Xem thêm:
- Tham vọng soán ngôi đồng USD của nhân dân tệ gặp nhiều “hòn đá tảng”
- USD giảm tháng đầu tiên trong năm, vàng tăng 4 tháng liên tiếp
Trong phiên giao dịch ngày 4/6, đồng yên tăng mạnh so với USD khi đồng bạc xanh chịu áp lực giảm do số liệu kinh tế Mỹ gần đây cho thấy dấu hiệu suy yếu. Tuy nhiên, các nhà phân tích dự báo áp lực giảm giá đối với đồng yên vẫn còn lớn trong tương lai.
Đỉnh giá của đồng yên so với USD trong ba tuần đã đạt mức khoảng 154,4 yên đổi 1 USD trong phiên giao dịch tại Mỹ, với mức tăng khoảng 1% của đồng yên
Sự tăng giá của đồng yên diễn ra trước cuộc họp của BOJ.
Một báo cáo tiêu cực về thị trường việc làm Mỹ đã gây áp lực lên đồng USD, giúp đồng yên tăng giá. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số lượng công việc cần tuyển dụng vào cuối tháng 4 là 8,059 triệu, giảm 296.000 so với tháng trước và là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Đây là một chỉ báo xấu khác về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, sau báo cáo trước đó về sự giảm tốc của lĩnh vực sản xuất.
Trước các số liệu này, giới đầu cơ dự đoán khả năng Fed sẽ giảm lãi suất hai lần trong năm nay. Nếu điều này xảy ra, khoảng cách lãi suất giữa Fed và BOJ sẽ thu hẹp đáng kể, giảm bớt áp lực mất giá đối với đồng yên.
Đồng yên còn được hỗ trợ khi BOJ tuyên bố sẽ tiếp tục cảnh giác với tác động của biến động đồng yên đối với lạm phát tại Nhật Bản trong quá trình định hướng chính sách tiền tệ. Bloomberg cũng cho biết BOJ sẽ cân nhắc giảm mua trái phiếu tại cuộc họp chính sách sắp tới, có thể đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản tăng trong những tuần tới trước khi BOJ có thể nâng lãi suất vào tháng 7.
Ngày 4/6, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki xác nhận nước này đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để bảo vệ tỷ giá trong tháng 4 và tháng 5. “Chúng tôi đã can thiệp để chống lại sự biến động quá mức của tỷ giá, chủ yếu do đầu cơ. Từ góc nhìn đó, chúng tôi tin rằng sự can thiệp đã mang lại hiệu quả nhất định,” ông Suzuki nói, đánh dấu lần xác nhận chính thức đầu tiên của giới chức Nhật Bản về đợt can thiệp này.
Trước đó, số liệu từ BOJ cho thấy Nhật Bản đã chi 62,7 tỷ USD để vực dậy tỷ giá đồng nội tệ từ ngày 26/4 đến 29/5, sau khi đồng yên rớt giá dưới mức 160 yên đổi 1 USD, mức thấp nhất trong hơn 30 năm.
Một số nhà phân tích cho rằng việc can thiệp của nhà chức trách Nhật Bản không phải để đẩy giá đồng yên tăng, mà chủ yếu để giữ giá. “Nếu không can thiệp, đồng yên có thể đã giảm xuống 170 yên đổi 1 USD, nhưng nhờ có can thiệp, tỷ giá được duy trì ở mức hiện tại,” chiến lược gia Masafumi Yamamoto của Mizuho Securities nhận định.
Nhà phân tích Jun Kato của Shinkin Asset Management bày tỏ hoài nghi về hiệu quả lâu dài của đợt can thiệp này. “Tôi nghi ngờ về tính bền vững của hiệu quả can thiệp, vì sự can thiệp không thay đổi được các yếu tố nền tảng. Nhà chức trách chỉ đang làm chậm lại quá trình thông qua biểu hiện ý định của họ, trong khi chờ lạm phát và tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm tốc,” ông Kato nói với tờ Japan Times.
Do đó, các nhà phân tích dự báo đồng yên sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực giảm giá chừng nào khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản chưa được thu hẹp đáng kể. Hiện tại, lãi suất ngắn hạn của BOJ là 0,1%, so với mức 5,25-5,5% của Fed.
Áp lực từ hoạt động Carry-Trade
Theo một bài viết của Bloomberg, đồng yên Nhật vẫn là đồng tiền ưa chuộng trong các giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade). Trong loại giao dịch này, nhà đầu tư vay đồng yên với lãi suất cực thấp để mua USD và hưởng lãi suất cao hơn. Trong năm qua, carry-trade đã mang lại lợi tức 18% cho nhà đầu tư. Sức hấp dẫn của carry-trade hứa hẹn một cuộc đấu dai dẳng giữa Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và các nhà giao dịch theo đuổi chiến lược này.
“Carry-trade đang rất thu hút. Ngay cả khi BOJ nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 6, carry-trade vẫn sẽ tiếp tục, và thị trường sẽ ngần ngại trong việc đẩy giá đồng yên lên,” trưởng phòng giao dịch tiền tệ Antony Foster của công ty Nomura International Plc nhận định với Bloomberg.
Năm nay, đồng yên đã giảm giá khoảng 10% so với USD, trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất trong số các đồng tiền chủ chốt. Kể từ năm 2012, đồng yên đã mất gần một nửa giá trị so với USD.
“Bất kỳ động thái nào của BOJ cũng sẽ là quá ít và quá muộn để làm thay đổi xu hướng thị trường. Nhu cầu carry-trade vẫn đang thúc đẩy việc bán khống đồng yên. Có khả năng đồng yên sẽ lại trượt giá về mức như trước đợt can thiệp của BOJ,” nhà giao dịch Mingze Wu của công ty Stonex Financial Pte Ltd. phát biểu.
Khả năng BOJ tăng lãi suất trong cuộc họp tuần tới là thấp, và thị trường dự đoán BOJ sẽ tăng lãi suất 0,1 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7. Vì vậy, thị trường đang chờ đợi các biện pháp điều chỉnh khác của BOJ trong cuộc họp tuần tới để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.
“Thống đốc BOJ Kazuo Ueda sẽ phải lựa chọn ngôn từ thật cẩn trọng khi phát biểu để tránh bị xem là mềm mỏng so với kỳ vọng của thị trường. Ông Ueda và Bộ Tài chính Nhật Bản có thể hy vọng không cần can thiệp thêm vào thị trường ngoại hối, nhưng không ai có thể chắc chắn vì các số liệu kinh tế Nhật Bản đang yếu,” chiến lược gia Jane Foley của ngân hàng Rabobank ở London nói.
Theo số liệu thống kê của Nhật Bản, vào cuối tháng 4, nước này có 1,14 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối – một “kho đạn” khổng lồ để can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm chống lại giới đầu cơ bán khống đồng yên.
“Chính phủ sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ các diễn biến trên thị trường ngoại hối và thực thi tất cả các biện pháp cần thiết,” Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki phát biểu ngày 4/6, nhắc lại cảnh báo đã trở thành tiêu chuẩn của các nhà chức trách Nhật Bản về sự biến động quá mức của tỷ giá.
Nguồn: vneconomy.vn