VNREBATES

6 tín hiệu thoái lui trong Price Action

19.08.2021, 22:16 15 phút đọc

Có thể anh em đã nhiều lần nghe đến thuật ngữ “thoái lui” khi tìm hiểu về thị trường tài chính. Thế nhưng anh em đã thật sự hiểu thoái lui là gì, và tại sao chúng lại quan trọng trong thị trường tài chính? Hãy cùng mình làm sáng tỏ về sự thoái lui cũng như cách vận dụng chúng vào trong giao dịch một cách hiệu quả.

Trong bài này, VnRebates sẽ gửi đến bạn một bài chia sẻ về sự thoái lui trong thị trường tài chính

1. Khái niệm “pull back” – “thoái lui” trong thị trường tài chính

Sự thoái lui (pullback) thật ra là một khái niệm rất dễ hiểu và dễ định nghĩa. Từ thoái lui không chỉ được sử dụng trong giao dịch, mà còn được nhắc đến trong nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống đời thường, ý nói hành động lùi bước hay quay ngược trở lại so với hướng đang đi một cách tạm thời.

Hiểu một cách đơn giản, thoái lui trong thị trường tài chính cũng chính xác giống như cái tên của nó: đó là một khoảng thời gian khi giá quay đầu di chuyển ngược lại so với hướng di chuyển gần đây, có thể là sự giảm xuống trong khi giá trước đó đang tăng, hoặc tăng lên khi giá đang trong đà giảm.

khái niệm thoái lui trong thị trường tài chính

Thoái lui là một đợt quay đầu ngắn của giá trước khi tiếp tục xu hướng

Hãy nhớ rằng thoái lui là sự đảo ngược tạm thời, sau khi đảo ngược một chút giá sẽ nhanh chóng quay lại tiếp tục di chuyển theo hướng trước đó. Nếu giá cứ thế “một đi không trở lại” thì đó là sự đảo chiều chứ không còn là sự thoái lui.

Trong giao dịch, anh em có thể sẽ bắt gặp một số cách gọi khác của thoái lui, như “giá hồi lại” hay “pullback”… Về bản chất chúng là giống nhau, chỉ khác nhau ở cách gọi của mỗi người.

Vậy tại sao các đợt giá hồi lại quan trọng? Vì chúng có một vài ưu điểm đáp ứng khá tốt được những mục tiêu quan trọng của một nhà giao dịch, đó là:

  • Có được điểm vào lệnh tối ưu
  • Có tỉ lệ Risk :Reward tốt nhất
  • Có cơ hội tăng lợi nhuận

Tất nhiên, ngoài những ưu điểm tuyệt vời, việc giao dịch thoái lui cũng tồn tại một vài nhược điểm. Chúng ta sẽ cùng thảo luận kỹ hơn về từng ưu nhược điểm của nó ngay sau đây.

2. Ưu điểm của giao dịch thoái lui

Hãy bắt đầu với những ưu điểm mà mình đã nói rằng chúng có thể đáp ứng được những mục tiêu quan trọng của một nhà giao dịch.

2.1. Các điểm vào lệnh có xác suất thắng cao hơn

Bản chất của một đợt pullback hay thoái lui là giá sẽ tiếp tục, hoặc ít nhất là có khả năng cao sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng ban đầu sau khi đợt thoái lui kết thúc. Do đó, nếu bạn tìm thấy một tín hiệu Price Action mạnh mẽ ở cuối đợt thoái lui, đó sẽ là điểm vào lệnh có xác suất chiến thắng rất cao.

Hiển nhiên, điều đó không phải lúc nào cũng xảy ra, bởi vì không có gì là tuyệt đối. Nhưng sự chờ đợi cho đến khi có một tín hiệu tốt xuất hiện trong một đợt thoái lui chính là cơ hội tốt nhất dành cho bạn để giao dịch theo xu hướng chính.

Nếu theo dõi biểu đồ, bạn sẽ thấy rằng giá thường có xu hướng quay trở lại một chút trước khi tiếp tục xu hướng hiện tại. Điều này có thể thấy rất rõ ràng ở các biểu đồ khung thời gian vài phút, khi mà các cây nến khi mới xuất hiện thường xuyên đi ngược lại một chút rồi mới quay về theo xu hướng, tạo ra các râu nến như chúng ta vẫn thấy.

Thế nên, nếu bạn phát hiện ra sự thoái lui xảy ra lặp đi lặp lại, hãy chờ đợi để tìm kiếm cho mình một điểm vào lệnh ở lần thoái lui tiếp theo. Điểm vào đó sẽ có xác suất cao hơn nhiều so với việc vào lệnh ngay lập tức tại mức giá thị trường, giống như đa số các nhà giao dịch khác vẫn làm.

2.2. Có được điểm stop loss tốt hơn

Sự thoái lui giúp bạn linh hoạt hơn trong việc đặt lệnh dừng lỗ. Khi giao dịch tại đợt thoái lui, bạn có thể có điểm dừng lỗ an toàn hơn, hoặc có mức rủi ro thấp hơn, hoặc đơn giản là có thể lựa chọn vị trí đặt stoploss dễ dàng hơn mà vẫn đảm bảo an toàn.

Ta sẽ phân tích cụ thể với ví dụ về cặp tiền USD/JPY với biểu đồ khung ngày:

thoái lui giúp bạn đặt stop loss linh hoạt

  • Sau khi cây nến A đóng lại, ta có thể cho rằng đây là một sự phá vỡ kháng cự, và giá sẽ tăng mạnh, cơ hội để vào một lệnh mua. Một nhà giao dịch bình thường sẽ mua ngay tại đó và đặt stop loss ở khoảng 104.157 vì nó nằm dưới đáy cũ. Có thể nói đây là một stop loss an toàn, nhưng mức rủi ro phải chịu lại khá lớn do stop loss ở xa, khoảng 185 pips.
  • Ngược lại, sau khi bạn tìm hiểu về thoái lui đã quyết định không vào lệnh ngay mà đợi một đợt thoái lui mới mua lên. Kết quả là đợt thoái lui thực sự xảy ra và bạn có cơ hội vào lệnh mua ở điểm B. Stop loss vẫn ở khoảng 104.157, đủ để đảm bảo an toàn nhưng rủi ro phải chịu lại thấp hơn rất nhiều, chỉ khoảng 90 pips.

Trong trường hợp này, đợt thoái lui không thực sự có một tín hiệu Price Action nào rõ ràng cho việc giao dịch, vậy nên trong thực tế khá khó để bắt được điểm mua tại B. Tuy nhiên, nếu nhạy bén với thị trường bạn hoàn toàn có thể có cho mình một điểm mua tốt hơn nhiều so với điểm A.

2.3. Tỷ lệ lợi nhuận rủi ro tốt hơn

Chúng ta cùng xét tiếp ví dụ phía trên. Khi giao dịch thoái lui, bạn sẽ có một vị trí đặt stop loss tốt hơn, với mức stop loss chỉ là 90 pips so với hơn 180 pips. Vậy, nếu chốt lời khi lợi nhuận đạt 180 pips trong cả hai trường hợp thì ta sẽ có tỉ lệ lợi nhuận rủi ro của trường hợp B là 2:1, trong khi tỉ lệ này chỉ là 1:1 đối với trường hợp A.

Đó là chưa kể rằng, nếu ta đặt take profit của cả 2 trường hợp này tại cùng một điểm, ví dụ ở mức 108.030 như trong hình. Khi đó trường hợp A sẽ có mức take profit khoảng 190 pips, tỉ lệ lợi nhuận rủi ro vẫn là khoảng 1:1. Nhưng trường hợp B có mức take profit lên tới gần 300 pips, tỉ lệ lợi nhuận lúc này lên đến 3.3:1.

Trong một hoàn cảnh khác, giả sử chúng ta không có một điểm cắt lỗ dễ nhận biết như ví dụ vừa rồi, bạn có thể đặt dừng lỗ kém an toàn hơn một chút bằng cách dùng một mức rủi ro cố định, ví dụ 100 pips, và vẫn giữ mức chốt lời ở 108.030 như trên. Khi đó, tỉ lệ lợi nhuận rủi ro của trường hợp A sẽ là 190:100, tức là khoảng 2:1, còn trường hợp B sẽ là 300:100, hay 3:1.

Qua các tình huống trên, bạn có thể thấy dù đặt Stop loss và Take profit theo cách nào đi nữa thì giao dịch thoái lui vẫn đem lại cho anh em tỉ lệ lợi nhuận rủi ro tốt hơn nhiều so với việc vào lệnh ngay tại giá thị trường.

Hy vọng ví dụ trên đã giúp bạn đã hiểu được việc giao dịch thoái lui có ưu điểm và tiềm năng ra sao. Bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau phân tích tiếp về nhược điểm của nó xem có điều gì cần lưu ý.

3. Nhược điểm của giao dịch thoái lui

Rõ ràng là chúng ta không thể có một phương pháp giao dịch nào hoàn hảo hay bất bại cả. Dù tuyệt vời đến đâu thì giao dịch thoái lui cũng tồn tại một số nhược điểm nhất định. Tuy nhiên, chúng ta phân tích nhược điểm là để hiểu rõ hơn về loại giao dịch này chứ không phải để khuyên bạn tránh xa nó, bởi dù sao thì ưu điểm của nó có lẽ vẫn vượt trội hơn.

  • Nhiều cơ hội sẽ bị bỏ lỡ hơn nếu bạn chỉ giao dịch thoái lui:

Các giao dịch tốt đôi khi sẽ biến mất khi bạn tập trung chờ đợi một sự thoái lui nhưng cuối cùng nó không xảy ra. Điều này có thể sẽ gây khá nhiều tiếc nuối, nhưng đổi lại nó cũng là một bài kiểm tra khá hiệu quả đối với tâm lý giao dịch của bạn.

Hãy nghĩ một cách tích cực rằng, bỏ lỡ giao dịch không phải điều gì tồi tệ cả, vì thị trường vẫn còn ở đó. Ngược lại, điều tồi tệ chính là giao dịch quá mức, giao dịch thoái lui vô tình lại giúp bạn tránh xa điều tồi tệ này.

  • Sẽ có ít giao dịch hơn:

Ngoài việc bạn sẽ bỏ lỡ những giao dịch không xảy ra sự thoái lui, thì thực sự là cũng có khá ít những thiết lập thoái lui đủ hoàn hảo để có thể vào lệnh. Đôi khi, sự thoái lui chỉ diễn ra một chút và không có tín hiệu nào rõ rệt, nên không mang lại cơ hội giao dịch cho bạn.

Do hai đặc điểm trên, giao dịch thoái lui có thể gây khó chịu vì chờ đợi và nhìn cơ hội bị bỏ lỡ. Nó đòi hỏi tâm lý và sự kỷ luật ở mức rất cao. Tuy nhiên, nếu rèn luyện được sự kỷ luật này, bạn sẽ trở nên rất tuyệt vời so với các nhà giao dịch khác. Giao dịch ít hơn nhưng tỉ lệ thắng sẽ tăng, và lợi nhuận được đảm bảo một cách thường xuyên và đều đặn.

Sự kỷ luật mà bạn có được khi rèn luyện trong giao dịch thoái lui cũng có thể giúp bạn thành công với bất kỳ chiến lược giao dịch nào khác, bởi dù là chiến lược nào thì kỷ luật giao dịch cũng là một trong những điều quan trọng nhất.

4. Giao dịch thoái lui mang lại sự linh hoạt cho các vị trí cắt lỗ

Chúng ta đã nói về ưu điểm của giao dịch thoái lui trong việc cắt lỗ ở phía trên. Tuy nhiên, ở đây mình sẽ nói thêm một chút về vai trò của việc có một điểm cắt lỗ an toàn, vì nó rất quan trọng nếu anh em muốn có một giao dịch thắng.

Việc đặt dừng lỗ không đúng vị trí có thể khiến bạn bị loại khỏi giao dịch sớm, hoặc chịu rủi ro quá lớn. Bằng cách học giao dịch thoái lui, chúng ta vừa có thể vào lệnh có xác suất thắng cao hơn, vừa có được vị trí đặt stop loss an toàn hơn.

  • Rất nhiều nhà giao dịch thường xuyên bị chán nản vì bị cắt lỗ một lệnh mà họ phân tích đúng về mặt kỹ thuật. Do đặt stop loss quá gần, lệnh của họ đã bị dừng lỗ trước khi thị trường đi đúng như dự đoán, lúc này họ không biết làm gì khác ngoài việc ngậm ngùi tiếc nuối.

Việc giao dịch thoái lui sẽ giải quyết được vấn đề này với một điểm cắt lỗ an toàn hơn, khoảng dừng lỗ xa hơn và mang lại cơ hội thắng lớn hơn cho những lệnh giao dịch của anh em.

  • Khi một đợt thoái lui xảy ra, nó cung cấp cho anh em một vị trí cắt lỗ khá an toàn và dễ nhận biết. Bởi đa số các lần thoái lui xảy ra tại kháng cự và hỗ trợ, do đó anh em có thể đặt stop loss cách ngưỡng kháng cự hay hỗ trợ đó một khoảng phù hợp, vừa an toàn vừa có mức rủi ro khá thấp, và cũng thật dễ dàng.

5. 6 tín hiệu giao dịch thoái lui trên thị trường

5.1. Thoái lui không có tín hiệu hành động giá

Trường hợp này giống như ví dụ phía trên của chúng ta, khi giá sau khi thoái lui không mang lại tín hiệu nào rõ ràng để anh em vào lệnh.

Ta sẽ xét thêm một ví dụ khác dưới đây:

Mặc dù không có tín hiệu nào từ đợt thoái lui, nhưng rõ ràng giá đã nhanh chóng bị bán tháo từ sau khi hồi lại. Các nhà giao dịch hoàn toàn có thể có một lệnh giao dịch tiềm năng nếu họ vào lệnh khi giá hồi lại đến vùng kháng cự, tất nhiên là cần đi kèm với một mức cắt lỗ thật chặt chẽ và an toàn.

thoái lui không có tín hiệu price action

Thoái lui về Key level nhưng không có tín hiệu Price action

5.2. Thoái lui cùng với tín hiệu Price Action

Đây là một kịch bản vô cùng an toàn và hiệu quả để giao dịch, dù thực tế nó không quá thường xuyên xảy ra.

Chúng ta sẽ chờ giá phục hồi về các khu vực Key level, sau đó theo dõi tín hiệu từ các mô hình nến hình thành ở đó, và bắt lấy cơ hội vào lệnh với tỉ lệ thắng rất cao. Lời khuyên  dành cho bạn là hãy sử dụng biểu đồ khung ngày để có hiệu quả cao nhất.

thoái lui với tín hiệu price action

Thoái lui kết hợp với tín hiệu Price action là cách giao dịch an toàn và hiệu quả nhất

5.3. Thoái lui về các đường trung bình động

Các đường trung bình động MA cũng là một chỉ báo đáng tin cậy bên cạnh các ngưỡng kháng cự và hỗ trợ, khi mà giá thường có xu hướng quay trở lại test các đường này.

Ví dụ bên dưới sử dụng đường EMA 21, biểu đồ khung ngày. Khi giá quay trở lại mức này, chúng ta sẽ theo dõi chặt chẽ các tín hiệu price action để nắm bắt các điểm vào lệnh tốt nhất.

thoái lui về đường MA

Lưu ý là các đường MA chỉ hoạt động tốt trong thị trường có xu hướng rõ ràng, vì vậy ở trong thị trường side way anh em nên cân nhắc bỏ qua các thiết lập này.

5.4. Phục hồi 50%

Trên thực tế, giá có xu hướng thoái lui khoảng 50% của một động thái lớn trước đó. Đây là hiện tượng đã được thống kê, và bạn cũng có thể thấy nếu nhìn vào bất cứ biểu đồ nào. Nó không xảy ra trong mọi trường hợp, nhưng là khá thường xuyên.

Chúng ta có thể theo dõi sự thoái lui về các khu vực 50% này và chờ đợi tín hiệu để vào lệnh. Mốc 50% là khá chắc chắn để không xảy ra sự phá vỡ, sau đó giá sẽ di chuyển trở lại theo hướng ban đầu và đem lại cơ hội rất lớn cho bạn.

thoái lui về vùng 50%

Giá thường có xu hướng hồi phục 50% trước khi di chuyển tiếp theo xu hướng

5.5. Thoái lui đối với một thanh nến hoặc cụm nến

Các trường hợp trên, chúng ta nói về sự thoái lui trong một khoảng giá nhất định. Nhưng phần này sẽ áp dụng chúng lên một hoặc một vài cây nến, và vẫn áp dụng mức thoái lui 50%.

Thông thường, bạn có thể thấy với một thanh nến có đuôi dài, thì cây nến phía sau nó sẽ thoái lui khoảng một nửa độ dài cây nến đó, mang lại cơ hội vào lệnh ở mức giá tốt hơn, và tỉ lệ lợi nhuận rủi ro tốt hơn cho bạn.

Ví dụ 1: Hãy xem ví dụ về việc đạt tỉ lệ lợi nhuận lên tới 4R bằng cách chờ đợi thoái lui đối với một thanh nến.

thoái lui 50% thân nến

Chờ đợi điểm vào lệnh tại 50% thân nến phía trước sẽ có hiệu quả tốt hơn

Ví dụ 2: Cách đạt lợi nhuận 2R bắng cách chờ đợi thoái lui 50% đối với các mô hình nến.

thoái lui 50% mô hình nến

5.6. Thoái lui trở lại khu vực sự kiện hoặc tín hiệu Price Action trước đó

Khi giá quay trở lại các “khu vực sự kiện” thì đó là các khu vực có xác suất rất cao để tìm kiếm các giao dịch. Ví dụ bên dưới, khi giá quay trở lại khu vực sự kiện nơi hình thành cây Pinbar trước đó, nó đã hình thành một cây pinbar khác và sau đó một đợt giảm mạnh thực sự diễn ra.

thoái lui về vùng sự kiện

Vùng sự kiện là vùng mà trước đó đã xuất hiện những tín hiệu mạnh

6. Kết luận

Hy vọng qua bài viết và các ví dụ, bạn đã hiểu rõ các mức thoái lui của hành động giá và cách áp dụng chúng trong giao dịch. Mặc dù có thể còn nhiều tín hiệu thoái lui khác, nhưng trên đây là tổng hợp những tín hiệu phổ biến nhất

Nguồn Nial Fuller
Tổng hợp bởi wp.vnrebates.io

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.