VNREBATES

Ca sĩ Bùi Công Nam bán nhà vì chứng khoán và bài học đắt giá

11.06.2024, 13:43 5 phút đọc

Tham gia thị trường chứng khoán trở thành phương án đầu tư được nhiều người lựa chọn, với mong muốn sinh lời từ dòng tiền nhàn rỗi. Tuy nhiên, chứng khoán không phải trò chơi dễ dàng, đặc biệt với người không có kiến thức. Nhiều “chứng sĩ” đã rơi vào cảnh thua lỗ, tệ hơn là phải bán đi tài sản lớn như nhà và xe sau khi hứng chịu cơn đi xuống của thị trường.

Xem thêm:

Mất nhà, tiền vì chứng khoán

Mới đây, ca sĩ – nhạc sĩ Bùi Công Nam chia sẻ 2 năm trước, anh từng gặp thua lỗ khi đầu tư chứng khoán, đến mức phải bán nhà và hiện giờ vẫn đang ở nhà thuê.

Cụ thể, Bùi Công Nam cho hay trong mùa dịch Covid-19, anh có tiền nhàn rỗi, không biết làm gì nên bỏ chúng vào chứng khoán. Thời điểm đó, anh chứng kiến nhiều người bạn sinh lời tốt nhờ chứng khoán nên cũng kỳ vọng có viễn cảnh tốt như họ.

bui-cong-nam-dau-tu-chung-khoan

Ban đầu, anh chỉ bỏ một ít tiền vào chứng khoán và nhanh chóng có khoản lãi tốt. Bùi Công Nam nhớ lại: “Mình đánh cái gì nó cũng thắng, mua con gì, cổ phiếu nào nó cũng lên. Cuối cùng, mình thấy là ‘Ôi sao mình giỏi thế’. Nó tạo cho mình một cái sự ảo tưởng là mình có hiểu biết về nó.

Nhưng thực ra, mình chả hiểu cái gì về chứng khoán đâu. Mình có tìm hiểu về phân tích kỹ thuật, phân tích doanh nghiệp,… thì cũng học theo những người bạn mà chỉ cho mình thôi”.

Sau khi nhận thấy tiềm năng sinh lời tốt từ chứng khoán, nam ca sĩ đã tăng dần số tiền đầu tư vào thị trường. Tuy nhiên, ngay sau khi vừa đầu tư tiền khủng thì thị trường đi xuống, anh bắt đầu thua lỗ nặng nề.

“Mình bỏ cục tiền bự là hình như ngay cái lúc mà VN-Index 1500, cao nhất. Nó rớt cái vèo xuống, hình như rớt xuống 1200 sao đó. Lúc đó, mình nghĩ chắc nó tới đây là hết cỡ rồi. Xong rồi, mình bỏ thêm tiền vào để gỡ nó lại, thì thị trường sập thêm nữa và đi rất sâu”, Bùi Công Nam nói.

Những trường hợp tương tự

Từ vụ việc ca sĩ Bùi Công Nam thua lỗ vì chơi chứng khoán, một số bạn trẻ cũng bày tỏ đồng cảm vì từng rơi vào tình cảnh tương tự.

Sau khi xem nhiều video, đọc những bài viết về đầu tư chứng khoán có thể sinh lời cao trên mạng xã hội, Đỗ Quang Mạnh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM, đã sử dụng 1 phần dành dụm từ việc đi làm thêm để “xuống” tiền mua cổ phiếu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, càng chơi càng ham, Mạnh đã dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm và xin thêm gia đình để đầu tư chứng khoán.

“Mình đã lựa chọn đầu từ ngắn hạn và kết cục là lãi thì ít mà lỗ thì nhiều. Tiền dành dụm đã mất hết vì chơi chứng khoán. Trong khoảng thời gian “nghiện” chứng khoán, dao động của thị trường ảnh hưởng đến đời sống, cảm xúc của mình. Màn hình xanh đỏ, lên xuống của các mã chứng khoán quyết định tâm trạng của mình trong ngày hôm đó”.

bui-cong-nam-dau-tu-chung-khoan-2

Bạn trẻ thua lỗ vì chơi chứng khoán khi chưa có kiến thức, kinh nghiệm

Bắt đầu chơi chứng khoán từ năm 2023, Nguyễn Thị Huyền Trân (27 tuổi), đang làm nhân viên văn phòng, ngụ tại 287 Bãi Sậy, Q.6, TP.HCM, cho biết dù có tìm hiểu qua các hội, nhóm đầu tư chứng khoán trên mạng xã hội và sách vở nhưng khi tham gia rồi Trân mới biết mọi thứ không hề dễ dàng.

“Mình dùng số tiền khoảng 50 triệu đồng tiết kiệm sau 5 năm đi làm để đầu tư vào chứng khoán. Ngay tháng đầu tiên, mình đã mất 10% trên tổng tiền vốn. Những khi thị trường lao dốc, mã cổ phiếu mua vào rớt giá sâu, mình cảm giác rất buồn. Ngày nào cũng mở bảng giá cổ phiếu để xem tình hình ra sao. Mỗi khi đặt lệnh mua mã cổ phiếu là tâm trạng của mình cũng lên xuống theo biểu đồ giá thị trường. Sau 6 tháng mình đầu tư vào chứng khoán, có lúc lời, khi thì lỗ nhưng tổng kết lại thì thua nhiều hơn thắng”, Trân nói.

Đầu tư chứng khoán không phải là trò chơi may rủi

Tiến sĩ kinh tế Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, khuyến nghị: “Các bạn trẻ đừng xem chứng khoán như trò chơi. Thị trường chứng khoán không phải sòng bạc mà là nơi cổ phiếu doanh nghiệp niêm yết, phản ánh kết quả kinh doanh của họ. Nếu kinh doanh tốt, giá cổ phiếu sẽ tăng, ngược lại sẽ giảm. Khi đầu tư, phải tính đến dài hạn và biết phân tích công ty. Đánh giá xem công ty có triển vọng kinh doanh phù hợp với xu hướng thị trường, phương pháp quản trị an toàn, và dự án tiềm năng hay không.”

Tiến sĩ Điền lưu ý các bạn trẻ không nên đầu tư theo cảm xúc mà phải có phân tích, định giá và tính toán triển vọng. Đầu tư trung và dài hạn là cần thiết, còn đầu tư ngắn hạn sẽ dễ thua lỗ. Ông nhấn mạnh: “Chỉ nên đầu tư khi bạn đã hiểu rõ, nếu không thì dành tiền làm việc khác. Đầu tư lướt sóng có 90% khả năng thua lỗ. Nếu muốn đầu tư, hãy học hành bài bản tại các trường đại học. Tránh nghe theo các chuyên gia tự phong trên mạng, không ai chứng nhận họ cả.”

Lời kết

Đầu tư chứng khoán không phải là một con đường dễ dàng và cần có kiến thức, kinh nghiệm cùng sự thận trọng. Thị trường này đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng, hiểu biết sâu rộng về tài chính và sự bình tĩnh trước những biến động.

Nên nhớ rằng, đầu tư chứng khoán không phải là sòng bạc mà là một quá trình dài hạn, đòi hỏi sự kiên nhẫn và kiến thức.

Nguồn: thanhnien.vn

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.