Giao dịch All-in là hành vi vô cùng nguy hiểm mà một nhà giao dịch thường chỉ thực hiện khi đang không kiểm soát tốt bản thân mình. Ở trạng thái tâm lý bình thường, có thể anh em nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ thực hiện các giao dịch All-in, nhưng anh em không thể biết trước được liệu một ngày nào đó rất có thể mình sẽ làm như vậy khi đang ở trong một trạng thái “bất ổn”.
Vì lý do đó, anh em cần phải biết cách quản lý một giao dịch All-in để có thể sẵn sàng ứng phó nếu lỡ rơi vào trường hợp như vậy.
Tuy nhiên, trước khi tìm hiểu cách quản lý giao dịch All-in, chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận xem nó thực sự là gì nhé.
1. Giao dịch All-in là gì
Giao dịch All-in có thể được hiểu rất đơn giản, là hành động của một nhà giao dịch, hoặc một người chơi cờ bạc tìm cách đạt được lợi nhuận lớn trong một đêm, bằng cách dồn toàn bộ số tiền vốn của mình vào một giao dịch duy nhất.
Anh em có thể bắt gặp rất nhiều những “giao dịch” All-in trong những trận cờ bạc, khi mà người chơi dùng tất cả số vốn còn lại chơi một ván lớn để mong có khoản lợi nhuận khổng lồ, hoặc phổ biến hơn là mong muốn lấy lại những gì đã mất trước đó. Ở Việt Nam, chúng ta còn thường được biết đến hành động All-in với tên gọi “chơi tất tay”.
Nguyên nhân phổ biến để một nhà giao dịch hoặc một con bạc thực hiện một giao dịch All-in thường là do trước đó họ đã phải chịu một chuỗi thua tương đối dài, và họ cần một lần nhận được khoản lợi nhuận lớn để bù đắp lại những gì đã mất.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều lý do khác có thể khiến cho một giao dịch All-in được kích hoạt, ví dụ như sự tự tin sau khi có một chuỗi thắng dài, nghe lời khuyên từ người khác vào một lệnh giao dịch “chắc chắn thắng”, hoặc tự mình cảm thấy giao dịch này không thể thua…
Dù nguyên nhân là gì đi nữa, thì việc thực hiện giao dịch All-in là điều vô cùng nguy hiểm, anh em cần nhanh chóng xử lý nó một cách an toàn nhất và kiểm soát bản thân mình không rơi vào tình huống đó một lần nào nữa.
Xem thêm: Cái khó trong nghề Trading là gì? – Kỳ 4: Kiểm soát chính mình
2. 6 quy tắc quản lý một giao dịch All-in
6 quy tắc này thực chất chính là 6 bước mà anh em cần thực hiện để tự giải thoát mình khỏi một giao dịch All-in nếu như đã lỡ rơi vào tình huống đó. Anh em cần ghi nhớ những việc phải làm, nó chắc chắn không thừa vì chúng ta chẳng thể biết trước được rằng lỡ như trong tương lai sẽ cần sử dụng đến thì sao.
2.1. Bước 1: Hiểu được lý do tại sao chúng ta lại kẹt vào một giao dịch All-in
Có lẽ nhiều người sẽ khi rằng việc này là không cần thiết, vì hiện tại chúng ta đang ở trong giao dịch đó rồi thì việc lật lại quá khứ tìm hiểu nguyên nhân còn có ý nghĩa gì?
Tuy nhiên, thực tế thì điều này là khá quan trọng, bởi vì anh em cần biết mình đã rơi vào hoàn cảnh này như thế nào, từ đó mới biết được cách thoát ra cũng như đảm bảo rằng sẽ không lặp lại sai lầm đó trong tương lai.
Trên thực tế, có 3 tình huống điển hình có thể đưa một nhà giao dịch vào tình huống All-in, đó là các tình huống sau đây:
Tình huống 1: Anh em vào lệnh bằng tất cả số vốn với hy vọng có được một chiến thắng lớn, và giành được khoản lợi nhuận khổng lồ, hay trong tiếng anh chúng ta có một thuật ngữ gọi là Home Run Trade.
Nguyên nhân của tình huống này có thể xuất phát từ việc phải chịu một chuỗi thua dài và muốn gỡ, hoặc đơn giản chỉ là hy vọng kiếm được nhiều tiền một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên anh em cần hiểu rằng không có cách nào để trở nên giàu có nhanh chóng trong thị trường Forex, hay bất cứ thị trường tài chính nào khác. Việc cố gắng tìm kiếm lợi nhuận lớn một cách nhanh chóng chỉ là cách để anh em dâng số tiền mà mình dành dụm được cho các nhà giao dịch kinh nghiệm hơn.
Tình huống 2: Có ai đó nói với anh em rằng, hãy thực hiện giao dịch này đi vì nó không thể thua được.
Việc nhận lời khuyên từ người khác có thể rất dễ khiến cho anh em cảm thấy đó là điều đúng đắn, tại vì anh em không phải chịu trách nhiệm cho kết quả mà có thể đổ lỗi cho người kia.
Nếu như mọi chuyện thật sự diễn ra như mong muốn, thì anh em sẽ cảm thấy rất tuyệt vời với lời khuyên đó. Tuy nhiên, nếu mọi chuyện không được suôn sẻ thì anh em có thể sẽ rất hoảng loạn, tức giận vì không hiểu tại sao mình lại thực hiện giao dịch đó.
Tình huống 3: Trước đó anh em đã cố gắng thực hiện tốt các phương pháp quản lý vốn phù hợp, nhưng kết quả giao dịch vẫn cứ đi xuống.
Đây cũng là một trường hợp xảy ra khá thường xuyên, khi mà một nhà giao dịch đã hết sức nghiêm ngặt trong việc quản lý vốn, nhưng không nhận lại được kết quả tốt. Do đó, anh ta đã buông xuôi các quy tắc quản lý tiền bạc của mình và thực hiện một giao dịch All-in với hy vọng có lợi nhuận cao nhất.
Ngoài 3 tình huống này, có thể còn tồn tại những nguyên nhân khác khiến cho một nhà giao dịch thực hiện những lệnh All-in. Tuy nhiên điều quan trọng ở đây là anh em cần biết được nguyên nhân đó là gì, để tìm cách thoát ra và ngăn cản mình lặp lại hành động này lần thứ hai.
Xem thêm: Áp dụng phương pháp quản lý vốn Kelly một cách hiệu quả
2.2. Bước 2: Chấp nhận rủi ro hoặc thoát lệnh ngay lập tức
Việc đưa ra quyết định lúc nào cũng khó khăn, nhưng anh em phải tự mình thực hiện điều đó. Phải là một quyết định thật sự quyết đoán, cắt lệnh hoặc giữ lệnh. Một quyết định được đưa ra ngay lập tức với sự chắc chắn chứ không phải ngồi đó đắn đo rằng mình có nên đóng lệnh hay không.
Nếu anh em quyết định đóng lệnh, đó là điều tốt nhất vì chúng ta vẫn giữ lại được một chút vốn để làm lại vào ngày mai.
Ngược lại, trong trường hợp anh em lựa chọn giữ lệnh thì sao? Không ai có thể đánh giá được đó là quyết định sai lầm, vì tiền vẫn còn trong tài khoản và vẫn có cơ hội “về bờ”, hoặc thậm chí là có lãi.
Tuy nhiên, việc quyết định giữ lệnh có nghĩa là anh em phải gạt bỏ được nỗi sợ hãi, chắc chắn rằng mình sẵn sàng chấp nhận rủi ro nếu thua lỗ, rằng khoản thua lỗ này sẽ không thể khiến mình suy sụp. Sau đó, hãy để phần còn lại cho thị trường, nhất định đừng ngồi cả ngày để dõi theo từng chuyển động giá và quan sát số tiền của mình biến động theo.
Có một trường hợp như thế này có thể xảy ra, đó là anh em quyết định đóng lệnh nhưng sau đó giá lại đi đúng hướng mà anh em đã kỳ vọng. Lúc này, điều quan trọng là anh em đừng bao giờ nhìn lại. Nếu đã ra quyết định thì hãy để nó trôi qua. Anh em cần nhớ rằng một lệnh thắng lớn vẫn có thể là một giao dịch không tốt nếu nó không đúng với các quy tắc ban đầu.
2.3. Bước 3: Quản lý cảm xúc bản thân
Một giao dịch All-in bắt đầu bằng cảm xúc, do đó việc quản lý cảm xúc là vô cùng quan trọng để kết thúc được nó. Anh em cần giữ cho mình bình tĩnh, không lo lắng, không sợ hãi bất cứ một khoảnh khắc nào, bao gồm cả trong khi lệnh đang chạy và sau khi lệnh đã được đóng.
Xem thêm: Tham lam, sợ hãi, lý trí, cảm xúc& – Bạn có hiểu về tâm lý giao dịch Forex?
2.4. Bước 4: Đặt mục tiêu hợp lý trong trường hợp lệnh có lãi
Nếu ở bước số 2, anh em quyết định giữ lại lệnh và cuối cùng cũng được mỉm cười vì nó có lãi. Tuy nhiên đây chưa phải lúc vui mừng, mà là thời điểm quan trọng để kiếm soát lòng tham.
Khi đã có lãi thì anh em sẽ muốn lãi nhiều hơn nữa, anh em sợ rằng nếu đóng lệnh thì mình sẽ bỏ phí tiền nếu giá tiếp tục dương… Đây là điều vô cùng nguy hiểm, vì chúng ta đều biết giá hoàn toàn có thể quay đầu bất cứ lúc nào, và tài khoản của anh em đang từ màu xanh có thể chuyển ngay sang màu đỏ.
Cách duy nhất để kiểm soát được điều này chính là đặt mục tiêu chốt lời ngay từ đầu. Anh em cần đặt sẵn mức Take Profit, tất nhiên là một mức hợp lý nhất, và tuân thủ nó. Khi giá đạt đến mức đó, lệnh sẽ được đóng lại và anh em hãy để nó lùi vào quá khứ, đừng bao giờ nhìn lại. Hãy tận hưởng khoản lợi nhuận mình vừa có được thay vì tiếp tục quan sát thị trường và tiếc nuối.
2.5. Bước 5: Tạm dừng giao dịch ngay lập tức
Bây giờ, giao dịch All-in của chúng ta đã vừa kết thúc. Dù anh em kết thúc nó ở bước 2 hay ở bước 4 thì đến đây nó cũng đã kết thúc rồi. Vậy việc cần làm lúc này là không làm gì cả. Anh em cần phải tạm dừng tất cả việc giao dịch của mình lại để ổn định lại cảm xúc, tinh thần và đôi khi là cả sức khỏe.
Lý do khác mà anh em cần dừng lại là để nhìn lại sự việc vừa diễn ra, một lần nữa tìm hiểu xem tại sao mình lại thực hiện lệnh giao dịch rủi ro như vậy. Nếu lệnh thua, anh em cần dừng lại để kiểm soát sự tiếc nuối và sự cay cú. Còn nếu thắng, anh em cũng phải dừng lại để kìm hãm sự hưng phấn của mình.
Cả hai trạng thái tiếc nuối và hưng phấn đều có thể dẫn đến những giao dịch qua loa trong những lần tiếp theo, vì vậy anh em cần loại bỏ chúng hoàn toàn trước khi tiếp tục giao dịch. Nếu không nghỉ ngơi và quản lý lại bản thân, tiền sẽ rời khỏi anh em nhanh như cách mà anh em vừa kiếm được vậy.
Tùy thuộc vào quy mô của giao dịch All-in cũng như mức rủi ro vừa gánh chịu mà anh em có thể quyết định xem mình sẽ không trở lại thị trường trong bao lâu. Nếu mọi thứ quá căng thẳng và vượt tầm kiểm soát, có thể anh em cần tới 2-3 tháng để giải tỏa đầu óc của mình. Trong thời gian đó anh em nên thiết lập các biện pháp an toàn hơn để bảo vệ tài khoản của mình khi quay trở lại.
2.6. Bước 6: Thực hiện các biện pháp để bản thân không bao giờ tham gia các giao dịch All-in nào nữa
Bây giờ là lúc anh em cần nhìn lại nguyên nhân đã được xác định ở bước 1, để tìm cách ngăn cản bản thân mình không mắc sai lầm thêm lần nào nữa.
- Nếu anh em ở trong tình huống 1, thì điều cần làm lúc này chính là nghỉ ngơi một thời gian để nghĩ lại về thị trường. Anh em cần ngăn cản được bản thân mình lao vào tìm kiếm những cơ hội đổi đời chỉ bằng một vài giao dịch.
- Nếu gặp vấn đề ở tình huống 2, thì anh em cần kết thúc tất cả những mối liên hệ có thể đem lại những lời khuyên tai hại như thế một lần nữa, ví dụ như hủy các dịch vụ tư vấn đầu tư, ngừng tham gia các diễn đàn giao dịch…
- Nếu ở tình huống 3, đã quản lý vốn nhưng không thấy hiệu quả: anh em cần chấp nhận rằng mỗi cuộc chơi phải có người thắng người thua, và mình đã rơi vào tỷ lệ những người thua cuộc. Tuy nhiên anh em không được nản chí, mà phải xây dựng các chiến lược khác tốt hơn và trở lại với vị thế là người thắng cuộc.
3. Kết luận
Giao dịch All-in rất có thể sẽ đến với anh em ở một thời điểm nào đó, dù cho anh em đã biết rõ sự nguy hiểm tiềm ẩn bên trong. Vì vậy, hãy học cách phòng ngự thật tốt, để sẵn sàng ứng phó ngay lập tức nếu như tình huống đó xảy ra.
Tất nhiên, anh em cũng cần làm mọi cách để phòng tránh nó trước khi nó xảy ra, bằng cách học hỏi kiến thức và trau dồi kinh nghiệm mỗi ngày cùng wp.vnrebates.io, thực hiện các nguyên tắc quản lý vốn một cách kỷ luật và tự biến mình trở nên chuyên nghiệp hơn mỗi ngày, bởi vì các nhà giao dịch chuyên nghiệp sẽ không bao giờ thực hiện các giao dịch All-in như vậy.
Chúc anh em giao dịch an toàn và hiệu quả.