các mô hình giá được tạo bởi một hoặc nhiều cầy nến. Chúng có thể là các mẫu hình nến đảo chiều hoặc các mẫu nến tiếp diễn cung cấp cho chúng ta các tín hiệu giao dịch tiềm năng.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các mẫu biểu đồ này có thể thất bại và khiến chúng ta chịu những thua lỗ khá đau đớn. Ví dụ khi một mẫu nến đảo chiều xuất hiện cuối xu hướng tăng báo hiệu sự suy giảm sắp xảy ra, thế nhưng sau khi chúng ta vào lệnh bán thì thị trường lại không hề đảo chiều mà tiếp tục tăng cao hơn nữa. Chúng ta gọi các trường hợp như vậy là các mô hình giá thất bại.
Tương tự các mô hình giá thất bại, các chỉ báo thất bại xảy ra khi thị trường di chuyển theo hướng ngược lại với tín hiệu mà chúng chỉ ra. Các tín hiệu sai có xu hướng xảy ra nhiều hơn ở các chỉ báo trễ, ví dụ như các đường trung bình động MA và MACD…
Ví dụ như tình huống sau đây, chúng ta thấy giá đã cắt xuống đường MA 30. Thông thường đây được coi là tín hiệu dự báo giá sẽ đảo chiều thành xu hướng giảm. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ báo này đã thất bại và giá tiếp tục tăng lên sau một khoảng sideway quanh đường MA này.
Tuy nhiên, không chỉ các chỉ báo trễ mà bất cứ chỉ báo nào cũng có thể thất bại, kể cả các chỉ báo được coi là có sức mạnh lớn nhất như các chỉ báo dao động (RSI, Stochastic…).
Trong ví dụ phía trên, chỉ báo RSI đã báo hiệu rằng thị trường đang quá bán trong nhiều phiên liên tiếp. Đây được coi là một tín hiệu rất mạnh rằng giá có thể sẽ đảo chiều tăng, thậm chí là tăng mạnh. Thế nhưng trong trường hợp mà chúng ta đang xét, giá không hề tăng mà chỉ sideway một khoảng trước khi tiếp tục giảm mạnh.
Như vậy, anh em có thể thấy rằng các mô hình giá thất bại và các chỉ báo thất bại có thể xảy ra đối với bất cứ mẫu nến cũng như bất cứ chỉ báo nào. Vậy tại sao các mô hình nến và các chỉ báo này thất bại, và chúng thường xuất hiện trong hoàn cảnh nào? Đây là câu hỏi tiếp theo mà chúng ta sẽ cùng tìm kiếm câu trả lời.
2. Tại sao các chỉ báo và mô hình giá thất bại?
2.1. Điều gì xảy ra khi một mô hình giá thất bại
Nếu xét về nguyên nhân, các mô hình giá thất bại là kết quả của một thị trường đầy biến động với các thành phần tham gia vô cùng đa dạng. Trong một thị trường như vậy, không ai biết trước được mọi chuyện sẽ diễn biến ra sao. Có thể một mô hình giá được hình thành rất rõ ràng, nhưng nhiều người lại không quan tâm đến nó, hoặc một sự kiện nào đó xảy ra khiến cho thị trường đi ngược lại với tín hiệu mà mô hình giá đó chỉ ra.
Tuy nhiên, trên thực tế các mô hình giá thất bại không xảy ra một cách ngẫu nhiên, mà chúng thường là một phần của một cái gì đó lớn hơn. Cụ thể, trong nhiều trường hợp anh em có thể thấy một mô hình giá thất bại sẽ phát triển thành một mô hình giá khác, trên cùng khung thời gian hoặc trong khung thời gian lớn hơn.
Anh em có thể quan sát ví dụ bên dưới:
Chúng ta có thể thấy một mô hình hai đáy được kẻ màu xanh rất rõ ràng. Tuy nhiên, giá không thực sự tăng cao đúng như thiết lập của mô hình này mà nhanh chóng quay trở lại, hình thành lên một mô hình tam giác mở rộng.
Trong trường hợp này, việc mô hình hai đáy thất bại chính là một thông tin có giá trị, cho chúng ta biết rằng mô hình tam giác là một mô hình mạnh hơn. Do đó, đường hỗ trợ ngang (màu đen) lúc này là một đường hỗ trợ quan trọng, khi giá phá vỡ xuống dưới đường hỗ trợ này, chúng ta có thể kết luận rằng một lực giảm mạnh sắp diễn ra. Và anh em cũng đã thấy, mọi chuyện sau đó diễn ra đúng như dự đoán.
Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng các mô hình giá thất bại bởi chúng chỉ là một phần của một mô hình lớn hơn, bản thân chúng không đủ sức để phá vỡ ra khỏi mô hình lớn đó dẫn đến sự thất bại. Điều này rất có ý nghĩa để chúng ta có thể tận dụng những mô hình giá thất bại này thay vì chấp nhận sự thua lỗ khi nó xảy ra.
2.2. Tại sao một chỉ báo lại thất bại?
Giống như các mô hình giá thất bại, một chỉ báo thất bại cũng xuất phát từ nguyên nhân trực tiếp là sự biến động liên tục và khó lường của thị trường. Các chỉ báo kỹ thuật cũng được xây dựng lên dựa vào giá cả, do đó nó chịu sự ảnh hưởng trực tiếp từ sự những sự biến động của giá và hoàn toàn không thể chính xác được 100%.
So với các mô hình giá, dường như việc các chỉ báo thất bại xảy ra thường xuyên hơn và cũng đa dạng hơn, bởi vì các loại chỉ báo trong phân tích kỹ thuật là vô cùng đa dạng. Thông thường mỗi chỉ báo chỉ phát huy hiệu quả tốt nhất trong một điều kiện thị trường nhất định, do đó trong các điều kiện khác chúng thất bại khá nhiều.
Trong số các loại chỉ báo, chúng ta cần lưu ý đặc biệt tới các chỉ báo có độ trễ, ví dụ như các đường MA hay MACD. Các chỉ báo này thường được gọi là chỉ báo xác nhận xu hướng, do chúng thường đi sau xu hướng để xác nhận sức mạnh của xu hướng chứ không dự báo trước được thời điểm xu hướng bắt đầu.
Mặc dù là tín hiệu trễ, nhưng các chỉ báo này vẫn được các nhà giao dịch sử dụng khá thường xuyên. Tuy nhiên việc sử dụng chúng cần được kết hợp với các chỉ báo khác, vì nếu đứng một mình thì khả năng thất bại của chúng là rất cao.
Chúng ta sẽ xem xét ví dụ sau:
Trong biểu đồ phía trên, chúng ta đang sử dụng chỉ báo MACD. Anh em có thể thấy có đến 3 tín hiệu sai của chỉ báo này được đánh dấu chỉ trong một khoảng thời gian không lâu.
Đầu tiên chúng ta có một xu hướng giảm, và đường MACD (đường màu xanh) cắt xuống đường Signal (màu đỏ). Theo lý thuyết đây là một tín hiệu ủng hộ cho một đà giảm tiếp diễn. Tuy nhiên trên thực tế giá chỉ đi ngang một khoảng rồi bước vào xu hướng tăng.
Ở lần thất bại thứ 2 và thứ 3, đường MACD tiếp tục cắt xuống đường Signal cho thấy giá có khả năng đảo chiều giảm xuống. Thế nhưng anh em có thể thấy rằng sau đó giá vẫn tiếp tục một đà tăng khá đều và chưa hề có dấu hiệu giảm trở lại.
Nếu giao dịch chỉ dựa vào tín hiệu MACD, anh em có thể đã phải nhận đến 3 lần thua lỗ liên tiếp. Do đó, hãy thực sự cảnh giác khi sử dụng những chỉ báo có độ trễ như MACD và các đường trung bình động, vì khả năng thất bại của chúng khi đứng một mình là khá cao.
Đối với một số loại chỉ báo dẫn đầu xu hướng như RSI, Stochastic – những chỉ báo có thể cho chúng ta biết nơi bắt đầu của một sự thay đổi về xu hướng, thì việc thất bại xảy ra ít hơn, nhưng đó là ít hơn so với các chỉ báo trễ. Còn trong thực tế chúng cũng gây ra các tín hiệu sai một cách khá thường xuyên, điển hình là chính ví dụ về RSI mà chúng ta vừa phân tích phía trên.
Nhìn chung, chúng ta có thể kết luận rằng nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc các mô hình giá thất bại và các chỉ báo thất bại là do sự biến động khó lường của thị trường.
Trước đây, khi chưa có sự can thiệp của các loại máy tính hay robot giao dịch, thị trường di chuyển dễ chịu hơn rất nhiều và các nhà giao dịch có thể dùng các mô hình giá hay chỉ báo một cách chính xác trong phần lớn thời gian.
Tuy nhiên, ngày nay các robot giao dịch tự động, đưa ra quyết định thay cho con người khiến cho thị trường trở nên khó lường hơn, và việc đọc hành động giá trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Vì vậy anh em cần nắm bắt được về các mô hình giá thất bại và các chỉ báo thất bại để tránh được rủi ro đồng thời nắm bắt được những cơ hội mà chính những tín hiệu thất bại này mang lại.
Xem thêm: Giao dịch breakout tự động với robot Expert Advisor
3. Cách phòng tránh rủi ro từ các mô hình giá thất bại
Khi giao dịch với các mô hình giá, thời điểm mô hình được hoàn thiện chính là lúc để chúng ta vào lệnh. Mà trong thực tế, để các mô hình giá thất bại thì trước hết chúng phải là một mô hình giá hoàn thiện, điều đó có nghĩa là việc chúng ta thực hiện giao dịch với các mô hình giá này luôn xảy ra trước khi nó thất bại.
Nếu chúng ta chờ đợi để xem mô hình giá vừa hình thành liệu có thành công hay không cũng đồng nghĩa với việc chúng ta bỏ qua cơ hội để vào lệnh. Vì vậy, dường như việc né tránh các mô hình giá thất bại là không khả thi, né tránh chúng cũng có nghĩa là không có giao dịch nào được thực hiện.
Trong tình huống này, việc mà chúng ta có thể làm là giảm thiểu rủi ro chứ không phải né tránh các mô hình giá thất bại. Thua lỗ là điều không thể tránh khỏi trên thị trường, nên chúng ta cần có kế hoạch để giảm thiểu thua lỗ ở mức chấp nhận được. Để thực hiện được điều đó, anh em bắt buộc cần học cách quản lý vốn của mình, vào lệnh với khối lượng vừa phải để tránh mất số tiền quá lớn nếu thua lỗ vì các mô hình giá thất bại.
Ngoài ra, một việc còn quan trọng hơn nữa đó là đừng bao giờ quên đặt stop loss cho các lệnh giao dịch của mình. Khi một mô hình giá thất bại có nghĩa thì chúng sẽ khiến giá đi ngược lại với hướng mà chúng ta giao dịch, và có thể đi ngược lại rất lâu. Do đó, nếu anh em không đặt stop loss cũng đồng nghĩa với việc số tiền mất đi có thể là toàn bộ tài khoản của mình.
Đối với các chỉ báo, chúng thường ít khi hiệu quả khi hoạt động độc lập nên anh em có tránh các chỉ báo thất bại bằng việc kết hợp nhiều chỉ báo khác nhau. Tuy nhiên, kể cả như vậy thì vẫn có khả năng chúng cùng thất bại và tạo ra tín hiệu sai. Vì vậy, phương án tốt nhất dành cho anh em vẫn là quản lý vốn và tuân thủ stop loss một cách kỷ luật.
Cuối cùng, anh em cần nhớ rằng sự chuẩn bị luôn luôn là quan trọng nhất. Giữa số lượng các chỉ báo cũng như các mô hình giá vô cùng đa dạng, anh em cần chọn lọc cho mình một số chỉ báo và mô hình phù hợp nhất, đồng thời kiểm tra xem nó có thực sự hoạt động tốt hay không trước khi đưa vào sử dụng trong thực tế.
Để biết được một mô hình giá có thực sự hoạt động tốt hay không, anh em có thể sử dụng một phương pháp gọi là Backtest. Việc backtest bản chất là thực hiện kiểm tra xem các mô hình giá hay các chỉ báo này đã hoạt động ra sao trong quá khứ thông qua các sự kiện đã xảy ra.
Nguyên lý của quá trình backtest là chúng ta sẽ tìm kiếm trên biểu đồ tất cả những thiết lập được tạo bởi các mô hình giá hay các chỉ báo mà anh em muốn sử dụng, liệt kê xem đã có bao nhiêu lần chúng thành công và bao nhiêu lần thất bại.
Nếu như tỷ lệ thành công của chỉ báo hay mô hình giá mà anh em đang xem xét ở mức cao thì anh em hoàn toàn có thể tự tin sử dụng chúng để giao dịch trong tương lai. Ngược lại, nếu tỷ lệ thành công của chúng trong quá khứ ở mức quá thấp, có nghĩa là các mô hình giá hay chỉ báo đó không đáng tin cậy, và anh em nên tìm kiếm một sự thay thế phù hợp hơn.
Việc backtest là vô cùng quan trọng khi anh em muốn sử dụng bất cứ một chỉ báo hay mô hình nến mới nào, nhất là các chỉ báo hay mô hình ít phổ biến. Kết quả backtest tốt sẽ giúp anh em hạn chế gặp phải rủi ro khi những chỉ báo hay mô hình giá thất bại, từ đó cải thiện đáng kể kết quả giao dịch và cũng phần nào giúp anh em tự tin vào những thiết lập của mình hơn.
4. Giao dịch thế nào khi gặp các mô hình giá thất bại
Như đã nói, các mô hình giá thất bại thường là một phần của một mô hình giá khác mạnh mẽ hơn và tạo ra cho chúng ta cơ hội giao dịch mới. Vậy làm thế nào để tận dụng được những cơ hội này?
Khi giao dịch với các mô hình giá, chúng ta thường tìm kiếm vị trí vào lệnh ở khu vực mà mô hình được hoàn thiện và xuất hiện tín hiệu phá vỡ ra khỏi mô hình. Vậy khi một mô hình thất bại, anh em cần quan sát và nhận định xem chúng sẽ tạo ra một mô hình khác như thế nào, và công việc của chúng ta chỉ đơn giản là tiếp tục giao dịch theo các tín hiệu của mô hình giá mới được hình thành.
Trong một số trường hợp, có thể các mô hình giá thất bại một cách đơn thuần và không tạo ra các mô hình mới. Thông thường thì anh em sẽ thấy một sự đột phá yếu ra khỏi mô hình nhưng lại nhanh chóng quay trở lại trong mô hình đó. Trường hợp này chúng ta có thể giao dịch khi giá một lần nữa phá vỡ khỏi mô hình nhưng theo hướng ngược lại, vì giá đã thất bại ở một chiều thì nhiều khả năng nó sẽ hoạt động mạnh mẽ theo chiều ngược lại.
Ví dụ, trong một mô hình tam giác, khi giá phá khỏi cạnh dưới của tam giác với lực yếu và nhanh chóng quay trở lại với lực mạnh hơn, thì anh em có thể chờ đợi giá phá ra khỏi cạnh trên và thực hiện giao dịch với xác suất thành công cao hơn.
Một ví dụ khác là khi giá sideway trong một phạm vi nằm ngang, chúng ta cũng có thể coi đó là một mô hình giá. Giả sử giá có tín hiệu phá vỡ khỏi cạnh dưới của phạm vi nhưng lại thất bại, thì khả năng rất cao là giá sẽ tăng mạnh nếu xuất hiện sự phá vỡ khỏi cạnh trên, tạo có hội tốt để anh em thực hiện lệnh mua.
Hãy xem biểu đồ dưới đây để có cái nhìn cụ thể hơn về các ví dụ trên:
Một lần nữa, anh em cần nhớ là luôn luôn quản lý vốn và đặt stop loss đầy đủ cho các lệnh giao dịch của mình. Việc take profit anh em có thể dựa theo cấu trúc của mô hình giá mới tạo thành, hoặc theo một mức Rick Reward phù hợp.
Mình cũng muốn lưu ý thêm với anh em rằng các mô hình giá thất bại khác với các tín hiệu false breakout. Trong các ví dụ phía trên chúng ta có nhắc đến những sự phá vỡ thất bại nên có thể nhiều anh em sẽ nhầm lẫn giữa hai loại thiết lập này.
Tuy nhiên, trên thực tế sự khác biệt giữa chúng là rất rõ ràng. Một thiết lập false break là giá phá vỡ khỏi phạm vi của các mô hình, các kênh giá nhưng nhanh chóng quay lại và đóng cửa trong phạm vi ban đầu. Còn một mô hình giá thất bại là giá phá vỡ khỏi phạm vi và đóng cửa luôn tại đó, và đến các phiên tiếp theo giá mới quay ngược trở lại phạm vi. Anh em cần phân biệt rõ hai tín hiệu này để tránh đưa ra những quyết định sai trong giao dịch.
5. Tổng kết
Trong thị trường Forex, rủi ro luôn luôn tồn tại và anh em không thể kỳ vọng một mô hình giá hay chỉ báo nào hoạt động hiệu quả 100%. Các mô hình giá thất bại cũng chính là một phần của thị trường và anh em bắt buộc phải thích ứng với chúng.
Hy vọng anh em đã nắm bắt được cách xử lý khi gặp các mô hình giá thất bại và các chỉ báo thất bại, từ đó vừa tránh được rủi ro vừa tận dụng được các cơ hội giao dịch tốt hơn từ chính những sự thất bại này. Đồng thời, trước khi sử dụng một mô hình giá hay một chỉ báo mới, hãy luôn thực hiện backtest để xác nhận được những mô hình và chỉ báo có hiệu quả tốt nhất nhé.
Chúc anh em giao dịch an toàn và hiệu quả.
VnRebates tổng hợp