Năm mới được mở màn với lợi suất tăng đột biến, điều này thúc đẩy đồng đô la Mỹ tăng giá nhưng lại phá hủy đồng yên của Nhật Bản. Xu hướng này có tiếp tục hay không sẽ phụ thuộc vào báo cáo lạm phát sắp được công bố của Mỹ, bởi điều đó có thể quyết định liệu Fed có kích hoạt chu kỳ tăng lãi suất vào tháng 3 hay không.
Lạm phát Mỹ sắp đạt đỉnh?
Nền kinh tế Mỹ đang hoạt động khá tốt. Thị trường lao động có thể sẽ trở lại trạng thái toàn dụng trong năm nay, tiêu dùng đang bùng nổ, mô hình GDPNow của Fed Atlanta chỉ ra mức tăng trưởng 6,7% trong quý vừa qua, và tất nhiên lạm phát đang nóng như thiêu đốt.
Do đó, các thị trường bắt đầu kỳ vọng rằng Fed có thể tăng lãi suất ngay trong tháng 3 để kiềm chế lạm phát, với khả năng xác suất lên tới 85%. Điều này sẽ mang đến vận may cho đồng USD nhưng lại là “lời nguyền” đối với đồng Yên Nhật, vì không có hy vọng gì về việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ sớm có cùng động thái.
Trong bối cảnh này, dữ liệu lạm phát CPI và báo cáo doanh số bán lẻ sắp được lần lượt công bố vào thứ Tư và thứ Sáu tới có thể là những bản tin rất quan trọng. Các dự báo cho thấy chỉ số CPI cả năm giữ ổn định ở mức 6,8% trong tháng 12 nhưng chỉ số cốt lõi không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm dự kiến đã tăng lên 5,4% từ mức 4,9% trước đó.
Các cuộc khảo sát PMI mới nhất từ Markit đã củng cố cho những dự báo này. Giá bán của các công ty “đã tăng mạnh”, nhưng với tốc độ chậm nhất trong ba tháng, hoàn toàn phù hợp với những gì báo cáo CPI hàng tháng dự kiến.
Đối với đồng đô la, chỉ số CPI lõi tăng đột biến cùng với báo cáo doanh số bán lẻ ổn định có thể vừa đủ để củng cố kỳ vọng rằng Fed sẽ kích hoạt tăng lãi suất vào tháng Ba. Điều đó có thể là động lực hỗ trợ cho đồng USD vốn được xem là đồng tiền dự trữ trong vài tháng tới.
Tuy nhiên, nhìn xa hơn, rủi ro lớn nhất đối với đồng đô la là bất kỳ dấu hiệu nào của tình trạng “lạm phát đỉnh điểm”. Sự kết hợp của việc ổn định giá năng lượng, chuỗi cung ứng hoạt động trở lại, chi tiêu chính phủ giảm dần và so sánh YOY mạnh mẽ hơn từ tháng 4 trở đi có thể tạo thành một công thức để lạm phát đạt đỉnh vào cuối năm nay.
Tại thời điểm đó, các nhà giao dịch có thể cược ít đi vào việc thắt chặt mạnh mẽ của Fed và lợi suất của Mỹ vì thế mà được điều chỉnh thấp hơn, đặc biệt nếu Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội vào giữa nhiệm kỳ, ngăn chặn chi tiêu mới. Hãy kiên nhẫn và chờ xem đồng đô la có thể giao dịch như tàu lượn siêu tốc trong năm nay.
Cuối cùng, lưu ý rằng Giám đốc Fed Powell sẽ xuất hiện tại phiên điều trần quốc hội vào 2 ngày thứ Ba và thứ Năm về việc xác nhận nhiệm kỳ thứ hai của mình.
Xem thêm: Lạm phát là gì? Nhà đầu tư nên rót tiền vào đâu trong thời kỳ lạm phát?
Chờ đợi công bố GDP của Anh
Đồng Bảng Anh cũng là đồng tiền được hưởng lợi lớn từ mức tăng đột biến gần đây nhất của lợi suất. Các nhà đầu tư dường như đã kết luận rằng biến thể Omicron không đủ nguy hiểm để ngăn BoE tăng lãi suất hoặc thậm chí làm chậm kế hoạch của Ngân hàng trung ương này.
Các thị trường tiền tệ hiện xác định 70% khả năng BoE tăng lãi suất một lần nữa vào tháng tới, trong tổng số 4 lần tăng cho cả năm nay. Điều này đã đẩy cặp EUR/GBP xuống mức đáy mới sau đại dịch trong tuần này, cộng với một số bình luận từ Thủ tướng Johnson rằng các biện pháp hạn chế mới khó có thể xảy ra.
Chỉ số GDP tháng 11 của Anh sẽ được công bố vào thứ Ba tới, nhưng những con số đó sẽ không có khả năng thay đổi câu chuyện “màu hồng” này. Hiện tại, đồng bảng Anh vẫn có khả năng mở rộng mức tăng gần đây, ít nhất là so với đồng Euro và đồng yên, khi các thị trường có niềm tin mạnh mẽ hơn về đợt tăng lãi suất vào tháng Hai.
Tuy nhiên, ở bức tranh lớn hơn, rủi ro vẫn còn. Trong khi thị trường việc làm ở Anh phục hồi mạnh mẽ và lạm phát gia tăng, các cuộc khảo sát PMI mới nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế đang mất dần động lực. Nếu xu hướng này tiếp tục, BoE có thể chỉ tăng lãi suất 2 hoặc 3 lần trong năm nay, không phải 4 lần như thị trường kỳ vọng.
Lạm phát Trung Quốc cũng đang trở thành tâm điểm
Ở phần còn lại của thế giới, bản phát hành quan trọng nhất sẽ là báo cáo lạm phát của Trung Quốc vào thứ Tư. Cả giá tiêu dùng và giá sản xuất dự kiến sẽ hạ nhiệt trong tháng 12, một phần nhờ do cuộc khủng hoảng điện năng đã dịu đi. Dữ liệu giao dịch trong cùng tháng sẽ được công bố vào thứ Sáu.
Giá sản xuất giảm có thể đặc biệt quan trọng đối với hầu hết các thị trường bởi nó cho thấy rằng Trung Quốc đang xuất khẩu ít lạm phát hơn ra nước ngoài, đưa ra nhận định rằng lạm phát trên toàn cầu có thể sắp đạt đỉnh
Tất nhiên, rủi ro đối với tất cả những điều đó là chính sách Zero-Covid của Trung Quốc. Chính phủ đã phản ứng bằng các biện pháp đóng cửa hà khắc ở bất kỳ thành phố nào báo cáo các ca nhiễm covid, đe dọa gây áp lực lâu dài đến chuỗi cung ứng toàn cầu, mặc dù cho đến giờ sự gián đoạn đã nhẹ nhàng hơn.
Triển vọng xấu đi đối với tăng trưởng của Trung Quốc cùng với tâm trạng ảm đạm trên thị trường chứng khoán cũng có thể giải thích tại sao 2 đồng tiền hàng hóa là AUD và NZD lại hoạt động tồi tệ như vậy trong tuần này.
Dữ liệu thương mại của Trung Quốc được công bố vào tuần tới có thể rất quan trọng đối với các loại tiền tệ này. Ngoài ra, đối với đồng AUD nên chú ý đến con số bán lẻ cuối cùng của Úc cho tháng 11 cũng sẽ được công bố vào thứ Ba tới.
Theo Actionforex