VNREBATES

Chứng khoán và cổ phiếu – Con đường khác cho Forex trader

20.09.2020, 15:31 21 phút đọc

Đối với trader, điều quan trọng nhất khi tham gia vào thị trường chứng khoán đó là làm sao xác định được thị giá cổ phiếu, và đánh giá được thị giá này đang cao hay thấp so với giá trị của doanh nghiệp. Bài viết này sẽ giúp bạn làm sáng tỏ điều trên!

Thị giá cổ phiếu là gì? Tại sao 1 cổ phiếu lại được trader yêu thích hơn cổ phiếu khác?

Nhiều trader tự hỏi nên trade forex hay cổ phiếu, đâu là con đường đúng. Bài viết hướng dẫn về thị giá cổ phiếu là gì và cách xác định giá trị 1 cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của chúng tôi dành cho những forex trader muốn tìm 1 lựa chọn khác để đầu tư của mình bên cạnh thị trường ngoại hối.

1. Thị giá cổ phiếu là gì?

Thị giá cổ phiếu là gì? Thị giá cổ phiếu hay giá thị trường trên mỗi cổ phiếu đơn giản là giá gần đây nhất của một cổ phiếu trên 1 sàn giao dịch công khai. Thị giá cổ phiếu không phải là một mức giá cố định mà dao động trong suốt ngày giao dịch khi các yếu tố thị trường khác nhau đẩy giá theo các hướng khác nhau.

Không giống như giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu, thị giá cổ phiếu không có mối quan hệ cụ thể với giá trị tài sản của công ty hoặc bất kỳ thông tin bảng cân đối nào khác.

Thay vào đó, thị giá cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi cung và cầu:

  • Khi nhiều người cố gắng mua một cổ phiếu hơn bên muốn bán, giá thị trường sẽ tăng.
  • Khi nhiều người đang cố gắng bán một cổ phiếu hơn là mua, giá thị trường sẽ giảm.
  • Những thay đổi cung – cầu có thể xuất phát từ thông tin tài chính của doanh nghiệp, chẳng hạn như tin tức tốt hoặc xấu được công bố trong báo cáo thu nhập hàng quý. Cung và cầu cũng có thể được điều khiển bởi các yếu tố phi tài chính, như tin về CEO, luật mới từ chính phủ hoặc thiên tai.

Khi bạn đặt lệnh thị trường để mua hoặc bán một cổ phiếu, lệnh sẽ thực hiện theo giá thị trường.

2. Thị giá cổ phiếu (Market price) vs. Giá sổ sách của cổ phiếu (Book Value)

Khi mới tham gia thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư có khả năng cao dễ bị nhầm lẫn giữa thị giá với giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu. Trong khi giá thị trường dao động theo tâm lý của thị trường, giá trị sổ sách đề cập đến giá trị cụ thể của một tài sản. 

Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu được tính bằng = giá trị tài sản ròng tại thời điểm báo cáo / tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành

Có thể xác định giá trị tài sản ròng (Net asset) của 1 doanh nghiệp bằng cách lấy tổng giá trị của tất cả các tài sản sở hữu trừ đi các khoản nợ và nghĩa vụ đối với nhà cung cấp, người lao động, chính phủ (thuế, phí), và các bên liên quan như ngân hàng, chủ nợ….

Giá trị tài sản ròng cũng có thể được gọi là “tổng vốn chủ sở hữu” (total Equity).  Vì các công ty đại chúng được sở hữu bởi các cổ đông, net asset cũng có thể được gọi là “vốn của cổ đông” (shareholder’s equity).

Tính toán giá trị sổ sách của 1 doanh nghiệp hữu ích cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư giá trị, bởi vì họ có thể so sánh giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu với giá thị trường tương ứng trên mỗi cổ phiếu để xác định các cơ hội tiềm ẩn:

Tỷ lệ P/B (Price-to-Book) = Market Price/ Book Value.

Tỷ lệ này cho bạn biết hiện công ty có đang được định giá như thế nào so với giá trị ghi nhận trên sổ sách công ty, cũng như cho bạn biết bạn phải trả cao hay thấp hơn bao nhiêu cho mỗi đồng bạn bỏ ra để mua vào cổ phiếu công ty đó.

Thị giá cổ phiếu (Market Price) Giá sổ sách trên mỗi cổ phiếu (Book Value per share) 
Xác định dựa trên nhận định của nhà đầu tư, quy luật cung cầu Xác định dựa trên giá trị sổ sách của tài sản thuần của doanh nghiệp 
Thay đổi liên tục trong phiên giao dịch Thay đổi mỗi khi doanh nghiệp cập nhật tình hình tài chính trên bảng cân đối kế toán (thường công bố hàng quý cho doanh nghiệp niêm yết giao dịch công khai)

3. Thị giá cổ phiếu cho bạn biết điều gì? Đừng nên chỉ chăm vào giá mà nhảy vào thị trường

Có một câu nói phổ biến đó là: “Đừng bao giờ đánh giá 1 cuốn sách khi chỉ vào bìa của nó”.  Câu nói này cũng đúng với trader trên thị trường chứng khoán: “Đừng đánh giá một cổ phiếu bằng thị giá cổ phiếu của nó”. Nhiều người cho rằng một cổ phiếu với thị giá thấp là rẻ, trong khi một cổ phiếu khác có giá cao hơn thì đắt. Điều này là không đúng.

Trên thực tế, giá của một cổ phiếu nói rất ít về giá trị của cổ phiếu đó. Thậm chí quan trọng hơn, nó không nói gì về việc cổ phiếu đó đang được định giá cao hơn hay thấp hơn giá trị thật của nó.

Một ví dụ về mức giá cao có thể khiến các nhà đầu tư nghĩ là đắt, đó là cổ phiếu của Berkshire Hathaway (BRK.A) của Warren Buffett. Năm 1980, một cổ phiếu của Berkshire Hathaway được bán với giá $340,1. Thị giá 3 chữ số đó sẽ khiến nhiều nhà đầu tư phải suy nghĩ kỹ trước khi đặt tiền của mình vào 1 công ty, hoang mang liệu có quá đắt?.

Vào ngày 24 tháng 7 năm 2020, cổ phiếu loại A của Berkshire trị giá $288,261 mỗi cổ phiếu. Cổ phiếu đã tăng lên tầm cao này bởi vì công ty và Buffett đã tạo ra giá trị cổ đông.

Vậy, với thị giá của mỗi cổ phiếu, bạn sẽ xem xét cổ phiếu đắt tiền? Câu trả lời cho câu hỏi đó, như mọi khi, không phụ thuộc vào giá của cổ phiếu.

3.1 Thị giá cổ phiếu vs. Giá trị của cổ phiếu

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các cổ phiếu giá rẻ dưới mệnh giá (10.000 VND) được gọi là cổ phiếu penny, có xu hướng rủi ro nhất. Một cổ phiếu đã giảm từ 40.000 VND xuống còn 4.000 VND có thể kết thúc ở mức 0 đồng, trong khi cũng có thể tăng lên lại 20.000 VND. Vì thế, cổ phiếu penny thật sự hấp dẫn đối với những trader mạo hiểm.

Nhưng điều tôi muốn nói là, giá cổ phiếu gần như KHÔNG 1 phản ánh điều gì cả. Thị giá cổ phiếu cổ phiếu chỉ có ích khi xem xét với nhiều yếu tố khác.

Thi gia co phieu la gi

Thị giá cổ phiếu không là gì cả, nếu đứng 1 mình

Một số trong những yếu tố này là hoạt động kinh doanh thường nhật. Một công ty tạo ra 1 công nghệ mới, 1 sản phẩm hoặc dịch vụ thay đổi thị trường. Một công ty khác đang sa thải nhân viên và đóng cửa các bộ phận để giảm chi phí. Bạn muốn sở hữu cổ phiếu nào?

Dĩ nhiên là còn quá sớm để trả lời câu hỏi trên nếu không giành thêm thời gian để phân tích sâu hơn.

Công ty tạo được công nghệ đó có thể có hoặc không có kế hoạch cho việc sản phẩm đó được những thành công ban đầu. Có thể, giá trị của sản phẩm công nghệ mới đó đã được thị trường phản ánh vào giá cổ phiếu. Vì thế, để công ty có được thêm sự chú ý của investor, tốt nhất công ty có thêm những sản phẩm tốt, cơ chế quản lý, marketing, sale sau khi tạo thành công 1 sản phẩm…. chứ không đơn giản chỉ là 1 sản phẩm nổi lên ban đầu.

Ngược lại, công ty số 2 có thể tạo ra 1 thiện cảm không hề tốt ban đầu. Nhưng nếu quan sát kỹ, công ty đang giảm chi phí nếu có thể hợp lý hóa hoạt động của mình và nếu thành công, có thể phát triển mạnh trở lại. Có lẽ là thị trường đã bỏ rơi nó quá sớm.

Khi nói điều này, chúng tôi muốn nói rằng thị giá cổ phiếu gần như không phản ánh được giá trị thật sự của doanh nghiệp. Có thể đó là phản ứng tức thời của thị trường, Big Boy và tâm lý đám đông. Mục tiêu của investor thứ thiệt chính là xác định được các cổ phiếu bị định giá thấp, thị giá  không phản ánh giá trị thực của chúng. Đó mới chính là nghệ thuật để trading thành công. 

3.2 Thị giá cổ phiếu cho bạn biết điều gì?

Hầu hết mọi người tin rằng giá trị của một cổ phiếu được biểu thị bằng thị giá của nó. Điều đó chỉ đúng ở một mức độ nhất định.

  • Giá cổ phiếu chỉ cho bạn biết giá trị hiện tại của công ty hoặc giá trị thị trường của công ty. Thị giá đơn giản đại diện cho số lượng cổ phiếu giao dịch tại sàn hoặc giá được thỏa thuận bởi người mua và người bán. Nếu có nhiều người mua hơn người bán, giá cổ phiếu sẽ tăng. Nếu có nhiều người bán hơn người mua, giá sẽ giảm.
  • Mặt khác, giá trị nội tại là giá trị thực tế của một công ty tính bằng tiền . Điều này bao gồm cả các yếu tố hữu hình và vô hình liên quan đến công ty, đòi hỏi trader có những hiểu biết sâu sắc về phân tích cơ bản.

3.3 Khi nào thì giá quan trọng?

Các công ty có thể tăng tiền mặt cho hoạt động kinh doanh bằng cách phát hành vốn chủ sở hữu hoặc nợ. 

Nếu giá cổ phiếu của 1 công ty giảm rõ rệt, các chi phí vốn cổ phần cũng như vốn vay tăng lên, vì lúc này công ty được xếp vào hạng rủi ro, nên nhà đầu tư và chủ nợ đều đòi hỏi 1 tỷ suất sinh lời rất cao để bù đắp rủi ro tăng lên. Thực tế, chi phí vốn tăng đột biến có thể khiến một doanh nghiệp đóng cửa, đặc biệt là các doanh nghiệp phụ thuộc vào vốn như ngân hàng.

Vấn đề này phải luôn luôn trong tâm trí của các nhà đầu tư sau khi cổ phiếu giảm mạnh. Lúc này, thị giá đóng vai trò như 1 cảnh báo rõ rệt cho nhà đầu tư, chính là lúc thị giá đóng vai trò quan trọng nhất.

3.4 Đừng nhảy liền vào cổ phiếu chỉ vì giá

Các nhà đầu tư thường mắc sai lầm khi chỉ nhìn vào giá cổ phiếu, bởi vì đó là con số dễ thấy nhất trên báo chí tài chính và trên bảng giá. Một sai lầm phổ biến của các nhà đầu tư ban đầu là so sánh giá thị trường trên mỗi cổ phiếu giữa hai công ty. Trong thực tế, giá chỉ có ý nghĩa trong 1 bối cảnh cụ thể.

Ví dụ: Công ty ABC giao dịch với giá $ 10 mỗi cổ phiếu và Công ty XYZ giao dịch với $ 1 mỗi cổ phiếu, ban đầu có vẻ như Công ty ABC có giá trị hơn, nhưng đó không đúng!  Để so sánh giá trị của các công ty này, bạn sẽ phải sử dụng phép đo được gọi là vốn hóa thị trường.

Nếu Công ty ABC có vốn hóa thị trường 100 tỷ đô la và có 10 tỷ cổ phiếu, trong khi Công ty XYZ có vốn hóa thị trường 1 tỷ đô la và 100 triệu cổ phiếu, cả hai công ty sẽ có giá cổ phiếu là 10 đô la. Nhưng Công ty A có giá trị gấp 100 lần Công ty B.

Một cổ phiếu có giá cổ phiếu $ 100 có vẻ rất đắt đối với một số nhà đầu tư bán lẻ. Họ có thể nghĩ rằng một cổ phiếu $ 5 có cơ hội tăng gấp đôi so với cổ phiếu $ 100. Nhưng cổ phiếu $ 5 có thể được định giá quá cao và cổ phiếu $ 100 có thể bị định giá thấp. Điều ngược lại cũng có thể đúng, vì riêng giá cổ phiếu là không có dấu hiệu của giá trị.

Vốn hóa thị trường là một dấu hiệu rõ ràng hơn về cách công ty được định giá và đưa ra ý tưởng tốt hơn về giá trị cổ phiếu. 

4. Làm cách nào để xác định 1 cổ phiếu đang bị thị trường định giá thấp hoặc cao hơn giá trị thật?

Một cổ phiếu bị định giá thấp có thị giá thấp hơn giá trị thực. Cổ phiếu có thể bị định giá thấp vì nhiều lý do, như:

  • Thay đổi thị trường: sự cố hoặc điều chỉnh thị trường có thể khiến giá cổ phiếu giảm
  • Tin xấu đột ngột: tin tức tiêu cực, hoặc thay đổi kinh tế, chính trị và xã hội
  • Biến động theo chu kỳ: cổ phiếu của một số ngành công nghiệp hoạt động kém trong một số quý nhất định, điều này ảnh hưởng đến giá cổ phiếu
  • Kết quả đánh giá sai: khi cổ phiếu không hoạt động như phân tích, giá có thể giảm

Tìm kiếm cổ phiếu bị định giá thấp không chỉ là tìm kiếm cổ phiếu giá rẻ. Điều quan trọng là tìm kiếm các cổ phiếu chất lượng dưới giá trị hợp lý của chúng, thay vì các cổ phiếu vô dụng ở mức giá rất thấp. Sự khác biệt là cổ phiếu chất lượng tốt sẽ tăng giá trị trong dài hạn. Nhiều đầu tư muốn bắt chước chiến lược Warren Buffett, vốn luôn tìm kiếm các cổ phiếu bị định giá thấp và những người có tiềm năng phát triển trong dài hạn.

Thi gia co phieu la gi

Hãy nhớ rằng, bạn phải luôn thu thập thông tin tài chính đúng đắn về một cổ phiếu mà bạn đang muốn giao dịch và không đưa ra quyết định chỉ dựa trên ý kiến cá nhân.

Để tìm cổ phiếu bị định giá thấp, trader và investor sử dụng phân tích cơ bản và kỹ thuật:

  • Phân tích cơ bản là một phương pháp đánh giá giá trị của một tài sản bằng cách nghiên cứu các sự kiện và ảnh hưởng bên ngoài, cũng như báo cáo tài chính và xu hướng của ngành.
  • Phân tích kỹ thuật là một phương tiện để kiểm tra và dự đoán biến động giá bằng các biểu đồ và thống kê lịch sử.

Thông thường, nên sử dụng cả hai phương pháp cùng nhau để tìm các cổ phiếu bị định giá thấp, vì điều này sẽ đưa ra bức tranh đầy đủ nhất về thị trường. Có một vài tỷ số chính khi của phân tích cơ bản mà các nhà giao dịch nên xem xét, kết hợp với phân tích kỹ thuật, bao gồm 7 tỷ lệ chúng tôi đề cập bên dưới,  có thể được sử dụng để tìm các cổ phiếu bị định giá thấp và xác định giá trị thực của chúng:

4.1 Tỷ lệ giá trên thu nhập (P / E)

Tỷ lệ P/E (Price-to-earnings) là cách phổ biến nhất để đo lường giá trị của 1 cổ phiếu. Về bản chất, P/E cho thấy bạn phải chi bao nhiêu tiền để kiếm được 1 đô la tiền lãi. Tỷ lệ P/E thấp có thể có nghĩa là các cổ phiếu bị định giá thấp.

Tỷ lệ P/E được tính bằng cách chia thị giá cổ phiếu cho thu nhập trên mỗi cổ phiếu. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu được tính bằng cách chia tổng lợi nhuận của công ty cho số cổ phiếu mà họ đã phát hành.

Ví dụ về tỷ lệ PE: Bạn mua cổ phiếu ABC với giá $50 1 cổ phiếu và ABC có 10 triệu cổ phiếu đang lưu hành và mang lại lợi nhuận 100 triệu đô la. Điều này có nghĩa là thu nhập trên mỗi cổ phiếu là 10 đô la (100 triệu đô la / 10 triệu cp) và tỷ lệ P/E bằng 5 (50 đô la / 10 đô la). Do đó, bạn sẽ phải đầu tư 5 đô la cho mỗi 1 đô la lợi nhuận.

4.2 Tỷ lệ nợ-vốn chủ sở hữu (D / E)

Tỷ lệ D/E (Debt-equity) đo lường giá trị nợ so với tài sản của công ty. Tỷ lệ D / E được tính bằng cách chia các khoản nợ cho vốn chủ sở hữu.

Tỷ lệ cao hơn có thể có nghĩa là công ty nhận được phần lớn tài trợ hoạt động kinh doanh từ việc cho vay, chứ không phải từ các cổ đông – tuy nhiên, điều đó không nhất thiết có nghĩa là cổ phiếu của công ty bị định giá thấp. Để thiết lập điều này, tỷ lệ D/E của công ty phải luôn được đo so với mức trung bình của các đối thủ cạnh tranh. Một tỷ lệ tốt hay xấu phụ thuộc vào ngành kinh doanh.

4.3 Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)

ROE (Return on Equity) là tỷ lệ phần trăm đo lường khả năng sinh lời của công ty so với vốn chủ sở hữu. ROE được tính bằng cách chia thu nhập ròng cho vốn cổ đông.

ROE cao có thể có nghĩa là cổ phiếu bị định giá thấp, bởi vì công ty đang tạo ra rất nhiều thu nhập liên quan đến số tiền đầu tư của cổ đông.

4.4 Tỷ lệ thu nhập (Earnings Yield)

Tỷ lệ thu nhập có thể được xem là tỷ lệ P / E ngược. Thay vì lấy giá trên mỗi cổ phiếu chia cho thu nhập, Earnings yield được tính ngược lại, là thu nhập trên mỗi cổ phiếu chia cho giá.

Một số trader coi cổ phiếu bị định giá thấp nếu tỷ lệ thu nhập thấp hơn lãi suất trung bình mà chính phủ Hoa Kỳ trả khi vay tiền (được gọi là lãi suất kho bạc chính phủ Hoa Kỳ).

4.5 Tỷ lệ cổ tức (Divident Yield)

Tỷ lệ cổ tức (Divident Yield)  được sử dụng để thể hiện mức cổ tức hàng năm của một công ty được trả cho các cổ đông – so với giá cổ phiếu của công ty. Để tính tỷ lệ phần trăm, bạn chia cổ tức hàng năm cho giá cổ phiếu hiện tại.

Các nhà đầu tư thích các công ty có lợi suất cổ tức vững chắc, bởi vì điều đó có thể có nghĩa là ổn định hơn và lợi nhuận đáng kể.

4.6 Tỷ lệ Current Ratio

Tỷ lệ Current Ratio của một công ty là một thước đo khả năng thanh toán các khoản nợ. Nó được tính bằng cách đơn giản là chia tài sản cho các khoản nợ.

Tỷ lệ Current ratio <1, thông thường có nghĩa là các khoản nợ của công ty có thể được bảo đảm đầy đủ bởi các tài sản. Tỷ lệ này càng thấp, khả năng giá cổ phiếu sẽ tiếp tục giảm càng cao – thậm chí đến mức nó bị định giá thấp.

4.7 Tỷ lệ thị giá trên giá sổ sách (P / B)

Tỷ lệ P/B được sử dụng để đánh giá giá thị trường hiện tại so với giá trị sổ sách của công ty. Để tính toán, hãy chia giá thị trường trên mỗi cổ phiếu cho giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu.

Một cổ phiếu có thể bị định giá thấp nếu tỷ lệ P / B thấp hơn một. Tuy nhiên, cần xem xét với các tỷ lệ khác của ngành và các đối thủ liên quan.

5. Kết lại

Khác với đầu tư ngoại hối, nơi bạn có thể không quan tâm đến yếu tố cơ bản hay kỹ thuật nếu đi vào con đường price action, thị trường chứng khoán đòi hỏi nhà đầu tư nắm bắt nhiều kỹ năng liên quan đến cả phân tích kỹ thuật và cơ bản để có thể nắm bắt được ý nghĩa đằng sau thị giá cổ phiếu là gì.

Chúng tôi giới thiệu 7 tỷ số phổ biến nhất khi tiến hành phân tích 1 cổ phiếu đang được định giá thấp hay không. Hãy nhớ rằng, trong khi các tỷ số này là hữu ích, chúng chỉ nên là một phần của phân tích cơ bản, và nên được kết hợp với phân tích kỹ thuật kỹ lưỡng để có cái nhìn toàn cảnh về thị trường.

 

Tổng hợp bởi wp.vnrebates.io

Theo thebalancesmb.com, investopia.com, Ig.com

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.